[Phía sau cơn 'sốt' đất ở Quảng Bình] Bài 1: Những thửa ruộng dần biến mất

Nhàđầutư
Chấp thuận chuyển đổi đất nông nghiệp để thực hiện dự án bất động sản có thể giúp tăng thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng hệ luỵ đối với xã hội cũng không hề nhỏ. Đây là bài toán mà lãnh đạo các địa phương cần cân nhắc, xem xét cẩn trọng.
NGỌC TÂN
22, Tháng 04, 2022 | 07:00

Nhàđầutư
Chấp thuận chuyển đổi đất nông nghiệp để thực hiện dự án bất động sản có thể giúp tăng thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng hệ luỵ đối với xã hội cũng không hề nhỏ. Đây là bài toán mà lãnh đạo các địa phương cần cân nhắc, xem xét cẩn trọng.

Các dự án bất động sản được cấp phép đã thúc đẩy một làn sóng đầu tư mới. Đáng chú ý, không ít dự án được thực hiện bằng cách chuyển đổi, lấy đi đất canh tác nông nghiệp, khiến người dân mất đi tư liệu sản xuất lâu dài.

Ruộng lúa thành khu đô thị

Thời gian qua, Quảng Bình là một trong những địa phương tại khu vực miền Trung có nhiều dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, các dự án đấu giá quỹ đất được cấp phép. Để thực hiện các dự án này, tỉnh Quảng Bình tiến hành thu hồi và chuyển đổi nhiều khu vực đất lúa, đất hoa màu, ao hồ, đầm đìa… sang đất phi nông nghiệp.

Đơn cử như tại dự án Khu nhà ở thương mại phía Đông sông Lệ Kỳ thuộc phường Phú Hải, TP. Đồng Hới, ngày 20/5/2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng 76.443,4m2 đất tại phường Phú Hải sang đất phi nông nghiệp để giao cho liên doanh CTCP Xây dựng Việt Phong và Tổng công ty Xây dựng Số 1 tiến hành thực hiện dự án đầu tư. Trong số đó, diện tích đất trồng lúa được tiến hành thu hồi và chuyển đổi là 69.541m2.

dai phong

Một dự án đấu giá quỹ đất tại xã Phong Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ được thực hiện sau khi chuyển đổi đất trồng lúa. Ảnh: Ngọc Tân

Với dự án Dự án Khu nhà ở thương mại phía Tây mương Phóng Thủy, thuộc phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới do CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân làm chủ đầu tư, tại 2 quyết định khác nhau vào ngày 10/7/2020 và ngày 12/8/2020, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã tiến hành chuyển đổi tổng cộng 96.554,9m2 đất tại phường Bắc Lý sang đất phi nông nghiệp. Đồng thời, tiến hành thu hồi và chuyển đổi 32.436m2 đất chuyên trồng lúa nước và 37.639 m2 đất nuôi trồng thủy sản và giao cho nhà đầu tư triển khai dự án (2 đợt).

Tại Dự án Khu đô thị mới tại phường Phú Hải, TP. Đồng Hới, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã chuyển đổi tổng cộng 329.916,9m2 đất sang đất phi nông nghiệp (tại các quyết định số 947/QĐ-UBND ngày 30/3/2020, quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 10/8/2020 và quyết định số 1750/QĐ-UBND ngày 23/5/2019) và giao cho liên danh CTCP SPM.INVEST - CTCP Thương mại và Đầu tư toàn cầu GTC tiến hành thực dự án. Trong số đó, thu hồi và chuyển đổi 99.937,6m2 m2 đất nuôi trồng thủy sản.

Ngoài các dự án khu đô thị, tại các huyện thị trong tỉnh, có rất nhiều dự án đấu giá quỹ đất được địa phương thực hiện bằng cách tiến hành thu hồi một phần không nhỏ diện tích đất trồng lúa của người dân. Đáng chú ý, nhiều dự án được chính quyền các địa phương tiến hành đấu giá khi chưa hoàn thành đầu tư hạ tầng.

mai thuy

Dự án Phát triển quỹ đất tại xã Mai Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình đến nay vẫn chưa thực hiện xong phần san lấp nền. Ảnh: Hải Phát

Tại dự án Phát triển quỹ đất tại xã Mai Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, trong tháng 4/2021, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Lệ Thủy đem ra đấu giá quyền sử dụng đất với tổng cộng 37 lô đất giai đoạn 1 dự án, thanh khoản thành công 37 lô. Tuy vậy cho đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành xong phần đường nội khu, còn các khu vực thuộc phần san lấp nền thì hiện trang vẫn đang là ao nước, ruộng lúa.

Trước đó, trong tháng 3/2020, tại một cuộc họp nhằm tìm phương án tháo gỡ khó cho các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn ra tại Sở Xây dựng, một số chủ đầu tư đã phản ánh vấn đề bất cập này tại các dự án đấu giá quỹ đất.

Lựa chọn đất ruộng để giảm chi phí đầu tư

Trước làn sóng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, những thửa ruộng, hồ tôm dần nhường chỗ cho các dự án mới, người nông dân bất ngờ có thêm một khoản thu nhập từ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ông Trần Hữu Q., một hộ dân tại thôn Đại Phong, xã Phong Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ cho biết, trong tháng 3 vừa qua, hộ gia đình ông đã nhận được hơn 360 triệu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho 3 sào lúa (mỗi sào khoảng 500m2) khi địa phương tiến hành thu hồi đất để làm dự án đấu giá đất. Cũng theo ông Q., trong đợt vừa qua, hộ dân trong thôn nhận được nhiều tiền bồi thường nhất lên đến hơn 600 triệu đồng cho gần 5 sào lúa.

Theo thống kê từ Sở Xây dựng Quảng Bình, ngoài các dự án đấu giá quỹ đất do chính quyền địa phương làm chủ đầu tư, tính từ thời điểm 2017 khi tỉnh Quảng Bình có chủ trương kêu gọi xã hội hóa các dự án nhà ở thương mại - quỹ đất đến đầu năm 2020 - thời điểm Quảng Bình dừng xem xét chủ trương các dự án bất động sản mới, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có tổng cộng 37 dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị được tỉnh phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư. Đáng chú ý, đa phần các dự án được thực hiện tại khu vực vùng ven trung tâm đô thị lớn trong tỉnh như Đồng Hới, Ba Đồn, Hoàn Lão, Kiến Giang…nơi có hiện trạng chủ yếu là đất ruộng lúa.

nam caudai

Để triển khai dự án Khu đô thị Nam Cầu Dài, TP. Đồng Hới, một phần diện tích ao hồ đã được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Tân

Theo các chuyên gia nhận định, việc doanh nghiệp lựa chọn các vị trí đất trồng lúa hiện hữu để đề xuất đầu tư dự án nhằm giảm thiểu thấp nhất chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và thuận lợi hơn trong việc giải tỏa. Tuy vậy, việc thu hồi diện tích lớn đất canh nông nghiệp cũng đã ảnh hưởng đến sinh kế về lâu dài của các hộ dân có đất bị thu hồi.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Bình cho biết, trong các thủ tục liên quan đến việc lấy ý kiến của các sở ngành liên quan đến chủ trương thực hiện dự án khu đô thị, nhà ở thương mại, Sở NN&PTNT luôn nhấn mạnh đến việc quan tâm bảo vệ đất lúa theo các quy định, nghị định của Chính phủ, đặc biệt là đất 2 vụ. Tuy vậy, nhiều dự án được thực hiện theo chủ trương chung của địa phương nên ở góc độ chuyên môn Sở NN&PTNT chỉ dừng lại ở mức độ góp ý.

Cũng theo ông Minh, nếu áp lực đô thị hoá cao và các dự án được thực hiện nhằm đảm bảo nhu cầu đất ở cấp thiết cho người dân thì việc chuyển đổi đất sẽ hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng trên thực tế, tỷ lệ lấp đầy tại các dự án được chuyển đổi từ đất lúa hiện nay trên địa bàn lại chưa đảm bảo.

"Các địa phương liên tục mở ra dự án mới, lại lấp đất lúa, lại san ủi mặt bằng. Nhiều khu đất lúa rất đẹp, năng suất cao nhưng đến khi chuyển đổi làm dự án xong thì các dự án không mấy ai ở, rất lãng phí. Trong khi đó người dân cũng rất cần đất sản xuất", ông Minh cho biết.

Luật Đất đai 2013 quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ đất trồng lúa, có chính sách hỗ trợ những vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; quy định trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa. Cụ thể:.

- Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây:

+ Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên.

+ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa.

- Đối với công tác thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tổ chức kiểm tra, khảo sát thực địa các khu vực dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác.

- Hạn chế về việc nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa:

+ Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

+ Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Bài 2: 'Cuộc đua' của các nhà thầu xây lắp

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ