Doanh nghiệp địa ốc chờ 'cởi trói' hàng trăm dự án

Doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM như ngồi trên đống lửa khi có quỹ đất nhưng không thể triển khai dự án do có sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật. Cũng từ đây, nguồn cung sụt giảm mạnh, thị trường phát triển không đồng đều và áp lực dòng tiền cũng đang đề nặng lên doanh nghiệp.
ĐÌNH NGUYÊN
04, Tháng 05, 2022 | 07:00

Doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM như ngồi trên đống lửa khi có quỹ đất nhưng không thể triển khai dự án do có sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật. Cũng từ đây, nguồn cung sụt giảm mạnh, thị trường phát triển không đồng đều và áp lực dòng tiền cũng đang đề nặng lên doanh nghiệp.

dn-bat-dong-san-cho-coi-troi-du-an

Doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM dù có quỹ đất nhưng nhiều năm qua không thể triển khai do vướng mắc thủ tục. Ảnh: Gia Huy

Hàng trăm dự án ngưng trệ

6 năm qua, câu chuyện các dự án bất động sản (BĐS) bị ách tắc ở TP.HCM không còn là mới mẻ. Đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm hay những kiến nghị từ chính các doanh nghiệp địa ốc gửi đến các cơ quan chức năng đều đã nói về vấn đề này. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn hàng trăm dự án bất động sản vẫn chưa được giải quyết do có những vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Đơn cử, câu chuyện gửi đơn cầu cứu đến Bộ Xây dựng của Tập đoàn địa ốc hàng đầu TP.HCM - Novaland. Đầu năm 2020, Novaland đã có đơn cầu cứu khẩn cấp gửi Bộ Xây dựng về việc xin được tiếp tục thực hiện dự án.

Theo đó, tập đoàn này "cầu cứu" Bộ Xây dựng cho Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (thành viên Novaland) được tiếp tục phát triển dự án Khu dân cư hơn 30 ha thuộc phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức. Bởi đây là dự án đã đủ điều kiện bán hàng và Novaland đã đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.

Phía Novaland đã chủ động đề xuất với các Bộ, Sở ngành hai phương án để thực hiện. Song, tháng 3/2020, sau khi nghiên cứu đơn của doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời Novaland với nội dung nêu trong đơn cầu cứu của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP.HCM. Dẫu vậy, thông qua các cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp bất động sản và UBND TP.HCM để tìm hướng giải quyết các dự án bất động sản vướng mắc nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa được giải quyết dù phía Novaland đã xây dựng xong nhà mẫu.

Một “ông lớn” địa ốc khác là Tập đoàn Đất Xanh cũng đang chờ "cởi trói" hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM. Từ năm 2017 đến nay doanh nghiệp này không thể phát triển một dự án nào mới ở TP.HCM dù đang là doanh nghiệp nắm trong tay quỹ đất rất lớn ở TP.HCM, trong đó có dự án Gem Riverside, phường An Phú, TP. Thủ Đức. Được biết, dự án này được Đất Xanh Group triển khai mở bán cho khách hàng trong năm 2018. Dự án xây dựng trên phần đất 67.142 m2, bao gồm 12 tháp, cao 35 tầng với khoảng 3.175 căn hộ. Tổng mức đầu tư cho Gem Riverside khoảng 5.695 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành sau 24 tháng thi công.

Tuy nhiên, sau khi công bố, dự án đã không thể triển khai thi công do vướng pháp lý và đến đầu năm 2020, dự án đã bị thu hồi do có rất nhiều sai phạm như mở bán khi chưa có hạ tầng, không được cấp phép xây dựng của cơ quan chức năng, chuyển nhượng đất công không qua đấu giá…

Tương tự, sau thành công của dự án Him Lam Phú An hồi năm 2016 với hơn 1.000 căn hộ chung cư thì đến nay, Công ty CP Địa ốc Him Lam không có dự án nào mới dù có nhiều quỹ đất ở TP.HCM. Điển hình trong số đó là dự án chung cư ở quận 7 và dự án ở đường Thi Sách, quận 1. Phía Him Lam cho biết, cả 2 dự án này đều chưa được cấp phép do có một số vướng mắc trong quy định. Thậm chí, đơn vị này cũng phải bán đi các quỹ đất để tồn tại.

"Do không có dự án mới, nên trong hơn 5 năm qua, Him Lam phải co cụm trong kinh doanh, nhân viên phòng kinh doanh phải nghỉ việc. Từ đó, tạo gánh nặng lớn về tài chính của doanh nghiệp cũng như việc tồn tại và phát triển", Phó Tổng phụ trách kinh doanh Him Lam Land Lê Thị Bích Ngọc cho biết.

Phúc Khang Corp cũng trong tình trạng “dài cổ” chờ tháo gỡ các vướng mắc dự án. Cụ thể, năm 2015, khi triển khai dự án Diamond Lotus tại quận 8, doanh nghiệp này triển khai tiếp dự án Diamond Lotus Lakeview tại quận Tân Phú, dự án có diện tích 11.458 m2, gồm 3 tháp 21 tầng với khoảng 1.000 căn hộ. Tòa A và C đã được Phúc Khang mở bán vào tháng 7/2016, toà B được bán vào tháng 4/2017. Nhưng đến nay, dự án này lại không thể triển khai.

Tại TP. Thủ Đức, dự án Rome Diamond Lotus của đơn vị này dù được ra mắt vào năm 2019 nhưng cũng chưa thể triển khai xây dựng và mở bán cho khách hàng. Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang Corp cho biết, dự án triển khai thi công xong hầm móng nhưng lại không tiếp tục được cấp phép xây dựng do việc chuyển đổi nguồn gốc đất từ đất sản xuất sang đất nhà ở.

Từ năm 2015 tới nay, Phúc Khang Corp không có dự án nào mở bán, doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn trong phát triển.

Danh nghiệp chỉ cần cơ chế

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, những bất cập này đang cản trở sự phát triển bình thường của thị trường bất động sản.

"Cứ 100 dự án nhà ở thương mại thì có không quá 5 dự án có 100% đất ở; có khoảng trên dưới 80 dự án có đất ở và các loại đất khác, còn lại khoảng 10 dự án có đất nông nghiệp hoặc có đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nhưng lại thường là các dự án lớn. Trong 5 năm qua, khoảng 95% tổng số dự án nhà ở thương mại do không có 100% đất ở, nên không được công nhận chủ đầu tư, không thể triển khai thực hiện được dự án", ông Châu nói.

Và chỉ tính trong 3 năm, (từ ngày 10/12/2015 - 9/2018) đã có hơn 126 dự án nhà ở thương mại tại TP.HCM bị tắc thủ tục công nhận chủ đầu tư, do các dự án này không thỏa điều kiện có 100% đất ở. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp, cho thị trường bất động sản và cho nền kinh tế, làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước và là một trong các nguyên nhân làm giảm nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở, đẩy giá nhà tăng cao.

Trao đổi với PV Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho rằng, doanh nghiệp làm bất động sản chỉ cần 2 điều, đó là cơ chế và quỹ đất. Bởi hiện nay, thủ tục pháp lý cho một dự án bất động sản tuy ổn nhưng vẫn còn chậm, hơn nữa, quỹ đất ở TP.HCM ngày càng khan hiếm. Giải quyết được 2 vấn đề này, ông Phúc nói, doanh nghiệp bất động sản sẽ đảm bảo nguồn cung dự án ra thị trường, đáp ứng nhu cầu cho người ở thực trước tình trạng lệch pha cung cầu.

"Hy vọng trong năm nay, Quốc hội sẽ thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, đặc biệt là Điều 75. Nếu thông qua được trong năm nay thì gần như mọi vấn đề được giải quyết, bởi quy trình đầu tư hiện nay cũng đã khá ổn. Từ đó, thị trường sẽ đa dạng nguồn cung, giải quyết được nhu cầu ở thực của người dân. Còn nếu không thông qua được vấn đề này thì doanh nghiệp cực kỳ mệt mỏi. Bởi doanh nghiệp hiện nay không có đất để làm hoặc phải đi đường vòng", ông Ngô Quang Phúc nhận định.

Các doanh nghiệp địa ốc mong chờ ngày các dự án "cởi trói" bởi trong suốt khoảng thời gian ngưng trệ dự án đã tăng chi phí đầu tư, chi phí quản lý doanh nghiệp, bị đọng vốn. Thêm nữa, doanh nghiệp bị mất doanh thu, mất cơ hội kinh doanh và ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ