Những vụ lấp sông làm dự án đầy tai tiếng

Nhàđầutư
Trước phản ứng kịch liệt của dư luận, các dự án này đã phải tạm dừng việc thi công, xây dựng. Phần diện tích lấp sông hiện chỉ còn là bãi đất hoang, bỏ phí.
HÀ MY
20, Tháng 04, 2019 | 11:35

Nhàđầutư
Trước phản ứng kịch liệt của dư luận, các dự án này đã phải tạm dừng việc thi công, xây dựng. Phần diện tích lấp sông hiện chỉ còn là bãi đất hoang, bỏ phí.

Dự án Marina Complex lấn sông Hàn

cau-thuan-phuoc-1555577378964357463198-15555804481061679449328

Vị trí lấn sông của dự án Marina Complex gây lo ngại đến sự an toàn của cầu treo dây võng Thuận Phước - Ảnh chụp từ Google Earth

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) được UBND TP phê duyệt sơ đồ ranh giới từ năm 2009, diện tích dự án 175.012m2, trong đó diện tích sử dụng đất phần đất liền: 105.520m2, diện tích sử dụng đất phần mặt nước: 69.492m2, giao Tập đoàn VinaCapital nghiên cứu dự án. Sau đó, Tập đoàn VinaCapital đã chuyển nhượng cổ phần của Công ty TNHH Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện.

Qua các lần điều chỉnh quy hoạch thì tổng diện tích dự án điều chỉnh giảm còn 117.311m2, trong đó diện tích đất phần đất liền: 107.311m2, diện tích phần đất mặt nước, cầu tàu giảm từ 63.003m2 còn 10.000m2; Ranh giới mặt nước cách luồng tàu chạy (do Cảng vụ Đà Nẵng quản lý) tăng từ 30m lên 60-200m hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông đường thủy; Tăng diện tích công viên, cây xanh từ 7.065m2 thành 24.415m2.

Ngoài ra, khu vực bờ sông điều chỉnh từ 13 khối tháp cao tầng còn hai khối tháp (từ 16 - 33 tầng) và 57 căn biệt thự; duy trì lối đi công cộng ven sông rộng 8 m.

Từ năm 2016, người dân Đà Nẵng đã gửi phản ánh trên hệ thống chính quyền điện tử thành phố, với lo lắng dự án đổ đất lấn sông ở vị trí cửa sông Hàn sẽ gây ảnh hưởng đến dòng chảy, đặc biệt là mùa mưa lũ. Sở Xây dựng sau đó có văn bản trả lời, khẳng định không ảnh hưởng.

Hiện phần dự án bất động sản lấn sông Hàn, TP.Đà Nẵng đã thi công san lấp mặt bằng, kè bao, đang thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, điện...

Nhìn từ cầu Thuận Phước, có thể nhận thấy phần đất đổ lấn sông khá rộng khiến người dân lo lắng dự án có thể gây ảnh hưởng dòng chảy của sông Hàn, nhất là vào mùa mưa lũ…

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long - phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam - bày tỏ lo ngại dự án Marina Complex lấn sông Hàn làm khu đô thị sẽ ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của cầu treo dây võng Thuận Phước.

Từ góc độ của một người làm chuyên môn về hạ tầng giao thông, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long bày tỏ lo ngại trụ tháp và mố neo cầu Thuận Phước phía phường Nại Hiên Đông dễ bị tác động xấu bởi sự thay đổi dòng chảy của sông Hàn.

Theo giải thích của tiến sĩ, trong kết cấu cầu treo dây võng, mố neo có thể nói là hạng mục quan trọng bậc nhất vì là nơi neo dây cáp để giữ ổn định và cân bằng cho các sợi dây cáp võng. Do đó phải đánh giá, tính toán được sau khi lấn sông thì độ xói ở mố neo và trụ tháp thay đổi làm ảnh hưởng tới khả năng chịu lực của 2 kết cấu này như thế nào.

Ngoài tính toán theo mô hình vật lý còn phải quan trắc thay đổi chiều sâu hố xói của mố neo, trụ tháp trước và sau khi có phần đất lấn sông, nhất là trong mùa lũ. Nếu kết quả tính toán, kết luận có ảnh hưởng thì phải có biện pháp xử lý để không ảnh hưởng đến trụ tháp và mố neo.

Mới đây, như Nhadautu.vn đưa tin, ngày 19/4, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo tạm dừng dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) để kiểm tra, rà soát tính pháp lý của dự án.

Dự án lấp sông Tiền xây công viên 10 ha

lan-song-1568-1509368978-5304-1509455949

Diện tích lấn sông của công trình gần 7 ha. Ảnh: Lê Huyền

Dự án lấn sông làm công viên trái cây rộng gần 10 ha, được triển khai tại huyện Cái Bè, Tiền Giang, do UBND tỉnh Tiền Giang cấp phép năm 2016. Trong đó, bờ kè dài 800 m, phần lấn sông rộng gần 7 ha, vị trí xa nhất cách bờ 160 m, ước tính tổng lượng cát để san lấp khoảng trên 430.000 tấn.

Công trình chính 54.000 m2 gồm công viên, vườn cây trồng xoài cát Hòa Lộc, cam xoàn, ổi, bưởi long Cổ Cò, phần còn lại là công viên cây xanh, khu thương mại dịch vụ, bãi đỗ xe…

Tổng chi phí dự án khoảng 350 tỷ đồng, bao gồm xây dựng bờ kè 60 tỷ, san lấp mặt bằng 100 tỷ từ ngân sách nhà nước, 50% còn lại kêu gọi đầu tư.

Ông Nguyễn Hoàng Thảo - Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Cái Bè, chủ đầu tư dự án - cho biết, sau khoảng nửa năm thi công, dự án xong phần kè bêtông, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành phần san lấp mặt bằng.

Theo ông Thảo, vị trí xây dựng công trình trước đây là bãi bồi nên khá cạn, lòng sông đoạn rộng nhất khoảng 2 km, trong khi đó phần công trình tính từ bờ ra chỉ 160 m. Hơn 10 hộ dân nằm trong dự án đã được thông báo giải tỏa di dời.

Trước đó, khu vực này từng được quy hoạch làm Dự án hạ tầng khu dân cư, thương mại - dịch vụ cặp sông Tiền khoảng 9 ha, do UBND huyện Cái Bè làm chủ đầu tư. Năm 2016, UBND Tiền Giang có văn bản điều chỉnh, đổi tên thành Dự án công viên trái cây huyện Cái Bè.

Tuy nhiên không chỉ người dân, nhiều chuyên gia lo ngại dự án sẽ làm thay đổi dòng chảy, làm tình trạng sạt lở tăng lên. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long - khẳng định việc lấn sông Tiền chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy.

Dự án nằm ngay khu vực lõm của đoạn sông cong, nên chính công trình này cũng phải gánh chịu áp lực sạt lở chứ không chỉ cù lao Tân Phong. Khi công trình hình thành sẽ gia tăng áp lực phía bên kia bờ của vàm sông Cái Bè (nằm phía hạ lưu sông Tiền), có thể làm tăng sạt lở vị trí này.

Ngày 1/11/2017, Bộ TN&MT đã có công văn hỏa tốc do Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc ký, đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo chủ đầu tư tạm dừng thực hiện việc thi công, xây dựng dự án Công viên trái cây huyện Cái Bè (đa phần diện tích lấn sông Tiền). Điều này theo công văn của Bộ TN&MT là để đảm bảo tính khách quan và khoa học và đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc đầu tư, xây dựng của dự án.

Bộ TN&MT cũng yêu cầu tiến hành rà soát lại công tác đánh giá tác động môi trường, nhất là đánh giá tác động của dự án tới thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt lở lòng, bờ bãi sông theo quy định. Đồng thời rà soát lại việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường và tài nguyên nước.

Dự án lấn sông Đồng Nai

anh-2-1500730430_r_680x0

Dự án có quy mô 8,4 ha (84.000 m2), nằm dọc theo sông Đồng Nai, trong đó diện tích lấn sông lên tới hơn 7,7 ha

Dự án lấn sông Đồng Nai có tên gọi chính thức là "Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" do Công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư được sự phê duyệt của UBND tỉnh Đồng Nai; tuy nhiên các hạng mục chủ yếu là xây dựng khu đô thị. 

Dự án có quy mô 8,4 ha (84.000 m2), nằm dọc theo sông Đồng Nai, trong đó diện tích lấn sông lên tới hơn 7,7 ha, chỉ có hơn 0,6 ha là đất hiện hữu.

Dự án kéo dài hơn 1,3 km từ Công viên Nguyễn Văn Trị (đối diện UBND tỉnh Đồng Nai) đến cầu Rạch Cát (phường Quyết Thắng) và lấn ra sông đoạn hẹp nhất là 30 m, còn đoạn rộng nhất là 100 m. Dự án này triển khai trong chín năm gồm ba giai đoạn với tổng vốn đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng.

anh-13-1500730454_r_680x0

Dự án lấn sông Đồng Nai có tên gọi chính thức là "Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" do Công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư

Dự án khởi công tháng 9/2014, sau 6 tháng thi công và đã lấp lấn ra sông gần như toàn bộ diện tích theo dự kiến thì phải dừng vì vấp phải phản ứng kịch liệt của dư luận. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã đổ đất đá xuống sông đến hơn 90%.

Tháng 7/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ TN&MT chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ NN&PTNT, GTVT, Xây dựng để đánh giá cụ thể các tác động của dự án đến sông Đồng Nai.

Tại buổi họp báo của UBND tỉnh Đồng Nai chiều 31/7/2018, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thường cho biết, sau khi tạm dừng việc thực hiện dự án, Phó Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ TN&MT chủ trì đề xuất, chỉ định việc đánh giá tác động môi trường và giao cho tỉnh Đồng Nai. Sau đó UBND tỉnh Đồng Nai có giao cho Sở TN&MT làm chủ đầu tư việc đánh giá tác động môi trường này.

Tuy nhiên, đã 4 năm trôi qua dự án đã dần đi vào quên lãng. Từ khi đoạn sông bị lấp, những quán cà phê, những căn nhà lấy sông làm mặt tiền tuyệt đẹp thuở nào giờ hoặc hoang hóa, hoặc "quay lưng"- đổi mặt tiền đi hướng khác. Thậm chí, khu vực này được một số người nhanh nhạy kinh doanh tìm cách tận dụng, khai thác để kiếm lợi.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ