Nhìn lại chứng khoán năm 2021: Năm của những kỷ lục

Nhàđầutư
2021 là năm đáng nhớ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhadautu.vn điểm lại những sự kiện nổi bật năm qua trong lĩnh vực chứng khoán.
HỮU BẬT
27, Tháng 12, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
2021 là năm đáng nhớ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhadautu.vn điểm lại những sự kiện nổi bật năm qua trong lĩnh vực chứng khoán.

NDT - CK nam 2021 lien tuc vuot dinh

Ảnh: Internet.

100 ngày giải cứu "nghẽn lệnh" HOSE

Cuối quý IV/2020, hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thường xuyên diễn ra tình trạng đơ, nghẽn lệnh. Thậm chí, có những thời điểm bảng lệnh hiển thị sai khiến nhà đầu tư không thể giao dịch mua bán chứng khoán. Thời điểm đó, thanh khoản của HOSE thường duy trì ở khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng. Các nhà đầu tư chỉ thực hiện được giao dịch trong buổi sáng, vì chỉ khoảng 14h chiều là hệ thống quá tải, không nhận lệnh.

Nguyên nhân khiến HOSE bị “tắc” là do lượng lớn nhà đầu tư mới gia nhập đã đẩy thanh khoản thị trường tăng vọt. Năng lực xử lý của sàn HoSE thời điểm đó là tối đa 900.000 lệnh mỗi phiên. Tuy nhiên, việc sửa hoặc hủy lệnh đã chiếm 1/3 trong tổng năng lực xử lý này, khiến chỉ còn 600.000 lệnh được khớp thực tế.

Tình trạng nghẽn lệnh kéo dài không chỉ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, quyền lợi của nhà đầu tư mà còn là đòn giáng đến uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế.

Đầu tháng 3/2021, tại sự kiện "Đối thoại 2045" diễn ra ở TP HCM, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT và bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch HĐQT VietJet Air đã đề xuất với Chính phủ để doanh nghiệp tài trợ kinh phí và xử lý lỗi kỹ thuật ở HoSE.

Đúng mốc hẹn 3 tháng sau khi chính thức nhập cuộc xử lý nghẽn lệnh, ngày 5/7, Tập đoàn FPT hoàn thành lời hứa, triển khai thành công hệ thống mới khi nâng số lượng giao dịch trong một ngày lên đến 3-5 triệu lệnh, gấp 3 lần hệ thống cũ.

Hệ thống giao dịch mới của HOSE do FPT xử lý chính thức vận hành, chấm dứt giai đoạn nghẽn lệnh đã kéo dài hơn nửa năm. Đây cũng là nền tảng quan trọng để TTCK liên tiếp lập nhiều kỷ lục trong năm 2021.  

VN-Index lên đỉnh cao lịch sử mới, thanh khoản, dư nợ margin lập kỷ lục

Chốt phiên 25/11, VN-Index đạt mức cao nhất 1.500,8 điểm trong lịch sử, tương đương tăng gần 36% so với cuối năm 2020. Không chỉ VN-Index, HNX-Index cũng vượt đỉnh lịch sử được thiết lập vào 19/3/2007 (459,36 điểm) và leo lên mức cao nhất 468,73 điểm tại ngày 18/11/2021.

TTCK Việt Nam lập đỉnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Dù vậy, với những chính sách quyết liệt, kịp thời, Việt Nam vẫn kiên cường thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Do đó, TTCK Việt Nam đã liên tục tăng trưởng, được đánh giá là một trong những thị trường có sức chống chịu với đại dịch COVID-19 và phục hồi tốt nhất trên thế giới.

Đi cùng với đó, thanh khoản HOSE cũng gây ấn tượng với nhiều phiên duy trì ở mức 30.000 tỷ đồng, ngang với nhiều TTCK phát triển trong khu vực. Tính bình quân, thanh khoản HOSE cả năm 2021 đạt khoảng 21.900 tỷ đồng/phiên, tăng 254% so với năm 2020.

Xét theo tháng giao dịch, thanh khoản HOSE tháng 11 đạt kỷ lục với GTGD đạt 32.479 tỷ đồng, tăng 46,71% so với tháng 10. Trong đó, phiên 19/11 đạt kỷ lục với giá trị giao dịch 44.473 tỷ đồng, khối lượng giao dịch 1,48 tỷ cổ phiếu.

Tính chung trên cả 3 sàn, thanh khoản lập kỷ lục ở phiên 3/11 với giá trị khớp lệnh trên 52.000 tỷ đồng. Ước tính vào cuối quý III/2021, dư nợ margin của 60 công ty chứng khoán đạt kỷ lục 154.000 tỷ đồng. Giới chuyên gia nhận định dư nợ margin được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi các nhà đầu tư "F0" ồ ạt vào thị trường, cùng với các CTCK đẩy mạnh tăng vốn.

Một kỷ lục nữa cũng được thiết lập trong năm 2021 về thanh khoản là trên thị trường chứng khoán phái sinh. Bên cạnh sự sôi động từ thị trường cơ sở, thị trường chứng khoán phái sinh cũng lập kỷ lục về giá trị giao dịch bình quân với 26.553 tỷ đồng/phiên, tăng 107% so với năm 2020. Bên cạnh đó, khối lượng hợp đồng mở (OI) cũng lập kỷ lục 61.090 hợp đồng tại phiên 14/1/2021.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu vượt 100% GDP

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng quy mô thị trường đến ngày 30/9/2021 đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP với 2.133 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch.

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế. Mục tiêu cụ thể là quy mô thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP (đã điều chỉnh) vào năm 2025, đạt 110% GDP vào năm 2030. Số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% năm 2030.

Số lượng nhà đầu tư mới mở tài khoản chứng khoán lập kỷ lục

Theo thống kê từ VSD, trong riêng tháng 11/2021, có 221.314 tài khoản chứng khoán mở mới, là mức cao kỷ lục, gần bằng 2 tháng trước đó cộng lại và còn lớn hơn cả năm 2019.

Đây cũng là con số cao nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường, bỏ xa kỷ lục cũ 140.193 tài khoản được thiết lập vào tháng 6/2021, và là tháng thứ 9 liên tiếp số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng và là tháng đầu tiên có trên 200.000 tài khoản được mở mới.

Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 220.602 tài khoản, nâng tổng số tài khoản lên hơn 4 triệu. Cùng với đó, tổ chức trong nước cũng ghi nhận kỷ lục mở mới 215 tài khoản tháng vừa qua. 

Về phía khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân mở mới 473 tài khoản, cao nhất kể từ tháng 5. Các tổ chức nước ngoài mở 24 tài khoản mới trong tháng 11.

Lũy kế đến ngày 30/11/2021, Việt Nam ghi nhận có có 4.083.325 tài khoản giao dịch chứng khoán, tăng hơn 1,3 triệu so với cuối năm 2020. 

Việc nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây có nhiều yếu tố như: Lãi suất huy động đang ở mức thấp; Kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại; Nền kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh sau đại dịch; Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực....

Nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn hóa tỷ USD

Theo thống kê từ TradingView, chốt phiên 24/12, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 52 doanh nghiệp có vốn hoá vượt 1 tỷ USD. Đây là mức kỷ lục về số lượng doanh nghiệp niêm yết đạt vốn hoá tỷ USD trong 21 năm hoạt động của thị trường chứng khoán. 

Tính đến hết phiên 24/12, các doanh nghiệp đứng đầu về vốn hóa gồm Vietcombank (371.503 tỷ đồng), Vinhomes (360.977 tỷ đồng), VinGroup (352.654 tỷ đồng), Tập đoàn Hòa Phát (205.978 tỷ đồng), Masan (201.871 tỷ đồng), GAS (183.165 tỷ đồng), Vinamilk (179.736 tỷ đồng), ACV (177.857 tỷ đồng), BIDV (177.049 tỷ đồng), Techcombank (171.684 tỷ đồng)...

Ra mắt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam

Sáng ngày 11/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) đã chính thức ra mắt, qua đó đánh dấu cột mốc phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tại buổi lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ra đời sẽ thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường. Đặc biệt, sẽ góp phần tăng quy mô, vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư trong nước và ngoài nước.

VNX có trụ sở chính đặt tại Hà Nội, vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, được tổ chức theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình mẹ - con dựa trên sự sắp xếp lại HNX và HoSE.

Quy mô tăng vốn của doanh nghiệp niêm yết cao kỷ lục

Sự tích cực của TTCK trong năm qua là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp niêm yết tận dụng để phát hành cổ phần tăng vốn.

Theo ước tính từ các công ty chứng khoán, phát hành thêm cổ phiếu, tăng huy động vốn năm qua lên đến 102.600 tỷ đồng – con số cao kỷ lục từ trước đến nay.

Ở khía cạnh tích cực, điều này cho thấy TTCK đã khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy vậy, ở góc nhìn ngược lại, nguồn cung với khối lượng rất lớn đã phần nào gây áp lực lên giá cổ phiếu.

Khối ngoại bán ròng hơn 60.000 tỷ đồng

Tính từ đầu năm đến nay (phiên 24/12), khối ngoại đã bán ròng khoảng 58.000 tỷ đồng. Đây là con số kỷ lục về lượng bán ròng của nhà đầu tư ngoại từ trước đến nay, gấp gần 4 lần lượng bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2020 (15.214 tỷ đồng). 

Đà bán ròng của khối ngoại tại thị trường Việt Nam cùng nằm trong xu thế rút ròng của khối ngoại diễn ra khắp các thị trường châu Á như Hàn Quốc (-25,6 tỷ USD), Đài Loan (-18,4 tỷ USD), Thái Lan (-2,3 tỷ USD), Philippines (-1,7 tỷ USD), ngoại trừ thị trường Ấn Độ (+5,5 tỷ USD) và Indonesia (+2,6 tỷ USD).

Trao đổi với báo giới, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN nhận định, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng do một số yếu tố tác động như đại dịch COVID-19, và đặc biệt là việc hiện thực hoá lợi nhuận trong danh mục đầu tư đã giải ngân vào giai đoạn 2019-2020, sau khi thị giá cổ phiếu tăng cao để chờ đợi các cơ hội đầu tư mới. 

Dù vậy, ông cũng thông tin cho biết, NĐTNN rút ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng có xu hướng mua trái phiếu và giữ lại tiền mặt đề chờ đợi cơ hội. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ trọng tiền mặt trong tổng giá trị danh mục của NĐTNN vẫn tương đối ổn định ở mức cao từ đầu năm đến nay. 

Ở góc độ khác, dù NĐTNN có rút vốn ra khỏi Việt Nam, nhưng giá trị rút vốn lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay chỉ chiếm 0,8% tổng giá trị danh mục của NĐTNN và thấp hơn giá trị bán ròng của NĐTNN trên TTCK. Điều này cho thấy hoạt động bán ròng của NĐTNN phần nào để tái cơ cấu danh mục, không phải hoàn toàn để rút vốn. 

Ông Trần Văn Dũng nhìn nhận, Việt Nam đang nắm trong tay nhiều lợi thế để có thể thu hút dòng vốn ngoại trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể được kiểm soát tốt trong thời gian tới.  

Cụ thể, đó là môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh đã và đang được cải thiện đáng kể. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ năm 2021 giúp môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và hoàn thiện hơn. Trong lĩnh vực chứng khoán, nhiều quy định mới liên quan đến nâng chuẩn hàng hoá trên TTCK, tăng cường công bố thông tin, nâng cao điều kiện về phát hành, niêm yết chứng khoán, quản trị công ty … giúp thị trường phát triển bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT tốt hơn, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp.  

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ