Đề xuất Quốc hội gói hỗ trợ khẩn cấp cho an sinh xã hội, người lao động

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân mong muốn Thủ tướng đề xuất với Quốc hội một gói hỗ trợ mới, khẩn cấp hơn cho an sinh xã hội, người lao động, gia đình chính sách… bởi, thời gian gần đây, số lao động mất việc làm, cắt giảm giờ làm rất lớn.
VŨ PHẠM
27, Tháng 05, 2023 | 16:11

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân mong muốn Thủ tướng đề xuất với Quốc hội một gói hỗ trợ mới, khẩn cấp hơn cho an sinh xã hội, người lao động, gia đình chính sách… bởi, thời gian gần đây, số lao động mất việc làm, cắt giảm giờ làm rất lớn.

Sáng 27/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình.

Về dự kiến chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban TVQH hội tổ chức giám sát.

Chuyên đề 1, việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Các dự án gồm: Sân bay Long Thành; cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 TP.HCM; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Chuyên đề 2, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 3, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009-2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Chuyên đề 4, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015-2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Empty

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Quốc hội

Đề xuất gói hỗ trợ khẩn cấp

Sau khi nghe xong tờ trình, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát. Phần lớn các ĐBQH đồng tình với chương trình giám sát, lựa chọn chuyên đề 1 và 4 để giám sát tối cao. Ngoài ra, còn một số vấn đề ĐBQH quan tâm và góp ý với Ủy ban TVQH, Quốc hội.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết, tình hình kinh tế của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm. Trong 4 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng mạnh còn số doanh nghiệp thành lập mới suy giảm. Do đó, đại biểu rất đồng tình với chuyên đề 1.

Tuy nhiên, mong muốn của chúng ta sau giám sát phải có sự thay đổi, chuyển đổi đem lại hiệu quả cho nền kinh tế. Nếu chờ đợt giám sát năm 2024 mới xong Nghị quyết 43 thì đại biểu cho rằng sẽ bị muộn.

Empty

ĐBQH Trần Hoàng Ngân, đoàn ĐBQH TP.HCM. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu lý giải, nếu tăng trưởng kinh tế dưới 3% thì thất nghiệp sẽ gia tăng, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội. Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, số lao động mất việc làm, cắt giảm giờ làm trong thời gian gần đây rất lớn.

"Chúng ta có thể không có con số cụ thể nhưng có thể hình dung đến hơn 500.000 lao động", ông Ngân nói và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ khi ngày 26/5 đã ban hành công điện 470 chỉ đạo giải quyết ngay những khó khăn của doanh nghiệp.

Theo đại biểu, gói tài khóa tiền tệ theo Nghị quyết 43 có thời hạn 2 năm, đến nay chỉ mới giải ngân được 87.300 tỷ đồng, trong khi dự trù 301.000 tỷ đồng, không tính 46.000 tỷ đồng cho gói y tế. Tỷ lệ mới chiếm 29% nhưng đã hết 1,5 năm nên rất mong các bộ, ngành triển khai quyết liệt công điện 470 của Thủ tướng.

Đặc biệt, đại biểu mong muốn Thủ tướng đề xuất với Quốc hội gói hỗ trợ khẩn cấp hơn cho an sinh xã hội, người lao động, gia đình chính sách, gia đình có người thân mất trong đợt đại dịch COVID-19…

Ngoài ra, vị ĐBQH đoàn TP.HCM cho rằng, nếu cứ nghĩ giảm thuế là giảm thu ngân sách thì không đúng. Bởi, trong năm 2022 có giảm thuế nhưng nguồn thu ngân sách vượt kế hoạch. Do đó, việc giảm thuế là cần thiết, từ đó, tăng doanh thu, giải quyết việc làm.

Empty

ĐBQH Nguyễn Quang Huân, đoàn ĐBQH Bình Dương. Ảnh: Quốc hội

Bất động sản "chìm lắng" làm ảnh hưởng đến nền kinh tế

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa bày tỏ đồng tình lựa chọn chuyên đề 4. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng chuyên đề này cần tập trung hơn vào phát triển, quản lý nhà ở xã hội, vì chính sách nhà ở xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Đại biểu cho biết, tuy pháp luật, chính sách đã có, nhưng việc triển khai nhà ở xã hội cho người dân còn nhiều khó khăn, còn khoảng cách xa so với mục tiêu, nhu cầu đặt ra.

Để phát triển nhà ở xã hội đạt yêu cầu, cần định hình rõ chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi chính sách. Đại biểu đề nghị phạm vi giám sát cần toàn diện, có sự đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở, thời gian giám sát cần bắt đầu từ năm 2006, thời điểm có hiệu lực của Luật Nhà ở 2005 cho đến năm 2023 để quán triệt tốt chủ trương của Đảng trong việc giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân.

"Nội dung giám sát cần trả lời được các vấn đề tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội, thực trạng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao, việc thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội như thế nào?", đại biểu Hoàn cho hay.

Cũng góp ý về chuyên đề 4, đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đánh giá, tình hình bất động sản chìm lắng hiện nay đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Năm 2022, nền kinh tế đã có tốc độ phát triển ngoạn mục nhưng quý I năm nay đã chững lại.

Việc bất động sản ngừng lại cho thấy mạch máu chính của nền kinh tế đang bị nghẽn lại. Do đó, cần tìm ra các biện pháp để khai thông tình hình này. Nếu không làm gấp, làm nhanh, có thể dẫn đến hệ lụy như khủng hoảng tài chính năm 1997 cũng bắt đầu từ bất động sản ở Thái Lan.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ