Không để doanh nghiệp FDI “lấy mỡ nó rán nó”

Trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam kể từ khi “Đổi mới”, phải thừa nhận rằng sự đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là rất đáng kể.
VÕ ĐÌNH TRÍ
20, Tháng 03, 2019 | 16:24

Trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam kể từ khi “Đổi mới”, phải thừa nhận rằng sự đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là rất đáng kể.

f1abc_q1

Việc thu hút dòng vốn FDI là cần thiết, nhưng không vì thế mà không có sự lựa chọn cẩn trọng nguồn vốn. Ảnh minh họa Thành Hoa

Trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam kể từ khi “Đổi mới”, phải thừa nhận rằng sự đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là rất đáng kể. Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy còn nhiều hạn chế và bất cập trong việc thu hút, sử dụng và quản lý nguồn vốn đầu tư khu vực kinh tế này.

Trong đó, nổi cộm là thực lực tài chính của nhiều doanh nghiệp FDI không đủ đáp ứng yêu cầu hoạt động, dùng thủ thuật đòn bẩy tài chính để trục lợi từ những quy định lỏng lẻo của các cơ quan quản lý nhà nước.

Lạm dụng đòn bẩy tài chính

Việc các doanh nghiệp FDI sử dụng đòn bẩy tài chính để tối ưu hóa lợi nhuận là điều dễ hiểu, phổ biến nhất là thủ thuật dùng chi phí vay tài chính để chuyển giá, giảm thuế phải đóng cho nước sở tại. Chính vì vậy, các nước hay vùng lãnh thổ đón nhận vốn FDI rất cảnh giác với câu chuyện này và đưa ra các quy định cụ thể về chi phí vay tài chính hay tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu.

Dù chậm rút kinh nghiệm, Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP nhằm kiểm soát mức trần chi phí lãi vay được hạch toán vào chi phí hợp lý nhằm chống chuyển giá làm xói mòn cơ sở thuế nhắm vào các doanh nghiệp FDI.

Không những vậy, đòn bẩy tài chính còn được một số doanh nghiệp FDI sử dụng khi vay các tổ chức tín dụng trong nước, và điều này không bình thường chút nào khi nhìn vào hai khía cạnh sau đây.

Thứ nhất, cả lý thuyết và rất nhiều nghiên cứu thực chứng cho thấy doanh nghiệp FDI đầu tư sang nước khác khi họ có lợi thế về công nghệ, kinh nghiệm, và tiềm lực tài chính. Việc đầu tư ra nước ngoài là rủi ro hơn đầu tư trong nước nên yêu cầu nguồn vốn đầu tư phải lớn (so với dự án cùng quy mô trong nước), trong đó quan trọng là vốn chủ sở hữu.

Thứ hai, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp luôn có sự đi kèm của các định chế tài chính như ngân hàng, bảo hiểm. Do đó, vì sao các doanh nghiệp FDI lẽ ra nếu cần vay vốn, cứ cho là nhằm hạn chế rủi ro tỷ giá, phải vay của các ngân hàng cùng quốc tịch thì lại đi vay của các ngân hàng bản địa? Các ngân hàng bản địa có quá mạo hiểm khi cung cấp tín dụng cho cho các doanh nghiệp FDI khi nhiều khả năng các doanh nghiệp FDI này đã bị các ngân hàng nước ngoài từ chối?

Kiểm soát chặt chẽ tình trạng “tay không bắt giặc”

Thời gian qua, một số ngân hàng trong nước chú ý nhiều hơn đến việc cung cấp vốn vay cho nhóm khách hàng là doanh nghiệp FDI. Nhưng theo người viết, các ngân hàng không nên xem đây là thị trường mục tiêu của mình.

Trước hết, việc cung cấp vốn vay cho các doanh nghiệp FDI sẽ làm giảm khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp trong nước. Tiếp đến, thay vì thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, thì nguồn lực trong nước lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI về vốn. Cuối cùng, rủi ro của các doanh nghiệp FDI vay ngân hàng trong nước khó kiểm soát, vì lẽ ra các doanh nghiệp này sẽ vay ở các ngân hàng cùng quốc tịch trước, cũng như vì sự tinh vi trong hồ sơ vay vốn.

Để hạn chế và giám sát tình trạng doanh nghiệp FDI lạm dụng đòn bẩy với các định chế tài chính trong nước, các cơ quan quản lý nhà nước cần lưu ý đến các quy định như sau. Một là, bên cạnh quy định vốn tối thiểu trong từng lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp FDI, giấy phép đầu tư chỉ được cấp dựa trên vốn đầu tư thực tế, trong lúc chờ đợi giấy phép chính thức thì ký quỹ đảm bảo như mua trái phiếu chính phủ chẳng hạn. Khi đủ các điều kiện để được giấy phép thì khoản vốn này sẽ được giải ngân nhanh chóng.

Hai là, áp dụng quy định vốn mỏng đối với các doanh nghiệp FDI, tùy theo lĩnh vực mà dựa trên thông lệ quốc tế, quy định tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, nhằm hạn chế doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay, tạo rủi ro không chỉ cho doanh nghiệp, bên cho vay, mà cho cả nền kinh tế. Cuối cùng, cần giám sát chặt chẽ hoạt động cho các doanh nghiệp FDI vay của các ngân hàng trong nước, không khuyến khích phát triển phân khúc thị trường này.

Việc thu hút dòng vốn FDI là cần thiết, nhưng không vì thế mà không có sự lựa chọn cẩn trọng nguồn vốn. Bên cạnh các tiêu chí về chuyển giao công nghệ, tạo công ăn việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng trưởng bền vững thì cần sàng lọc các doanh nghiệp lợi dụng chính sách thu hút FDI để lạm dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt là nguồn vốn từ trong nước.

Theo The Saigontimes

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ