Giá chạy trước, cổ phiếu nhóm bán lẻ còn hấp dẫn?

Nhàđầutư
Là một trong những nhóm cổ phiếu tăng mạnh từ đầu năm, song nghịch lý là các doanh nghiệp bán lẻ lại có kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm giảm mạnh so với các nhóm ngành khác.
TRỌNG HIẾU
14, Tháng 08, 2023 | 07:00

Nhàđầutư
Là một trong những nhóm cổ phiếu tăng mạnh từ đầu năm, song nghịch lý là các doanh nghiệp bán lẻ lại có kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm giảm mạnh so với các nhóm ngành khác.

Ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, mà tiêu biểu là nhóm ngành bán lẻ.

Có thể thấy, nhu cầu tiêu dùng trong quý II/2023 chưa cải thiện khi doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng trưởng chậm lại (tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước) so với quý I/2023 (tăng 11,4%). Mức tăng của quý II/2023 thấp hơn CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) giai đoạn 2016-2019 là 11,8%, do thu nhập của người dẫn vẫn chưa phục hồi khi tình hình kinh tế vĩ mô chưa có chuyển nhiều chuyển biến tích cực: tình hình xuất nhập khẩu, đơn hàng mới,...

Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng năm 2023 đạt 3,29% duy trì đà tăng 3 năm liên tiếp và vượt mức trước đại dịch 2,64% (6 tháng năm 2019) do chịu tác động bởi các yếu tố từ tăng chi phí đầu vào do tác động Elnino (nhóm gạo, thịt lợn,…), nhu cầu phục hồi (nhóm giao thông, điện,…). Cộng hưởng vào đó là áp lực từ cạnh tranh và lãi vay tăng khiến kết quả kinh doanh quý II/2023 của nhiều số doanh nghiệp bán lẻ niêm yết ghi nhận mức suy giảm lợi nhuận nhiều hơn thị trường.

Số liệu từ CTCP Chứng khoán VNDirect chỉ ra doanh thu thuần nhóm bán lẻ trong quý II/2023 giảm 10,5%, còn lãi ròng giảm đến gần 80%.

Lợi nhuận sụt giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính quý II/2023, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail - HoSE: FRT) ghi nhận lỗ sau thuế 215 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết, mặc dù doanh thu thuần tăng 15,4% lên 7.170 tỷ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.924 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,6% nhưng lỗ ròng 213 tỷ đồng trong khi năm ngoái lãi 216 tỷ đồng.

FPT shop FRT 03

FRT ghi nhận lỗ sau thuế 215 tỷ đồng trong quý II/2023, mức lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết. Ảnh: Trọng Hiếu

Tăng trưởng doanh thu của FRT là nhờ hệ thống nhà thuốc Long Châu, với doanh thu tăng 72% lên 6.899 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chuỗi FPT Shop ghi nhận doanh thu giảm 19% xuống 8.118 tỷ đồng; lỗ ròng 318 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 186 tỷ đồng.

FRT cho biết KQKD lỗ là do cầu hàng hóa trong quý I và quý II/2023 giảm mạnh bởi tác động tiêu cực từ các yếu tố vĩ mô: Xuất nhập khẩu giảm, thu nhập giảm, thất nghiệp tăng… ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người dân, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là với những mặt hàng có giá trị cao như hàng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh giá bán của các nhà bán lẻ diễn ra mạnh mẽ và liên tục trong suốt 2 quý đầu năm 2023.

Tương tự, CTCP Thế giới di động (HoSE: MWG) cũng ghi nhận doanh thu quý II giảm 14% so với cùng kỳ, còn 29.464 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 17,4 tỷ đồng, giảm đến 98%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của công ty ở mức 56.570 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 38,7 tỷ đồng, giảm tới 98%.

Giải trình về việc lợi nhuận quý II giảm, MWG cho biết do sức mua của các mặt hàng điện thoại, điện máy nói chung suy yếu kể từ quý IV/2022 và chưa có dấu hiệu phục hồi trong nửa đầu năm nay (ngoại trừ sản phẩm máy lạnh và quạt do yếu tố mùa vụ). Công ty đã tung ra các chương trình giảm giá, khuyến mãi để thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ, góp phần tăng doanh thu 8% so với quý I và chỉ còn giảm 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp quý II vẫn sụt giảm so với quý I và cùng kỳ 2022.

Công ty CP Thế giới số (Digiworld - HoSE: DGW) cũng rơi vào tình trạng ảm đạm khi doanh thu thuần quý II/2023 ghi nhận đạt 4.596 tỷ đồng, giảm 6%, lãi ròng 87 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, doanh thu của DGW ước đạt 8.556 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng, lần lượt giảm 28,2% và 51,4% so với cùng kỳ.

Trong đó, mảng điện thoại vốn là mảng quan trọng, đóng góp phần lớn doanh thu cho DGW thì chỉ đạt 2.190 tỷ đồng doanh thu trong quý II, giảm 19%. Mảng thiết bị văn phòng đem lại doanh thu 730 tỷ đồng, giảm 17% do các doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu.

Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO – HoSE: PET) cũng không phải ngoại lệ khi lãi ròng quý II/2023 giảm 77,6% so với cùng kỳ, xuống 3,3 tỷ đồng dù doanh thu thuần tăng 30,2%, lên 4.503 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu của PET ước đạt 8.749 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,8%, lợi nhuận sau thuế đạt 43 tỷ đồng, giảm 58,4% so với cùng kỳ. 

PET lý giải lợi nhuận giảm trong kỳ do nhu cầu của thị trường sụt giảm nên các sản phẩm trên toàn thị trường đồng loạt giảm giá. Điều này làm cho biên lợi nhuận gộp giảm mạnh trong kỳ.

Triển vọng nào cho cổ phiếu bán lẻ?

Dù KQKD suy giảm mạnh, song điều bất ngờ là giá cổ phiếu nhóm bán lẻ lại diễn biến rất tích cực. Tính từ đầu năm đến nay (tại phiên 11/8), 4/4 mã đều tăng điểm mạnh gồm PET (+73,46%), DGW (+41,05%), FRT (+26,9%), MWG (+25,43%).

Theo quan điểm của BSC, diễn biến tích cực của giá cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ trong quý II/2023 nhằm phản ánh: Kỳ vọng của giới đầu tư về KQKD nhóm ngành tiêu dùng bán lẻ sẽ phục hồi khả quan vào cuối năm 2023 -2024; kỳ vọng biến tích cực theo hướng "tập trung hoá" và "hiệu quả" trong trung hạn.

BSC cho rằng KQKD nhóm bán lẻ trong nửa cuối năm 2023 sẽ cải thiện so với nửa đầu năm 2023, và những cổ phiếu có câu chuyện vẫn được kỳ vọng có diễn biến giá cổ phiếu tốt hơn thị trường trong trung hạn.

Ở góc nhìn của ACBS, công ty chứng khoán này nhìn nhận triển vọng ngành bán lẻ sẽ cải thiện hơn về cuối năm với dự phóng tình hình kinh tế tốt hơn. Chi tiêu của người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ lãi suất đã có điều chỉnh giảm có thể khôi phục hoạt động tài chính tiêu dùng, thuế VAT giảm và các biện pháp của chính phủ nhằm giải quyết một số vấn đề của lĩnh vực bất động sản và tài chính….

Ngoài ra, mô hình dân số đông và đang tăng trưởng kéo theo nhu cầu các sản phẩm thiết yếu vẫn được chú trọng, trong khi tầng lớp trung lưu mở rộng có thể hỗ trợ tăng trưởng cho nhóm hàng xa xỉ như hàng công nghệ thông tin. Nhìn chung, về dài hạn, nền kinh tế đang phát triển, dân số lớn và ưa thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập gia tăng và mức sống cao hơn chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung, ngành hàng công nghệ thông tin nói riêng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ