Đổi mới thu hút đầu tư nước ngoài - Bài 3: Nói không với ‘vốn mỏng’, đầu tư ‘chui’

Nhàđầutư
Các hiện tượng "vốn mỏng", hay đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Việc siết lại chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài từ nay đến 2030 đã được Bộ Chính trị đề ra.
NHÓM PV
28, Tháng 09, 2019 | 17:11

Nhàđầutư
Các hiện tượng "vốn mỏng", hay đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Việc siết lại chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài từ nay đến 2030 đã được Bộ Chính trị đề ra.

xuat-khau-sang-my

Lẩn tránh xuất xứ hàng hoá để xuất khẩu sang nước thứ 3 đang là chiêu bài được nhiều nhà đầu tư nước ngoài sử dụng

Ứng xử với các dự án “vốn mỏng”

Trên thực tế, chuyện dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có quy mô nhỏ, thậm chí quá nhỏ vào Việt Nam đã được nhắc tới từ lâu. Tuy nhiên, từ đó tới nay, tình hình cũng không nhiều cải thiện. Các dự án được xem là “vốn mỏng” vẫn tiếp tục được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

9 tháng đầu năm 2019, tỉnh Kiên Giang chỉ thu hút được 4 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký chỉ hơn 400.000 USD. Sẽ là dễ hiểu đối với một tỉnh không đặt nặng về công nghiệp như Kiên Giang, nhưng ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, cũng rất nhiều dự án FDI quy mô nhỏ.

TP.HCM 9 tháng đầu năm nay thu hút được 941 dự án FDI mới, với vốn đăng ký 949 triệu USD. Như vậy bình quân một dự án chỉ khoảng 1 triệu USD. Còn Hà Nội, cũng có 630 dự án cấp mới, nhưng tổng vốn đăng ký chỉ 501 triệu USD, nghĩa là bình quân vốn đầu tư dự án cấp mới còn chưa đến 1 triệu USD/dự án. Nếu loại trừ các dự án có quy mô 100 triệu USD trở lên, quy mô bình quân của các dự án thậm chí còn nhỏ hơn rất nhiều.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã nhiều lần lên tiếng về việc có rất nhiều dự án nhỏ, thậm chí “li ti”, vốn có khi chỉ vài chục ngàn USD, đăng ký vào Việt Nam. Dự án quá nhỏ thì khó có thể kỳ vọng có những tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam mà đôi khi còn ẩn chứa những yếu tố tiêu cực.

Tại phiên họp quý III của Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, một số thành viên cũng đưa ra cảnh báo về vấn đề "vốn mỏng" khi nhận định, số lượng dự án đầu tư nước ngoài tăng mạnh nhưng số vốn đăng ký lại giảm mạnh cho thấy quy mô đầu tư của các dự án đầu tư nước ngoài ngày càng nhỏ.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ với lo ngại của các thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia và cho biết, Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện pháp luật về đầu tư nước ngoài, khắc phục các rủi ro bằng biện pháp sàng lọc, kiểm soát đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị. 

Đó là, không thu hút hợp tác ở các lĩnh vực đang dư thừa công suất vì chiến tranh thương mại, dự án được thẩm lậu công nghệ từ nước khác sang Việt Nam hay dự án ở một số lĩnh vực nhạy cảm năng lượng, cảng biển, đường sắt, an ninh quốc phòng.

Thừa nhận thực tế quy mô vốn FDI đăng ký vào Việt Nam phần nhiều có quy mô nhỏ, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, cần phải rà soát và thống kê cụ thể xem cơ cấu các dự án quy mô nhỏ thuộc lĩnh vực, ngành hàng nào.

Với dự án dịch vụ, quy mô nhỏ là dễ hiểu. “Nhưng kể cả như vậy, thì cũng phải đặt vấn đề xem chúng ta có nên thu hút các dự án FDI kiểu như vậy nữa hay không, trong bối cảnh bây giờ khắp nơi người ta nói đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, GS. Nguyễn Mại nói.

Bởi vậy, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, cần nghiêm túc xem xét và tính đến phương án nói “không” với các dự án có quy mô vốn quá nhỏ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cũng cho rằng, các dự án cấp phép phải phụ thuộc những mục tiêu mà Việt Nam hướng đến, còn những cái mà doanh nghiệp Việt có khả năng làm được thì phải để người Việt làm. Lĩnh vực nào không làm được thì mới thu hút vốn nước ngoài.

Trước đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã từng tính đến chuyện sẽ đưa một mức vốn đầu tư tối thiểu đối với các dự án FDI. Nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đồng tình việc phải đưa ra quy định về suất đầu tư tối thiểu. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề này.

Đành rằng, không thể nói, các dự án quy mô nhỏ là không cần thiết và kém hiệu quả, nhưng một khi các dự án quy mô nhỏ, thậm chí dưới 1 triệu USD/dự án, quá nhiều thì cũng cần xem xét lại. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang chuyển hướng sang thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn, hay các dự án có sức lan tỏa đến kinh tế - xã hội Việt Nam.

Không khoan nhượng với tình trạng đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng"

Tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động đang làm một số hình thức đầu tư truyền thống bị biến dạng, mà điển hình là việc đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” nhằm lẩn tránh các quy định kinh doanh của nước sở tại, lẩn tránh xuất xứ hàng hoá, hay nguy hiểm hơn là lẩn tránh các quy định về an ninh quốc phòng. Do vậy, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã nêu rõ, cần nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng này.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện trạng một số nhà đầu tư nước ngoài đầu tư doanh nghiệp bất động sản, góp vốn dưới 49%, đầu tư đất đai, cơ sở tai những vùng đất nhạy cảm, liên quan đến an ninh quốc phòng; hay việc, một số nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua bán – sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp trong nước tại những dự án có tính ảnh hưởng an ninh quốc gia cao; hoặc một số doanh nghiệp nhạy cảm an ninh quốc phòng nhận vốn, vay nợ từ các doanh doanh nghiệp nước ngoài, các quyết định kinh doanh bị ảnh hưởng lớn từ bên cho vay; gần đây nổi lên là việc lẩn tránh xuất xứ hàng hoá để xuất khẩu... đang xảy ra ngày càng nhiều.

Do vậy, ông Lộc đưa ra kiến nghị, trong bối cảnh mở cửa ngày càng sâu rộng hơn, Việt Nam tiến tới cần có một đạo luật để kiểm soát các giao dịch kinh tế tiềm ẩn các nguy cơ không đảm bảo an ninh kinh tế.

“Đạo luật này có thể gọi tên là Luật về An ninh Quốc phòng trong hoạt động kinh tế. Quốc hội (hoặc Chính phủ) cần có một bộ phận để kiểm soát các giao dịch kinh tế gồm dự án đầu tư nước ngoài; các hoạt động đầu tư gián tiếp, mua bán – sáp nhập công ty; các hoạt động vay nợ, chuyển nhượng tài sản; các hợp đồng mua bán lớn (trong lĩnh vực như hàng không, viễn thông, điện lực…)”, ông Lộc đề xuất.

Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã thừa nhận thực trạng, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, trong đó còn tình trạng đầu tư "chui", "núp bóng"; chuyển giá ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, nâng khống giá trị máy móc thiết bị...

Người đứng đầu cơ quan chuyên trách lập kế hoạch cho biết, quan điểm của Bộ là "kiên quyết" chấm dứt tình trạng này, đồng thời nâng cao chất lượng các dự án, từ chối các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. 

Chỉ đạo vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là giai đoạn hiện nay cần xây dựng, thiết kế những bộ lọc để chọn ra những dòng vốn phù hợp và nhấn mạnh cần có những giải pháp để Việt Nam tránh khỏi tình trạng vốn đầu tư không thực chất.

"Chúng ta phải đấu tranh không khoan nhượng với vấn đề dòng vốn đầu tư chui, đầu tư núp bóng, lẩn tránh thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa" ông Huệ nói và nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng để nâng cao môi trường đầu tư.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ