Thị trường bán lẻ là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế khó khăn

Nhàđầutư
Trong 4 tháng đầu năm 2023, dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường trong nước vẫn là điểm sáng với mức tăng trưởng 12,8% đối với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng.
NGUYỄN TRI
12, Tháng 05, 2023 | 06:30

Nhàđầutư
Trong 4 tháng đầu năm 2023, dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường trong nước vẫn là điểm sáng với mức tăng trưởng 12,8% đối với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng.

ban-le-hang-hoa (1)

Dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường trong nước vẫn là điểm sáng với mức tăng trưởng 12,8% đối với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng. Ảnh: N.T

Nhiều thách thức

Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, chưa bao giờ thế giới "đảo điên" như hiện nay, tăng trưởng suy giảm, tiền tệ ngặt nghèo và rất nhiều rủi ro. Đồng thời, cũng chưa bao giờ, trên một số khía cạnh, nền kinh tế Việt Nam khó khăn như hiện nay.

Đặc biệt, xuất khẩu giảm mạnh, đầu tư nước ngoài giảm, đầu tư công có tăng nhưng rất chậm, đầu tư tư nhân chững lại hoàn toàn, động lực duy nhất còn lại trong quý I/2023 là tiêu dùng.

"Nhưng cũng nói thật, tiêu dùng từ tháng 3-4/2023 tốc độ tăng bắt đầu giảm. Người dân bây giờ cũng giảm thu nhập, thắt chặt chi tiêu", ông Thành chia sẻ.

Sau dịch COVID-19, 3 khó khăn của doanh nghiệp là lao động, dòng tiền, mối lo về nguy cơ dịch bệnh. "Tuy nhiên, hiện, theo điều tra của VCCI, 3 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp: Dòng tiền; đầu vào sản xuất, giá nguyên vật liệu tăng; đơn hàng, thị trường. Từ đó, câu chuyện kết nối rất quan trọng trong việc giải quyết bài toán việc làm, thu nhập, tăng trưởng và kể cả ổn định xã hội, ổn định kinh tế", ông Thành nói. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tác động hậu COVID - 19 cùng với những căng thẳng chính trị trên thế giới đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam.

Nhận thức được điều đó, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trên cả nước nói chung, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ phát triển thị trường ở cả thị trường trong nước, thị trường quốc tế cho các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương.

Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, tích cực củng cố và phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng thời, Bộ Công Thương còn yêu cầu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức xúc tiến thương mại khác nhau được tổ chức thường xuyên, liên tục. Từ đó, hàng ngàn kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tiềm năng được tạo ra.

"Qua đó, góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), 4 tháng đầu năm nay, dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường trong nước vẫn là điểm sáng với mức tăng trưởng 12,8% đối với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng.

ban-le-hang-hoa (2)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Ảnh: N.T

Trong đó, các địa phương ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên đều đạt mức tăng trưởng dương, thấp nhất cũng là những thị trường phụ thuộc vào khách du lịch, có những thị trường tăng trưởng cao đến 17% - 18%.

"Thị trường trong nước bền bỉ trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế, có các doanh nghiệp hộ nông dân đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối, cung ứng cho người dân Với những giải pháp của Chính phủ và các Bộ, ngành như: Giảm thuế VTA giảm 2%, thúc đẩy cho vay tiêu dùng… là những tín hiệu khởi sắc cho thị trường trong nước", bà Nga nói

Theo bà Nga, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhuần nhuyễn các giải pháp để kết nối, xúc tiến để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, bình ổn thị trường.

Các ông lớn bán lẻ tiếp tục "đổ tiền" mở rộng thị trường

Theo ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (phụ trách xúc tiến thương mại), Tập đoàn này tiếp tục định hướng và cam kết phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam với việc đầu tư 1,45 tỷ USD để mở rộng chuỗi siêu thị.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Centra Retail tại Việt Nam cho rằng, việc mở rộng chuỗi siêu thị để nông dân có thể có cơ hội đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng, từ đó quảng bá với thế giới rằng, Việt Nam sản xuất và bán được những sản phẩm tốt.

Bên cạnh đó, kênh phân phối không chỉ mang sản phẩm thế giới đến Việt Nam mà còn mang sản phẩm của Việt Nam đến gần với người tiêu dùng và mang ra thế giới.

ban-le-hang-hoa (3)

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: N.T

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc điều hành toàn quốc siêu thị WinMart (Công ty WinCommerce) cho hay, trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, nhưng WinCommerce với chuỗi WinMart/WinMart+ đã có bước đi ngược với chiều hướng của nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác khi họ phải thu gọn thẩm chí đóng cửa.

Trong năm 2022, công ty này đã mở đến hơn 800 siêu thị và siêu thị mini trên toàn quốc, đồng thời, doanh nghiệp này đang nỗ lực trong năm 2025 sẽ có 6.000 điểm bán là đại siêu thị, siêu thị WinMart/WinMart+ trên toàn quốc.

Để giải quyết vấn đề về hậu cần, năm 2022, WinCommerce đã mạnh dạn đầu tư AI vào chuỗi cung ứng và đạt được những thành tựu rõ rệt về năng suất, cũng như những tác động đến môi trường; ngoài ra, việc tối ưu, đưa big data vào phân tích đã giúp tối ưu các chuyến xe hàng. Từ đó, các siêu thị cũng như các cửa hàng trên toàn quốc luôn đầy ắp hàng hóa.

Về việc kết nối, giao thương với các doanh nghiệp ở miền Trung - Tây Nguyên, ông Tuấn cho hay, doanh nghiệp luôn nỗ lực có mặt trong các buổi giao thương, kết nối, ngoài ra doanh nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các đoàn đi đến các tỉnh thành để chủ động kết nối với các doanh nghiệp.

Ông Tuấn cũng khẳng định, các doanh nghiệp ở miền Trung - Tây Nguyên sẽ không gặp khó khăn, rào cản nào khi đưa hàng vào trong chuỗi WinCommerce thông qua siêu thị WinMart/WinMart+

"Hiện, WinCommerce có khoảng 90% các mặt hàng đang bán trong siêu thị là hàng Việt và chủ lực doanh số, doanh thu và lượng mua là các sản phẩm Việt Nam. Đây là cơ hội rộng mở với các doanh nghiệp, nhà sản xuất miền Trung - Tây Nguyên", ông Tuấn khẳng định.

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp Sở Công thương các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.

Hội nghị nhằm giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của khu vực tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế...

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ