Giải quyết quỹ đất cho nhà ở xã hội

PGS.TS NGUYỄN ĐÌNH THỌ (*) -THS. LƯU LÊ HƯỜNG
10:00 27/05/2025

Hiện trạng thiếu quỹ đất sạch và phù hợp đang là một trong những thách thức lớn đối với phát triển nhà ở xã hội. Tốc độ đô thị hóa nhanh làm gia tăng nhu cầu nhà ở trong khi quỹ đất tại các đô thị ngày càng thu hẹp.

Khu nhà ở xã hội Định Hòa thuộc phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương do Tổng Công ty Becamex IDC thực hiện. Ảnh: Bình Trọng/Lao Động.

Phát triển nhà ở xã hội (NOXH) tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến quỹ đất. Quỹ đất sạch, phù hợp ngày càng khan hiếm do tốc độ đô thị hóa nhanh và giá đất tăng cao, nhất là ở các khu vực trung tâm. Nhiều địa phương chưa chủ động quy hoạch, bố trí đất cho NOXH, hoặc làm mang tính hình thức, thiếu minh bạch. Phân bổ đất ở khu vực xa trung tâm, hạ tầng yếu kém khiến nhà đầu tư và người dân không mặn mà tham gia. Công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn về tài chính, thủ tục, gây chậm tiến độ. Quy định buộc dành 20% đất trong dự án thương mại cho NOXH phát sinh nhiều bất cập: diện tích phân tán, không đủ điều kiện hạ tầng, làm giảm giá trị thương mại, gây tâm lý né tránh từ phía chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, thiếu cơ chế giám sát, xử lý vi phạm khiến nhiều quỹ đất bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích. Hệ thống pháp luật thiếu linh hoạt, thủ tục hành chính phức tạp và phối hợp yếu kém giữa các cấp quản lý làm trì hoãn triển khai. Các chính sách ưu đãi tài chính còn hạn chế, lợi nhuận định mức thấp không đủ hấp dẫn khu vực tư nhân. Chuyển đổi số mang lại triển vọng mới.

Việc ứng dụng nền tảng dữ liệu đất đai số, bản đồ quy hoạch số, và các công cụ phân tích không gian sẽ giúp minh bạch hóa thông tin quỹ đất, tối ưu hóa lựa chọn vị trí, và hỗ trợ chính quyền trong quy hoạch, quản lý hiệu quả hơn. Kết hợp chuyển đổi số với cải cách thể chế, tài chính và cơ chế đầu tư sẽ là chìa khóa thúc đẩy phát triển quỹ đất bền vững cho NOXH trong dài hạn.

Chủ trương, chính sách phát triển nhà ở xã hội

Hiến pháp năm 2013 đã xác lập rõ vai trò của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở, gắn liền với trách nhiệm bảo đảm điều kiện sống cơ bản cho người dân. Khi tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng cùng với sự dịch chuyển lao động tới các khu công nghiệp, nhu cầu về nhà ở giá phù hợp trở thành một yêu cầu bức thiết. Nhà ở xã hội, được định hướng như một phần trong chính sách phát triển con người, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bất bình đẳng, cải thiện chất lượng sống và thúc đẩy công bằng trong tiếp cận dịch vụ đô thị.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao diện tích nhà ở bình quân đầu người, cho thấy phát triển nhà ở không chỉ là một mục tiêu xã hội mà còn là chỉ tiêu phát triển kinh tế. Quá trình chuyển đổi mô hình phát triển nhà ở từ cơ chế nhà nước cung cấp sang cơ chế thị trường có định hướng thể hiện rõ trong chủ trương huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đồng thời giữ vai trò điều tiết của Nhà nước thông qua chính sách ưu đãi và quản lý quy hoạch.

Nghị quyết số 06-NQ/TW năm 2022 đã đặt ra yêu cầu về nguồn lực tài chính, pháp lý và đất đai cho phát triển nhà ở xã hội, xuất phát từ thực trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ tại các đô thị lớn, nơi người lao động đang đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận chỗ ở phù hợp.

Phát triển nhà ở xã hội cần được tích hợp trong các kế hoạch phát triển đô thị bền vững, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư. Nhu cầu cấp thiết của người dân không thể được giải quyết nếu hệ thống pháp luật không linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Việc áp dụng cơ chế thí điểm, trình tự rút gọn trong xây dựng và thực thi chính sách trở thành công cụ quan trọng để giải quyết nhanh các vướng mắc trong triển khai thực tiễn, đồng thời tạo tiền đề cho những điều chỉnh thể chế có chiều sâu trong tương lai.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021–2030 tiếp tục xác lập nhà ở như một trọng tâm trong quy hoạch đô thị và đầu tư hạ tầng. Nhà ở xã hội được đặt vào trung tâm trong chiến lược phát triển con người, không còn nằm ở rìa trong cấu trúc chính sách đô thị.

Chỉ số diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người trở thành công cụ đo lường hiệu quả của chính sách nhà ở và phản ánh khả năng quản lý nhà nước trong phân phối nguồn lực. Khi chỉ số được cải thiện, điều đó đồng nghĩa với việc khả năng tiếp cận của người dân đối với không gian sống đang được mở rộng. Chỉ thị số 34-CT/TW ban hành năm 2024 nhấn mạnh yêu cầu xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội, đặt ra thách thức to lớn về thể chế, nguồn vốn và năng lực điều hành. Nếu không có phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương và khu vực doanh nghiệp, mục tiêu sẽ khó đạt được. Những đòi hỏi mới về thể chế cần được thể hiện rõ trong chính sách cụ thể, với hành lang pháp lý đủ rộng để triển khai cơ chế thử nghiệm chính sách trong thời gian ngắn.

Điều 5 của Luật Đầu tư công năm 2024 chưa đưa ra quy định rõ ràng về bố trí vốn ngân sách cho giải phóng mặt bằng thực hiện dự án nhà ở xã hội, trong khi đây là khâu trọng yếu quyết định tính khả thi của các dự án. Nếu không được tháo gỡ, ách tắc về mặt bằng sẽ dẫn đến tình trạng chậm tiến độ hoặc không thể triển khai dự án. Luật Nhà ở 2023 đã có bước tiến trong việc xác lập khung chính sách ưu đãi. Tại Điều 4, quy định rõ Nhà nước hỗ trợ tín dụng dài hạn, miễn giảm tiền sử dụng đất và hỗ trợ từ nguồn vốn công cho các dự án nhà ở xã hội. Điều 83 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư có thể triển khai thi công và kết nối hạ tầng đồng bộ.

Tại Điều 94 Luật Đất đai, quy định rõ trường hợp chủ đầu tư tự nguyện ứng trước kinh phí giải phóng mặt bằng sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tạo ra một cơ chế trao đổi lợi ích minh bạch và khả thi. Điều 85 tiếp tục khẳng định quyền miễn toàn bộ tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội, củng cố sức hấp dẫn của các dự án trong bối cảnh chi phí đất đai ngày càng cao.

Nghị định số 100/2024/NĐ-CP cụ thể hóa cơ chế hoàn trả hoặc khấu trừ tiền sử dụng đất đã nộp cho chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp trước khi chuyển mục đích, mở ra hành lang pháp lý để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia sâu hơn vào phát triển nhà ở xã hội. Cơ chế tài chính và thuế quan linh hoạt giúp điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường theo hướng hỗ trợ nhưng không can thiệp cứng nhắc, tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi. Khi thị trường nhà ở xã hội trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, khả năng hiện thực hóa các chỉ tiêu phát triển nhà ở sẽ được nâng cao.

Chính sách hiệu quả không dừng lại ở ban hành văn bản mà cần thể hiện rõ trong tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá tác động thường xuyên. Khi cơ chế pháp luật phù hợp được thiết lập, các mô hình nhà ở xã hội có thể phát triển ổn định và nhân rộng ra nhiều địa phương, đặc biệt ở những nơi có áp lực dân số lớn và điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bao trùm và bền vững, nhà ở xã hội là công cụ cải thiện điều kiện sống và là phương tiện thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tăng cường liên kết ngành, tạo việc làm và giảm chi phí xã hội phát sinh từ bất bình đẳng. Thể chế hóa chính sách nhà ở xã hội trong các luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư công phản ánh cách tiếp cận đồng bộ trong xây dựng hệ thống an sinh và phát triển kinh tế.

Việc ban hành các nghị quyết thí điểm của Quốc hội theo trình tự rút gọn là giải pháp cần thiết để ứng phó với yêu cầu cấp bách, đồng thời là bước đi thử nghiệm chính sách trước khi sửa đổi luật theo quy trình thông thường. Hệ thống pháp luật nếu không vận hành theo cơ chế linh hoạt sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của đô thị và nhu cầu nhà ở ngày càng lớn của người dân. Chính sách nhà ở xã hội vì vậy phải luôn được cập nhật, điều chỉnh, và gắn liền với cải cách thể chế để đảm bảo hiệu quả lâu dài và khả năng thích ứng với bối cảnh mới.

Khó khăn, thách thức đối với quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội

Hiện trạng thiếu quỹ đất sạch và phù hợp đang là một trong những thách thức lớn đối với phát triển nhà ở xã hội. Tốc độ đô thị hóa nhanh làm gia tăng nhu cầu nhà ở trong khi quỹ đất tại các đô thị ngày càng thu hẹp. Giá đất tăng mạnh tại các khu vực trung tâm khiến các nhà đầu tư e ngại khi phải bố trí quỹ đất cho các dự án có biên lợi nhuận thấp. Quy hoạch đất cho nhà ở xã hội không đồng bộ, thiếu tính dự báo dài hạn. Việc bố trí quỹ đất cho mục tiêu phát triển nhà ở xã hội còn mang tính hình thức. Nhiều địa phương chưa công khai minh bạch thông tin quỹ đất hoặc không có động thái chủ động quy hoạch, tạo nguồn cung đất sạch cho nhà ở xã hội. Tình trạng phân bổ đất ở xa trung tâm, nơi thiếu dịch vụ cơ bản, dẫn đến tâm lý e ngại của người mua và sự dè dặt của nhà đầu tư, cản trở tiến độ triển khai, kéo dài thời gian thực hiện mục tiêu quốc gia.

Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng là một nút thắt chưa được tháo gỡ triệt để. Các địa phương thường không có nguồn lực tài chính đủ mạnh để ứng vốn cho giải phóng mặt bằng. Thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư diễn ra chậm, gây trì hoãn kế hoạch đầu tư. Thiếu nhất quán trong khung giá bồi thường và quá trình thương lượng giữa chính quyền và người dân kéo theo tình trạng khiếu nại, dẫn đến bế tắc. Thời gian kéo dài gây lãng phí tài nguyên và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư và người dân. Tâm lý lo ngại về thủ tục pháp lý phức tạp, thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro khiến các nhà đầu tư không mặn mà tham gia. Khi không có quỹ đất sạch và sẵn sàng, thu hút doanh nghiệp trở nên khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên diện rộng.

Quy định buộc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải dành ra một phần quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội từng được kỳ vọng tạo ra nguồn cung bền vững. Trên thực tế, thực hiện quy định phát sinh nhiều mâu thuẫn. Giá đất tại khu vực trung tâm quá cao, chi phí xây dựng tăng liên tục khiến xây dựng nhà ở xã hội không còn hiệu quả. Diện tích 20% thường nằm rải rác, không thuận lợi để thiết kế thành một khu nhà ở có hệ thống hạ tầng riêng biệt, gây khó khăn cho vận hành và quản lý. Mô hình nhà ở xã hội nằm chen lẫn trong khu thương mại làm phát sinh nhiều vấn đề về phân bổ tiện ích, chênh lệch về chất lượng và mức sống, ảnh hưởng đến hòa hợp của khu dân cư và làm giảm giá trị thương mại của dự án. Không ít chủ đầu tư tìm cách trì hoãn hoặc né tránh nghĩa vụ bằng cách không triển khai hạng mục nhà ở xã hội trong phần đất đã bố trí, làm lãng phí nguồn lực và gây mất cân đối trong quy hoạch phát triển đô thị.

Thiếu cơ chế linh hoạt và đồng bộ trong thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội từ phía chủ đầu tư khiến nhiều dự án rơi vào tình trạng chờ đợi hoặc bỏ dở. Dù đã có quy định cho phép nộp tiền thay thế hoặc bố trí quỹ đất ở nơi khác, nhưng quá trình triển khai tại địa phương không thống nhất, thiếu hướng dẫn rõ ràng. Một số địa phương chưa có cơ chế giám sát và xử lý vi phạm khi chủ đầu tư không tuân thủ quy định. Thực tế cho thấy nhiều quỹ đất 20% vẫn bị bỏ trống hoặc chuyển mục đích sử dụng trái với cam kết ban đầu, gây lãng phí và mất cơ hội tạo lập quỹ nhà ở giá rẻ cho người dân. Hạn chế trong khai thác các nguồn quỹ đất khác như đất công, đất sau di dời cơ sở sản xuất hoặc đất xen kẽ trong khu dân cư cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung đất dành cho nhà ở xã hội chưa đa dạng, khó mở rộng quy mô triển khai.

Thiếu hụt nguồn lực tài chính làm chậm tiến độ nhiều dự án nhà ở xã hội. Ngân sách địa phương hạn chế, nguồn vay ưu đãi chưa đủ hấp dẫn khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà tham gia đầu tư. Tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng thương mại còn gặp rào cản về lãi suất và điều kiện vay. Quá trình xét duyệt dự án phức tạp, kéo dài thời gian, làm tăng chi phí vận hành và giảm sức hút đầu tư. Khi không có dòng vốn ổn định, các doanh nghiệp không thể duy trì tiến độ xây dựng, dẫn đến người dân phải chờ đợi quá lâu để được bố trí chỗ ở phù hợp. Gánh nặng về tài chính ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đẩy giá thành nhà ở xã hội vượt khỏi khả năng chi trả của người thu nhập thấp.

Thủ tục hành chính chồng chéo và thiếu phối hợp giữa các cấp quản lý là một rào cản lớn đối với tiến độ dự án. Chủ đầu tư phải thực hiện nhiều bước giống như khi phát triển dự án thương mại, trong khi đặc điểm của nhà ở xã hội đòi hỏi linh hoạt và chính sách ưu tiên riêng biệt. Khi thủ tục không được rút gọn hoặc không có cơ chế phối hợp hiệu quả, thời gian xử lý kéo dài dẫn đến mất cơ hội đầu tư, gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp và tạo thêm áp lực cho người dân đang chờ nhà ở. Không cho phép doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuê lại nhà ở xã hội để bố trí cho công nhân là một bất cập trong chính sách. Nhu cầu thuê chỗ ở ngắn hạn hoặc trung hạn là có thật, nhưng hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời để đáp ứng, gây ra thiếu linh hoạt và cản trở khả năng sử dụng quỹ nhà ở xã hội đúng mục tiêu.

Đề xuất cơ chế đặc thù cho phát triển nhà ở xã hội là một hướng đi có tiềm năng tạo đột phá. Khi các bước thủ tục hành chính được đơn giản hóa, cơ chế đầu tư trở nên rõ ràng, quá trình triển khai sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn. Giao trực tiếp chủ đầu tư trong các trường hợp cụ thể là một giải pháp thiết thực, giúp giảm chi phí, tránh tình trạng đấu thầu hình thức và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có năng lực thực hiện nhanh dự án. Không yêu cầu chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc diện ưu tiên là một thay đổi cần thiết để rút ngắn quá trình chuẩn bị đầu tư. Khi các bước quy hoạch, thiết kế, thẩm định và thi công được tiến hành song song, hiệu quả đầu tư được nâng cao mà vẫn bảo đảm kiểm soát chất lượng.

Tăng mức lợi nhuận định mức lên mười ba phần trăm là biện pháp hợp lý để thu hút tham gia của các doanh nghiệp lớn. Chính sách không làm mất đi bản chất phục vụ xã hội của loại hình nhà ở đặc thù mà còn tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm công bằng trong tiếp cận cơ hội đầu tư. Cho phép doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuê lại nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động là bước đi phù hợp với thực tiễn, giúp ổn định nhân lực và tạo động lực phát triển sản xuất. Khi nhà ở xã hội được triển khai hiệu quả, đời sống người lao động được cải thiện, chi phí sinh hoạt giảm, từ đó nâng cao năng suất lao động và góp phần phát triển kinh tế bền vững. Lấp đầy khoảng trống chính sách, tạo cơ chế thông thoáng và chủ động giải quyết các nút thắt sẽ giúp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi cả nước.

Ứng dụng chuyển đổi số trong giải quyết quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội

Hiện trạng quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề lớn. Đất đai ở các đô thị ngày càng trở nên khan hiếm. Giá đất tăng nhanh trong khi các khu vực còn quỹ đất lại thường nằm xa trung tâm, hạ tầng chưa phát triển, thiếu kết nối với giao thông công cộng. Những khu đất phù hợp cho phát triển nhà ở xã hội lại đang bị cạnh tranh gay gắt với các mục tiêu sử dụng đất khác có giá trị kinh tế cao hơn. Các địa phương gặp khó trong bố trí quỹ đất sạch, sẵn sàng để triển khai dự án nhà ở xã hội đúng tiến độ. Giải phóng mặt bằng thường mất nhiều thời gian, thiếu nguồn lực để bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân, dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị dự án và phát sinh chi phí lớn cho nhà đầu tư.

Hệ thống quy định pháp lý hiện hành đặt ra yêu cầu phân bổ tối thiểu 20% diện tích đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội. Trên thực tế, quy định khó áp dụng hiệu quả ở các thành phố lớn vì giá trị đất đai cao, dẫn đến chi phí đầu tư nhà ở xã hội tăng mạnh. Nhiều chủ đầu tư lựa chọn nộp tiền hoặc đề xuất hoán đổi bằng khu đất khác có giá trị thấp hơn, gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng và đồng bộ hạ tầng. Ngoài hình thức 20% trong dự án thương mại, các cơ chế tạo lập quỹ đất khác như sử dụng đất công, đất sau di dời trụ sở hành chính hoặc cơ sở sản xuất vẫn chưa được khai thác đầy đủ. Rào cản từ thiếu minh bạch thông tin đất công và thiếu hệ thống giám sát sử dụng đất khiến khả năng huy động nguồn đất công cho nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế.

Hạ tầng kỹ thuật bên ngoài các dự án nhà ở xã hội thường thiếu đồng bộ. Các hạng mục thiết yếu như giao thông, điện, nước, trường học, bệnh viện chưa được đầu tư đúng mức, khiến cho các khu nhà ở xã hội dù hoàn thiện nhưng vẫn thiếu điều kiện sống cơ bản, làm giảm tính hấp dẫn đối với người dân có nhu cầu thực sự. Nhiều nhà đầu tư ngại tham gia do khó thu hồi vốn và bị giới hạn lợi nhuận định mức. Chính sách tài chính chưa đủ linh hoạt để tạo động lực cho khu vực tư nhân đầu tư vào nhà ở xã hội. Mức lợi nhuận bị khống chế trong khi chi phí đất và xây dựng lại tăng liên tục khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà.

Chuyển đổi số mang lại cơ hội lớn để tháo gỡ các nút thắt về quỹ đất dành cho nhà ở xã hội. Xây dựng một nền tảng tích hợp các phân hệ quản lý quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính và tài chính sẽ giúp cơ quan quản lý có cái nhìn toàn diện, rõ ràng và chính xác hơn về tình hình sử dụng đất. Công nghệ bản đồ số cho phép cập nhật quy hoạch và trạng thái đất theo thời gian thực, hỗ trợ lựa chọn vị trí phù hợp, tránh tình trạng quy hoạch chồng chéo. Hệ thống giám sát tiến độ giải phóng mặt bằng và xử lý vướng mắc sẽ giúp giảm thiểu tình trạng trì hoãn do thủ tục. Cơ sở dữ liệu về người dân bị ảnh hưởng, chi phí đền bù và kế hoạch tái định cư được số hóa sẽ tăng cường khả năng dự báo và quản lý ngân sách đầu tư công.

Phân hệ xử lý thủ tục hành chính số hóa góp phần cải thiện hiệu quả quản lý và giảm thời gian phê duyệt dự án. Khi tất cả các hồ sơ, văn bản pháp lý được nộp trực tuyến và xử lý trên cùng một nền tảng, tình trạng trùng lặp, chậm trễ hoặc yêu cầu bổ sung nhiều lần sẽ được khắc phục đáng kể. Cơ chế xét duyệt đồng thời các bước đánh giá kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng giúp rút ngắn thời gian xử lý tổng thể cho mỗi dự án. Các quy trình chỉ định nhà đầu tư phù hợp được tối ưu hóa theo hướng minh bạch và nhanh chóng hơn. Chủ đầu tư có thể theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ theo thời gian thực, từ đó chủ động điều chỉnh kế hoạch và chi phí.

Hệ thống xác minh đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội giữ vai trò đảm bảo công bằng và minh bạch. Khi người dân nộp hồ sơ trực tuyến, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia giúp đối chiếu nhanh chóng về mức thu nhập, điều kiện nhà ở và tình trạng cư trú. Chấm điểm hồ sơ dựa trên tiêu chí khách quan sẽ loại bỏ được yếu tố xin-cho và tạo ra danh sách ưu tiên minh bạch. Tự động ghép nối giữa nguồn cung căn hộ và người dân đủ điều kiện giúp tiết kiệm thời gian, đảm bảo phân bổ công bằng. Danh sách chờ được cập nhật liên tục để điều chỉnh theo nhu cầu thực tế, tránh tình trạng bỏ sót hoặc sai lệch.

Hệ thống quản lý tài chính số hóa mang lại tính minh bạch và hiệu quả trong vận hành Quỹ Phát triển nhà ở xã hội. Dòng tiền từ nhiều nguồn được ghi nhận đầy đủ và theo dõi chặt chẽ, đảm bảo chi đúng mục tiêu. Các đề xuất cấp vốn, xét duyệt và giải ngân được thực hiện đồng bộ trên hệ thống, hạn chế tình trạng thất thoát, sai mục đích hoặc trùng lặp. Cơ chế báo cáo tự động cung cấp số liệu thời gian thực cho cơ quan quản lý, hỗ trợ điều chỉnh chính sách theo diễn biến thị trường và nhu cầu của các nhóm yếu thế. Tỷ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư có thể được điều chỉnh linh hoạt dựa trên dữ liệu thực tiễn, nhằm khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư hiệu quả hơn.

Ứng dụng chuyển đổi số giải quyết vấn đề kỹ thuật và thúc đẩy tiến trình cải cách thể chế trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội. Dữ liệu được chuẩn hóa và tích hợp liên ngành sẽ làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và làm chậm quá trình ra quyết định. Minh bạch hóa thông tin quy hoạch, sử dụng đất, danh sách thụ hưởng và tình hình giải ngân vốn giúp tăng cường niềm tin của người dân vào chính sách. Hệ sinh thái số phục vụ cơ quan quản lý và hỗ trợ chủ đầu tư và người dân cùng tham gia vào quá trình giám sát, phản hồi và đồng hành trong triển khai các dự án nhà ở xã hội.

(*) PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường

  • Cùng chuyên mục
VN-Index hồi mạnh, cơ hội đầu tư còn không?

VN-Index hồi mạnh, cơ hội đầu tư còn không?

VN-Index hồi mạnh nhưng dòng tiền phân hóa, cơ hội đầu tư ở các nhóm chưa phục hồi như thủy sản, dệt may, chứng khoán còn nhiều.

Tài chính - 27/05/2025 07:19

Áp dụng AI, chuyển đổi số vào phát triển quản lý nhà ở xã hội

Áp dụng AI, chuyển đổi số vào phát triển quản lý nhà ở xã hội

Việc chuyển đổi số được tích hợp vào khung pháp lý và hệ thống quản lý, sẽ tạo nên một hệ sinh thái nhà ở xã hội công bằng, minh bạch và hiệu quả, giúp người dân thực sự có nhu cầu tiếp cận nhà ở một cách thuận lợi hơn.

Tài chính - 27/05/2025 07:00

Giải pháp triển khai thành công Quỹ nhà ở quốc gia

Giải pháp triển khai thành công Quỹ nhà ở quốc gia

Nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân tại các khu vực đô thị ở Việt Nam đang ngày càng trở nên cấp thiết. Để giải quyết thách thức này một cách hiệu quả và bền vững, việc nghiên cứu và thành lập một Quỹ nhà ở quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tài chính - 27/05/2025 07:00

VN-Index 'ngược dòng' ngoạn mục, chốt phiên tăng hơn 18 điểm

VN-Index 'ngược dòng' ngoạn mục, chốt phiên tăng hơn 18 điểm

Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, thủy sản, dệt may trở thành điểm sáng đáng chú ý trong phiên 26/5 khi có nhiều cổ phiếu tăng hết biên độ.

Tài chính - 26/05/2025 16:27

Thúc đẩy nhà ở xã hội: Bài học quốc tế và giải pháp chính sách về nguồn vốn

Thúc đẩy nhà ở xã hội: Bài học quốc tế và giải pháp chính sách về nguồn vốn

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các mô hình phát triển nhà ở xã hội thành công thường có chiến lược dài hạn, cơ quan điều phối hiệu quả, và nguồn vốn đa dạng.

Tài chính - 26/05/2025 07:39

‘Cởi trói’ chính sách, doanh nghiệp bứt tốc làm nhà ở xã hội

‘Cởi trói’ chính sách, doanh nghiệp bứt tốc làm nhà ở xã hội

Từ "cú huých" chính sách, nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư nhà ở xã hội với mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn đến năm 2030.

Tài chính - 26/05/2025 07:00

Chăm ‘lướt sóng’ cổ phiếu nhà như Chủ tịch Big Group Holdings

Chăm ‘lướt sóng’ cổ phiếu nhà như Chủ tịch Big Group Holdings

Chủ tịch HĐQT Big Group Holdings đang gom lại lượng cổ phiếu đã bán trước đó để nâng sở hữu lên 23,3% vốn.

Tài chính - 25/05/2025 09:37

Bimico đặt kế hoạch lãi 15 tỷ đồng năm 2025

Bimico đặt kế hoạch lãi 15 tỷ đồng năm 2025

Trong năm 2025, Bimico đặt mục tiêu tổng doanh thu 137 tỷ đồng, lãi ròng 15 tỷ đồng, tương đương giảm lần lượt 30% và 41% so với kết quả thực hiện năm 2024.

Tài chính - 24/05/2025 12:57

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ của HHS

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ của HHS

Sau khi được UBCKNN chấp thuận, HHS có thời gian tối đa 90 ngày để hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Tài chính - 24/05/2025 10:00

Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội nhìn từ mục tiêu 1 triệu căn

Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội nhìn từ mục tiêu 1 triệu căn

Theo các chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, cần có các chính sách đột phá hỗ trợ cả nhà đầu tư làm dự án và người dân.

Tài chính - 24/05/2025 07:00

Tôn Đông Á muốn lên sàn HoSE sau 2 năm bỏ lỡ

Tôn Đông Á muốn lên sàn HoSE sau 2 năm bỏ lỡ

Lợi nhuận Tôn Đông Á bị ảnh hưởng bởi sự đi xuống của thị trường xuất khẩu trước sức ép của các chính sách thương mại khắt khe hơn.

Tài chính - 23/05/2025 12:56

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế 'đã làm phải chắc, phải thắng'

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế 'đã làm phải chắc, phải thắng'

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết phải xây dựng trung tâm tài chính quốc tế với tinh thần đã làm là phải thành công, phải thắng lợi, làm tới đâu chắc tới đó.

Tài chính - 23/05/2025 10:15

Ba 'nút thắt' với phát triển nhà ở xã hội

Ba 'nút thắt' với phát triển nhà ở xã hội

Ba nút thắt lớn nhất để phát triển nhà ở xã hội hiện nay trên thực tiễn là quỹ đất "sạch", vốn và thủ tục hành chính.

Tài chính - 23/05/2025 07:00

Thép SMC qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai?

Thép SMC qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai?

Cổ phiếu Thép SMC đã thoát án hủy niêm yết, tuy nhiên đà phục hồi còn nhiều khó khăn do bối cảnh ngành thép đối mặt nhiều thách thức.

Tài chính - 22/05/2025 15:07

Sacombank bổ nhiệm Quyền CEO thay bà Nguyễn Đức Thạch Diễm

Sacombank bổ nhiệm Quyền CEO thay bà Nguyễn Đức Thạch Diễm

Ông Nguyễn Thanh Nhung, Quyền Tổng Giám đốc của Sacombank có hơn 30 năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, từng làm sếp lớn tại Vietbank và Eximbank.

Tài chính - 22/05/2025 12:27

Vietravel đổi tên

Vietravel đổi tên

Vietravel rút ngắn tên gọi nhằm hiện thực hóa khát vọng trở thành tập đoàn du lịch đa quốc gia.

Tài chính - 22/05/2025 07:39