Lấy tiền ở đâu để làm các dự án trọng điểm vùng Đông Nam bộ?

Nhàđầutư
Việc kết nối giao thông vùng Đông Nam bộ đến cửa ngõ quốc tế là yêu cầu cấp thiết để giảm thời gian và chi phí. Các chuyên gia, người chức trách ở các địa phương đều nhận thấy rõ. Nhưng, vấn đề được đặt ra là lấy tiền ở đâu để thực hiện các dự án trọng điểm này.
ĐÌNH NGUYÊN
23, Tháng 12, 2021 | 13:38

Nhàđầutư
Việc kết nối giao thông vùng Đông Nam bộ đến cửa ngõ quốc tế là yêu cầu cấp thiết để giảm thời gian và chi phí. Các chuyên gia, người chức trách ở các địa phương đều nhận thấy rõ. Nhưng, vấn đề được đặt ra là lấy tiền ở đâu để thực hiện các dự án trọng điểm này.

Loay hoay giải bài toán về nguồn vốn

TP.HCM là trung tâm kinh tế trọng yếu phía Nam cùng với các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Trong đó, tam giác TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp rất lớn về ngân sách. Các địa phương này hội tụ đủ phương thức vận tải đường bộ, hàng hải, hàng không, đường sắt nhưng hiện nay chưa có sự liên kết với nhau để phát triển.

Việc kết nối giao thông đến các cửa ngõ quốc tế là yêu cầu rất cấp thiết để giảm thời gian, giảm chi phí. Về vấn đề nay, các chuyên gia, người chức trách ở các địa phương đều nhận thấy rõ. Tuy nhiến, vấn đề được đặt ra là lấy tiền ở đâu để thực hiện các dự án trọng điểm này.

Thông tin tại Tọa đàm “Đột phá hạ tầng thúc đẩy vùng kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu”, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM thông tin, giai đoạn hiện nay, các địa phương đang tập trung để làm đường Vành đai 3. Tuyến đường này đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và một phần nhỏ ở Long An kết nối vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Các địa phương nơi dự án đi qua đánh giá là rất cần thiết và cấp bách.

ong-Phan-Cong-Bang-pgd-so-gtvt-tphcm

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM.

Điểm đầu của đường Vành đai 3 TP.HCM cũng là điểm đầu của đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, ông Bằng nói và cho biết nếu không có tuyến đường này thì cũng không khả thi triển khai cao tốc TP.HCM đi Mộc Bài.

Theo ông Bằng, TP.HCM luôn luôn là đầu mối để giải quyết các vấn đề cùng các địa phương. Quy hoạch thì đã có, TP.HCM cùng các địa phương, Bộ, ngành họp rất nhiều và cũng đã nghiên cứu nhiều phương án về vốn như PPP hay đầu tư công rồi vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, giai đoạn 1 triển khai ra sao, giai đoạn hoàn chỉnh thì thế nào.

Trong quy hoạch, đường Vành đai 3 TP.HCM là cao tốc với 8 làn xe nhưng trước mắt do nhu cầu cũng như nguồn vốn hạn chế nên nghiên cứu đầu tư 4 làn xe. Tuy nhiên, lấy tiền đâu để triển khai là vấn đề rất khó khăn, đặc biệt các địa phương cũng vừa trải qua đợt dịch COVID-19.

“Nói chung, đến bây giờ chưa nghiên cứu được nguồn vốn ở đâu để triển khai và chưa có tín hiệu khả quan nào cho đường Vành đai 3. Vừa qua, TP.HCM cùng các địa phương có họp thống nhất đề xuất với Chính phủ, Trung ương về cơ chế thực hiện”, vị Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận.

Đối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Dây hiện nay đã quá tải. Đến khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác thì không thể đáp ứng nhu cầu giao thông. Hiện nay, Bộ GTVT đang nghiên cứu tiền khả thi mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Còn đối với đường Vành đai 2 - vành đai đô thị, TP.HCM đã có nhiều nghị quyết để triển khai nhưng đến nay cũng chưa có cân đối được nguồn vốn để làm. Theo quy hoạch, tuyến đường này phải có từ 10 năm về trước nhưng đến nay cả 3 đoạn thuộc tuyến đường này vẫn chưa xong.

“Ai cũng biết, ai cũng thấy nhưng nguồn vốn ở đâu, cân đối thế nào là một bài toán rất khó. Đơn cử như ở TP.HCM, riêng giải phóng mặt bằng cho đường Vành đai 3 đã chiếm khoảng 30.000 tỷ đồng và chúng ta làm luôn cho cả giai đoạn hoàn thiện”, ông Bằng cho hay.

Bên cạnh đó, sự cấp bách của giao thông vùng Đông Nam bộ còn thể hiện trên tuyến QL51. Trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Đinh Hồng Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC - chủ đầu tư dự án mở rộng QL51) cho biết, lưu lượng giao thông trên QL51 hiện đã vượt xa công suất thiết kế.

Cụ thể, thiết kế ban đầu tuyến QL51 có công suất 12.000 lượt xe/ngày đêm, đến cuối năm 2020, công suất trung bình đã tăng lên gấp 3 lần. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, trung bình mỗi ngày có gần 50.000 lượt xe qua trạm T2 (Long Thành, Đồng Nai).

"Việc đầu tư các tuyến để chia sẻ cho QL51 là rất cấp thiết. Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước đây Thủ tướng Chính phủ đã giao triển khai, chúng tôi đã bỏ 13 tỷ đồng để khảo sát nhưng sau 10 năm rồi vẫn vậy. Về hình thức đầu tư đã xác định theo phương thức PPP nhưng thực tế rất khó khăn. Do vậy, nên chuyển sang hình thức đầu tư công mới tiến triển nhanh được", ông Đinh Hồng Hà nhận định.

Nói về các phương thức thực hiện dự án, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng vụ đối tác công tư (PPP) Bộ GTVT nhìn nhận một số ý kiến cho rằng quy định tỷ lệ vốn góp của Nhà nước trong các dự án PPP là rào cản thu hút đầu tư thì chưa hoàn toàn chính xác. Bởi khả năng thu hút đầu tư phụ thuộc rất lớn vào điều kiện từng dự án.

"Chúng ta không có quá nhiều tiền để làm đầu tư công, nhưng có nhiều cách để làm PPP trên cơ sở vốn Nhà nước là vốn mồi dẫn dắt đầu tư công. Tùy từng dự án để thiết kế phương án đầu tư cho phù hợp. Ví dụ TP.HCM cũng có thể đề xuất cơ chế riêng cho Vành đai 3 vì ý nghĩa quan trọng đặc biệt của tuyến đường", ông Thành nói.

Cần có cơ chế tháo gỡ

Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Chính phủ nhận định, sân bay Long Thành nếu làm đúng tiến độ thì không thể nối kết với TP.HCM bằng tuyến cao tốc 4 làn xe như hiện nay.

Nguyên nhân là đoạn đường từ QL51, Đồng Nai về đến vòng xoay An Phú, TP.HCM thường xuyên ùn tắc kéo dài. Mặc dù hơn 10 năm đã có quy hoạch phát triển giao thông liên vùng như các tuyến Vành đai 3, 4, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu… nhưng đến vẫn chỉ nằm trên giấy.

Do đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng, nếu không có những tuyến kết nối mới giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thì sẽ tạo thêm một điểm tắc mới khi hoàn thành sân bay Long Thành .

Theo vị chuyên gia kinh tế này, tể thực hiện được các dự án hạ tầng liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cần tháo gỡ cơ chế PPP. Dù tư nhân đóng góp được 30% hay 40% trong vốn đầu tư cũng là rất tốt, còn hơn là Nhà nước làm toàn bộ, ông Lịch nói và cho biết, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhiều công trình hạ tầng cần phải thực hiện theo hình thức PPP, do đó cần thiết phải đề xuất để Quốc hội tháo gỡ.

Ngoài ra, cần phải thành lập một quỹ đầu tư vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về hạ tầng, do một hội đồng quản trị, từ đó huy động các nguồn vốn từ Nhà nước đến tư nhân cũng như để thu hút các nguồn vốn đầu tư khác cho toàn vùng.

Sân bay Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia, quy mô mang tầm cỡ quốc tế, khi đi vào hoạt động sẽ giảm tải giao thông cho TP.HCM, là động lực phát triển kinh tế vùng và của cả nước.

Dự kiến, năm 2025 sân bay Long Thành đưa vào khai thác giai đoạn 1. Để kết nối với “siêu” sân bay này từ TP.HCM chỉ có cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công xây dựng từ năm 2010 và hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2015 do JICA và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đồng tài trợ. Đây là trục giao thông chính rất quan trọng, trong đó một phần tuyến thuộc đường trục cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, nhằm kết nối TP.HCM với các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sân bay Long Thành nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, hiện nay, tuyến cao tốc này chỉ đang khai thác với quy mô 4 làn xe nên không bảo đảm năng lực thông hành, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm… đặc biệt tại khu vực nút giao An Phú, trạm thu phí Long Phước.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ