Hoạt động M&A nửa cuối năm 2017, kỳ vọng bùng nổ trở lại

Nhàđầutư
Việc đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tạo nguồn hàng dồi dào cho hoạt động M&A bùng nổ trở lại trong 6 tháng cuối năm 2017 sau khi chững lại trong nửa đầu năm.
ĐỖ LAN HƯƠNG*
10, Tháng 08, 2017 | 13:52

Nhàđầutư
Việc đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tạo nguồn hàng dồi dào cho hoạt động M&A bùng nổ trở lại trong 6 tháng cuối năm 2017 sau khi chững lại trong nửa đầu năm.

nhadautu - M&A

Hoạt động M&A nửa cuối năm 2017, kỳ vọng bùng nổ trở lại. Ảnh minh họa

Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trên thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 sụt giảm so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, cùng với quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty lớn, cùng với sự lớn mạnh dần của các doanh nghiệp tư nhân, hoạt động M&A dự kiến sẽ bùng nổ trở lại trong nửa cuối năm 2017 và thời gian tới.

Sụt giảm sau 1 năm bùng nổ

Kinh tế Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định bất chấp sự biến động bất lợi của kinh tế thế giới trong hơn 1 năm qua. GDP năm 2016 tăng 6,3%, một trong những mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, trong khi lạm phát được giữ ở mức 2,7%. Ngành sản xuất và xuất khẩu tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong năm.

anh 1

Thị trường M&A, số lượng và giá trị giao dịch 2007 - 1H2017 

Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục ban hành thêm các chính sách và biện pháp mới nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài, trong đó có việc nới room (mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài) với các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực bị hạn chế, rút ngắn thời gian được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường mức độ minh bạch và chất lượng quản trị các công ty đại chúng.

Các yếu tố trên kết hợp với những nền tảng hấp dẫn của Việt Nam như cơ cấu dân số vàng, sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu, đã làm cho Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài và góp phần mang đến một năm hưng thịnh của hoạt động M&A tại Việt Nam.

Năm 2016 được ghi nhận là năm có các giao dịch M&A có quy mô lớn nhất trong lịch sử M&A Việt Nam với tổng giá trị gia dịch đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, đạt 4,4 tỷ USD. Ba thương vụ đứng đầu trong danh sách các giao dịch lớn của năm 2016 là thương vụ Central Group mua Big C Việt Nam với tổng giá trị giao dịch đạt 1,145 tỷ USD, khoản đầu tư của Singha vào Masan Consumer trị giá 1,1 tỷ USD và khoản mua Metro của Tập đoàn TTC với giá trị giao dịch 675 triệu USD. Tuy nhiên, số lượng giao dịch trong năm 2016 lại ghi nhận mức giảm 15% so với năm 2015, xuống còn 159 thương vụ, cho thấy sự ảnh hưởng của các thương vụ lớn đối với thị trường M&A Việt Nam trong năm vừa qua.

Trong nửa đầu năm 2017, thị trường ghi nhận số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, chỉ có 58 giao dịch được công bố hoàn thành, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm giao dịch lớn nhất có tổng gia trị 785 triệu USD, trong khi đó, riêng giao dịch Big C đầu năm 2016 đã có giá trị 1,145 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường M&A trong 6 tháng cuối năm 2017 dự kiến sẽ sôi động hơn với một loạt các giao dịch quy mô lớn liên quan đến cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang nằm trong kế hoạch thực hiện cuối năm nay.

 Bảng 1: Giao dịch M&A tiêu biểu trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017

anh2

 Nguồn: Phân tích của KPMG, CapitalIQ cập nhập ngày 13/7/2017

 Ngành mục tiêu thay đổi

Năm 2016 ghi nhận một số sự thay đổi về cơ cấu ngành đầu tư so với trung bình 5 năm trước. Trong đó, số lượng giao dịch trong ngành công nghiệp (xây dựng và kỹ thuật, hàng hải…) tăng từ 17% lên đến 21% trong cơ cấu, bất động sản tăng từ 12% đến 14%. Ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu (bán lẻ, xe ô tô, giải trí) và hàng tiêu dùng thiết yếu (đồ ăn, uống, gia dụng) đều chiếm 15% trong tổng số lượng giao dịch.

M&A

Nguồn: Phân tích của KPMG, CapitalIQ cập nhập ngày 13/07/2017 

Trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành công nghiệp đã có ít giao dịch hơn, giảm xuống mức 9% trong cơ cấu giao dịch, trong khi bất động sản tăng từ 14% lên đến 22%. Hai nhóm có phần đóng góp lớn thứ hai là ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu và hàng tiêu dùng thiết yêu đều chiếm 15% trong tổng số lượng giao dịch.

Thị trường Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư châu Á

Hoạt động đầu tư vốn nước ngoài tại Việt Nam diễn biến phù hợp với xu hướng chung. Theo đó, các nhà đầu tư khu vực châu Á ngày càng tìm kiếm thị trường bên ngoài thị trường nội địa, tập trung sang các thị trường có mức tăng trưởng cao hoặc có chi phí sản xuất thấp để mở rộng. Xu hướng này bắt nguồn từ môi trường vốn thuận lợi ở nước sở tại và tham vọng của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp các nước này muốn vươn tầm ra thị trường thế giới.

anh4

Nguồn: Phân tích của KPMG, CapitalIQ cập nhập ngày 13/07/2017 

Trong đó, các nhà đầu Thái Lan là những nhà đầu tư nổi bật trên thị trường M&A Việt Nam, với các thương vụ có giá trị giao dịch lớn nhất, trong cả năm 2016 và nửa năm đầu 2017. Việt Nam vẫn là thị trường mục tiêu thuận lợi cho các tập đoàn của Thái Lan như Central Group, Siam Cement Group (SCG), Berli Jucker Corporation (BJC) và Singha Beverage vì gần gũi về mặt địa lý và văn hóa, đồng thời là thị trường tương đối lớn và có tiềm năng phát triển.

Chúng tôi dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục tăng cùng với sự gia nhập thị trường của các tập đoàn lớn khác và các công ty quy mô nhỏ hơn của Thái Lan. Về ngành mục tiêu, nhà đầu tư Thái chủ yếu đầu tư vào các ngành bán lẻ, thực phẩm, đồ uống, đóng gói và xi măng.

Trong khi nhà đầu tư Thái Lan gắn với các thương vụ có giá trị lớn, thì các doanh nghiệp Nhật Bản là các nhà đầu tư có số lượng giao dịch M&A lớn nhất tại Việt Nam trong những năm gần đây. Trong các nước ASEAN, Việt Nam vẫn là thị trường mục tiêu ưa thích cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Khác với các nhà đầu tư Thái Lan vốn tập trung vào một số ngành nhất định, nhà đầu tư Nhật Bản tích cực hơn trong nhiều ngành nghề như dược phẩm, đóng gói, nguyên vật liệu xây dựng, thực phẩm và đồ uống, tài chính và bất động sản.

Gần đây, số lượng các doanh nghiệp Nhật quy mô nhỏ và vừa tìm kiếm các công ty mục tiêu M&A ở Việt Nam ngày càng tăng, do sự suy giảm của thị trường Nhật Bản, mặt bằng lãi suất thấp và có sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng của Nhật.

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2017, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Các hoạt động đầu tư của Hàn Quốc trong vài năm qua được coi là một phần của làn sóng đầu tư Hàn Quốc thứ 3 tại Việt Nam, sau 2 làn sóng trước đó tại thập niên 1990 và đầu năm 2000.

Đối với làn sóng đầu tư này, trong khi các dự án đầu tư sản xuất làm hàng may mặc, giầy dép, các sản phẩm điện tử để xuất khẩu vẫn nằm trong sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư Hàn Quốc, thì việc sản xuất các sản phẩm và dịch vụ cho thị trường nội địa Việt Nam ngày càng được ưu tiên trong các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước này.

Ngoài các nước trên, các nhà đầu tư Singapore cũng gây chú ý trên thị trường M&A Việt Nam thời gian qua. Hầu hết các nhà đầu tư Singapore là những quỹ đầu tư doanh nghiệp tư nhân (PE) hoặc những quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore, hoặc các công ty Singapore hoạt động trong ngành bất động sản. Hầu hết các nhà đầu tư PE đều muốn đạt được quyền lợi thiểu số ở mức đáng kể hoặc thành cổ đông kiểm soát ở những công ty mục tiêu có tiềm năng phát triển cao.

Kỳ vọng bùng nổ

 Năm 2017 được dự kiến sẽ là năm của các giao dịch quy mô lớn liên quan đến cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước với quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh hơn quá trình cổ phần hóa và thoái vốn ở một số các tập đoàn và tổng công ty lớn. Danh sách cổ phần hóa và thoái vốn Nhà Nước trong năm 2017 có tên các doanh nghiệp tên tuổi như Habeco, Sabeco (2 doanh nghiệp sản xuất bia lớn nhất Việt Nam) và PV Oil, PV Power (2 tổng công ty năng lượng lớn thuôc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).

Tất cả các giao dịch này đều được đặt kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, dường như chỉ có Habeco và Sabeco là đang có tiến độ triển vọng nhất. Kế hoạch bán cổ phần của 2 doanh nghiệp này đã hoàn thành và dự kiến sẽ sớm trình lên Bộ Công thương để xin phê duyệt.

Đối với Habeco, theo thông tin mới nhất, cổ đông hiện hữu là Công ty Carlsberg với kỳ vọng gia tăng số cổ phần của mình sở hữu tại Habeco hiện đã có thỏa thuận với Bộ Công thương về việc Nhà nước chấp thuận đàm phán với mức giá hợp lý hơn. Bên cạnh đó, Sabeco cũng có danh sách dài các nhà đầu tư lớn trong ngành đồ uống xếp hàng để tham gia mua cổ phần của Công ty.

Quá trình cổ phần hóa PV Oil và PV Power có vẻ bị chậm hơn so với kế hoạch đề ra ban đầu, nhưng vẫn đang diễn tiến. Nếu các giao dịch thoái vốn quy mô lớn này của Nhà nước được thực hiện thành công vào cuối năm, tổng giá trị giao dịch của năm 2017 sẽ có sự gia tăng đáng kể.

Hoạt động M&A ở khối doanh nghiệp tư nhân mặc dù ghi nhận sự suy giảm số lượng giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2017, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc nhà đầu tư nước ngoài đã giảm sự quan tâm đến thị trường Việt Nam, mà xuất phát từ việc thiếu các nguồn hàng đủ quy mô, chất lượng và quá trình giao dịch M&A ở Việt Nam hiện còn bị kéo dài, thiếu hiệu quả.

Nhà đầu tư nước ngoài (và cả trong nước) thường xuyên phải đối mặt với một số vấn đề khi tiến hành giao dịch tại Việt Nam, trong đó phần lớn là do sự thiếu chuẩn bị của bên bán. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thường không có sự chuẩn bị đầy đủ trước giao dịch để giải quyết các vấn đề như thông tin chất lượng kém và thiếu nhất quán, không thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn kế toán, các quy định về thuế và các yêu cầu pháp lý, cũng như quản trị doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu. Những yếu tố này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình giao dịch và khả năng thành công của giao dịch.

Chúng tôi tin rằng, với nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tốt, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ của Việt Nam dần sẽ đạt được tầm cỡ phù hợp để tham gia thị trường M&A. Ngoài ra, với sự gia nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới, nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về yêu cầu của nhà đầu tư sẽ gia tăng, theo đó nguồn cung cho thị trường sẽ dồi dào hơn, đồng thời thời gian giao dịch cũng sẽ được rút ngắn hơn.

(Theo Đặc san Diễn đàn M&A 2017)

(*) Tác giả Phó giám đốc Tư vấn thương vụ, M&A, Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG. Các quan điểm của tác giả bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm và ý kiến của KPMG Việt Nam.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ