Hòa Bình đòi Viwasupco trả lại hồ Đầm Bài sau vụ ô nhiễm nguồn nước

Tỉnh Hòa Bình đã đề nghị Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà có phương án làm đường ống kín để lấy nước sông Đà, đồng thời sớm ấn định ngày trả lại hồ Đầm Bài cho tỉnh quản lý theo đúng công năng, mục đích, sau vụ nguồn nước sạch bị nhiễm dầu thải.
QUANG DÂN
26, Tháng 10, 2019 | 11:16

Tỉnh Hòa Bình đã đề nghị Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà có phương án làm đường ống kín để lấy nước sông Đà, đồng thời sớm ấn định ngày trả lại hồ Đầm Bài cho tỉnh quản lý theo đúng công năng, mục đích, sau vụ nguồn nước sạch bị nhiễm dầu thải.

Tỉnh ủy Hòa Bình vừa có buổi làm việc với Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà về một số nội dung có liên quan đến vụ ô nhiễm nguồn nước tại Nhà máy nước sạch sông Đà, gây ảnh hưởng đến hơn 250.000 hộ gia đình ở TP. Hà Nội trong thời gian vừa qua.

tinh-uy-hoa-binh-lam-viec-voi-cty-nuoc-sach-song-da-1572055366307

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình chủ trì buổi làm việc với Công ty CP nước sạch sông Đà. Ảnh: Dân Trí.

Tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Tỉnh - Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho rằng, vụ ô nhiễm nguồn nước tại Nhà máy nước sạch sông Đà là rất nghiêm trọng. Sự việc đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân TP. Hà Nội, là bài học cho nhà máy xử lý cung cấp nước sạch trong vấn đề đảm bảo an toàn nguồn nước. 

Để đảm bảo an toàn nguồn nước trước mắt cũng như về lâu dài, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình yêu cầu Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà cần phải đầu tư xây dựng hệ thống ống dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy. Không dùng kênh dẫn nước hở như hiện nay, và không sử dụng nguồn nước sông Đà thông qua hồ Đầm Bài. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, trong quá trình xây dựng Nhà máy nước sạch sông Đà, Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà đã “mượn” hồ Đầm Bài để lấy nước nguồn xử lý, cấp nước sạch cho Thủ đô Hà Nội.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình yêu cầu công ty này xác định thời hạn cụ thể, trả hồ Đầm Bài cho tỉnh quản lý, sử dụng đúng công năng, phục vụ sản xuất. Đồng thời, yêu cầu công ty khẩn trương xây dựng hệ thống ống dẫn nước thô kín khi đầu tư mở rộng nhà máy giai đoạn II, cũng như thay thế hệ thống kênh dẫn hiện tại bằng hệ thống ống dẫn kín. 

Người đứng đầu tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh soát lại công tác đảm bảo an toàn nguồn nước đối với các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho người dân; UBND tỉnh Hòa Bình sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có quy hoạch sử dụng nước sông Đà. 

Yêu cầu các cơ quan quản lý của tỉnh nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý vi phạm hành chính (nếu có) liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường của Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà; báo cáo Thủ tướng về việc thoái vốn Nhà nước tại công ty này để tăng cường sự quản lý Nhà nước đối với việc đảm bảo an toàn nguồn nước.

Trước đó, trao đổi với PV, đại diện UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, theo mục tiêu của dự án đầu tư hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai, Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông là “khai thác nguồn nước mặt sông Đà, cấp nước sạch cho vùng Thủ đô Hà Nội”.

Từ năm 2005 đến nay, do nhà máy nước sạch sông Đà chưa xây dựng được hồ chứa đủ lớn để phục vụ công suất 300.000m3 nước/ngày đêm nên hồ Đầm Bài được trưng dụng làm hồ chứa. Kể từ đây, hồ Đầm Bài có thêm chức năng phục vụ sản xuất nước cho nhà máy nước sạch sông Đà.

Ông Hoàng Đình Tráng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình (đơn vị quản lý hồ Đầm Bài) cho biết, hiện hồ Đầm Bài đang được tỉnh Hòa Bình cho Viwasupco “mượn” để kinh doanh nước sạch.

Theo kế hoạch, khi nâng công xuất dự án lên gấp đôi ở giai đoạn 2, nhà đầu tư sẽ nâng cấp và xây kênh dẫn nước đúng tiêu chuẩn, kết thúc thời gian quá độ "mượn" hồ Đầm Bài làm bể chứa nước. Tuy nhiên đến nay, giai đoạn 2 của dự án đã cơ bản xong, nhưng chủ đầu tư  vẫn chưa trả hồ Đầm Bài cho tỉnh Hòa Bình.

Theo ông Tráng, từ khi hồ có thêm chức năng cung cấp nước cho nhà máy Viwasupco, việc điều tiết nước phục vụ nông nghiệp trở nên khó khăn do đơn vị không thể chủ động bơm nước tưới tiêu. “Vào mùa khô, nhu cầu cần nước tưới nhiều, nhưng mỗi khi bơm, đơn vị lại phải báo cáo với Viwasupco, vì sợ bơm dưới mực nước lấy vào nhà máy sẽ ảnh hưởng đến công suất sản xuất nước sạch hàng ngày”, ông Tráng nói.

Như Nhadautu.vn đã thông tin, sáng 10/10, người dân phát hiện nước sạch sông Đà có mùi lạ ở nhiều quận ở Hà Nội như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... Thành phố Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu nước ở một số điểm của công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà vào ngày 11/10.

Sáng 15/10, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất Styren, chất này có tỷ lệ cao hơn 1,3-3,6 lần so với mức bình thường.

Công ty Viwasupco phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo, cũng không có hành động gì liên quan để ngăn chặn số dầu này, cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến nhiễm vào nguồn nước

Chiều 15/10, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty Viwasupco giải thích việc không báo cáo Hà Nội là do hôm xảy ra sự việc ông đang ở Hòa Bình, sự việc cũng xảy ra tại đầu nguồn khu vực nhà máy ở Hòa Bình nên ông chỉ báo cáo cơ quan chức năng tại đây.

Lãnh đạo công ty cấp nước sông Đà biện giải thêm rằng trước đây nhiều lần đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ khiến người dân Hà Nội thiếu nước nghiêm trọng. Vì vậy, trong sự cố này, ông không đưa ra quyết định ngưng cấp nước là "có trách nhiệm với người dân". Ông này cũng khẳng định không chắc chắn công nghệ của Viwasupco xử lý được nước nhiễm dầu thải.

Tối cùng ngày, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà.

Thủ tướng yều cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan vào cuộc làm rõ, khắc phục, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty Viwasupco không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/10.

Qua điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình xác nhận, ba nghi phạm xả chất thải xuống nguồn nước của nhà máy Sông Đà là Lý Đình Vũ (37 tuổi), Nguyễn Chương Đại (25 tuổi) cùng trú Bắc Ninh và Hoàng Văn Thám (33 tuổi) trú Lạng Sơn. 

Ngày 17/10, công an đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp với Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám và tiếp tục truy bắt Lý Đình Vũ. Đến ngày 20/10, Vũ ra đầu thú.

Đại diện Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà cho biết, đến thời điểm này công tác khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch tại nhà máy cơ bản đã thực hiện xong. Nhà máy đã cấp nước trở lại cho người dân; đồng thời cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội lấy các mẫu nước để xét nghiệm. 

Ngày 22/10, UBND TP. Hà Nội đã có thông báo kết luận, nước của Công ty CP nước sạch sông Đà đã đảm bảo các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế dùng để sinh hoạt và ăn uống. 

Trong sáng cùng ngày 25/10, Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà đã phát đi thông cáo gửi lời xin lỗi người dân sau sự cố nguồn nước sông Đà bị "đầu độc", đồng thời xin được cung cấp nước miễn phí trong thời kỳ xảy ra sự cố, tương đương 1 tháng tiền nước.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ