Cầu Tre Việt về tay đại gia Hàn, chính thức đổi tên

Ngày 1/6/2017, sau 34 năm thành lập, doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu thực phẩm đông lạnh hàng đầu Việt Nam Cầu Tre chính thức được đổi tên thành CJ Cầu Tre sau khi được 'đại gia' Hàn Quốc thâu tóm.
HỒ MAI
03, Tháng 06, 2017 | 13:09

Ngày 1/6/2017, sau 34 năm thành lập, doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu thực phẩm đông lạnh hàng đầu Việt Nam Cầu Tre chính thức được đổi tên thành CJ Cầu Tre sau khi được 'đại gia' Hàn Quốc thâu tóm.

Từ 'Cầu Tre' thành 'Cầu Tre CJ'

Việc đổi tên thành Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre là do Công ty CJ CheilJedang Corporation (CJCJ), một công ty con chuyên về thực phẩm và công nghệ sinh học thuộc Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần nắm giữ tại Cầu Tre từ mức 51,6% của cuối năm 2016 lên 71,6% vào tháng 5 vừa rồi.

Ngoài việc đổi tên, doanh nghiệp này cũng bổ sung mở rộng thêm một số ngành nghề như chế biến và bảo quản rau quả, sản xuất bánh, sản xuất các thức ăn chế biến sẵn, đồng thời tham gia bán buôn thực phẩm.

Cau tre

 

Dự án nhà máy chế biến thực phẩm mới tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) cũng được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 1.200 tỷ đồng so với 600 tỷ đồng dự kiến trước đó.

Lãnh đạo CJ CheilJedang tự tin rằng CJ Cầu Tre sẽ hướng đến trở thành doanh nghiệp toàn cầu, bước ra thị trường thế giới. CJ Cầu Tre hướng đến xuất khẩu thực phẩm ra các thị trường nước ngoài thông qua mạng lưới thị trường hải ngoại của Tập đoàn CJ; đồng thời mở rộng nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm mới theo xu hướng K-Food thông qua việc kết hợp với thực phẩm truyền thống Việt Nam.

CJ Cầu Tre cũng vạch ra các chiến lược trong đó sẽ triển khai kế hoạch xây dựng Trung tâm R&D thực phẩm và Trung tâm an toàn thực phẩm, nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn và vệ sinh cho sức khỏe người tiêu dùng.

Dự kiến sau khi tiếp nhận khoản đầu tư lớn, Cầu Tre sẽ tập trung đổi mới về công nghệ chế biến, nhận diện thương hiệu và phát triển kênh bán lẻ nội địa, nhất là ở khu vực nông thôn.

Đây được xem là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp này đặt mục tiêu lỗ trước thuế năm nay gần 25 tỷ đồng và nối dài chuỗi ba năm liền kinh doanh tuột dốc.

Tính toán của CJ

Công ty CP Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre tiền thân là Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre - đơn vị thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) - được xây dựng từ năm 1982 với các sản phẩm thịt đông lạnh, xúc xích, món ăn nấu chín sẵn, thực phẩm chế biến… Có lịch sử hoạt động lâu đời và khá năng động nhưng từ năm 2012 đến nay, Cầu Tre đang lâm vào tình trạng thua lỗ liên miên.

Tại thời điểm cuối quý III/2016, Cầu Tre có vốn điều lệ 117 tỷ đồng và lỗ lũy kế gần 19 tỷ đồng. Tính ra giá trị sổ sách của doanh nghiệp chỉ hơn 11.000 đồng với một kết quả kinh doanh “phọt phẹt”.

Chính vì thế, mức giá 65.000 đồng/cổ phiếu – tương ứng định giá công ty ở mức 760 tỷ đồng (33 triệu USD) khiến nhiều người bất ngờ.

CJ Cheiljedang cho thấy quyết tâm thâu tóm Cầu Tre nhằm mở rộng chuỗi liên kết và phân phối trong ngành thực phẩm khi chấp nhận trả tới 80.000 đồng mỗi cổ phiếu trong phiên đấu giá cuối cùng, cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm 65.000 đồng.

Tuy nhiên, nếu nhìn thấy sự yêu thích của nhà đầu tư nước ngoài nói chung và “khát vọng” của CJ nói riêng đối với ngành thực phẩm chế biến/thực phẩm đông lạnh của Việt Nam thì mức giá này không có gì khó hiểu.

Không phải là cái tên mạnh trong ngành nhưng với lịch sử lâu đời, các món dimsum hải sản Cầu Tre, chả giò Cầu Tre, bún bò Huế Cầu Tre… đã trở thành sản phẩm quen thuộc với người dân tại miền Tây và miền Nam. Thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp này cũng rất rộng với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…

Đây là kết quả của thương vụ mua bán và sáp nhập kéo dài hơn 5 tháng, sau khi doanh nghiệp này thất bại trong cuộc đua nắm quyền sở hữu tại Công Ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) vào giữa năm ngoái.

Bỏ số tiền lớn để thâu tóm Cầu Tre, đại gia Hàn Quốc thể hiện quyết tâm bành trướng phân khúc thực phẩm sau khi đã vững chân ở mảng nông nghiệp, logistics, rạp chiếu phim.

Trước thương vụ thâu tóm Cầu Tre, tập đoàn CJ đã tham gia vào cuộc chiến khốc liệt để giành thị phần và bành trướng mảng thực phẩm tại Việt Nam suốt 4 năm liên tiếp.

CJ

 CJ đã tham gia vào cuộc chiến khốc liệt để giành thị phần và bành trướng mảng thực phẩm tại Việt Nam suốt 4 năm liên tiếp

Ban đầu, một công ty thành viên của CJ liên doanh với Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm nhằm phát triển dịch vụ cung cấp thực phẩm và thức ăn dinh dưỡng.

Đầu năm 2016, sau thời gian đàm phán kéo dài, tập đoàn này đã mua lại thương hiệu kim chi Ông Kim và từng bước thâm nhập hệ thống bán lẻ với những sản phẩm truyền thống như kim chi, nước sốt BBQ, rong biển...

Để phục vụ cho hoạt động sản xuất kim chi, doanh nghiệp này quyết định chi 2,1 triệu USD kết hợp với nông dân tỉnh Ninh Thuận trồng 10 ha ớt.

CJ cũng thực hiện hàng loạt thương vụ M&A để mở rộng thị phần mảng thực phẩm ở Việt Nam. Nổi bật trong số này là việc mua lại 64,9% cổ phần (tương đương hơn 300 tỷ đồng) của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt, doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đông lạnh dạng viên.

Ngoài mảng thực phẩm, CJ cũng lấn sân mảng giải trí Việt. Sau nhiều năm lợi nhuận liên tục sụt giảm, Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam - đơn vị thuộc Tập đoàn CJ sở hữu chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất cả nước, chiếm quá nửa thị trường chiếu phim Việt Nam vừa ghi nhận kết quả tăng trưởng đột biến gấp 3 lần năm ngoái. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1.823 tỷ đồng và 93,4 tỷ đồng năm 2016. 

CGV

Lợi nhuận của CGV Việt Nam năm 2016 đạt hơn 93 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ

Trong lĩnh vực logistics, tập đoàn này đã đầu tư phát triển dịch vụ điểm thông quan nội địa ở cảng Thanh Phước (Tây Ninh) giúp giải phóng hàng nhanh, tăng khả năng thông quan nhờ các dịch vụ đóng gói, lưu kho bãi, thủ tục hải quan.

Đối với nông nghiệp, CJ đã đầu tư xây dựng loạt nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, chuỗi trang trại heo, gà tại Hà Nam, Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu…Hiện công ty con của tập đoàn đang đứng vị trí thứ 7 trên thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25180.00 25185.00 25485.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30846.00 31032.00 32001.00
HKD 3185.00 3198.00 3302.00
CHF 27415.00 27525.00 28378.00
JPY 160.64 161.29 168.67
AUD 16085.00 16150.00 16648.00
SGD 18346.00 18420.00 18964.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18198.00 18271.00 18809.00
NZD   14807.00 15308.00
KRW   17.63 19.26
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2290.00 2378.00
NOK   2269.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ