Giải quyết sở hữu chéo ngân hàng theo kiểu chồng sang tay cổ phiếu cho vợ

Nhàđầutư
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) vừa thực hiện chuyển nhượng hơn 81,3 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), tương đương 4,75% vốn cho Công ty CP Phát triển Hà Nam.
HÀ HƯƠNG
01, Tháng 07, 2017 | 07:30

Nhàđầutư
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) vừa thực hiện chuyển nhượng hơn 81,3 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), tương đương 4,75% vốn cho Công ty CP Phát triển Hà Nam.

vo-chong-tran-anh-tuan-nguyet-huong

Cặp đôi "quyền lực" Trần Anh Tuấn - Nguyễn Thị Nguyệt Hường 

Theo thông báo từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), ngày thực hiện chuyển nhượng là ngày 29/6. Với giá cổ phiếu MBB đang được giao dịch quanh mức 22.300 đồng/cổ phiếu, ước tính MSB thu về khoảng 1.813 tỷ đồng từ việc thoái vốn này. 

Động thái của Maritime Bank được cho là nhằm giảm bớt tình trạng sở hữu chéo ngân hàng, đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. 

Nhưng điều đáng nói là Công ty CP Phát triển Hà Nam lại là thành viên thuộc Tập đoàn TNG Holdings Việt Nam. Bà chủ của tập đoàn này là cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường, vợ của ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT MaritimeBank.

Vợ chồng ông Tuấn và bà Hường được coi là một cặp bài trùng khi luôn kề vai sát cánh trong mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh. Bà Hường thành lập VID Group -  tiền thân của TNG Holdings năm 2006. Chỉ sau một năm, VID đã trở thành cổ đông chiến lược của MaritimeBank. Đến nay sau 10 năm, TNG đã trở thành một tập đoàn kinh tế đầu tư đa ngành, thành công trong nhiều lĩnh vực: Tài chính ngân hàng, khoáng sản, nông lâm nghiệp, bán lẻ và đầu tư kinh doanh bất động sản...

Tập đoàn này hiện đang đầu tư và quản lý 9 khu công nghiệp lớn ở miền Bắc như: Quang Minh, Đài Tư (Hà Nội); Tân Trường, Phúc Điền, Nam Sách (Hải Dương); Minh Quang, Cụm Công nghiệp Lifan (Hưng Yên) và Đồng Văn II (Hà Nam).

Công ty CP Đầu tư & Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam, một thành viên của TNG Holdings đang sở hữu hàng loạt dự án bất động sản "hàng khủng", như: Goldmark City, GoldSeason, Goldsilk Complex tại Hà Nội; The GoldView tại TP.HCM. Ngoài ra còn có chuỗi các tổ hợp thương mại văn phòng  như: TNR Tower Nguyễn Chí Thanh, TNR Tower Láng Hạ (Sky City),  TNR Tower Hoàn Kiếm (Hà Nội); TNR Tower Nguyễn Công Trứ (TP.HCM)...

Cuối tháng 6/2016 xảy ra sự kiện lan truyền trên mạng xã hội tin đồn vô căn cứ về việc ông Đinh Trường Chinh, lãnh đạo Công ty Địa ốc Việt Hân (đối tác sang tay dự án Goldmark City, 136 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội cho TNR) bị bắt "do câu kết với ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch MaritimeBank rút ruột 30.000 tỷ từ MaritimeBank". Cùng thời điểm này thì bà Nguyệt Hường, vợ của ông Tuấn bị bác tư cách đại biểu quốc hội vì có vấn đề trong kê khai quốc tịch. Các thông tin này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của những người gửi tiền về tính thanh khoản và năng lực của MaritimeBank.

Đến đầu tháng 6 vừa rồi, Maritime Bank công bố BCTC quý I/2017 vẫn cho thấy kết quả kinh doanh lỗ 31,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 131,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do thu nhập từ lãi thuần của ngân hàng sụt giảm tới 35,7% trong khi chi phí hoạt động lại tăng cao (435 tỷ đồng), tương ứng tăng 14%. 

Trước đó, tại ĐHĐCĐ tổ chức cuối tháng 5/2017, MaritimeBank cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu xử lý được 7.015 tỷ đồng (nợ rủi ro, nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC), để đến cuối 2017 duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Mục tiêu này được cho là rất đáng mơ ước, tuy nhiên, không hề đơn giản.

Theo BCTC hợp nhất năm 2016 của ngân hàng này, con số trích lập dự phòng đã tăng gấp 3,3 lần so với năm 2015, ở mức 1.847 tỷ đồng. Trong đó, trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC là 1.098 tỷ đồng. Trích lập dự phòng đã "ăn mòn" lợi nhuận của MSB, đó cũng là lý do tại sao và lợi nhuận thuần tăng mạnh 42%, nhưng lợi nhuận sau trích lập dự phòng chỉ tăng 3,8%.

Tính đến hết ngày 31/12/2016, lượng trái phiếu VAMC của Maritime Bank là 8.874 tỷ đồng, chỉ giảm 11% so với năm 2015. Hiện, nợ xấu nội bảng của Maritime Bank là 2,17%. Nếu tính cả nợ xấu nội bảng và số đã bán cho VAMC, con số nợ xấu của ngân hàng này đã lên tới gần 22% dư nợ cho vay.

Như vậy, để giữ được nợ xấu ở mức 3% nợ "nội bảng" thì không quá khó, nhưng để giảm nợ xấu thực chất xuống mức 3% thì ngân hàng phải giảm được tối đa 19% nợ xấu, cùng với đó là cả 1 năm nợ xấu không tăng thêm một % nào.

Sau khi thoái vốn khỏi MB, hiện Maritime Bank vẫn còn sở hữu 9,98% cổ phần PGBank và gần 5% tại PVcomBank.

Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa rồi, kế hoạch thoái vốn của MaritimeBank tại các ngân hàng này cũng một trong những vấn đề nóng được cổ đông quan tâm.  Ông Trần Xuân Quảng, Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank cho biết, vốn góp tại DongABank là khoản nhận xiết nợ, đối với PGBank đang trong quá trình sáp nhập với VietinBank (CTG) nên ngân hàng sẽ tiến hành thoái vốn khi hoàn tất thủ tục. 

Điều 20, Thông tư 36 của NHNN quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng quy định: Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá hai (02) tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng thương mại đó; Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó.

Như vậy, trước khi thoái vốn khỏi MB, Maritime Bank đã vi phạm quy định về sở hữu tại các ngân hàng thương mại của NHNN, bởi nắm giữ cổ phiếu của nhiều hơn 2 tổ chức tín dụng khác. Câu chuyện "mạng nhện" sở hữu chéo đã được cảnh báo từ lâu bởi hệ luỵ của nó gây ra là gia tăng rủi ro hệ thống, tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất… Tuy nhiên, thoái vốn mà thoái kiểu chồng sang tay cho vợ thì rõ là chỉ thoái về hình thức, còn hệ lụy vẫn nguyên hệ lụy.

Theo các chuyên gia ngân hàng, mặc dù quy mô sở hữu chéo trực tiếp tại Việt Nam chưa lớn, nhưng có nhiều hình thức khác nhau khá phức tạp. Sở hữu chéo cũng là một trong những cản trở trong tiến trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ