EuroCham: Hiệp định EVFTA sẽ mở ra một làn sóng thương mại và đầu tư mới 

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham cho rằng, Hiệp định EVFTA sẽ mở ra một làn sóng thương mại và đầu tư mới. Nhưng thỏa thuận này đạt được thành công hay không phụ thuộc vào nỗ lực từ hai phía.
LÝ TUẤN
29, Tháng 07, 2020 | 08:38

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham cho rằng, Hiệp định EVFTA sẽ mở ra một làn sóng thương mại và đầu tư mới. Nhưng thỏa thuận này đạt được thành công hay không phụ thuộc vào nỗ lực từ hai phía.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp với chủ đề “Phát triển kinh tế và nắm bắt cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu”.

Tham dự có Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng các diễn giả cấp cao, phái đoàn ngoại giao châu Âu tại Việt Nam cùng hàng trăm doanh nghiệp.

Hội nghị tập trung thảo luận về hợp tác và phát triển kinh tế trước khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1/8) và kế hoạch và định hướng phát triển xuất nhập khẩu của TP.HCM dựa trên Hiệp định EVFTA.

DSCF5085_zing

Đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM với doanh nghiệp với chủ đề “Phát triển kinh tế và nắm bắt cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu” diễn ra sáng 28/7. Ảnh: ĐP.

Tại hội nghị, đại diện hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, Hiệp định Tự do Thương mại châu Âu - Việt Nam (EVFTA), sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8, được kỳ vọng mở ra thời kỳ mới trong quan hệ kinh tế giữa hai bên, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang cố gắng vượt qua những tác động từ đại dịch COVID-19.

EVFTA cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP), là hai thỏa thuận thương mại tự do (FTA) có phạm vi cam kết rộng nhất và mức độ cam kết cao nhất mà Việt Nam tham gia từ trước tới nay.

"EVFTA là lá phiếu tín nhiệm của EU dành cho Việt Nam. Việc đây chỉ là FTA thứ hai được ký (giữa EU) với một quốc gia thành viên ASEAN cho thấy EU vô cùng coi trọng Việt Nam, quá trình cải cách tích cực và tầm quan trọng chiến lược của đất nước ở châu Á”, ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) cho hay.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch EuroCham cũng cho rằng, Hiệp định EVFTA sẽ mở ra một làn sóng thương mại và đầu tư mới. Nhưng thỏa thuận này đạt được thành công hay không phụ thuộc vào nỗ lực từ hai phía.

Ngoài ra, Hội nghị cũng cho ra mắt Sách trắng EuroCham 2020 (phiên bản lần thứ 12). Sách trắng báo cáo thường niên tổng hợp các vấn đề khuyến nghị về thương mại và đầu tư của EuroCham.

Trong đó nhấn mạnh một số cải cách khi hiệp định được thực thi sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh trong các ngành công nghiệp và tăng cường thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Cụ thể là trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, hải quan và thuận lợi thương mại; phát triển thông minh và bền vững cho các ngành công nghiệp; tiêu dùng và y tế.

Mục đích của sách trắng là hỗ trợ Chính phủ và chính quyền Việt Nam trong quá trình cải cách hành chính. Khi sách trắng được đưa vào thực thi sẽ giúp cho TP.HCM trở thành môi trường kinh doanh cởi mở, cạnh tranh và hấp dẫn hơn cho doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp định dự kiến sẽ thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban Châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.

Ông Bouflet cho rằng "cải cách hành chính" sẽ là chìa khóa để Việt Nam "mở" được toàn bộ lợi ích của EVFTA và thu thêm nhiều hơn đầu tư trực tiếp (FDI) từ châu Âu. Đồng thời, việc triển khai EVFTA diễn ra vào thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết và đây là cơ hội lớn cho Việt Nam.

"Việt Nam giờ đã mở cửa kinh tế trở lại, ngay cả khi các nước khác trên thế giới đang chật vật ứng phó với tác động của đại dịch. Điều này sẽ tạo ra động lực lớn hơn nữa cho các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào một thị trường an toàn, an toàn và tăng trưởng nhanh", đại diện EuroCham nói.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 4/2020, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 15,2 tỷ USD, giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu đạt 10,6 tỷ USD (giảm hơn 9%) và nhập khẩu đạt 4,5 tỷ USD (tăng hơn 10%).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU là: điện thoại các loại (2,78 tỷ USD), giày dép các loại (1,19 tỷ USD), máy vi tính và sản phẩm điện tử (1,36 tỷ USD) và hàng dệt may (814,6 triệu USD) đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu đã thông qua Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA). Ngày 08 tháng 6 năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua EVFTA và hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020

Dự báo, Hiệp định sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ