Kéo kinh tế TP.HCM trở lại từ hàng trăm dự án bất động sản vướng mắc?

Nhàđầutư
Dù chính quyền TP.HCM đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong quá trình triển khai dự án. Tuy nhiên, các chủ đầu tư nhìn nhận, chính quyền chỉ mới lắng nghe chứ vẫn chưa cụ thể hóa.
VŨ PHẠM
06, Tháng 04, 2023 | 12:57

Nhàđầutư
Dù chính quyền TP.HCM đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong quá trình triển khai dự án. Tuy nhiên, các chủ đầu tư nhìn nhận, chính quyền chỉ mới lắng nghe chứ vẫn chưa cụ thể hóa.

Con số đáng báo động không bất ngờ

Kết thúc quý I/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước chỉ đạt 0,7%, mức thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tại cuộc họp hôm 4/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, mức tăng trưởng thấp có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Trong đó, thị trường bất động sản (BĐS) "đóng băng" gần như 90%, ngân hàng chịu nhiều tác động, sản xuất, kinh doanh khó khăn do lãi suất ngân hàng cao, khó tiếp cận vốn. Do đó, tăng trưởng những ngành nghề này rất thấp và kéo theo nhiều dịch vụ khác gặp khó khăn.

Ông Mãi thẳng thắn nhìn nhận, một điểm hạn chế của TP.HCM chính là việc giải quyết vấn đề, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp để kích đầu tư nội địa, kích sản xuất kinh doanh vẫn còn chậm.

du-an-bds

Vướng mắc kéo dài, một dự án BĐS ở TP. Thủ Đức chưa rõ ngày tái khởi động. Ảnh: Vũ Phạm

Do đó, TP.HCM cần khởi động lại các trụ cột của tăng trưởng như là đầu tư công, đầu tư xã hội. Đối với thị trường BĐS, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung giải quyết những khó khăn của các doanh nghiệp với mục tiêu "rã băng", kết nối ngân hàng với doanh nghiệp.

"Khi thị trường BĐS được gỡ vướng, nhiều ngành nghề khác sẽ được kích thích, việc làm của người dân được tăng thêm. Chúng tôi đã yêu cầu các sở, ngành đang tồn đọng nhiều hồ sơ cần rà soát lại các dự án", ông Mãi nói và cho biết, các dự án sẽ được phân nhóm giải quyết, báo cáo lại UBND TP.HCM và công bố kết quả giải quyết để người dân, doanh nghiệp theo dõi.

Trước đó, ngay đầu tháng 4, ông Mãi cho biết, trong quý II, TP.HCM tập trung gỡ vướng mắc cho 40 dự án BĐS. Đồng thời, rà soát lại danh sách để xác định nhóm 138 dự án BĐS mà Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã tổng hợp để tập trung giải quyết triệt để.

Cũng liên quan đến các dự án BĐS vướng mắc, ngày 24/3, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã có ý kiến chỉ đạo về kiến nghị tiếp tục tháo gỡ vướng mắc tại 156 dự án BĐS của 121 nhà đầu tư trên địa bàn TP.HCM, do HoREA tổng hợp.

Tuy nhiên, đến nay, chỉ mới có 4 dự được UBND TP.HCM có chủ trương tháo gỡ khó khăn. Cụ thể là dự án Khu trung tâm thương mại và Căn hộ cao cấp đường Bến Nghé (phường Tân Thuận Đông, quận 7) của Công ty TNHH Gotec Việt Nam; Chung cư Cửu Long (số 1 đường Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4) của CapitaLand; Khu nhà ở Thiên Lý (phường Phước Long B, TP. Thủ Đức) của Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ An Thiên Lý; chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1) của Novaland.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA dẫn chứng, nếu 156 dự án ách tắc, bình quân giá trị mỗi dự án là 2.000 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư lên đến khoảng 312.000 tỷ đồng. Nếu tháo gỡ được vướng mắc để triển khai thực hiện trở lại bình thường thì Nhà nước có thể thu thuế giá trị gia tăng 10% được 31.200 tỷ đồng; nếu đạt lợi nhuận 20% thì Nhà nước còn có thể thu thuế thu nhập doanh nghiệp được 12.480 tỷ đồng và các khoản thu thuế phái sinh khác, tạo công ăn việc làm…

Do đó, trong bối cảnh doanh nghiệp BĐS kẹt dòng tiền, thanh khoản, HoREA đề xuất Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép doanh nghiệp được chuyển nhượng dự án BĐS theo thỏa thuận, theo cơ chế thí điểm. Từ đó, tạo điều kiện cho chính các doanh nghiệp BĐS tự thỏa thuận mua bán, chuyển nhượng dự án để có dòng tiền và thanh khoản.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, các doanh nghiệp BĐS cho biết, mặc dù chính quyền TP.HCM đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhưng mới chỉ dừng lại ở việc lắng nghe chứ vẫn chưa cụ thể hóa.

Nói về mức tăng trưởng kinh tế của TP.HCM rất thấp trong quý I, chuyên gia BĐS Nguyễn Hoàng cho rằng, nếu nhìn vào con số thì thấy "giật mình", đáng lo lắng nhưng nếu quan sát kinh tế TP.HCM trong vài năm trở lại đây thì điều đó không có gì là bất ngờ. Có nhiều yếu tố kéo lùi kinh tế TP.HCM như: đầu tư công, hạ tầng giao thông, vốn đầu tư nước ngoài, BĐS…

Riêng về ngành BĐS, ông Hoàng nhìn nhận, trong nhiều năm qua BĐS đóng góp vào tăng trưởng kinh tế TP.HCM rất lớn. Nhưng khi thị trường khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp BĐS dừng hoạt động, đóng cửa kéo theo đóng góp vào nền kinh tế sụt giảm là điều dễ hiểu. Vì vậy, TP.HCM phải vực dậy thị trường BĐS.

"Nếu tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng pháp lý thì thị trường sẽ tăng nguồn cung, doanh nghiệp BĐS cũng sẽ hoạt động tốt hơn kéo theo thị trường sẽ ấm trở lại", ông Hoàng nói và nhận định, trước mắt, TP.HCM nên tập trung giải quyết triệt để hàng trăm dự án BĐS này.

Trong khi đó, Giám đốc một doanh nghiệp BĐS ở TP.HCM nhìn nhận, đang có một số bộ phận cán bộ mang tâm lý sợ trách nhiệm khiến hồ sơ, thủ tục kéo dài.

"Thủ tục pháp lý dự án bao nhiêu năm nay vẫn vậy. Với cùng 1 kiểu dự án, có những vướng mắc như nhau nhưng có dự án cấp phép rất nhanh, lại có những dự án kéo dài hàng năm trời. Doanh nghiệp muốn phát triển dự án nhưng cũng rất nản lòng", vị Giám đốc này cho hay.

Các doanh nghiệp BĐS kiến nghị gì?

Hiện, các doanh nghiệp BĐS mong muốn TP.HCM sớm giải quyết để giải quyết nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân, tăng nguồn cung, đồng thời, góp phần tạo động lực thúc đẩy thị trường BĐS TP.HCM phát triển ổn định. Từ đó, tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của TP.HCM

Đối với Novaland, phần lớn các dự án của tập đoàn này vướng mắc liên quan đến việc chưa được duyệt tính tiền sử dụng đất dù đã kiến nghị nhiều lần. Trong các dự án vướng mắc, đáng nói nhất là dự án 30,2ha tại TP. Thủ Đức do Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (thành viên Novaland) làm chủ đầu tư.

Ngày 11/12/2020, UBND TP.HCM ban hành quyết định hủy chủ trương chuyển đổi khu 30,2 ha Bình Khánh từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại. Đến ngày ngày 16/12/2020, UBND TP.HCM ban hành quyết định chấm dứt giao khu đất cho Công ty Thế kỷ 21.

Doanh nghiệp đề nghị UBND TP.HCM xem xét chấp thuận cho công ty được tiếp tục triển khai dự án nhà ở thương mại do khu đất có nguồn gốc tự bồi thường và đã đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.

Đối với Sơn Kim Land, doanh nghiệp này kiến nghị liên quan đến dự án Khu phức hợp Sóng Việt nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức. Dự án này nằm trong danh sách 7 dự án được TP.HCM nghe báo cáo khó khăn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Cụ thể, vướng mắc lớn nhất của dự án này là chưa được cấp xác nhận đủ điều kiện bán nhà, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với công trình được xây dựng trên lô 1-17. Phía Sơn Kim cho biết, nguyên nhân là do thiếu cơ chế giải quyết các vướng mắc phát sinh mà không do lỗi của chủ đầu tư.

Còn tại lô 1-16, công trình đã được hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng theo đúng các quy định pháp luật hiện hành từ năm 2021, nhưng, khách hàng mua căn hộ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Tương tự là một loạt dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh. Phần lớn, các dự án của doanh nghiệp này đều đang vướng mắc về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng và việc chưa được tính tiền sử dụng đất.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn gặp bất cập trong điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/2.000 tại dự án Khu chức năng ở hỗn hợp kết hợp thương mại dịch vụ thuộc khu dân cư Hưng Điền, quận 8; khu nhà ở phường Tân Kiên, huyện Bình Chánh và dự án Khu đất tại TP. Thủ Đức.

Trong khi, Nam Long kiến nghị TP.HCM sớm trình Thủ tướng thông qua việc hoán đổi nghĩa vụ làm nhà ở xã hội tại một phần dự án thuộc khu dân cư Hoàng Nam (Akari City), quận Bình Tân. Đồng thời, giải quyết vướng mắc liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với một số dự án đã đưa vào sử dụng.

Nhằm thảo luận, đánh giá sâu thách thức về nguồn vốn đối với thị trường BĐS, các yếu tố quốc tế và trong nước tác động đến thị trường trong bối cảnh mới, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước cho thị trường BĐS, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức hội thảo "Khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài cho thị trường BĐS trong bối cảnh mới".

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên nền tảng zoom với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, chính quyền một số địa phương, các chuyên gia kinh tế cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thông tin hội thảo sẽ được tường thuật trực tuyến trên Nhadautu.vn và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Thời gian diễn ra hội thảo từ 8-12h, thứ 6, ngày 7/4/2023 tại Hội trường tầng 2, Văn phòng Bộ KH&ĐT phía Nam, số 289 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ