Top 10 thương vụ M&A đình đám nhất 2016 - 2017

Nhàđầutư
Các thương vụ tiêu biểu phản ánh xu hướng M&A trong năm 2016 - 2017 là tập trung vào các ngành bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản…
ANH MAI
23, Tháng 07, 2017 | 07:00

Nhàđầutư
Các thương vụ tiêu biểu phản ánh xu hướng M&A trong năm 2016 - 2017 là tập trung vào các ngành bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản…

Giá trị các giao dịch M&A của 28 thương vụ tiêu biểu nhất trong số List 50 thương vụ M&A tiêu biểu do Diễn đàn M&A Vietnam 2017 công bố ước đạt 2,67 tỷ USD, chiếm 46% giá trị các thương vụ M&A trong giai đoạn 6/2016-6/2017. Quy mô trung bình mỗi thương vụ tiêu biểu bình quân 95 triệu USD/thương vụ.

Các nhà đầu tư nước ngoài chiếm đa số trong danh sách các thương vụ có giá trị lớn. Tổng giá trị M&A của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 77% tổng giá trị M&A toàn thị trường.

Các doanh nghiệp Việt Nam là người mua tích cực trong List 50 năm nay gồm Kido Group và Thành Thành Công. Kido tăng sở hữu cổ phần tại Vocarimex, trong khi đó Thành Thành Công tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị ngành mía đường thông qua các thương vụ mua lại và hợp nhất, điển hình là sáp nhập TTC Tây Ninh và Đường Biên Hòa.

Các thương vụ trong List 50 cũng phản ánh xu hướng M&A trong năm 2016 – 2017 khi tập trung vào các ngành bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản… những ngành khác góp mặt bao gồm hóa chất, hàng không.

Dựa vào danh sách bình chọn các thương vụ M&A 2016 -2017 mà Ban tổ chức Diễn đàn M&A Vietnam 2017 đưa ra, Nhadautu.vn xin điểm lại 10 thương vụ tiêu biểu dưới đây.

1. Sáp nhập Đường Biên Hòa và Đường TTC Tây Ninh 

Giữa tháng 4/2017, Hội đồng Quản trị Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (mã chứng khoán: SBT) thông qua chủ trương sáp nhập và phát hành cổ phiếu hoán đổi toàn bộ cổ phần của Công ty CP Đường Biên Hoà (mã BHS).

Đường Biên Hòa có quy mô vùng nguyên liệu hơn 23.500 ha với tổng tài sản hơn 6.685 tỷ đồng và 15.500 ha đang đầu tư, trong khi Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh có quy mô hơn 25.000 ha, tổng tài sản hơn 7.790 tỷ đồng. Sau khi sáp nhập với tỷ lệ hoán đổi nhất định thì công ty mía đường có quy mô lớn nhất Việt Nam sẽ ra đời.

TTC

Đường Biên Hòa và Thành Thành Công Tây Ninh sẽ về một mối 

Sức hấp dẫn của 2 cổ phiếu mía đường khi về một mối không chỉ nằm ở game sáp nhập mà còn nằm ở tham vọng của đế chế mía đường Thành Thành Công. Tập đoàn này trước đó đã mua lại nhà máy mía đường của Hoàng Anh Gia Lai với công suất đạt hơn 1 triệu tấn mỗi năm, vùng nguyên liệu hơn 6.000 ha ngay cạnh nhà máy.

Hiện tại, thị phần của Thành Thành Công chiếm hơn 30% cả nước, sau khi sáp nhập BHS và SBT và mua lại mảng mía đường của Hoàng Anh Gia Lai thì Tập đoàn Thành Thành Công dự kiến sẽ tăng diện tích vùng nguyên liệu lên 20.000 ha và 6.000 ha mía tại Lào. 

2. Kido thâu tóm Dầu thực vật Tường An, tăng sở hữu cổ phần tại Vocarimex

Tháng 11/2016, Tập đoàn Kido (mã: KDC) thông báo đã mua thành công 12,34 triệu cổ phiếu (65%) của Công ty Dầu thực vật Tường An (mã: TAC). Với giá mua đã công bố theo kế hoạch là 82.000 đồng một cổ phiếu, ước tính số tiền Kido bỏ ra xấp xỉ 1.012 tỷ đồng.

kido

Thương hiệu dầu ăn Đại Gia Đình của Kido gia nhập thị trường từ 6/2015 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt nhờ việc mở rộng hệ thống phân phối

Sau khi chuyển nhượng toàn bộ mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International vào giữa 2015 với tổng giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng, Kido liên tục nâng sở hữu đối với các công ty trong lĩnh vực ngành hàng thiết yếu, bao gồm gia vị và thực phẩm để thâm nhập vào thị trường này.

Tháng 5/2017, Tập đoàn Kido cũng phát đi thông cáo hoàn tất việc mua 27% cổ phần tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex (mã: VOC), nâng mức cổ phần của Kido lên 51%. Vocarimex có cổ phần sở hữu tại hầu hết các doanh nghiệp lớn trong thị trường dầu ăn như: Cái Lân (25%); Tường An (27%)…với doanh thu 2016 lên tới 4.156 tỷ đồng.

3. SCC sở hữu 65% Holcim Việt Nam

Tập đoàn LafargeHolcim (Thụy Sỹ) - chủ của thương hiệu xi măng Holcim đã bán hơn 65% cổ phần tại Liên doanh Holcim Việt Nam cho một doanh nghiệp sản xuất xi măng Thái Lan là Siam City Cement (SCC) với giá 867 triệu franc (19.900 tỷ đồng).

holcim

Đại gia Thuỵ Sỹ đã góp hơn 65% vốn vào Holcim Việt Nam, sau 22 năm gắn bó đã quyết định bán cho Thái Lan Siam City 

Được thành lập năm 1994, đến nay Holcim Việt Nam có vốn đầu tư 441 triệu USD, trong đó LafageHolcim góp 65% vốn; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) nắm giữ 35% cổ phần. Đây là doanh nghiệp xi măng có vốn ngoại lớn bậc nhất tại Việt Nam.

SCC là doanh nghiệp xi măng lớn thứ 2 ở Thái Lan, thành lập năm 1969. Với lịch sử 45 năm hoạt động, công ty bắt đầu phát triển mạnh tại khu vực Campuchia, Malaysia, Indonesia… Doanh thu năm 2015 lên tới 908 triệu USD.

Thương vụ được cho là sẽ hoàn thành vào quý IV năm nay. Lý do không được phía LafargeHolcim đưa ra, song nhiều chuyên gia trong ngành khẳng định việc đại gia Thuỵ Sỹ rời khỏi Việt Nam sau 22 năm đầu tư phát triển là do cạnh tranh gay gắt trong ngành này với bối cảnh cung vượt cầu, xi măng dư thừa như hiện nay.

4. SCG thâu tóm 100% Vật liệu xây dựng Việt Nam

Nối bước thương vụ SCC thâu tóm Holcim Việt Nam, Công ty TNHH SCG Xi măng - Vật liệu xây dựng, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã mua lại 100% vốn cổ phần (tương đương 156 triệu USD) từ các cổ đông hiện tại của Công ty CP Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM).

Giá trị doanh nghiệp trong giao dịch này trị giá 440 triệu USD, bao gồm nợ ròng và chi phí đầu tư cải tiến hiệu quả đối với tài sản mua lại.

VCM

 Nhà máy của VCM tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình

VCM được thành lập năm 2008 bởi Tập đoàn Kusto (Kazakhstan). Tháng 10/2013, nhà máy Clinker Văn Hóa tại Quảng Bình đi vào hoạt động. Đến tháng 1/2015, VCM cho ra đời thương hiệu xi măng Starcemt. 

Sau khi thâu tóm VCM, tổng công suất xi măng của SCG trong khối ASEAN (không bao gồm Thái Lan) tăng lên 10,5 triệu tấn, cùng với công suất 23 triệu tấn hiện tại ở Thái Lan. Đây là một tập đoàn đa ngành của Thái Lan, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. Tập đoàn này bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam từ năm 1992. Hiện nay, ở Việt Nam, SCG có 22 công ty đang hoạt động kinh doanh với hơn 6.900 nhân viên.

5. Aviva mua 50% cổ phần VietinBank Aviva từ Vietinbank

Tháng 4/2017, Tập đoàn Bảo hiểm Aviva (Anh) công bố việc mua lại 50% cổ phần của liên doanh bảo hiểm nhân thọ VietinBank Aviva từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank). 

avia

Aviva mua lại 50% cổ phần của liên doanh bảo hiểm nhân thọ Vietinbank Aviva từ Vietinbank

Sau thương vụ, Aviva Việt Nam đã trở thành công ty con 100% vốn của đại gia bảo hiểm này. Tuy thoái vốn, 2 bên vẫn ký thỏa thuận để phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe thông qua mạng lưới của hơn 1.100 chi nhánh và phòng giao dịch của Vietinbank. 

Aviva Việt Nam được thành lập vào năm 2011, là liên doanh giữa Vietinbank và Công ty Bảo hiểm Aviva International với vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Trong đó tỷ lệ góp vốn của Vietinbank là 50%, Aviva International góp 40% và Aviva Ltd góp 10%. 

6. VIB thâu tóm ngân hàng ngoại CBA

Tháng 7/2017, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) công bố nhận chuyển giao toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) Chi nhánh TP. HCM.

CBA Chi nhánh TP. HCM bắt đầu hoạt động vào năm 2008. Hai năm sau, ngân hàng mẹ CBA đã đầu tư vào VIB với phần vốn góp 15% và sau đó nâng tỷ lệ lên 20% - là nhà đầu tư chiến lược và cổ đông lớn nhất của VIB.

VIB

VIB nhận chuyển giao toàn bộ hoạt động của Ngân hàng CBA Chi nhánh TP. HCM

Cuộc chuyển giao dự kiến sẽ diễn ra trong vài tháng. Sau khi hoàn tất, các khách hàng của CBA Chi nhánh TP. HCM sẽ tiếp tục được VIB phục vụ thông qua 160 chi nhánh, phòng giao dịch VIB, hơn 400 ATM của VIB và 17.000 ATM của các ngân hàng nội địa trên toàn quốc.

Song song đó, CBA vẫn duy trì Văn phòng đại diện tại Hà Nội đóng vai trò làm cầu nối với các cơ quan chức năng của chính phủ, các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trong số 7 ghế thành viên HĐQT của VIB hiện tại có đến 2 người đến từ CBA và 1/3 ghế của ban kiểm soát cũng do đơn vị này nắm. 

7. ANZ nhượng mảng bán lẻ tại Việt Nam cho Shinhan

Tháng 4/2017, ANZ cho biết ngân hàng này vừa hoàn thành xong thương vụ bán lại mảng bán lẻ tại Việt Nam cho Ngân hàng Shinhan Việt Nam. Thương vụ này nằm trong chiến lược đơn giản hóa ngân hàng và tăng hiệu suất vốn của ANZ.

ANZ

ANZ chính thức nhượng mảng bán lẻ tại Việt Nam cho Ngân hàng Shinhan Việt Nam 

Theo bản hợp đồng thương vụ này, ANZ sẽ chuyển giao cho Shinhan Việt Nam 8 chi nhánh, phòng giao dịch của ANZ Việt Nam tại Hà Nội và TP. HCM, cũng như nhân viên khối dịch vụ ngân hàng bán lẻ. 

Mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ANZ phục vụ khoảng 125.000 khách hàng cá nhân tại Việt Nam, với khoảng 320 triệu đô la Australia dư nợ cho vay và khoảng 800 triệu đô la Australia dư nợ tiền gửi.

Tuy không tiết lộ giá trị chuyển nhượng, song ANZ khẳng định khoản chênh lệch thương mại của thương vụ này so với giá trị sổ sách của ANZ Việt Nam là không đáng kể đối với Tập đoàn ANZ.

Thời gian hoàn tất thương vụ sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền. ANZ dự kiến cuộc chuyển giao mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ cho Shinhan Việt Nam được hoàn tất vào cuối 2017.

Ngân hàng Shinhan Việt Nam là công ty con của Shinhan Financial Group - một tập đoàn tài chính Hàn Quốc được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc và New York.

8. Daesang Corp mua 99,99% Thực phẩm Đức Việt

Cuối năm 2016, tập đoàn chế biến thực phẩm Daesang Corp (Hàn Quốc) cho biết công ty đã hoàn thành thương vụ mua 99,99% cổ phần của công ty Công ty CP Thực phẩm Đức Việt - nổi tiếng với thương hiệu xúc xích Đức Việt.

Công ty CP Thực phẩm Đức Việt - nổi tiếng với thương hiệu xúc xích Đức Việt được thành lập vào năm 2000, do ông Mai Huy Tân gây dựng. Đây là doanh nghiệp liên doanh đầu tiên với đối tác của Đức trong lĩnh vực sản xuất xúc xích tươi và thực phẩm chế biến sẵn tại Việt Nam.

duc viet

Thế mạnh của Đức Việt nằm ở phân khúc của dòng sản phẩm chủ lực là xúc xích tươi

Giới phân tích cho rằng, việc Daesang thâu tóm được Đức Việt là bước đi khôn ngoan nhất của Daesang trong kế hoạch đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực chế biến thịt tại Việt Nam. Cũng không có tên tuổi nào phù hợp hơn Đức Việt trong mục tiêu thâm tóm này. Bởi trên thị trường hiện nay, Đức Việt đang là một trong 3 tên tuổi tạo thành thế kiềng 3 chân, cùng với C.P (Thái Lan) và Vissan.

Daesang thành lập năm 1956, chuyên sản xuất thực phẩm và gia vị, gồm tương đậu nành, sốt đậu nành, súp và mì Trung Quốc. Tập đoàn Hàn Quốc bắt đầu tiến vào thị trường thực phẩm Việt Nam trong những năm 1990 thông qua xây dựng nhà máy sản xuất gia vị. Một trong những sản phẩm chủ lực là bột ngọt Miwon.

9. CJ Group thâu tóm thực phẩm Cầu Tre, Minh Đạt

CJ Cheiljedang Corporation, thành viên của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã trở thành cổ đông lớn nhất Công ty CP Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre. Đây là kết quả của thương vụ mua bán và sáp nhập kéo dài hơn 5 tháng, sau khi doanh nghiệp này thất bại trong cuộc đua nắm quyền sở hữu tại Vissan vào giữa năm ngoái.

Đại gia Hàn Quốc bắt đầu đưa Cầu Tre vào tầm ngắm, sau đó đã nhận chuyển nhượng toàn bộ 47,33% cổ phần từ 3 cổ đông lớn của Cầu Tre từ cuối năm 2016.

Doanh nghiệp này tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,6% vào cuối tháng 3 năm nay, sau đó chi thêm 187 tỷ đồng mua cổ phần của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) để nắm giữ tỷ lệ 71,6% như hiện tại.

CJ Cheiljedang cho thấy quyết tâm thâu tóm Cầu Tre nhằm mở rộng chuỗi liên kết và phân phối trong ngành thực phẩm khi chấp nhận trả 80.000 đồng mỗi cổ phiếu trong phiên đấu giá cuối cùng, cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm 65.000 đồng.

cau tre

Hoàn tất thâu tóm Cầu Tre giúp CJ củng cố vị thế trong ngành thực phẩm. 

Sau khi hoàn tất thâu tóm, Công ty này đã chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre, đồng thời điều chỉnh bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh như chế biến rau quả, sản xuất các loại bánh từ bột và thức ăn chế biến sẵn,...

Chưa dừng lại ở đó, trong năm qua, tập đoàn này còn thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm cổ phần của các doanh nghiệp thực phẩm trong nước. Nổi bật trong số này là việc mua lại 64,9% cổ phần (tương đương hơn 300 tỷ đồng) của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt, doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đông lạnh dạng viên.

10. CapitaLand mua dự án VRG River View, tăng sở hữu Thiên Đức

Công ty con 100% vốn của CapitaLand là CLV Investment 5 đã mua 20% cổ phần của Công ty TNHH CapitaLand-Thiên Đức (CTD), nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại công ty này lên 50%. Thương vụ có giá trị tiền mặt là 17,9 triệu USD.

Trước giao dịch này, CapitaLand đã nắm giữ 30% cổ phần trong CTD. CTD cũng là cổ đông của dự án Vista Verde có quy mô 1.152 căn tại TP. HCM. Doanh nghiệp này cũng giữ hai lô đất trong vùng lân cận của Vista Verde. Khu đất này hiện chưa xây dựng nhưng dự kiến sẽ được phát triển thành nhà phố thương mại và khu chung cư cao tầng.

vista

Công ty con 100% vốn của CapitaLand là CLV Investment 5 đã mua 20% cổ phần của Công ty TNHH CapitaLand-Thiên Đức (CTD) 

Năm 2016, CapitaLand cũng đã mua dự án dự án VRG River View ở phường Cầu Kho, quận 1, TP. HCM với diện tích 0,5 ha với trị giá là 51,9 triệu USD.

Dự án VRG River View do Công ty TNHH Cảnh Sông - liên doanh giữa Công ty CP Xây dựng - Địa ốc Cao su (mã: RCC) thuộc Tập đoàn Công nghiệp – Cao su Việt Nam (VRG) và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Vinacon làm chủ đầu tư.

Dự án này được VRG thực hiện từ năm 2011 nhưng sau đó bị đình trệ vì thiếu vốn và được chuyển lại cho công ty con là RCC trong năm 2015. Sau đó, RCC đã hợp tác với Vinacon thành lập liên doanh Công ty TNHH Cảnh Sông có vốn điều lệ 334,7 tỷ đồng để đầu tư. Hiện 100% cổ phần của Công ty TNHH Cảnh Sông (tên tiếng Anh là River View Company Limited) được chuyển sang cho Capitaland.

CapitaLand cho biết sẽ cho xây lên một tòa nhà có 302 căn hộ, thuộc hai tháp. Tháp thứ nhất, cao 17 tầng, sẽ là căn hộ nhà ở. Tháp thứ hai, cao 22 tầng, sẽ là căn hộ dịch vụ cho thuê. Khi dự án hai tháp này hoàn thành, tổng giá trị ước tính sẽ là 106 triệu USD. Dự kiến dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2018.  

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ