Nới lỏng tiền tệ ư? Còn phải chờ xem

Trên thế giới, quyết định giảm lãi suất của ngân hàng trung ương thường được xem như một biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng. Quyết định giảm 0,25% lãi suất điều hành mới đây của NHNN liệu có phải là biện pháp nới lỏng tiền tệ?
PHONG HIẾU
24, Tháng 07, 2017 | 10:09

Trên thế giới, quyết định giảm lãi suất của ngân hàng trung ương thường được xem như một biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng. Quyết định giảm 0,25% lãi suất điều hành mới đây của NHNN liệu có phải là biện pháp nới lỏng tiền tệ?

Noi long tien te

 Nới lỏng tiền tệ, một biện pháp ngắn hạn, về bản chất không phải là một chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 

Mới đây, NHNN đã giảm 0,25% đối với các lãi suất điều hành và giảm 0,5% trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10-7-2017. 

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá quyết định này của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới chỉ phát đi tín hiệu về quan điểm tích cực của cơ quan này đối với lạm phát và tỷ giá chứ chưa thể coi là một hành động nới lỏng tiền tệ.

Tác động không đáng kể đến thị trường tiền tệ

Trước hết hãy nói về mức giảm 0,25% đối với các lãi suất điều hành. Tái cấp vốn và tái chiết khấu đều là nghiệp vụ mà NHNN cho các ngân hàng thương mại (NHTM) vay vốn. Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV, tổng số dư các khoản nợ Chính phủ và NHNN Việt Nam tại 23 NHTM đã công bố báo cáo tài chính quí 1-2017 là 142.000 tỉ đồng, chỉ tương đương 2,46% giá trị tổng tài sản và bằng 3,33% tiền gửi của khách hàng. Thống kê này cho thấy các NHTM hiện không mặn mà lắm với nghiệp vụ tái cấp vốn hay tái chiết khấu do lãi suất khá cao so với việc huy động từ thị trường 2, thậm chí là cả thị trường 1.

Trên thị trường 1, lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn ngắn dưới một tháng đang dao động từ 0,8-1%, lãi suất có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng dao động ở mức 4,5-5,4%. Nếu các ngân hàng vay mượn lẫn nhau, lãi suất qua đêm xoay quanh mức 2%, kỳ hạn một tháng khoảng 3% và kỳ hạn ba tháng khoảng 4%. Sau điều chỉnh, lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,25%, lãi suất tái chiết khấu ở mức 4,25%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ là 7,25%. Như vậy, mặc dù nguồn cung vốn từ NHNN đã rẻ hơn trước nhưng do mức giảm quá nhỏ nên sẽ chưa tạo được sự hấp dẫn cho các NHTM, nghĩa là cung tiền sẽ không tăng thêm hoặc tăng không đáng kể.

Thứ hai, với quyết định giảm 0,5% trần lãi suất cho vay đối với năm lĩnh vực ưu tiên, các khách hàng vay vốn thuộc diện này sẽ được hưởng lợi trực tiếp và ngay tức thì. Tuy nhiên, dư nợ các lĩnh vực ưu tiên cũng chỉ chiếm một phần trong tổng dư nợ tín dụng. Hơn nữa, đối với ngân hàng thì trần lãi suất giảm không phải là một tin tốt bởi nó sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Quyết định cho vay tất nhiên thuộc về ngân hàng, nên nếu trần lãi suất giảm, không loại trừ khả năng các ngân hàng sẽ hạn chế cho vay các lĩnh vực ưu tiên, để dành vốn cho các khách hàng thông thường với biên lợi nhuận cao hơn. Đó chính là lý do mà NHNN không thể giảm sâu trần lãi suất này.

Điểm thứ ba cần nói đến là NHNN tuyên bố vẫn giữ hạn mức tăng trưởng tín dụng chung cả năm khoảng 18% chứ không điều chỉnh cao hơn. Room tín dụng vẫn chưa được nới, đa số ngân hàng vẫn chỉ có thể tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch từ đầu năm. Điều này đưa đến hàm ý cho các ngân hàng phải cơ cấu lại danh mục tín dụng, chọn lọc khách hàng để đạt được lợi nhuận cao hơn, an toàn hơn. Nghĩa là NHNN đang hướng tín dụng tăng trưởng về chất chứ không phải về lượng.

Nếu nới lỏng thực sự, liệu có thúc đẩy tăng trưởng?

Chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thực sự mang tính dài hạn và phải được tạo nên bởi những tiến bộ hay sự gia tăng về năng lực sản xuất. Nới lỏng tiền tệ, một chính sách ngắn hạn, về bản chất không phải là một chính sách thúc đẩy tăng trưởng. Nới lỏng tiền tệ chỉ có thể giúp tăng trưởng GDP tích cực hơn trong điều kiện nền kinh tế đang hoạt động với công suất thấp hơn mức tiềm năng.

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang hoạt động ở mức dưới tiềm năng, nên nếu nới lỏng tiền tệ, GDP sẽ tăng. Nhưng tác động đó cũng chỉ mang tính ngắn hạn. Sau một thời gian tăng trưởng, khi nền kinh tế đã vận hành hết công suất, việc tăng cầu sẽ chỉ dẫn đến lạm phát và sự mất giá của nội tệ. Điều đáng ngại hơn là kỳ vọng của người dân về lạm phát và biến động tỷ giá sẽ luôn đến sớm, ngay khi chính sách nới lỏng vừa mới bắt đầu. Người lao động sẽ đòi hỏi được tăng lương, các doanh nghiệp sẽ chủ động tăng giá bán, lạm phát và tỷ giá sẽ tăng mà không cần chờ đến khi nền kinh tế vận hành hết công suất.

Bài học về nới lỏng tiền tệ ở mức cao vào năm 2007 vẫn còn mới. Giai đoạn đó, NHNN đã mua 10 tỉ đô la Mỹ để tăng dự trữ ngoại hối, đẩy tốc độ tăng cung tiền M2 lên 46% nhưng không cải thiện được nhiều tốc độ tăng trưởng. Ngược lại, lạm phát đã tăng lên 23% vào năm 2008, đến lượt nó quay lại đẩy thị trường tài chính tiền tệ rơi vào trạng thái căng thẳng, các NHTM đã phải nâng lãi suất huy động lên tới mức gần 20%/năm để đảm bảo thanh khoản.

NHNN đang rất thận trọng với lạm phát và tỷ giá

Trong cuộc họp giữa Chính phủ với các địa phương vào đầu tháng 7 này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp tục khẳng định kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá là những mục tiêu ưu tiên của NHNN. Ngay chính mức điều chỉnh lãi suất mang tính “thăm dò” vừa qua cũng cho thấy sự thận trọng của cơ quan này.Thị trường ngoại hối và tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng khá ổn định trong sáu tháng đầu năm nhưng áp lực vẫn còn ở phía trước. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất một lần nữa trong năm 2017 và hai lần vào năm 2018. Chính sách bảo hộ thương mại tăng và chính sách thuế mới của Mỹ có tác động đến thương mại, đầu tư. Trong nước, cầu ngoại tệ chịu sức ép nhập siêu tăng cao (sáu tháng đầu năm 2017 đã nhập siêu 2,7 tỉ đô la Mỹ). Cũng không thể quên xu hướng biến động khó lường của đồng nhân dân tệ (Trung Quốc) và yen (Nhật) sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam.

Lạm phát nửa đầu năm nay ở mức thấp, một phần do yếu tố giá lương thực thực phẩm và giá nhiên liệu xăng dầu giảm. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo lạm phát cả năm 2017 có thể tiếp tục giảm về mức 2,4% từ mức 2,54% trong tháng 6. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý dự báo trên chưa tính đến các “ẩn số”: khả năng điều chỉnh giá các dịch vụ công (giáo dục, y tế), điều chỉnh giá điện, áp lực từ tỷ giá và biến động của giá cả hàng hóa trên thế giới.

Ngoài áp lực từ lạm phát và tỷ giá, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cũng phải nhìn đến các hệ lụy xa hơn đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa mới cảnh báo việc Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao sẽ ngày càng làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế vào hệ thống ngân hàng vốn chưa khỏe mạnh, đồng thời làm tăng rủi ro về chất lượng tài sản, nhất là trong điều kiện nợ xấu trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để.

Từ phát tín hiệu đến một chính sách nới lỏng tiền tệ thực sự trong điều kiện hiện nay sẽ phải được NHNN cân nhắc kỹ. Các yếu tố rủi ro trong nước lẫn thế giới vẫn đang hiện hữu và có thể xảy bất cứ lúc nào, đẩy lạm phát và tỷ giá tăng trở lại. Nới lỏng tiền tệ thực sự có được thực hiện hay không, nếu nới lỏng thì ở mức độ nào, câu trả lời vẫn phải chờ diễn biến của hai chỉ tiêu trên.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ