Nhà máy hơn 3.000 ngàn tỷ 'bán không ai mua, cho không ai lấy'

Nhàđầutư
Với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, Nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân từng thực hiện sứ mệnh “giấc mơ thép” của Việt Nam hiện đang “chết dần, chết mòn” bên bờ vịnh Cửa Lục (Quảng Ninh) và đang rơi vào tình trạng "bán không ai mua, cho không ai lấy".
NGUYỄN HOÀNG
24, Tháng 07, 2017 | 07:00

Nhàđầutư
Với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, Nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân từng thực hiện sứ mệnh “giấc mơ thép” của Việt Nam hiện đang “chết dần, chết mòn” bên bờ vịnh Cửa Lục (Quảng Ninh) và đang rơi vào tình trạng "bán không ai mua, cho không ai lấy".

nha-may-3000-ty-dap-chieu-nha-dau-tu-1722

Với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân từng thực hiện sứ mệnh “giấc mơ thép” của Việt Nam đang “chết dần, chết mòn” bên bờ vịnh Cửa Lục - Quảng Ninh (Ảnh: Nguyễn Hoàng) 

Nhà máy ngàn tỷ đắp chiếu

Cụm nhà máy Điện - Thép được Tập đoàn Vinashin khởi công xây dựng vào năm 2003 với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay ngân hàng. Cụm nhà máy này được xem như “con át chủ bài” trong ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam. Được khởi công xây dựng từ năm 2003, Nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân được xây dựng trên diện tích 15 ha với 16 nghìn tấn thiết bị, máy móc hiện đại được nhập từ nước ngoài.

Vào thời điểm 6/2010, khi Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân Vinashin đi vào hoàn thiện và ra tấn thép đầu tiên, ngành đóng tàu trong cả nước kỳ vọng sẽ có nguồn cung ứng thép tấm khổ lớn thay thế nhập khẩu để phục vụ đóng những con tàu biển có tải trọng hàng vạn tấn. Nhà máy có công suất 1 triệu tấn thành phẩm/năm và có thể sản xuất ra các tấm thép có độ dày từ 5mm đến 50mm, rộng từ 1,6m đến 3m; dài từ 6m đến 18m...

“Hoành tráng hay công nghệ hiện đại đến đâu thì bây giờ cũng chỉ để ngắm, mà càng ngắm càng thấy xót. Cả một nhà máy cán thép vào dạng bậc nhất thế này nhưng không thể hoạt động được, máy móc thiết bị hết ngâm nước rồi lại phơi nắng, nó đang chết dần trước mắt anh em chúng tôi”, ông Nhữ Văn Quyên, bảo vệ nhà máy nói. Được biết, sau mẻ thép chạy thử đầu tiên, Tập đoàn Vinashin rơi vào “vòng đáo tụng đình” và cũng từ đó đến nay nhà máy này hoàn toàn tắt ngúm. Từ 250 công nhân làm việc, giờ chỉ còn vài người bảo vệ.

Hàng loạt các bài toán đã được đặt ra từ rất lâu để giải cứu Công ty thép Cái Lân, nhưng đến nay vẫn hoàn toàn rơi vào bế tắc. Theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT chỉ đạo thì Công ty thép Cái Lân thuộc diện đơn vị nằm trong nhóm: Giải thể, phá sản, bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa…

Với các phương án chuyển nhượng và cổ phần hóa, khó khăn cơ bản cũng giống như phương án bán. Việc kêu gọi cổ phần hóa cho một đơn vị chưa thể hoạt động là điều vô cùng khó khăn, gần như chẳng có đối tác nào lại đầu tư tiền để mua cổ phần của một đơn vị chưa có khả năng tạo ra lợi nhuận.

Cốt lõi của vấn đề ở chỗ, hiện nay giá tôn cán nóng trên thị trường rất thấp, chủ yếu do nguồn tôn giá rẻ từ Trung Quốc nên khó có người nào lại mạo hiểm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để mua lại nhà máy rồi sau đó vận hành trong điều kiện kinh doanh bán hàng chưa chắc đã có lãi. Việc bán, chuyển nhượng thậm chí cho không cũng là những phương án “bất khả thi” đối với nhà máy này.

Sau hơn 7 năm, kỳ vọng của Nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân đã trở thành nỗi thất vọng cho những ai từng đặt chân đến đây. 16 nghìn tấn thiết bị, máy móc hiện đại đang trở thành một đống phế liệu khổng lồ, hệ thống nhà xưởng ngày càng xuống cấp trầm trọng. Liệu có còn lối thoát tối ưu cho khối tài sản hàng ngàn tỷ đồng nữa hay không đang là một câu hỏi lớn chưa có lời giải.

nha-may-3.000-ty-quang-ninh-nha-dau-tu

16 nghìn tấn thiết bị, máy móc hiện đại đang trở thành một đống phế liệu khổng lồ, hệ thống nhà xưởng ngày càng xuống cấp trầm trọng (Ảnh: Nguyễn Hoàng)

Nỗi đau điện - thép

Nằm cách khu phế tích thép không xa là Nhà máy Điện diesel Cái Lân, gồm 6 tổ máy với công suất 6,5 MW/tổ máy, có mục tiêu phục vụ sản xuất cho Nhà máy Thép. Điện Cái Lân thậm chí còn nguội lò đốt từ cuối năm 2009, trước khi thép ra được mẻ sản phẩm đầu tiên.

Tình trạng tại Nhà máy Điện diesel Cái Lân có giá trị quyết toán gần 1.000 tỷ đồng. Chính thức vận hành từ tháng 4/2007, nhưng do Nhà máy Thép chưa hoạt động, nên toàn bộ sản lượng điện được phát lên lưới điện quốc gia. Trong quá trình hoạt động liên tục xảy ra hỏng hóc, thiếu phụ tùng thay thế, nên Nhà máy phải lần lượt “moi” thiết bị của các tổ máy M2, M3, M6 để gán vào các tổ máy M1, M4, M5.

Sau 2 năm hoạt động cầm chừng, đến năm 2009, nhà máy điện chính thức ngừng hoạt động vì lý do khó khăn về vốn lưu động. Nhưng thực tế máy móc, thiết bị của nhà máy điện này được mua lại từ một nhà máy điện cũ của Trung Quốc vào những năm 70. Máy móc thiết bị cũ kỹ, hỏng hóc và sản lượng điện sản xuất chỉ được 1/2 công suất nên khó phục vụ cho nhà máy cán thép và cụm công nghiệp.

Vào lúc đấy, toàn bộ nhà máy chỉ còn trông chờ vào trạm biến áp 110 KW, mua điện từ Tập đoàn EVN rồi phân phối cho các nhà xưởng. Sống gắng gượng, èo uột được 2 năm, đến năm 2012, một cơn bão lớn đổ bộ, quật bay nhiều mái nhà xưởng và làm hư hỏng các thiết bị, từ đó trạm biến áp này cũng tắt điện vì không đủ chi phí. Mãi đến năm 2014, nhà máy mới lợp lại được mái nhờ tiền cho thuê nhà kho. Đã có thời gian dài, nhà máy phải chịu cảnh không điện, không nước do không trả nổi tiền điện sáng và nước sinh hoạt cho nhân viên bảo vệ.

nha-may-3000-ty-chet-khong-chon-o-quang-ninh-nha-dau-tu-1717

Nhà máy 3.000 tỷ bán không ai mua, cho không ai lấy (Ảnh: Nguyễn Hoàng) 

Hiện, nhiều nhà xưởng của nhà máy đều được khóa chặt, gỉ sét bám chặt trên các ổ khóa, cỏ dại mọc cao gấp đôi đầu người, không khác gì một khu nhà bị bỏ hoang. Chưa có các báo cáo về thiệt hại của nhà máy nhưng để thanh lý đống tài sản này quả là một điều không thể thực hiện. Chưa kể đến các thiết bị máy móc được cho là thuộc vào hạng “cổ lỗ sĩ” từ thế kỷ trước và được thiên nhiên “bảo quản” trong thời gian dài.

Sau đại án Vinashin được đưa ra xét xử, các đoàn công tác của SBIC, Bộ GTVT đến đây tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn thưa dần, mặc cho cụm công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu từng được kỳ vọng là góp phần xây dựng một mũi nhọn công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu Việt Nam bị rơi vào cảnh hoang tàn, mục nát.

Nhà máy hàng ngàn tỷ đồng đang xuống cấp trầm trọng, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra lối thoát. Tiền thuê đất của cụm nhà máy này đến thời điểm hiện tại đã nợ lên đến hàng chục tỷ đồng. Dư luận đòi hỏi cơ quan chủ quản cùng các bộ, ngành liên quan có phương án giải quyết thích hợp, tránh tình trạng lãng phí, gây tổn thất cho nguồn vốn đầu tư của nhà nước. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ