Doanh nghiệp họ nhà Tôn chi tiền tỷ 'đọ sức' trên sân cỏ Ngoại hạng Anh

Nhàđầutư
Thay vì quảng cáo trực tiếp ở những giải đấu trong nước, bất chấp giá cả đắt đỏ, các doanh nghiệp Việt vẫn không ngần ngại chi số tiền lớn để tên thương hiệu xuất hiện trên sân cỏ giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh - Premier League (Ngoại hạng Anh).
HỒ MAI
30, Tháng 09, 2017 | 08:11

Nhàđầutư
Thay vì quảng cáo trực tiếp ở những giải đấu trong nước, bất chấp giá cả đắt đỏ, các doanh nghiệp Việt vẫn không ngần ngại chi số tiền lớn để tên thương hiệu xuất hiện trên sân cỏ giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh - Premier League (Ngoại hạng Anh).

Rượt đuổi trên thị trường tôn, đua tỏa sáng trên sân cỏ

Trong trận đấu giữa Newcastle và Tottenham tại giải Ngoại hạng Anh mùa 2017/2018, trên bảng điện tử sân St James’ Park xuất hiện dòng chữ quảng cáo “TÔN NAM KIM MADE IN VIETNAM”. 

Trước đó, ở trận đấu giữa Southampton gặp Swansea, người hâm mộ bóng đá khắp thế giới cũng đã thấy dòng chữ “TÔN NAM KIM MADE IN VIETNAM” chạy vòng quanh sân St Mary's nhiều lần.

Tôn Nam Kim là thương hiệu tôn của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG). Tôn Nam Kim quảng cáo trên sân cỏ giải Ngoại hạng Anh được thực hiện trong quý III/2017, do đó chi phí quảng cáo chưa được thể hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2017.

ton nam kim 123

Dòng chữ "TÔN NAM KIM MADE IN VIETNAM" trên bảng điện tử sân St James’ Park. 

Năm 2015, doanh nghiệp cùng ngành với Tôn Nam Kim là Tôn Đông Á đã chi khoảng 2 tỷ đồng để có dòng chữ quảng cáo chạy trên sân cỏ Ngoại hạng Anh trong 10 trận.

Sau đó, tại giải ngoại hạng Anh mùa bóng 2016-2017, người hâm mộ bóng đá Việt Nam theo dõi qua truyền hình thêm một lần bất ngờ và thích thú khi dòng chữ “TON DONG A - MADE IN VIETNAM” xuất hiện trên bảng quảng cáo điện tử với tần suất liên tục ở các sân: Britannia của Stoke City, The Hawthorns của West Brom và cả sân King Power trong trận đấu giữa Leicester và Arsenal.

ton dong a

 Thương hiệu Tôn Đông Á xuất hiện trong trận đấu giữa Leicester và Arsenal.

Công ty Cổ phần Thép Nam Kim được thành lập năm 2002 với số vốn điều lệ ban đầu là 60 tỷ đồng, chuyên sản xuất và kinh doanh hai sản phẩm chính là tôn mạ kẽm và tôn kẽm mạ màu. Còn Công ty Cổ phần Tôn Đông Á ra đời sớm hơn vào năm 1998 cũng chuyên sản xuất thép cán nguội, tôn kẽm, tôn lạnh, tôn màu.

Mặc dù "sinh sau đẻ muộn", thị phần tôn màu của Thép Nam Kim (15%) hiện chỉ đứng sau "vua tôn" Hoa Sen (37%) và dẫn trước Tôn Đông Á (12,6%).

ton ma

 Thị phần tôn mạ của Thép Nam Kim đứng thứ hai sau "vua tôn" Hoa Sen. Nguồn: Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), 

Lũy kế nửa đầu năm 2017, doanh thu của Nam Kim tăng mạnh 38,1% lên mức 5.487 tỷ đồng, lợi nhuận ròng tăng 14,2% lên 350 tỷ đồng. Trong đó, gần 44% doanh thu của công ty này đến từ các thị trường nước ngoài.

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2017, Tôn Đông Á đạt doanh thu 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 325 tỷ đồng.

Do chưa mạnh về tài chính so với các đối thủ khác như Hoa Sen, Hòa Phát nên Nam Kim chưa mạnh dạn đầu tư lớn vào mạng lưới bán lẻ mà phụ thuộc hoàn toàn vào các đại lý. Biên lợi nhuận gộp của Nam Kim chỉ mới bằng một nửa so với Hoa Sen, thậm chí còn thấp hơn so với đối thủ Tôn Đông Á.

Tuy vậy, việc đẩy mạnh chiến dịch quảng bá trên sân bóng nước ngoài cho thấy tham vọng muốn thu hẹp khoảng cách tới vị trí số 1 của Nam Kim trong thời gian tới.

Chỉ là "biển quảng cáo"?

Có một câu hỏi đặt ra là việc quảng cáo này của các doanh nghiệp Việt nhắm đến đối tượng nào khi các từ “Tôn” gắn với doanh nghiệp nếu đối tượng người mua hướng tới là người nước ngoài thì có thể phải chuyển ngữ ra tiếng Anh.

Do đó, đối tượng hướng đến có thể chính là cộng đồng người Việt, khán giả Việt. Với hướng đi này, doanh nghiệp Việt đã chọn cách đi đường vòng, "chạy" sang Anh để người Việt biết đến nhiều hơn bởi Ngoại hạng Anh là giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất thế giới, thu hút cả tỷ lượt người xem mỗi mùa. Đó là lý do mà các nhà đài phải bỏ ra hàng chục triệu USD để có được bản quyền phát sóng và doanh nghiệp cũng vì thế mà bỏ ra hàng tỷ đồng để quảng bá thương hiệu.

Đến thời điểm này, vẫn chưa có doanh nghiệp nào công bố hiệu quả mà chiến dịch này mang lại.

Vài năm trước, báo chí Anh từng đưa tin ông bầu Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) từng nhắm tới việc mua lại cổ phần của Arsenal, một trong những đội bóng hàng đầu ở Premier League. Thương vụ này sau đó không thành, song nó cũng mở ra việc hợp tác giữa HAGL với Arsenal, dẫn tới sự ra đời của học viện HAGL Arsenal JMG ở Việt Nam.

Năm 2007, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã chọn hình thức quảng cáo chạy bảng điện tử logo "HOANG ANH GIA LAI VIET NAM" trực tiếp trên sân Emirates của câu lạc bộ Arsenal suốt 2 mùa bóng 2007-2008 và 2009-2010, hình ảnh cũng được phát đi toàn cầu.

Thời điểm đó, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào nghĩ đến việc đưa thương hiệu vào giải Ngoại hạng Anh, đặc biệt là quảng cáo trực tiếp trên sân của các câu lạc bộ lớn thuộc hàng top 4 (Manchester United, Arsenal, Chelsea, Liverpool).

Tuy không tiết lộ cụ thể chi phí quảng cáo, nhưng ông Đoàn Nguyên Đức cho hay giá cả rất đắt đỏ. Theo ông chủ Hoàng Anh Gia Lai, có thể đặt thương hiệu quảng cáo trên sân Emirates là nhờ vào mối quan hệ đặc biệt với Học viện bóng đá Arsenal GMG.

hagl

Hoàng Anh Gia Lai đã chọn hình thức quảng cáo chạy bảng điện tử logo "HOANG ANH GIA LAI VIET NAM" trực tiếp trên sân Emirates của câu lạc bộ Arsenal suốt 2 mùa bóng.

Nhưng thời gian qua, những thông tin bất lợi về tình hình tài chính của HAGL liên tục xuất hiện, ảnh hưởng không nhỏ tới cả thành tích của đội bóng này tại V-League.

Kể từ ngày 30/6/2017, Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai đã chấm dứt hợp tác với Câu lạc bộ Asenal. Mối tình 10 năm của bầu Đức (từ năm 2007) với một trong tứ đại gia của ngoại hạng Anh, với mục đích nâng tầm bóng đá Việt đã tan vỡ. Giấc mơ đưa cầu thủ Việt ra nước ngoài thi đấu, chưa nói đến việc xuất khẩu cầu thủ, vẫn chỉ dừng lại ở "biển quảng cáo".

Một thương hiệu Việt khác cũng sử dụng giải Ngoại hạng Anh để quảng bá thương hiệu là Led Điện Quang.

Tại trận cầu giữa hai đội bóng West Ham và Arsenal ngày 9/4/2016, những tín đồ của môn bóng đá Việt Nam đã rất bất ngờ khi thấy dòng chữ "Led điện quang - MADE IN VIETNAM" chạy trên bảng quảng cáo điện tử. Tiếp đó, vào ngày 7/5, trong trận đấu giữa Sunderland và Chelsea, bảng chạy chữ quảng cáo của Điện Quang lại xuất hiện trước hàng triệu người hâm mộ bóng đá Anh.

dien quang

 Dòng chữ "Led điện quang - MADE IN VIETNAM" chạy trên bảng quảng cáo điện tử sân cỏ Ngoại hạng Anh.

Thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (DQC) đang có không ít biến động và khó khăn do cả yếu tố nội bộ và thị trường.

Bà Hồ Thị Kim Thoa,Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng từng là đầu tàu tại DQC suốt 14 năm, đã nộp đơn xin thôi chức. Ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Thoa do những khuyết điểm, vi phạm thời còn làm lãnh đạo Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (2004 - 2010).

Theo báo cáo tài chính gần đây nhất, nửa đầu năm 2017, DQC đạt doanh thu hợp nhất 418 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế giảm 53%, về mức 50,4 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hoạt động kinh doanh trong nước và xuất khẩu của DQC đều thách thức hơn trước. Ở mảng xuất khẩu, DQC từng đạt tăng trưởng mạnh vào các năm 2013-2015. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ VDSC, phần lớn doanh thu xuất khẩu của DQC đến từ thanh lý hàng compact tồn kho.

Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho giá rẻ của doanh nghiệp cạn dần, trong khi phân khúc đèn LED - động lực tăng trưởng mới của Điện Quang từ năm 2013, đang phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt trên thị trường chiếu sáng, đặc biệt là sự tràn ngập của đèn Trung Quốc.

Có thể thấy, cả Hoàng Anh Gia Lai hay Điện Quang - những thương hiệu Việt từng "tỏa sáng" trên đấu trường thể thao đẳng cấp thế giới, và khiến không ít người Việt cảm thấy vừa bất ngờ vừa tự hào - vẫn đang phải căng mình để vượt khó khăn, khủng hoảng. Liệu Tôn Đông Á, Tôn Kim Nam với những chiến lược quảng bá tương tự có được những thành quả "lấp lánh ánh tôn"?

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ