Nông dân “sành điệu” lái ô tô đi thăm rừng

Người đàn ông Võ Văn Xuân, thôn Nam Thai, xã Thái Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) đã mạnh dạn làm giàu bằng cách trồng cây trên đồi đầy đá sỏi, nơi mà chẳng ai mặn mà sử dụng.
NGUYỄN TÂM
22, Tháng 10, 2017 | 09:53

Người đàn ông Võ Văn Xuân, thôn Nam Thai, xã Thái Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) đã mạnh dạn làm giàu bằng cách trồng cây trên đồi đầy đá sỏi, nơi mà chẳng ai mặn mà sử dụng.

15-35-37_nnvn__2-_mot_goc_rung

 Rừng keo tràm đến tuổi khai thác của ông Xuân

Nuôi bò, trồng rừng

Một thời chưa xa, nói đến đất Thái Thủy là ai cũng nghĩ đến những vùng đồi cháy nắng với những bụi sim mua lúp xúp. Thấp thoáng những người dân nghèo đi chặt cây chổi mang về bán dưới cái nắng khét ngày hè.

Hồi đó, ông Xuân đã suy tính đến việc phát triển kinh tế. Thấy đất đồi rộng bao la, ông tính đến việc nuôi bò. Vậy rồi, từ một con, đàn bò của ông tăng trưởng dần lên. Rồi cũng là ông, một nông dân có lẽ là duy nhất vào những năm 80, khăn gói quả cà ra tận Ba Vì mua bò giống về chăn thả với hy vọng phối giống tạo nên đàn bò chất lượng cao hơn.

Những ngày theo đàn bò trên những triền đồi, ông thấy công nhân lâm trường đào hố trồng cây bạch đàn. Thấy công nhân trồng cây, ông khoái lắm, lân la làm quen, mời thuốc. Đến ngày hôm sau, ông mới bạo dạn xin ít cây về trồng. Ban đầu thì họ cho, sau thấy ông xin nhiều quá họ không còn cho thêm nữa. Chẳng sao, ông nhớ lại thuở con nít cứ vậy mà làm. Đến đêm ông lên vùng đồi, tìm đến nơi công nhân trồng rừng trồng, cây trồng trong ngày chưa hết, họ giấu trong bụi. Ông lấy mỗi nơi một ít mang về. “Kể lại thì cũng xấu thật, nhưng lúc đó không làm vậy thì không có cây mà trồng” - ông Xuân chia sẻ.

Nhờ có chút “con nít” ấy mà sản phẩm đầu tay của ông là nửa ha rừng bạch đàn bén đất xanh tốt. Đến năm 1998, có người đánh tiếng mua gỗ bạch đàn. “Lúc đó tôi bán cho ông Sáu ở Huế vạt bạch đàn đó được 10 triệu đồng. Số tiền lúc đó lớn lắm. Đếm tiền run tay chứ chẳng chơi” - ông Xuân nhớ lại.

Có tiền lớn, ông Xuân tranh thủ đi mua gỗ để bán lại. Có chút tiền lãi, ông lại bán thêm con bò thuê người phát cây dại, đào hố trồng rừng. “Lúc đó, đất đồi cả vài ngàn ha không có ai đụng đến làm gì. Cũng chẳng có ai có ý tưởng trồng rừng làm gì. Nhờ vậy mà tui có được diện tích lớn”.

Đến năm 2000, chủ trương giao đất, giao rừng đến với người dân. Tuy nhiên, cũng chẳng có ai mặn mà với việc nhận vài ha đồi sỏi đá về làm gì. Chỉ ông Xuân và nhóm ít người khác nhận đất đồi để trồng rừng.

Diện tích rừng của ông Xuân tăng thêm được bao nhiêu thì đàn bò cũng tăng số lượng đến bấy nhiêu. Lúc đỉnh điểm, ông cùng anh em trong nhà đã có trong tay đàn bò gần 250 con. Ông để dành khoảng 7 ha đất trồng cỏ và nuôi khoảng 60 bò thịt. Khi đàn bò giảm xuống và nhìn tới nhìn lui thì diện tích rừng của gia đình ông đã lên trên con số 70 ha. “Ở đây, diện tích rừng có trên 70 ha thì cũng có nhiều người. Nhưng có rừng từ bàn tay mình khai phá đồi hoang mà nên chỉ có tui thôi” - ông Xuân bộc bạch.  

Đánh ô tô đi thăm rừng

Những cánh rừng nối tiếp của ông Xuân đã được qua năm thứ 4. Dưới tán rừng, ông cho người em trai và bạn bè thả ong đàn lấy mật. “Rừng này là bán được rồi. Nhưng tui cũng chưa cần tiền lắm nên cứ để vậy cho tăng sản lượng. Bây giờ, giá bán trung bình mỗi ha có lãi từ 70-80 triệu đồng” - ông Xuân cho hay.

Cũng theo ông Xuân, số tiền đó là lãi ròng. Nếu chủ rừng không làm gì cả, chỉ ngồi đếm tiền thì được chừng đó. Nếu gia đình có người làm, có thêm máy móc, xe vận chuyển thì thu nhập mỗi ha cũng phải đến 120 triệu đồng.

Rừng nhà ông Xuân có trên 50 ha trồng keo tràm, khoảng 16 ha trồng cao su và diện tích để dành trồng cỏ nuôi bò. Ông tính toán, nếu không có biến động thì cứ luân phiên mỗi năm, gia đình ông bán khoảng 15 ha rừng keo tràm. Cứ chu kỳ 3 năm khai thác một lần rừng của ông cho đều đặn như đồng hồ chạy 15 ha/năm. Và cũng rất đơn giản, cứ mỗi ha cho lãi thấp nhất 70 triệu đồng, ông cũng có thu nhập hơn tỷ đồng mỗi năm từ rừng.

15-35-37_nnvn__3-_ngoi_nh

 Ngôi nhà khang trang của đại gia "phố núi"

Tiền dành dụm, năm ngoái, ông làm ngôi nhà cao tầng như nhà ở phố. Nhà rộng, ông tính thêm định hướng làm ăn. Tầng trệt được bày trí làm nhà hàng ăn uống và kiêm luôn dịch vụ cưới hỏi ở cùng quê sơn cước này. Năm trước, ông bỏ thời gian đi học lái xe. Học xong, ông tậu con xe bán tải mới cáu để đi… thăm rừng cho tiện. Cũng nhờ rừng, ba người con của ông cũng đã học hành đến nơi, đến chốn và có việc làm ổn định.

Sự năng động của ông Xuân không chỉ dừng lại ở nuôi bò và trồng rừng. Ông còn đầu tư mở cây xăng phục vụ cho bà con trên địa bàn. Trước đây, muốn đổ xăng phải đi về tận huyện mới có. Nay ở ngay sát nhà nên bà con thích lắm. Ông Xuân nói: "Nông dân bây giờ phải nắm bắt nhu cầu và thị trường chứ không thể thụ động mãi. Có như vậy thì mới hy vọng làm giàu”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ