Mỹ có khả năng vỡ nợ vì nợ công hay không?

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ lại một lần nữa mắc kẹt trong tình trạng bấp bênh trước vấn đề hạn mức nợ quốc gia, tức là mức giới hạn đối với khoản tiền mà chính phủ Hoa Kỳ có thể vay.
HOÀNG AN
08, Tháng 10, 2021 | 06:25

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ lại một lần nữa mắc kẹt trong tình trạng bấp bênh trước vấn đề hạn mức nợ quốc gia, tức là mức giới hạn đối với khoản tiền mà chính phủ Hoa Kỳ có thể vay.

Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen hồi tuần trước cảnh báo Quốc hội rằng Hoa Kỳ sẽ đạt tới ngưỡng kịch trần vào ngày 18/10, tức là chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần nữa.

Phe Cộng hòa đang thách thức phe Dân chủ xử lý vấn đề này một mình, còn phe Dân chủ nói phe kia đang hành động đầy khinh suất.

Vấn đề nợ trần đang khiến người ta lo sợ về nguy cơ vỡ nợ đối với khoản nợ quốc gia.

QHMy_gettyimages

Các nhà lập pháp của Mỹ còn rất ít thời gian để thông qua một trần mới cho nợ công. Ảnh Getty Images

Khó có khả năng xảy ra tình trạng vỡ nợ, và trong lịch sử Hoa Kỳ thì điều đó chưa từng xảy ra, nhưng nếu có, nó sẽ tạo ra những thảm họa cho Hoa Kỳ và nền kinh tế toàn cầu.

Những bế tắc trong vấn đề hạn mức nợ không phải là điều gì mới mẻ trong nền chính trị Hoa Kỳ, nhưng vào lúc nền kinh tế còn chưa phục hồi từ đại dịch Covid-19, thì việc có tâm lý hoảng hốt trong các thị trường tài chính vào lúc hạn chót đang đến gần là điều dễ hiểu.

Hạn mức vay nợ là gì?

Chính phủ Hoa Kỳ chi tiêu nhiều hơn so với khoản thu được từ tiền thuế, do đó phải vay mượn để bù đắp cho khoản thiếu hụt.

Việc vay mượn thực hiện thông qua Bộ Ngân khố Hoa Kỳ (US Treasury), với việc phát hành trái phiếu. Trái phiếu chính phủ Mỹ được coi là những khoản đầu tư an toàn nhất, đáng tin cậy nhất.

Vào năm 1939, Quốc hội đã thiết lập tổng hạn mức, tức là 'mức hạn trần', mà chính phủ có thể vay từ mọi khoản cộng lại tối đa là bao nhiêu.

Mức hạn trần đã được dỡ bỏ hơn 100 lần, nhằm cho phép chính phủ được đi vay thêm.

Quốc hội thường hành động dựa trên sự nhất trí của cả hai đảng chính trị ở Hoa Kỳ về vấn đề này, và chuyện nâng hạn mức vay nợ hiếm khi là điều gây đối đầu chính trị.

Tuy nhiên, vào lúc đất nước đã có sự chia rẽ đảng phái rất sâu sắc thì các nhà lập pháp đã sử dụng việc biểu quyết về hạn mức vay nợ để gây tác động tới các vấn đề khác.

Trong cuộc đối đầu hồi năm 2013, là lần cuối cùng Hoa Kỳ rơi vào nguy cơ vượt quá mức vay nợ, đảng Cộng hoà đã chặn đường đối với các kế hoạch chi tiêu của Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu hạn mức vay nợ không được nâng lên?

Lần đầu tiên trong lịch sử, vào thời điểm trong nửa cuối tháng 10, Hoa Kỳ có thể sẽ vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ - khoản hiện đang ở mức 28 nghìn tỷ USD.

Obama_gettyimages

Hồi năm 2013, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama cũng đã phải rất vất vả để thương lượng với phe Cộng Hòa để nâng trần vay nợ công cho Chính phủ Mỹ. Ảnh Getty Images

Việc đó, nếu xảy ra, sẽ gây trì hoãn, hoặc cần phải có sự điều chỉnh chi trả đối với mọi chương trình hiện hành của chính phủ, đồng thời làm ảnh hưởng tới ngân khoản liên bang dành cho các tiểu bang riêng lẻ.

Một báo cáo của tập đoàn Goldman Sachs ước tính Bộ Ngân khố Hoa Kỳ có thể cần phải tạm ngừng hơn 40% các khoản chi trả và các khoản hỗ trợ tài chính dự kiến dành cho các hộ gia đình tại Mỹ.

Lầu Năm Góc ra thông cáo hôm thứ Tư, quan ngại rằng nhân viên của Bộ Quốc phòng cũng có thể không được trả lương đầy đủ, đúng hạn.

Việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán cũng có thể gây ra việc tăng lãi suất và huỷ hoại uy tín tín dụng của Hoa Kỳ, khiến Mỹ trở thành một nơi đắt đỏ hơn để sống, và làm tổn hại nền kinh tế. Nó cũng có thể gây ra những hỗn loại cho thị trường chứng khoán.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Wall Street Journal hồi tháng trước, Bộ trưởng Yellen cảnh báo rằng một 'cuộc khủng hoảng tài chính lịch sử' có thể sẽ khiến Hoa Kỳ 'trở nên suy yếu dài lâu' nếu như hạn mức vay nợ không được nâng lên.

Việc không nâng hạn mức nợ lên hoặc không tạm dừng chi tiêu cũng sẽ đe dọa tới sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, vốn đã chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng trăm năm mới xảy ra một lần.

Các nhà đầu tư trên toàn cầu có thể sẽ bán sạch các tài sản Mỹ mà họ nắm giữ và không còn tin tưởng vào đồng đô la Mỹ, vốn đã đóng vai trò tiền tệ dự trữ của thế giới từ nhiều thập kỷ nay.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi chấm dứt "tình trạng bên bờ vực phản tác dụng" trong vấn đề hạn mức vay nợ. Tổ chức này cũng gợi ý rằng hạn mức cần phải được thay thế bằng một cơ chế tài chính khác.

Quan điểm của phe Dân chủ

Hôm thứ Hai, Tổng thống Joe Biden lên án điều mà ông gọi là 'sự phản đối có tính ngụy biện, nguy hiểm và đáng xấu hổ' của phe Cộng hòa.

Ông Biden nói rằng điều đó giống như việc chơi trò may rủi 'roullette Nga' đối với nền kinh tế.

Tại Thượng viện, phe Dân chủ nắm 50 ghế, nhưng để thông qua được một biện pháp trong vấn đề hạn mức vay nợ mà không thay đổi các quy định của Thượng viện, họ sẽ cần có thêm ít nhất 10 phiếu thuận từ các thượng nghị sỹ Cộng hòa.

Phe Dân chủ đã chỉ ra rằng việc nâng hạn mức vay nợ chính là để trang trải cho những nghĩa vụ đang có chứ không phải cho các nghĩa vụ mới, và rằng các chính sách của ông Biden chỉ góp 3% vào các khoản nợ đã có sẵn.

Họ cũng lưu ý rằng trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm ông Biden là Tổng thống Donald Trump, phe Dân chủ đã cùng các các nghị sĩ Cộng hòa nâng hạn mức vay nợ ba lần.

Quan điểm của phe Cộng hòa

Các thượng nghị sĩ Cộng hòa nói rằng việc nâng hạn mức vay nợ là trách nhiệm của riêng phe Dân chủ, bởi phe đó nắm quyền tại Nhà Trắng và cả ở lưỡng viện Quốc hội.

Họ tức giận về những đề án chi tiêu mới phe Dân chủ đang tìm cách đưa ra mà không cần tới sự ủng hộ của phe Cộng Hòa bằng cách áp dụng một biện pháp mang tính thủ tục, được gọi là "cân đối ngân sách".

Lãnh đạo phe Thiểu số Mitch McConnell đăng trên Twitter hồi tháng trước rằng đảng của ông "sẽ không tạo điều kiện cho một cuộc đánh thuế và chi tiêu thiếu thận trọng nữa" của đảng kia.

Ông McConnell và các lãnh đạo khác của đảng tỏ ý rằng nếu như đảng Dân chủ có thể sử dụng biện pháp cân đối để đạt các mục tiêu chính sách kinh tế, thì họ cũng có thể sử dụng biện pháp đó đối với vấn đề nâng hạn mức vay.

Phe Dân chủ đã bày tỏ quan ngại về việc sử dụng biện pháp cân đối, và nói rằng đó là cách làm quá phức tạp và tốn thời gian.

Cho đến nay, cả hai nỗ lực biểu quyết về hạn mức vay nợ đều đã thất bại tại Thượng viện, và hạn chót mà bà Yellen đưa ra đang nhanh chóng tới gần.

(Theo BBC)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ