Hãy tư duy vượt khỏi chiếc hộp

Nhàđầutư
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp quốc nội đã vươn lên tự khẳng định mình bằng những thương hiệu “made in Vietnam”, nhưng điều này là chưa đủ để chiến thắng định kiến và lối mòn.
HẢI ĐĂNG
04, Tháng 07, 2020 | 13:56

Nhàđầutư
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp quốc nội đã vươn lên tự khẳng định mình bằng những thương hiệu “made in Vietnam”, nhưng điều này là chưa đủ để chiến thắng định kiến và lối mòn.

CEO Nguyễn Tử Quảng của BKAV mới đây đã đăng bài tố cáo có kẻ nhận tiền của các đối thủ nước ngoài để “đánh” Bphone một cách hệ thống (điều rất khó kiểm chứng), đồng thời tuyên bố sẽ kiện những kẻ này theo Luật An ninh mạng hiện hành.

Trước đó, vị chuyên gia “nổi tiếng” cũng không ít lần gây tranh cãi khi tuyên bố các sản phẩm của mình, bao gồm Bphone, phần mềm an ninh mạng, nhà thông minh,… là tốt nhất thế giới. Chưa hết, ông Quảng còn nhắn gửi: “Hỡi những ai đang chỉ trích Bphone, BKAV đang xây dựng nền công nghiệp smartphone Việt Nam đấy".

tu quang

Ông Nguyễn Tử Quảng bức xúc vì có người chê Bphone. Ảnh: CellphoneS

Không chỉ BKAV, vấn đề “lùm xùm” tương tự cũng thường xuyên xảy ra đối với xe điện PEGA, Vin Smart, Vin Fast, … và nhiều thương hiệu Việt khác. Chẳng hạn, CEO Đoàn Ngọc Linh của PEGA từng đem mẫu eSH do công ty chế tạo ra so sánh với SH và khẳng định nó vượt trội hơn về mọi mặt, khiến Honda Việt Nam phải lên tiếng tố ông này vi phạm luật cạnh tranh. Tuy nhiên, ông Linh lại phát biểu một cách rất không nên trước báo giới: “Tôi thách Honda khiến chúng tôi chết được đấy”. 

Trước những kỳ vọng “lớn lao” về triển vọng hóa rồng hóa hổ của Việt Nam, có luồng quan điểm cho rằng việc “dìm hàng” các sản phẩm do doanh nghiệp Việt tạo ra là hành vi không yêu nước. Song ở đây, chúng ta hãy thông cảm hơn với dư luận bởi mấy lẽ.

Thứ nhất, hầu như ai cũng phải thừa nhận là ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hãy còn rất yếu kém và chưa thật sự hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vì thế, mối hoài nghi trước sự xuất hiện của những sản phẩm trí tuệ hoàn chỉnh gắn mác “made by Vietnam” là chuyện không thể tránh khỏi. Sẽ rất vui và đáng tự hào nếu ngày càng có nhiều thương hiệu Việt, nhưng điều quan trọng là Việt Nam thực sự đóng góp vào đó được bao nhiêu.

Nếu các doanh nghiệp của chúng ta chỉ đơn thuần nhập khẩu linh, phụ kiện về lắp, hay tệ hơn nữa là thuê nước ngoài (nhất là Trung Quốc) gia công theo mô thức ODM rồi bán cho người dân bằng với giá sản phẩm ngoại, thì điều đó sẽ chẳng mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, trái lại còn làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt thương mại (do tốn ngoại tệ để nhập khẩu).

Thứ hai, chúng ta dường như đang say sưa chạy theo lối mòn, khi cố gắng cho ra bằng được những sản phẩm gắn mác “made in Vietnam”, dù cho chúng có thể không phải là “lợi thế so sánh” hiện tại của đất nước (lý thuyết do David Ricardo khởi xướng từ thế kỷ 19, sau được Paul Samuelson phát triển phát triển và giành giải Nobel kinh tế năm 1970).

Trong khi đó, người Nhật đang làm rất khác chúng ta. Theo dự báo, thời gian tới, nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng của “xứ sở mặt trời mọc” rất có thể sẽ bị bán cho nước ngoài do không còn cạnh tranh được về giá (lấy ví dụ: Foxconn của Đài Loan thâu tóm Sharp, Haier của Trung Quốc mua lại bộ phận sản xuất điện tử gia dụng của Sanyo…).

Nhưng điều này không có nghĩa là Nhật lụi tàn, mà thực ra họ chỉ đang tiến lên một nấc thang mới cao hơn trong chuỗi giá trị. Thay vì phải chi quá nhiều cho các hoạt động bán hàng, hậu mãi,… doanh nghiệp Nhật sẽ chỉ tập trung vào cung ứng những sản phẩm cực kỳ tinh xảo, phức tạp như linh kiện cao cấp, nguyên liệu thiết yếu, và nhất là các công nghệ phục vụ sản xuất (robot, thiết bị chuyên dụng…).

Những công ty như Lasertec Corp (đơn vị duy nhất chế tạo được cỗ máy kiểm tra các tấm kính vuông với kích cỡ lớn hơn ổ đĩa CD một chút, đóng vai trò như một bề mặt khắc chip mà nếu thiếu chúng, TSMC của Đài Loan sẽ không thể đúc con chip A13 mới nhất cho iPhone), hay JSR (hãng nắm thị phần lớn nhất thế giới về hoạt chất Polyimide dùng trong chế tạo màn hình OLED dẻo), rồi Showa Denko (điện trở dạng chất phủ), Shin-Etsu Chemical (chất chống ăn mòn dạng khí),… có lẽ sẽ chẳng cần ai phải biết đến mình, bởi họ thực sự đang nắm giữ vị thế độc tôn.

a1

Nhật Bản có những công ty chẳng mấy ai biết đến, nhưng lại đang nắm giữ vị trí gần như độc tôn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Trở lại câu chuyện Việt Nam, chúng ta không phải là không có những điểm sáng. Chẳng hạn, với nhiều năm kinh nghiệm ở IBM, Kodak… và hàng chục bằng phát minh sáng chế (patent) của mình, TS. Nguyễn Thành Mỹ cùng Mỹ Lan Group (trụ sở tại tỉnh Trà Vinh) đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 12 trên thế giới sản xuất được bản in offset CTP nhiệt; Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long 1 làm chủ được công nghệ nung gốm duy nhất một lần ở nhiệt độ cao (trên 1.500oC); hay kỹ sư Henry Bùi Xuân Hoàng từ Trung tâm Phân tích Công nghệ Hoàn Vũ đang nắm trong tay kỹ thuật phân tích nguyên tố ghép khối phổ tỷ lệ đồng vị tiên tiến dùng trong truy xuất nguồn gốc, giúp các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đạt chuẩn để xuất đi khắp thế giới,… Tuy nhiên, những mô hình như vậy là chưa nhiều, cần được nhân rộng thêm và quan trọng hơn là khai thác được tiềm năng, thế mạnh của đất nước, nhất là nông nghiệp.

a3

TS. Nguyễn Thành Mỹ và Mỹ Lan Group đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 12 trên thế giới sản xuất được bản in offset CTP nhiệt. Ảnh: Mỹ Lan Group

Nauy, quốc gia chỉ chưa tới 5 triệu dân ở Bắc Âu nhưng có GDP đầu người cao nhất thế giới, nhận thức được xu hướng suy giảm lợi nhuận từ nguồn tài nguyên dầu khí, đã chuyển hướng, đầu tư mạnh mẽ cho ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản, để xuất khẩu mỗi năm hơn 1 triệu tấn cá hồi và đang không ngừng gia tăng… Hay Hà Lan, nơi có 2/3 diện tích đất luôn đối diện với nguy cơ bị nước biển nhấn chìm, lại đang là cường quốc nông nghiệp hàng đầu thế giới với giá trị xuất khẩu có lẽ chỉ đứng sau Mỹ.

Nhiều doanh nhân nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam cũng mang theo những ý tưởng và giải pháp sáng tạo để tận dụng lợi thế của chính đất nước chúng ta. Có thể kể tới thương hiệu Marou của Vincent Mourou và Samuel Maruta (Pháp), được tạp chí New York Times đánh giá là loại chocolate ngon nhất thế giới; cá chẽm (barramundi) của công ty Australis Việt Nam (do ông Joshua Nathan Goldman thành lập) hiện đang được bán tại các chuỗi hải sản cấp cao trên khắp nước Mỹ; hay đôi vợ chồng Yosuke và Sunny Masuko (người Nhật) thì đặt tham vọng đạt doanh thu 100 triệu USD/năm và đưa thương hiệu Pizza 4P lên sàn chứng khoán Tokyo…

a4

Vincent Mourou và Samuel Maruta bên loại chocolate “made in Vietnam” ngon nhất thế giới. Ảnh: The Strait Times.

a5

Trại nuôi cá chẽm công nghiệp của Australis tại Vân Phong, Khánh Hòa. Ảnh: Australis Vietnam

Phải chăng người Việt Nam đang đánh đổi những gì quý giá nhất để chạy theo một vài thứ tưởng chừng rất hay song thực ra không có nhiều giá trị? 

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ