Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030

Nhàđầutư
Theo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa vừa được phê duyệt, địa phương này sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 và là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao.... 
NGUYỄN TRI
30, Tháng 03, 2023 | 06:25

Nhàđầutư
Theo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa vừa được phê duyệt, địa phương này sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 và là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao.... 

quy-hoach-tinh-Khanh-Hoa (2)

Đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Nguyễn Tri

TP. Nha Trang là đô thị hạt nhân

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2030, Khánh Hòa có 2 đô thị loại I (TP. Nha Trang, đô thị mới Cam Lâm), 1 đô thị loại II (TP. Cam Ranh), 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V.

Trong đó, TP. Nha Trang là đô thị hạt nhân; TP. Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiêu đô thị sinh thái núi rừng.

Bên cạnh đó, đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. 

Đồng thời, GRDP bình quân đầu người phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; phấn đấu trở thành một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của châu Á.

Cùng với đó, các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, Khánh Hòa có môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ, nhất là môi trường biển và ven biển; là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải nhà kính về mức "0" của Việt Nam vào năm 2050.

4 hành lang phát triển kinh tế

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Khánh Hòa sẽ phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao bao gồm: Du lịch, tài chính, thương mại, logistics, giáo dục và phát triển đô thị. Tỉnh này trở thành trung tâm dịch vụ đa dạng, chuyên nghiệp với du lịch biển bền vững, các sản phẩm du lịch cao cấp, dịch vụ vận tải - logistics và phát triển đô thị thông minh.

quy-hoach-tinh-Khanh-Hoa (1)

Một góc Khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: Nguyễn Tri

Địa phương cũng tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng; công nghệ thông tin và viễn thông; công nghiệp hỗ trợ. Thu hút các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tăng cường chuyển đối số, tham gia hiệu quả vào các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế số.

Đáng chú ý, giai đoạn 2021 - 2030, Khánh Hòa tập trung vào một số ngành công nghiệp theo thứ tự ưu tiên như: Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và thực phẩm chất lượng cao; công nghiệp cơ khí chế tạo công nghệ cao (chủ đạo là đóng tàu); công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chế biến dầu khí; công nghiệp điện tử, viễn thông, bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử, viễn thông, bán dẫn, dệt may - da giày; công nghiệp công nghệ sinh học, sản xuất vắc xin, dược liệu biển; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng mới.

Theo quy hoạch, tỉnh Khánh Hòa còn phát triển 4 hành lang kinh tế. Cụ thể, hành lang kinh tế Bắc - Nam là một bộ phận của hành lang kinh tế Bắc - Nam của quốc gia.

Đây là hành lang kinh tế chủ đạo của tỉnh Khánh Hòa, gắn với trục giao thông Bắc - Nam, kết nối 3 vùng động lực phát triển (Khu vực vịnh Vân Phong, TP. Nha Trang, Khu vực vịnh Cam Ranh), kết nối chuỗi đô thị ven biển, các hạ tầng cửa ngõ như cảng biển, cảng hàng không.

Tiếp đó, hành lang kinh tế Đông - Tây (trên cơ sở trục giao thông QL26, QL26B, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột), nhằm kết nối khu vực phát triển đô thị, các trung tâm dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp ven biển với khu vực nội địa của tỉnh; kết nối khu vực Nha Trang - Vân Phong với tỉnh Đắk Lắk.

Hành lang Nha Trang - Diên Khánh - Khánh Vĩnh (trên cơ sở QL27C và cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) – Liên Khương (Lâm Đồng)), nhằm tăng cường hiệu ứng lan tỏa phát triển từ TP. Nha Trang; kết nối tổng hợp cả về đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp; kết nối khu vực Nha Trang, Diên Khánh, Khánh Vĩnh với tỉnh Lâm Đồng.

Cuối cùng, hành lang Cam Ranh - Cam Lâm - Khánh Sơn (trên cơ sở đường ĐT.656), kết nối, lan tỏa phát triển từ khu vực ven biển, đồng bằng với trọng tâm là TP. Cam Ranh và đô thị mới Cam Lâm với khu vực miền núi Khánh Sơn; kết nối về du lịch biển - đảo với du lịch sinh thái núi, rừng, văn hóa; kết nối giữa nông nghiệp - công nghiệp chế biến…

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ