[Gặp gỡ thứ Tư] Giám đốc Equinor: Việt Nam nên sớm thực hiện Quy hoạch điện VIII, dự án điện gió ngoài khơi

Nhàđầutư
"Có rất nhiều quốc gia đang cạnh tranh trong đầu tư vào năng lượng tái tạo. Việt Nam là một quốc gia đầy hấp dẫn. Điều cần thiết đối với Việt Nam hiện nay là phải nhanh chóng bắt đầu giai đoạn triển khai Quy hoạch điện VIII", ông Jacques-Etienne Michel, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Equinor tại Việt Nam nhận định.
TRÍ ĐỨC
22, Tháng 11, 2023 | 08:10

Nhàđầutư
"Có rất nhiều quốc gia đang cạnh tranh trong đầu tư vào năng lượng tái tạo. Việt Nam là một quốc gia đầy hấp dẫn. Điều cần thiết đối với Việt Nam hiện nay là phải nhanh chóng bắt đầu giai đoạn triển khai Quy hoạch điện VIII", ông Jacques-Etienne Michel, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Equinor tại Việt Nam nhận định.

Nhân dịp vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch giữa Petrovietnam và Tập đoàn Equinor (Na Uy), Nhadautu.vn đã có cuộc phỏng vấn với ông Jacques-Etienne Michel, Giám đốc Điều hành & Trưởng Đại diện Tập đoàn Equinor tại Việt Nam, về điện gió ngoài khơi và các dự định của tập đoàn này tại Việt Nam.

  "Việt Nam mở rộng sản xuất điện gió ngoài khơi càng sớm càng tốt"

Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi chắc chắn sẽ có các tác động tiêu cực đến môi trường biển và ngành thủy sản, ví dụ như các vấn đề về khu vực đánh bắt, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và nguồn hải sản. Kinh nghiệm và đề xuất của ông dành cho Việt Nam là gì?

Ông Jacques-Etienne Michel: Equinor có hơn 50 năm kinh nghiệm trong các hoạt động khai thác năng lượng ngoài khơi và hơn 15 năm trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi có nhiều năm kinh nghiệm chung sống với những đối tượng sử dụng tài nguyên biển khác, cũng như về môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

Equinor luôn luôn thực hiện các nghiên cứu để đánh giá kỹ lưỡng tác động của bất kỳ dự án điện gió ngoài khơi đến môi trường biển và sinh kế của những đối tượng sử dụng tài nguyên biển khác.

Việt Nam nên thực hiện Quy hoạch điện VIII và mở rộng quy mô sản xuất điện gió ngoài khơi càng sớm càng tốt. Chuỗi giá trị hydro xanh lá sẽ đòi hỏi một lượng lớn năng lượng tái tạo, và điện gió ngoài khơi hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu này.

Ông Jacques-Etienne Michel 

Là một phần trong kế hoạch phát triển kinh doanh cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ thực hiện các nghiên cứu tương tự, với sự cộng tác của chính quyền trung ương và địa phương, các nhà phát triển, cộng đồng và các bên liên quan khác.

Thông thường, những nghiên cứu như báo cáo Đánh giá tác động môi trường và xã hội (ESIA) sẽ mất khoảng 2 đến 3 năm để đảm bảo thu thập đầy đủ thông tin về khu vực triển khai dự án. Đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp các nhà phát triển dự án thảo luận với các nhóm bị ảnh hưởng về các giải pháp lâu dài để cùng tồn tại một cách hài hòa và hợp tác dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

Khung pháp lý cũng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo giảm thiểu tác động của ngành điện gió ngoài khơi đến môi trường biển và các cộng đồng sống phụ thuộc vào biển. Quy hoạch không gian biển (MSP) là một công cụ quan trọng để hỗ trợ việc sử dụng bền vững tài nguyên biển và tạo lập cơ sở cho sự hợp tác giữa những tổ chức, cá nhân sử dụng tài nguyên biển.

Na Uy, tương tự như Việt Nam, có đường bờ biển dài. Na Uy có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển và ứng dụng Quy hoạch không gian biển. Trên cơ sở đó, Na Uy là đối tác thiện chí của Việt Nam trong việc hỗ trợ quá trình quy hoạch không gian biển quốc gia.

Jacques Equinor

Jacques-Etienne Michel, Giám đốc Điều hành & Trưởng Đại diện Tập đoàn Equinor tại Việt Nam. Ảnh: Equinor.

Equinor là doanh nghiệp nhà nước với nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động ngoài khơi, và chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các thông tin cần thiết dựa trên kinh nghiệm mà công ty có được tại những khu vực khác trên thế giới.

Các thông tin này gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, như phân vùng khu vực, thủ tục trao hợp đồng thuê biển, hoạt động khảo sát và bất kỳ vấn đề nào khác mà kinh nghiệm của Equinor có thể phục vụ cho quá trình xây dựng một cơ chế quản lý bền vững và phù hợp với Việt Nam.

Chúng ta cũng đã thấy nhiều minh chứng ở Anh rằng hoạt động của ngành điện gió ngoài khơi có thể đóng góp tích cực cho các sinh vật dưới biển, khi các cấu trúc ngầm của hệ thống tuabin gió đóng vai trò như các rạn san hô nhân tạo, tạo ra hệ sinh thái mới cho môi trường sinh vật biển.

Na Uy có những mục tiêu đầy tham vọng trong chiến lược hydro ban hành năm 2020, chẳng hạn như đưa lượng phát thải ròng về 0 vào năm 2050, sử dụng ammonia, phát triển phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hydro. Ông có thể tóm tắt ngắn gọn về các tiến độ mà Na Uy và Equinor đã đạt được và đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam trong bối cảnh Bộ Công Thương đang soạn thảo chiến lược hydro của Việt Nam đến năm 2030 không?

Ông Jacques-Etienne Michel: Kế hoạch chuyển dịch năng lượng của Equinor hiện nay đang bao gồm 4 điểm chính: Đầu tư vào quá trình khử cacbon trong ngành sản xuất dầu khí của Na Uy; công nghiệp hóa ngành điện gió ngoài khơi, thương mại hóa công nghệ vận chuyển và lưu trữ CO2 và tăng quy mô sản xuất hydro cũng như đóng góp vào quá trình phát triển có lộ trình và hài hòa giữa thị trường và năng lực sản xuất.

Việt Nam sẽ phải xây dựng kế hoạch riêng để phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Tuy nhiên, dựa trên các hoạt động của ngành dầu khí và kinh nghiệm của mình, Việt Nam cũng có thể xem xét một lộ trình tương tự, theo đó có thể cân nhắc đưa điện gió ngoài khơi và việc phát triển chuỗi giá trị dành cho các giải pháp giảm phát thải carbon (như hydro, ammonia, hệ thống thu giữ, sử dụng, lưu trữ và tái chế carbon) trở thành một phần của chiến lược dài hạn nhằm hiện thực hóa tham vọng đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Việt Nam cũng có thể bắt đầu với hydro xanh lam (hydro tự nhiên) trước khi chuyển đổi sang hydro xanh lá (hydro từ điện phân). Để có thể phát triển ngành công nghiệp hydro, việc xây dựng hệ thống sản xuất năng lượng tái tạo trên quy mô lớn, đáng tin cậy, sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự thành công.

Về vấn đề này, Việt Nam nên thực hiện Quy hoạch điện VIII và mở rộng quy mô sản xuất điện gió ngoài khơi càng sớm càng tốt. Chuỗi giá trị hydro xanh lá sẽ đòi hỏi một lượng lớn năng lượng tái tạo, và điện gió ngoài khơi hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu này.

Equinor cũng rất sẵn lòng hỗ trợ chính quyền Việt Nam thông qua Biên bản ghi nhớ mới nhất được ký kết với Petrovietnam, bao gồm việc hợp tác về các giải pháp giảm phát thải carbon ở cấp công ty.

Equinor north sea

Dự án điện gió ngoài khơi Hywind Tampen của Equinor ở Biển Bắc. Ảnh: Equinor.

Đầu tư năng lượng tái tạo cạnh tranh rất khốc liệt

Thế mạnh của Petrovietnam trong hợp tác về điện gió ngoài khơi với các đối tác từ Na Uy là gì? Có ứng cử viên nào khác để thay thế không? Việt Nam nên làm gì để trao quyền cho các doanh nghiệp điện gió ngoài khơi? Các doanh nghiệp Na Uy và Equinor có thể hỗ trợ gì?

Ông Jacques-Etienne Michel: Có thể nói, Petrovietnam sở hữu "DNA" rất giống chúng tôi; cùng là một công ty dầu khí quốc gia với tham vọng phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi. Một trong những thế mạnh mà Petrovietnam cùng với công ty thành viên PTSC mang lại trong quá trình hợp tác là kinh nghiệm của họ về chuỗi cung ứng tại địa phương.

Có rất nhiều quốc gia đang cạnh tranh trong đầu tư vào năng lượng tái tạo. Bản thân chúng tôi thấy rằng, Việt Nam là một quốc gia đầy hấp dẫn, nhưng quá trình cạnh tranh hiện đang rất khốc liệt. Điều quan trọng đối với Việt Nam là cần phải duy trì được khả năng cạnh tranh.

Ông Jacques-Etienne Michel

Đây là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của quá trình hợp tác trong tương lai. Petrovietnam cũng có kinh nghiệm hợp tác lâu năm với các đối tác quốc tế, thông qua các dự án trong và ngoài nước, và bản thân hai công ty cũng đã có mối quan hệ lâu dài, khởi đầu từ việc hợp tác tại các mỏ khí Lan Tây và Lan Đỏ ở Việt Nam vào những năm 1990.

Về những gì Việt Nam nên làm trong thời điểm hiện nay để hỗ trợ hoạt động kinh doanh điện gió ngoài khơi, chúng tôi rất mong được hỗ trợ chính phủ Việt Nam thiết lập khung pháp lý bền vững và phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Hiện nay, có rất nhiều quốc gia đang cạnh tranh trong đầu tư vào năng lượng tái tạo. Bản thân chúng tôi thấy rằng, Việt Nam là một quốc gia đầy hấp dẫn, nhưng quá trình cạnh tranh hiện đang rất khốc liệt. Điều quan trọng đối với Việt Nam là cần phải duy trì được khả năng cạnh tranh.

Sau những tin vui về việc Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, có thể thấy rằng điều cần thiết đối với Việt Nam hiện nay là phải nhanh chóng bắt đầu giai đoạn triển khai Quy hoạch điện VIII.

Chúng tôi tin rằng quy trình này cần thiết phải được xử lý bởi chính quyền trung ương. Dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi tại các quốc gia khác, chúng tôi cũng tin rằng hướng đi sau đây có thể là sự lựa chọn đúng đắn.

Thứ nhất, về chính sách và tham vọng: Quy hoạch điện VIII đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng đối với ngành điện gió ngoài khơi, và đây là một trong những yếu tố đầu tiên chúng tôi tìm kiếm tại mỗi thị trường. Tuy nhiên, các dự án điện gió ngoài khơi thường mất 7-10 năm để phát triển, do đó, để theo đuổi mục tiêu, việc làm rõ kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 một cách kịp thời là rất quan trọng.

Thứ hai, về việc trao quyền thuê/phát triển khu vực biển: Quá trình soạn thảo quy hoạch không gian biển sẽ là cơ sở định hướng cho việc lựa chọn khu vực biển. Điều cần làm hiện nay là phải nhanh chóng trao quyền thực hiện các dự án thí điểm thông qua cơ chế fast-track, tức thực hiện song song các quy trình để đẩy nhanh tiến độ cấp phép, nhằm giữ được sức hấp dẫn của thị trường đối với các nhà đầu tư quốc tế có đủ khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương phát triển dự án.

Điều này bao gồm việc cập nhật các quy định và tiến hành cấp giấy phép khảo sát cho các doanh nghiệp tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ ba, về lưới điện và kết nối: Chúng tôi khuyến nghị các chủ đầu tư chịu trách nhiệm về lưới điện ngoài khơi, còn lưới điện trên bờ sẽ do nhà nước xử lý. Tăng cường sự hiệu quả của lưới điện là điều cần thiết cho quá trình phát triển điện gió ngoài khơi trên quy mô lớn.

Thứ tư, về cơ chế giá: Để đảm bảo các dự án sẽ phát triển bền vững về mặt kinh tế, phải xây dựng cơ chế hỗ trợ giá cho các dự án đầu tiên và cho các cuộc đấu giá trong tương lai, để các nhà phát triển nhìn thấy được một phương án kinh doanh bền vững trong các dự án.

Điều này bao gồm việc đảm bảo rằng các hợp đồng mua bán điện sẽ có thể được chấp nhận bởi phía ngân hàng - đồng nghĩa với việc đáp ứng tiêu chuẩn cho phép các dự án được cấp vốn thông qua các khoản vay từ ngân hàng.

Chúng tôi cũng cho rằng hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) sẽ là một công cụ quan trọng để đảm bảo tính khả thi về mặt thương mại của các dự án tại Việt Nam. Công cụ này sẽ cho phép những bên tiêu thụ điện lớn, ví dụ như các nhà máy công nghiệp, có thể mua điện trực tiếp từ các dự án năng lượng tái tạo.

Thứ năm, về ngành công nghiệp chuỗi cung ứng: Việt Nam đã có sẵn chuỗi cung ứng lớn trong ngành dầu khí mà có thể được sử dụng để đáp ứng cho ngành điện gió ngoài khơi. Chúng ta cần khuyến khích tinh thần hợp tác tự nguyện và hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp tại địa phương.

Trên thực tế, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo vốn là một ngành kinh doanh dựa trên địa phương. Equinor đã giúp xây dựng một báo cáo về chuỗi cung ứng cùng với Đại sứ quán Na Uy và hiện tại, một báo cáo nghiên cứu tiếp theo về năng lực quản lý chuỗi cung ứng ở Việt Nam đang trong giai đoạn hình thành.

Equinor có thể chia sẻ vốn kinh nghiệm lên tới 50 năm trong các hoạt động ngoài khơi. Equinor là công ty điện gió ngoài khơi lớn trên toàn cầu, có nhiều năng lực về phát triển, xây dựng, lắp đặt và vận hành các công trình. Equinor hiện đang hoàn tất việc vận hành trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới tại Vương quốc Anh, và chúng tôi cũng muốn mang những kinh nghiệm này đến với Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Equinor là một công ty quốc tế lớn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, có trụ sở tại Na Uy và đội ngũ 22.000 nhân lực hoạt động tại 30 quốc gia. Trong vòng hơn 50 năm qua, Equinor đã giúp chuyển đổi những nguồn tài nguyên thiên nhiên thành năng lượng cho nhân loại và sự tiến bộ xã hội.

Mỗi ngày, Equinor đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hơn 170 triệu người tiêu dùng cũng như nhiều công ty trên khắp thế giới. Equinor tin rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành một thị trường mới nổi hấp dẫn trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi và do đó đã quyết định mở văn phòng đại diện tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2022.

Equinor hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng của Việt Nam. Equinor đã đóng góp vào quá trình xây dựng báo cáo nghiên cứu chuỗi cung ứng Việt Nam trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Báo cáo đem lại một cái nhìn tổng quan về toàn bộ chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam và cũng nêu bật những cơ hội mà ngành điện gió ngoài khơi mang lại cho các nhà cung cấp của Việt Nam.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ