Phải có cơ chế đủ mạnh để các doanh nghiệp FDI thực hiện tỷ lệ nội địa hóa

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, trong chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sắp tới, cần thiết phải có sự chọn lọc và định hướng dòng vốn này vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản.
MINH TUẤN
26, Tháng 02, 2018 | 13:33

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, trong chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sắp tới, cần thiết phải có sự chọn lọc và định hướng dòng vốn này vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản.

Bui-Quang-Vinh

Ông Bùi Quang Vinh - nguyên Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng, phải có cơ chế đủ mạnh để các doanh nghiệp FDI thực hiện tỷ lệ nội địa hóa 

Thưa ông, chúng ta đang đánh giá tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Từ các góc nhìn khác nhau, các chính khách và chuyên gia kinh tế đã đưa ra các đánh giá về kết quả thu hút FDI. Trong 3 thập kỷ qua, về phần mình, theo ông đâu là những thành quả quan trọng nhất trong 30 năm mở cửa thu hút FDI?

Ông Bùi Quang Vinh: Theo cá nhân tôi, thành quả lớn nhất mà chúng ta đạt được chính là sự thay đổi nhận thức. Điều này tưởng đơn giản nhưng nó lại là khâu đột phá về quan điểm, tư tưởng. Hãy nhớ rằng, trước đó nền kinh tế nước ta khép kín, thành phần kinh tế chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tập thể.

Đảng ta đã nhận ra rằng trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, không thể không mở cửa và từ đó chúng ta đã xây dựng nhiều hệ thống văn bản pháp luật cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong đó có Luật Đầu tư nước ngoài mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Một nền kinh tế mở bao gồm nhiều thành phần kinh tế trong đó có doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thực tế 30 năm qua đã chứng minh đó là một quyết sách sáng suốt, đúng đắn.

Sau 30 năm chúng ta đã thu hút được một lượng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn, kèm với đó là những kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp hiện đại, mở rộng thị trường, tiếp thu công nghệ mới, tạo việc làm, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và tạo sự cạnh tranh để phát triển giữa các doanh nghiệp.

Điều này còn có ý nghĩa hết sức quan trọng khi mà vào những năm cuối của thập niên 90 thế kỷ trước và thời điểm Liên Xô và phe Xã hội chủ nghĩa tan rã, nguồn viện trợ từ các nước XHCN đối với chúng ta không còn. Đây chính là một nguồn lực hết sức có ý nghĩa để kinh tế Việt Nam tiếp tục đứng vững và vượt qua khó khăn giai đoạn đó.

Còn ở chiều ngược lại, điều gì chúng ta chưa đạt được khi mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài?

Ông Bùi Quang Vinh: Bên cạnh những kết quả đạt được là rất cơ bản, rất quan trọng chúng ta cũng thẳng thắn nhận thấy rằng có nhiều mục tiêu đặt ra khi mở của thu hút đầu tư nước ngoài chưa đạt được:

Thứ nhất là chúng ta mong muốn khi thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tạo ra sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân phát triển thông qua sản xuất cung ứng những linh kiện, phụ kiện, các sản phẩm phụ trợ cho sản phẩm chính, tạo ra sự thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển và từng bước tiếp nhận các công nghệ mới, chuyền dần từ liên doanh, hợp tác sản xuất sang làm chủ công nghệ và tự chủ trong sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm Việt Nam. Nhưng rất tiếc là điều này chúng ta chưa làm được, đây là vấn đề căn bản nhất mà chúng ta phải tìm cách khắc phục trong thời gian tới.

Vấn đề thứ hai là vấn đề liên quan đến quản lý và phân cấp. Chúng ta có định hướng rất rõ để chọn lọc các dự án FDI có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, những ngành nghề mà Việt Nam ưu tiên, nhưng thực tế do chúng ta phân cấp mạnh cho các địa phương trong việc thu hút đầu tư nước ngoài nên vì nhiều lý do khác nhau các địa phương đã cho phép nhiều dự án công nghệ không cao, thậm chí là lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường,…

Đây là việc cần rà soát, đánh giá lại quá trình phân cấp trong quản lý thu hút FDI để có cơ chế phù hợp, mục  tiêu là phải đảm bảo có sự kiểm duyệt chặt chẽ, thu hút đúng mục tiêu đặt ra. Không khuyến khích thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá, không sợ dòng đầu tư nước ngoài sụt giảm mà phải cảnh giác việc thu hút không đúng định hướng, gây tác dụng ngược. Đó là hai vấn đề cơ bản nhất cần tìm biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Tới đây theo ông, cần khuyến khích đầu tư FDI vào những lĩnh vực nào?

Ông Bùi Quang Vinh: Đã đến lúc chúng ta phải siết chặt lại những điều kiện, thủ tục về đầu tư nước ngoài để đạt được những mục tiêu đề ra. Phải có chế tài đủ mạnh để các doanh nghiệp FDI phải thực hiện được tỷ lệ nội địa hóa, phải liên doanh với các doanh nghiệp trong nước sản xuất linh kiện, phụ kiện (đưa ra các tiêu chí và biện pháp khuyến khích cũng như chế tài xử phạt). Có quy định những lĩnh vực khuyến khích và hạn chế đầu tư để các địa phương phải tuân thủ, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành tại các địa phương.

Những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư có hiệu quả thì nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước; xem xét các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài cho hợp lý, công bằng để cạnh tranh lành mạnh.

Những lĩnh vực cần khuyến khích thu  hút thời gian tới đó là: Ngành công nghiệp chế tạo với công nghệ hiện đại, công nghệ cao trong lĩnh vực IT; những lĩnh vực mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển; đầu tư vào nông nghiệp mà trọng tâm là công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản.

Về khu vực cần khuyến khích thu hút đầu tư từ các nền kinh tế đối tác có trình độ phát triển cao, sở hữu những công nghệ nguồn như: OECD, Châu Âu, Hoa Kỳ. Đây là những khu vực trong 30 năm qua chưa đầu tư FDI nhiều vào Việt Nam. Hy vọng trong thời gian tới, thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta sẽ có những bước phát triển mới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ