Môi trường kinh doanh và tăng trưởng kinh tế

Nhàđầutư
Quý I/2018 tiếp diễn đà tăng trưởng kinh tế của năm 2017 với GDP tăng 7,38%, cao nhất quý I của 10 năm gần đây (từ 2009 đến 2017, GDP quý I tăng thấp nhất là 3,14% và cao nhất 6,03%). Tình hình kinh tế quý I gợi ra cho chúng ta nhiều điều cần trao đổi.
GS-TSKH NGUYỄN MẠI
01, Tháng 05, 2018 | 10:21

Nhàđầutư
Quý I/2018 tiếp diễn đà tăng trưởng kinh tế của năm 2017 với GDP tăng 7,38%, cao nhất quý I của 10 năm gần đây (từ 2009 đến 2017, GDP quý I tăng thấp nhất là 3,14% và cao nhất 6,03%). Tình hình kinh tế quý I gợi ra cho chúng ta nhiều điều cần trao đổi.

Samsung-Bac-Ninh

 Quý I/2018 tiếp diễn đà tăng trưởng kinh tế của năm 2017 với GDP tăng 7,38%, cao nhất quý I của 10 năm gần đây

Môi trường kinh doanh

Tầm quan trọng của môi trường kinh doanh đối với thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế của quốc gia và từng địa phương là vấn đề đã được khẳng định. Những tiến bộ về cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm gần đây, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về vấn đề này là nhân tố chủ yếu của tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% với việc hoàn thành và vượt mức 13 chỉ tiêu chủ yếu năm 2017 và của quý I/2018.

Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business Report 2018) của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: Việt Nam thuộc nhóm nước cải thiên liên tục môi trường kinh doanh trong những năm vừa qua; đã đạt được tiến bộ cả 11 tiêu chí; đạt 67,93/100 điểm, xếp hạng 68/127 nước. Một số yếu tố như tiếp cận điện năng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, tiếp cận tín dụng đã tăng thứ bậc khá cao. Ví dụ chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đạt 75/100 điểm, cao hơn trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (57/100 điểm), xếp thứ hạng 29/ 190 quốc gia được khảo sát; đứng sau Malaysia (thứ 20), đứng trên Indonesia (thứ 55), Lào (thứ 77), Philippines (thứ 142). Đó là tín hiệu tích cực.

Tuy vậy, có những cách tiếp cận khác nhau về môi trường kinh doanh. Bà Catherine Masinde, Trưởng ban Kinh doanh- kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư của WB tại nước ta cho rằng, trong khi Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh thì các nước khác cũng thực hiện, trong đó những quốc gia dẫn đầu với điểm số rất cao, do đó có một số chỉ tiêu mặc dù điểm số của Việt Nam tăng lên nhưng thứ bậc không thay đổi, thậm chí còn giảm. Giống như trong cuộc chạy ma-ra-ton nếu anh không tăng tốc độ đủ lớn thì khó vượt được người chạy trước.

Đồng tình với cách tiếp cận đó, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Trung ương nhấn mạnh, cần phải “cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh” mới đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp và người dân hướng đến nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng.

Cách tiếp cận của Tổng thống Joko Widodo còn mạnh mẽ hơn. Ông cho rằng, một nước đông dân và giàu tiềm năng như Indonesia nếu chỉ được xếp hạng trên 50 là vấn đề quốc thể. Ông ra lệnh phải cải thiện toàn diện và nhanh chóng môi trường kinh doanh để đạt thứ hạng dưới 50; đích thân Tổng thống trực tiếp chỉ đạo việc thẩm định đối với những dự án đầu tư từ 76 triệu USD, tạo việc làm cho 300 lao động. Do đó, chỉ trong vòng hai năm môi trường kinh doanh của nước này đã khá hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong nước và quốc tế, trở thành nước thu hút FDI nhiều nhất ASEAN, nhất là từ Mỹ và Châu Âu.

Việt Nam cần tận dụng lợi thế của nước công nghiệp hóa đi sau, nhất là lợi thế về thông tin để tránh vết xe đổ của những nước đi trước, lựa chọn phương thức hành động có hiệu quả hơn nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng kỳ vọng với chất  lượng và hiệu quả ngày càng cao mới mong xích gần và đuổi kịp trình độ phát triển kinh tế của các nước phát triển.

Tăng trưởng kinh tế 2018

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018: 6,7% với điều kiện phải thực hiện kiên trì các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 và 6,8% với lực đẩy từ công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tốt.

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao cho biết, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vượt 7% trong năm 2018, với động lực là tăng trưởng xuất khẩu nhanh, tăng tiêu dùng nội địa, và hoạt động đầu tư mạnh mẽ từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; lạm phát được dự báo khoảng 3,5% do mức giá lương thực và chi phí vận tải trong nước tương đối ổn định. Ông nhấn mạnh: "Điều quan trọng là cần tiếp tục tiến hành cải tổ cơ cấu để nâng cao năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng cần được tăng cường bằng việc xử lý nợ xấu và thắt chặt giám sát. Hoạt động thoái vốn doanh nghiệp nhà nước cần được đẩy nhanh, song song với tăng cường quản trị doanh nghiệp”.

Tăng trưởng kinh tế của ba quý còn lại của năm 2018 phụ thuộc vào điều kiện khách quan như tình hình chính trị và thị trường thế giới; liệu có xảy ra cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới; biến đổi khí hậu và thiên tai ở nước ta; do vậy mọi dự báo chỉ có tính tham khảo.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhân định rằng, cho đến nay chúng ta đã nhận biết khá rõ ràng về những nhân tố nâng cao chất lượng và gia tăng tốc độ tăng trưởng như đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng giải pháp cơ bản là tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng hướng vào chất lượng và hiệu quả. Dư địa để tăng trưởng năm 2018 cao hơn năm 2017 còn khá nhiều, vấn đề là phải tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn để khai thác có hiệu quả nội lực và ngoại lực.

Nguồn lực trong nước ngày càng trở thành động lực quan trọng đối với tăng trưởng chính là kinh tế tư nhân đã được gia tăng cả về số lượng và chất  lượng trong năm 2017 và quý I/2018, cần được tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi  nhất để ra đời và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ bằng thể chế để doanh nghiệp vừa và nhỏ tích lũy vốn, mở rộng kinh doanh, nâng cao nhanh chóng quy mô; để hình thành các tập đoàn kinh tế lớn có tầm cỡ khu vực.

Nguồn lực trong nước đang chiếm tỷ trọng lớn nhưng kinh doanh kém hiệu quả là doanh nghiệp nhà nước, cần đẩy nhanh giải pháp đã tỏ ra hữu hiệu là cổ phần hóa, để nhà nước “không bán bia, bán sữa”, vừa thu hồi được một lượng vốn lớn, vừa cải tổ quản trị doanh nghiệp, kinh doanh có lãi, góp phần vào tăng trưởng.

Nguồn lực bên ngoài là tận dụng cơ hội của các FTA thế hệ mới mà nước ta đã và sắp tham gia để mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút ngày càng nhiều tập đoàn kinh tế công nghệ cao, dịch vụ hiện đại để nước ta trở thành cứ điểm sản xuất không chỉ một số mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trên thị trường thế giới như smartphone, mobiphone của Samsung, mà nhiều sản phẩm mà Việt Nam đang có lợi thế so sánh, từ đó doanh nghiệp trong nước tham gia ngày càng có hiệu quả hơn chuỗi giá trị toàn cầu.

Đảng và Nhà nước đã có chủ  trương và hệ thống giải pháp đối với ba vấn đề trên đây; chất lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 phụ thuộc vào việc thực hiện chủ trương đó.

Vai trò người đứng đầu

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: của công cuộc cải cách trong đó có môi trường kinh doanh đang ở vào tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “nơi nóng, nơi lạnh”, “nóng lạnh không đều” (!). Điều đó lý giải vì sao Chính phủ và đích thân Thủ tướng Chính phủ quyết liệt trong ban hành nghị quyết và chỉ đạo thực hiện nhưng chuyển biến không đồng đều giữa các bộ, ngành ở trung ương, giữa các địa phương, thậm chí có nơi “án binh bất động”; cũng vì thế nhiều mô hình, điển hình tốt về quản lý nhà nước ở các ngành và lĩnh vực không được nhân lên, triển khai rộng khắp cả nước.

Vì sao vậy (?). Câu trả lời đã rõ: vai trò và trách nhiệm người đứng đầu từng tổ chức, cơ quan. Đáng tiếc là mặc dù đã chỉ ra được đó là nguyên nhân chính của tình trạng  nhiều chủ trương của Đảng và Nhà nước không được triển khai thực hiện, hoặc làm chiếu lệ không có kết quả như mong đợi; hơn thế nữa nhiều vị đứng đầu một số tập đoàn kinh tế quốc doanh, ngân hàng thương mại, bộ, ngành, địa phương đã tận dụng chức quyền để tham nhũng, hối lộ, đề bạt người thân vào vị trí lãnh đạo đã bị xử lý kỷ luật, đối diện với án tù.

Cải thiện môi trường kinh doanh là cuộc đấu tranh giữa những người cải cách và nhóm người bảo thủ, muốn giữ lại quyền và lợi ích trong việc duy trì thủ tục hành chính của “cơ chế xin- cho”; nếu vẫn kéo dài tình trạng nhùng nhằng hiện nay thì khó mà tạo ra được đột phá để Việt Nam đứng trong tốp đầu của các nước ASEAN, đáp ứng được đòi hỏi của việc thực thi các FTA thế hệ mới.

Đã có kiến nghị rất đúng rằng Chính phủ không nên kêu gọi những người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, mà thông qua kiểm tra, giám sát bao gồm cả giám sát của cộng đồng doanh nghiệp và dân cư, để đánh giá chính xác việc thực thi chức trách của họ, khen thưởng và kỷ luật kịp thời, thay thế những người không hoàn thành chức trách bằng những nhân tố mới.

Cũng cần sửa đổi, bổ sung Luật công chức theo hướng quy định trách nhiệm, quyền hạn của từng vị trí công tác, định kỳ và đột xuất kiểm tra việc thực thi công vụ để đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, thực hiện Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ