Loạt dự án bất động sản tại TP.HCM 'quên xây dựng' - Bài 1: Chủ đầu tư ôm tiền, khách hàng vỡ mặt

Nhàđầutư
Năm 2017, dự án Tecco Đầm Sen Complex được mở bán cho khách hàng và chủ đầu tư hứa năm 2019 sẽ bàn giao nhà. Tuy nhiên, sau khi thu số tiền lớn của khách hàng, đến nay chủ đầu tư vẫn... "quên xây dựng". Theo khảo sát của Nhadautu.vn, TP.HCM hiện có hàng chục dự án như trên.
GIA HUY - LIÊN THƯỢNG
27, Tháng 06, 2022 | 07:05

Nhàđầutư
Năm 2017, dự án Tecco Đầm Sen Complex được mở bán cho khách hàng và chủ đầu tư hứa năm 2019 sẽ bàn giao nhà. Tuy nhiên, sau khi thu số tiền lớn của khách hàng, đến nay chủ đầu tư vẫn... "quên xây dựng". Theo khảo sát của Nhadautu.vn, TP.HCM hiện có hàng chục dự án như trên.

anh1

Tọa lạc trên trục đường Lũy Bán Bích đông đúc của quận Tân Phú, dự án Diamond Lotus Lakeview ngưng trệ suốt mấy năm trời và chưa biết khi nào sẽ được xây dựng. Ảnh: Liên Thượng.

LTS: Sau nhiều năm mở bán, hàng loạt dự án bất động sản (BĐS) chây ì bàn giao khiến nhiều khách hàng chỉ biết "ôm mặt khóc" và cầu cứu các cơ quan chức năng. Dù bỏ ra hàng tỷ đồng để mua chốn an cư và nhận được nhiều lời hứa hẹn nhưng khách hàng phải nhận "quả đắng" khi có dự án dang dở, có dự án chưa có dấu hiệu thi công, công trường không một bóng công nhân.

Thu tiền xong không xây nhà

Thời gian qua, tại TP.HCM, liên tiếp xảy ra các cuộc người dân căng băng rôn đòi nhà tại nhiều dự án nhưng đều vô vọng. Đa số các khách hàng thường phải chi trả 50 đến 70% giá trị căn hộ, vì vậy việc chủ đầu tư chây ì không bàn giao nhà đã khiến nhiều khách hàng lâm cảnh khốn cùng. Nhiều người khốn khổ mất tiền mà không có nhà ở, phải đi thuê thiếu hụt tài chính phải vay lãi.

Nhiều luật sư cho biết, người mua nhà trước khi Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực năm 2015 gặp phải nhiều rủi ro vì chế tài xử phạt chủ đầu tư còn nhẹ và không có ngân hàng bảo lãnh khi chủ đầu tư chậm tiến độ. Tuy nhiên, chủ đầu tư huy động vốn trái phép và sử dụng tiền của khách hàng sai mục đích hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự. 

Thực tế, tình trạng "bán lúa non", mở bán dự án khi chưa đủ điều kiện pháp lý diễn ra nhan nhản. Đây được coi là hình thức huy động vốn nhanh chóng để chủ đầu tư hoặc đơn vị phát triển có vốn để tiến hành thực hiện dự án. Tuy nhiên, hệ lụy nhãn tiền về lâu dài là khi dự án bất động, đóng băng suốt thời gian dài sẽ khiến khách hàng điêu đứng.

Trong số những dự án thu tiền khách hàng rồi đóng băng trên địa bàn TP.HCM không thiếu những tên tuổi lớn của thị trường BĐS như Phúc Khang, Tecco, DHA,… Chính những chủ đầu tư này hiện cũng đang ngắc ngoải tại chính các dự án "trong mơ" của mình.

Đơn của như dự án Diamond Lotus Lakeview của Phúc Khang Corp, dự án do Công ty TNHH BĐS Ngôi Nhà Xanh (Ngôi Nhà Xanh) làm chủ đầu tư. Tọa lạc tại số 96 Lũy Bán Bích, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, Diamond Lotus Lakeview được quảng cáo, rao bán rầm rộ từ 2016 với mức giá khoảng 24 triệu/m2 dành cho những gia chủ hiện đại và được cho là "niềm kiêu hãnh" trong lòng thành phố.

Bà Lê Thị Huyền, ngụ quận Tân Phú, khách hàng năm 2016 đã mua một căn hộ tầng 10 chung cư này ngao ngán cho biết đã bỏ ra số tiền hơn 50% giá trị căn hộ (tương đương hơn 1 tỷ đồng) nhưng sau "liên hoàn hứa" của chủ đầu tư, ngày ngày đi qua dự án vẫn chỉ là bãi đất trống với những chiếc cần cẩu đã hoen rỉ mà dự án vẫn chưa hề được xây dựng.

"Số tiền đóng mua căn hộ này tôi đã vay của ngân hàng 500 triệu, giờ đây hàng tháng vẫn phải còng lưng đi trả nợ lãi vay mua nhà và cả tiền thuê nhà. Cũng chưa biết ngày nào dự án được hoàn thành, bàn giao nhà cho khách hàng như chủ đầu tư hứa", bà Huyền nói.

Được biết, theo cam kết từ chủ đầu tư và đơn vị phát triển, dự án có tổng diện tích hơn 14.000m2 này sẽ được bàn giao vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều ngược lại. Dự án được quây tôn và nằm bất động từ đó đến nay.

Trong vai người có nhu cầu tìm mua dự án, chúng tôi liên hệ với môi giới tên Khánh, của công ty Phúc Khang. Người này cho biết, hiện tại, có nhiều khách hàng bán lại căn hộ đã mua với mức giá 33 triệu đồng/m2. Và dự kiến sẽ tái khởi động dự án trong năm 2022.

"Anh mua để đầu tư hoặc ở mà chưa cần gấp thì rất phù hợp. Mua lại căn của khách hàng đã cọc 30%. Vì chỉ vài bữa thôi khi hoàn thiện giấy phép xây dựng, chủ đầu tư mở bán trở lại thì mức giá sẽ lên đến 45 triệu đồng/m2", Khánh nói.

Khi được hỏi tại sao chưa có giấy phép xây dựng mà vẫn mở bán, dẫn đến dự án đứng im suốt thời gian dài, Khánh vòng vo cho biết dự án đã có giấy phép xây dựng phần móng, còn phần thân sẽ hoàn thiện trong nay mai.

Bỏ tiền đặt cọc mà dự án mãi không nhúc nhích, công trường im ắng, không bóng công nhân khiến nhiều khách hàng, nhà đầu tư dự án hoang mang, nhiều lần phải liên hệ với Phúc Khang Corporation. Đến tháng 6/2021, công ty Ngôi Nhà Xanh ra văn bản 288/2021/CV-NNX thông báo về tiến độ khai thác các hạng mục tại dự án Diamond Lotus Lakeview.

Theo đó, đại diện chủ đầu tư dự án cam kết hoàn tất các thủ tục pháp lý dự án vào tháng 8/2021. Đến tháng 12/2021, hoàn tất thủ tục thẩm định, thiết kế và cấp phép xây dựng dự án. Đáng chú ý, tại văn bản này, chủ đầu tư dự án "rầm rộ" tuyên bố tái khởi động dự án từ quý 1/2022 đến quý 4/2023 sau một thời gian dừng thi công do thiếu vốn.

Tuy nhiên, ghi nhận hiện trạng thực tế dự án vào ngày 25/5/2022, công trình vẫn "án binh bất động", cửa đóng then cài và không một bóng người. Những người dân sống gần khu vực dự án cho biết, tình trạng trên đã diễn ra suốt nhiều năm nay.

Tương tự Diamond Lotus Lakeview là dự án Tecco Đầm Sen Complex. Dự án này cũng bất động nhiều năm qua, gây lãng phí, thất thoát tiền tỷ, bất chấp việc đã được rao bán, quảng cáo rầm rộ từ 2017 và cam kết bàn giao vào 2019.

Theo tìm hiểu, ngày 9/1/2012, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 109/QĐ-UBND về việc chấp thuận cho Công ty cổ phần địa ốc Phú Tân được phép sử dụng 9.191,1m2 địa chỉ 04 Bùi Cẩm Hồ xây dựng khu phức hợp: nhà ở cao tầng - thương mại - dịch vụ.

Đến tháng 3/2017, chủ đầu tư dự án làm lễ khởi công và mở bán. Sau đó, dự án ngưng trệ cho đến nay.

Bức xúc vì chủ đầu tư dự án thu tiền rồi mãi không xây dựng, đầu năm 2021 tới nay, tập thể hơn 100 khách hàng đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại, kêu cứu đến cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án. Nhưng cho đến hiện tại, theo chia sẻ từ khách hàng, mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu và dự án vẫn nằm im.

"Thời điểm đó, chủ đầu tư đưa ra những lời quảng cáo mỹ miều, mời gọi chúng tôi, còn hứa hẹn khách hàng sẽ nhận nhà sau khoảng 2 năm thi công. Thế nhưng, đến nay thì dự án chỉ là nơi cỏ mọc, khi nào xây dựng không ai biết. Thu tiền của người mua nhà 4 năm rồi mà chủ đầu tư vô trách nhiệm không có một lời giải thích", bà T, một trong những khách hàng dự án bức xúc.

Cùng chung nỗi niềm, ông K, một khách hàng khác của dự án cũng bộc bạch: "Nếu không xây được thì trả tiền lại cho chúng tôi. Còn xây thì lộ trình phải cụ thể, bàn giao tiến độ rõ ràng. Sau thời gian cam kết mà không bàn giao được thì phải có động thái cụ thể, ai đời, bao nhiêu tiền của khách hàng nằm trong đó mà không thấy chủ đầu tư hó hé gì, nghe nói còn nợ thuế nữa”.

Đến cuối năm 2020, Thanh tra TP.HCM ban hành Kết luận Thanh tra 162/TB-TTTP-P7 "về việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại quận Tân Phú".

Theo đó, Thanh tra TP.HCM cho biết, giai đoạn 2006-2019, Công ty CP địa ốc Phú Tân vẫn còn nợ khoản tiền sử dụng đất lên đến 175 tỷ đồng.

Liên tục "án binh bất động"

Một dự án khác cũng khiến khách hàng bức xúc là Ascent Plaza. Cụ thể ngày 21/4 vừa qua, hàng trăm khách hàng đã đặt cọc dự án giăng băng rôn phản đối chủ đầu tư, đòi quyền lợi tại văn phòng Tiến Phát sau khi biết dự án Ascent Plaza thu tiền khách hàng nhưng 3 năm vẫn "án binh bất động", không hề có dấu hiệu thi công.

Được biết dự án Ascent Plaza, tọa lạc trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh tổng diển tích khoảng 4.660 m2. Dự án dự kiến cung ứng cho thị trường gồm 1 block cao 24 tầng với 348 căn hộ cao cấp có diện tích từ 55,91 m2 đến 165,3 m2 khi hoàn thành.

Anh Võ Hoàng Anh, ngụ tỉnh Bình Dương, khách hàng mua căn hộ dự án này cho biết vào đầu năm 2019, Công ty Tiến Phát Đông Bắc gọi điện mời chào, thấy dự án được quảng cáo rầm rộ, có tiềm năng và giá thành phù hợp với túi tiền khoảng 37 triệu đồng/m2 nên anh đã vay thêm gia đình 200 triệu đồng để đặt cọc giữ chỗ với mong muốn sẽ được nhận nhà như lời hứa của chủ đầu tư vào quý 4/2020.

"Sau khi ký hợp đồng, tôi đã nộp tiền cho công ty Tiến Phát theo tiến độ. Tuy nhiên, đến hiện tại, sau hơn 3 năm, dự án vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, chưa có dấu hiệu thi công hạ tầng cơ bản cũng như xây dựng dự án. Thời gian gần đây, tôi cùng hàng chục người khác đã nhiều lần liên hệ, yêu cầu công ty trả lại tiền nhưng chưa gặp được giám đốc công ty", anh Hoàng Anh nói.

Lý giải về việc dự án bán cho khách hàng nhưng tới nay chưa triển khai, đại diện phía chủ đầu tư xin không nêu tên cho phóng viên Nhadautu.vn biết, vì nhiều lý do khách quan, trong đó có sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên dự án có sự ngưng trệ suốt thời gian dài.

“Trong giai đoạn từ cuối năm 2019 cho đến khoảng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp tại TP.HCM nói riêng. Tiến Phát không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Mọi hoạt động kinh doanh, thủ tục xin phép thực hiện dự án bị đình trệ, tiêu biểu như Quyết định chủ trương đầu tư và một số văn bản pháp lý khác đã hết hạn, phải thực hiện các thủ tục để gia hạn/cấp lại,... dẫn đến việc chậm tiến độ thực hiện dự án, bàn giao nhà cho khách hàng”, đại diện Tiến Phát Đông Bắc trả lời.

Trước đó, trong thông cáo báo chí do ông Võ Minh Hoàng, Giám đốc công ty Tiến Phát Đông Bắc ký, công ty này xác nhận: “Vào thời điểm năm 2018, Công ty Tiến Phát có ký các thỏa thuận nhận cọc để đảm bảo quyền mua căn hộ hình thành trong tương lai thuộc dự án Ascent Plaza nêu trên khi đủ điều kiện pháp lý với một số khách hàng. Sau đó, Tiến Phát đã cố gắng để triển khai hoàn thành các thủ tục pháp lý và đã hoàn thành một số công tác pháp lý của dự án như xin Quyết định chủ trương đầu tư, xin phép xây dựng nhà mẫu, đánh giá tác động giao thông, thẩm duyệt Phòng cháy chữa cháy”.

(Còn tiếp)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24550.00 24560.00 24880.00
EUR 26323.00 26429.00 27594.00
GBP 30788.00 30974.00 31925.00
HKD 3099.00 3111.00 3212.00
CHF 27288.00 27398.00 28260.00
JPY 161.63 162.28 169.90
AUD 15895.00 15959.00 16446.00
SGD 18115.00 18188.00 18730.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17917.00 17989.00 18522.00
NZD   14768.00 15259.00
KRW   17.70 19.32
DKK   3538.00 3670.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2274.00 2365.00
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ