'Luật pháp, thủ tục rõ ràng sẽ thuyết phục doanh nghiệp Mỹ đầu tư dài hạn'

Nhàđầutư
Một môi trường đầu tư cởi mở, có thể dự đoán được sẽ giúp Việt Nam thuyết phục các doanh nghiệp Mỹ đầu tư dài hạn, thay vì tới các thị trường mới nổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hay những nơi gần nước Mỹ hơn.
KIM NGÂN
09, Tháng 09, 2023 | 13:30

Nhàđầutư
Một môi trường đầu tư cởi mở, có thể dự đoán được sẽ giúp Việt Nam thuyết phục các doanh nghiệp Mỹ đầu tư dài hạn, thay vì tới các thị trường mới nổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hay những nơi gần nước Mỹ hơn.

Ông Eric Johnson, cố vấn cấp cao của công ty luật Freshfields Bruckhaus Deringer, bình luận như vậy trong cuộc phỏng vấn với Nhadautu.vn nhân chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước ngày 10-11/9 của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ông Eric Johnson, cố vấn cấp cao của công ty luật Freshfields Bruckhaus Deringer.

Ông Eric Johnson, cố vấn cấp cao của công ty luật Freshfields Bruckhaus Deringer.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hồi tháng 7 nhấn mạnh những lĩnh vực Việt Nam và Hoa Kỳ có thể thúc đẩy quan hệ như tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, chuỗi cung ứng. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng nói ông muốn thấy những “đại bàng” Mỹ đầu tư nhiều hơn vào năng lượng xanh, kinh tế số, chăm sóc y tế và sản xuất chip. Các nhà đầu tư Mỹ có quan tâm nhiều đến những lĩnh vực này không, thưa ông?

Ông Eric Johnson: Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tài chính Mỹ tiếp tục quan tâm rất lớn đến nhiều lĩnh vực ở Việt Nam. Những năm gần đây, một số công ty lớn của Mỹ và các nhà cung cấp đã chuyển một phần chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nếu Chính phủ Việt Nam có thể hành động nhiều hơn để nâng cao khả năng dự đoán và tính hiệu quả, như phát triển năng lượng, cơ sở hạ tầng quan trọng, hay đơn giản hóa thủ tục thuế và hải quan, doanh nghiệp Mỹ sẽ càng muốn đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng của họ.

Cần lưu ý rằng Chính phủ Mỹ có rất ít hoặc không có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào quốc gia khác (trừ trường hợp dùng luật ngăn cản, mà Việt Nam không ở trong tình huống này).

Điều này có nghĩa là lợi thế thuộc về Việt Nam. Nếu tiếp tục xây dựng một môi trường đầu tư cởi mở và có thể dự đoán được, nơi luật pháp và thủ tục pháp lý rõ ràng, Việt Nam sẽ thuyết phục được các doanh nghiệp Mỹ đầu tư dài hạn, thay vì tới các thị trường mới nổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hay những nơi gần nước Mỹ hơn.

Trong lĩnh vực năng lượng xanh, các nhà đầu tư muốn Chính phủ Việt Nam sớm phê duyệt kế hoạch thí điểm hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA). Đây có phải là vấn đề cốt yếu không, và có trở ngại nào khác nữa?

Ông Eric Johnson: Thật không may, có nhiều trở ngại khác. Quy hoạch điện 8 (PDP8) hiển nhiên đã thu hút sự quan tâm mới từ các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Mỹ, những người rất muốn tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm, ví dụ thay đổi một số luật để thực hiện các nội dung của PDP8.

Ngoài ra, vấn đề thiếu loại hợp đồng mua bán điện (PPA) giúp cho việc vay vốn khả thi nếu không được giải quyết sẽ tiếp tục là trở ngại lớn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tôi thực sự muốn thấy chính phủ hành động nhanh hơn và nắm bắt cơ hội, có một cơ hội rất lớn mà Việt Nam cần tận dụng.

Mở rộng chuỗi cung ứng, trong đó có chip, là ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng mục tiêu của chính quyền Tổng thống Biden. Ông đánh giá thế nào về cơ hội cho các nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực này?

Ông Eric Johnson: Nhiều công ty Mỹ nhìn thấy những cơ hội lớn ở Việt Nam quanh vấn đề chuỗi cung ứng, trong đó có sản xuất với giá trị gia tăng cao như sản xuất chip, lĩnh vực mà chính phủ Việt Nam khuyến khích.

Trong khi chính quyền Biden đã có một số hành động nhất định có thể ngăn cản đầu tư Mỹ vào các lĩnh vực nhạy cảm ở Trung Quốc như chip và điện toán lượng tử, các nhà đầu tư Mỹ sẽ chỉ đầu tư vào một quốc gia khác nếu họ cảm thấy thoải mái với môi trường pháp lý, môi trường đầu tư ở quốc gia đó, đặc biệt khi đang có các lựa chọn khác.

Ted Osius, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và hiện là Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, nói hội đồng chưa bao giờ bận rộn đến thế do các nhà đầu tư Mỹ có nhu cầu rất lớn tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. luật sư, nhà tư vấn cho đầu tư, ông có thấy sự quan tâm đang tăng lên đến mức đó không?

Ông Eric Johnson: Tôi làm việc ở Việt Nam được 7 năm. Có thể nói chúng tôi khá bận rộn với các dự án đầu tư mới sau thời gian đầu 2023 tương đối trầm lặng. Chúng tôi đang bận rộn hơn so với trước. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khách hàng đến với chúng tôi ở giai đoạn sau, trong quá trình đầu tư, vì vậy sự quan tâm đến Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN nên được coi là chỉ số đo đếm hàng đầu.

Sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với Việt Nam là cơ hội rất lớn cần tận dụng. Nhưng phải tạo ra một môi trường đầu tư có thể dự đoán được để tăng niềm tin, thay vì gây thêm lo lắng về rủi ro. Tôi rất vui khi biết cựu Đại sứ Osius đang bận rộn.

Yếu tố nào giúp Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ và điều gì khiến họ khó chịu nhất khi làm ăn tại đây?

Ông Eric Johnson: Việt Nam có những yếu tố nền tảng rất tốt - dân số trẻ, nhanh nhậy về kỹ thuật số; tầng lớp trung lưu đang mở rộng; lực lượng lao động chăm chỉ, có học vấn; chính phủ có chính sách nhất quán ủng hộ đầu tư nước ngoài và nhiều yếu tố khác.

Việt Nam cũng đang ở thế thuận lợi nắm bắt các cơ hội từ những thay đổi địa chính trị gần đây trên thế giới. Ngoài ra, hầu hết các doanh nhân đến từ Mỹ, trong đó có tôi, rất ấn tượng trước “năng lượng” cho khởi nghiệp ở mức cao của Việt Nam.

Thủ tục hành chính khó lường và nạn quan liêu là những điều khiến nhà đầu tư khó chịu. Hầu hết các nhà đầu tư đều hiểu rằng các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, năng lượng sẽ phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt của cơ quan quản lý, như ở tất cả các quốc gia khác. Tuy nhiên, cách thức giải quyết tính phức tạp của một số thủ tục thường không rõ ràng và điều này gây bất an và chậm trễ.

Hầu hết các nhà đầu tư đều sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để có sự chấp thuận theo quy định, ngay cả khi việc đó khó, miễn là họ thấy lộ trình rõ ràng cho việc thực hiện.

Không có gì lạ khi các thủ tục hành chính vốn cần nhanh và dễ dàng lại trở thành thử thách kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng do những yêu cầu bất ngờ của cơ quan chức năng hoặc các vấn đề phát sinh khó lường khác. 

Điều này thường có thể được giải quyết, nhưng chúng chiếm thời gian và nguồn lực quý giá một cách không cần thiết, và gây lo ngại về tính không thể dự báo, có thể khiến một số nhà đầu tư rời bỏ thị trường.

Ông có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư Mỹ để làm ăn thành công ở Việt Nam?

Ông Eric Johnson: Đầu tư vào Việt Nam có thể là một việc khó, nhưng nếu tiếp cận khoản đầu tư một cách chu đáo và toàn diện, có tính đến đặc thù của thị trường, thường sẽ được đền đáp xứng đáng.

Ông kỳ vọng gì từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden ngày 10-11/9, ở khía cạnh thương mại, đầu tư?

Ông Eric Johnson: Tôi nghĩ sự hợp tác cấp cao như vậy giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ có thể mang lại lợi ích tích cực cho hai nước về thương mại và đầu tư. Tôi mong được biết kết quả cụ thể của chuyến đi và hy vọng những bước đi quyết đoán và thiết thực sau đó sẽ giúp tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư Mỹ và làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế song phương.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ