Ngân hàng Phát triển Việt Nam thua lỗ nặng, do đâu?

Nhàđầutư
Nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ như miễn nộp thuế, được đảm bảo khả năng thanh toán..., nhưng Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vẫn khiến dư luận không khỏi bất ngờ khi kết quả kinh doanh thua lỗ nặng.
HÓA KHOA
18, Tháng 10, 2019 | 10:50

Nhàđầutư
Nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ như miễn nộp thuế, được đảm bảo khả năng thanh toán..., nhưng Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vẫn khiến dư luận không khỏi bất ngờ khi kết quả kinh doanh thua lỗ nặng.

nhadautu - ngan hang VDB dang lam an ra sao

 

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được thành lập vào ngày 19/5/2006, theo quyết định số 108/2006/QĐ-TTg. VDB hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ. Thời gian hoạt động 99 năm.

Quyết định số 1515/QĐ-TTg năm 2015 về điều lệ tổ chức và hoạt động của VDB đã nhấn mạnh, Ngân hàng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách của Nhà nước. Ngoài ra, VDB được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước. Thậm chí, VDB còn được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% và không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

VDB có vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng, tương đương nằm trong top 6 các ngân hàng có nguồn vốn lớn (đứng sau: Vietinbank, Vietcombank, Techcombank, BIDV, Agribank). Bên cạnh đó, VDB cũng nhận dòng tín dụng lớn khi đứng ra phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định pháp luật, nhận tiền gửi ủy thác của tổ chức trong nước và nước ngoài, cho vay theo chính sách tín dụng của Nhà nước, cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ, nhận ủy thác huy động vốn, ủy thác cho vay theo quy định của pháp luật,….

Với những lợi thế như trên, dư luận không khỏi băn khoăn trước sức khỏe kinh doanh của Ngân hàng này.

Nghị định số 81/2015/NĐ-CP đã nêu, VDB (thuộc diện các doanh nghiệp nhà nước) định kỳ phải công bố thông tin, báo cáo tài chính, tình hình hoạt động để đảm bảo tính công khai minh bạch.

Theo đó, trên trang chủ, VDB đã công bố các báo cáo thường niên (2007-2016).

VDB ket qua hoat dong chua phan phoi

 

Cụ thể, VDB trong 4 năm gần nhất liên tục báo lỗ. Thực trạng sức khỏe tài chính của VDB sau đó dần trở thành ẩn số khi ngân hàng không công bố các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, 2018 và bán niên 2019 theo quy định. Dù vậy, một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa qua cho thấy tình trạng tài chính ở VDB rất xấu, bất chấp đã nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ.  

VDB tong tai san va du no tin dung

 

VDB co cau tin dung

 

Cụ thể, kiểm toán VDB cho thấy, hoạt động tín dụng thời gian qua của VDB gặp rất nhiều khó khăn, kết quả chênh lệch thu chi năm 2018 của VDB -866,5 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2018 là 4.873,1 tỷ đồng; nợ xấu tại 31/12/2018 là 46.116,6 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng dư nợ, trong khi đó việc trích lập dự phòng rủi ro chỉ là 5.790,1 tỷ đồng, bằng 12,5% tổng nợ xấu... tiềm ẩn rủi ro lớn trong tổ chức hoạt động; hiện nay số liệu bù chênh lệch lãi suất mà Ngân sách Nhà nước phải cấp bù cho VDB tại thời điểm 31/12/2018 rất lớn 13.496,3 tỷ đồng.  

Ngoài ra, VDB khi hoạt động để lại nhiều hệ lụy, sai phạm. Vừa qua, KTNN đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật qua kết quả kiểm toán tại VDB.   

Cụ thể, KTNN cho rằng, CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa Công ty mẹ và Công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng nhằm đảo nợ các khoản vay sử dụng cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 342,7 tỷ đồng. Công ty không minh bạch trong việc sử dụng vốn vay, không phối hợp với ngân hàng trong việc kiểm tra hàng hóa hình thành từ vốn vay.

Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra, Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn để được giải ngân và sử dụng vốn vay cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 32 tỷ đồng (Công ty đã ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay). Sở Giao dịch 1 - Ngân hàng Phát triển Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với khách hàng.

Trước đó, tại thông báo số 199/TB-TTCP ngày 20/2/2019 về Kết luận thanh tra Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Giang thép Thái Nguyên (TISCO), Thanh tra Chính phủ chỉ rõ VDB – chi nhánh Thái Nguyên giải ngân hơn 757 tỷ đồng cho các nhà thầu trái quy định.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính theo thẩm quyền chỉ đạo, kiểm điểm xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân tại VDB, VDB chi nhánh Thái Nguyên có khuyết điểm, nêu tại kết luận thanh tra.

Kinh doanh thua lỗ nặng, đã vậy còn gánh thêm khoản nợ xấu hàng chục ngàn tỷ đồng, VDB đã trở thành “quả tạ” của Nhà nước. Bởi nếu ngân hàng không thể trả được khối nợ xấu nêu trên, Nhà nước sẽ phải đứng ra gánh (do theo quy định VDB được nhà nước cấp bù lãi suất, bảo lãnh thanh toán và chỉ thay mặt Chính phủ đứng ra giải ngân).

Nhiều chuyên gia lo ngại, hậu quả để lại không chỉ là thất thoát ngân sách, mà còn gây thêm sức ép lên nợ công khi một nguồn vốn không nhỏ tại VDB là vốn vay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ