Để xây dựng nền kinh tế số

Nhàđầutư
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.
ĐỨC QUANG
10, Tháng 06, 2020 | 11:10

Nhàđầutư
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.

doanh nghiep

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Thanh Phong.

Cùng với đó là mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).

Sự cần thiết

Kinh tế số là vấn đề có tính chất toàn cầu, là bộ phận của kinh tế quốc dân sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp.

Hiện nay, phát triển kinh tế số hội tụ nhiều công nghệ mới như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo... giúp doanh nghiệp xử lý phân tích dữ liệu lớn (big data) để đưa ra quyết định thông minh hơn.

Kinh tế số giúp doanh nghiệp đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến tiêu dùng; thông qua việc sử dụng công nghệ, sản phẩm dịch vụ được phản ánh từ người tiêu dùng để doanh nghiệp điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của họ. Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới như Grab, Uber.

Kinh tế số đòi hỏi phải xây dựng hạ tầng số, theo PGS. TS Nguyễn Ái Việt thì có thể gồm 5 thành phần: hạ tầng kết nối, hạ tầng thiết bị, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng và hạ tầng phát triển công nghệ (xem: Việt Nam thời chuyển đổi số, tr.63).

Bước vào cuộc cách mạng công nghệp 4.0, con người không chỉ sống trong môi trường vật lý và môi trường sinh học mà còn cả trong môi trường không gian số bởi vì hàng ngày chúng ta đang làm việc trên mạng internet, tìm kiếm thông tin, kinh doanh trên mạng, học tập, giải trí, giao lưu qua mạng, làm cho khoảng cách về địa lý không còn là trở ngại trên bình diện quốc gia, cũng như giữa các nước.

Google (Mỹ) và Temasek (Singapore) đánh giá kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD năm 2025. Tổ chức Data 61 (Australia) nhận định nếu chuyển đổi số thành công thì GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm tới.

Việt Nam là thành viên của Cộng đồng ASEAN, một thị trường với 650 triệu dân, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới nhưng kinh tế số chỉ chiếm 7% GDP, thấp hơn nhiều 16% của Trung Quốc, 27% của châu Âu và 35% của Mỹ. Do vậy, phát huy lợi thế của Cộng đồng kinh tế ASEAN thì các quốc gia thành viên có thể tận dụng cơ hội để gia tăng tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế quốc dân.

Tiềm năng

Hạ tầng kết nối của nước ta đã được phát triển từ những năm 90 của thế kỷ trước với ba cột mốc quan trọng: 1) mạng cáp quang từ đầu những năm 90; 2) dịch vụ internet từ giữa thập niên 90 và 3) dịch vụ viễn thông quốc tế từ năm 2000.

Với phương châm “cạnh tranh, chống độc quyền” thị trường công nghệ thông tin đã phát triển nhanh chóng với những doanh nghiệp đầu tàu như Viettel, VNPT, FPT, CMC đạt đến trình độ những quốc gia dẫn dầu ASEAN.

Hiện nay nước ta số người sở hữu điện thoại cầm tay trung bình 1,7máy/người, trong đó 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh, 70% thuê bao di động mạng 3G, 4G, 68% người Việt xem video và nghe nhạc trên thiết bị di động, số người truy cập các trang thương mại điện tử chiếm 72%, mua hàng trực tuyến online qua điện thoại chiếm 53% dân số.

Từ năm 2011 đến nay, thương mại điện tử đã có tốc độ tăng trưởng trung bình 25% -30%/năm; năm 2019, doanh thu bán lẻ thương mại điện tử đạt khoảng 10,4 tỷ USD, chiếm 4,92% thị phần bán lẻ (221 tỷ USD), dự tính đạt 50 tỷ USD vào năm 2025, chiếm khoảng 12% doanh thu bán lẻ.

Trong thời gian gần đây đã có một số tập đoàn kinh tế lớn như Viettel, Mobilphone, Vingroup, FPT đầu tư xây dựng một số Trung tâm nghiên cứu & Phát triển (R&D) quy mô lớn; sự hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp đã có bước tiến đáng mừng, số công trình nghiên cứu, bài báo khoa học của nước ta được công bố trên các tạp chí quốc tế tăng lên nhanh chóng.

Nguồn nhân lực chất lượng cao đã được chú trọng đào tạo, từ đầu những năm 70 thế kỷ trước, một số trường đại học tại Hà Nội đã dạy môn học trí tuệ nhân tạo (AI) cho sinh viên, một số nhóm nghiên cứu AI đã được duy trì tại Viện Hàn lâm Khoa hoc và Công nghệ, Trường Đai học Bách khoa, Cộng đồng nghiên cứu về Xử lý tiếng nói và Ngôn ngữ tiếng Việt (VLSP).

Theo GS.TSKH. Hồ Tú Bảo thì “Tính số người Việt làm về AI ở trong và ngoài Việt Nam, cả về số lượng và chất lượng, dường như không có sự khác biệt lớn giữa Việt Nam với Nhật Bản và Hàn Quốc” (Xem sách đã dẫn, tr. 151).

Nước ta đang đối mặt với một số vấn đề liên quan đến kinh tế số. Hiện nay mỗi bộ, ngành có hệ thống dữ liệu thông tin khác nhau nhưng không liên thông với nhau thành hệ thống dữ liêu quốc gia, mà mới chia sẻ một phần thông tin liên quan.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ nhận định: Trong kinh tế số, dữ liệu được coi là nhiên liệu của nền kinh tế, nhưng kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành chưa liên thông do đó khó nói chuyện cạnh tranh với thế giới. Thói quen dùng tiền mặt trong tiêu dùng còn phổ biến; mặc dù thương mại điện tử gia tăng nhanh chóng, nhưng người mua hàng thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng vẫn rất phổ biến.

Phần lớn giao dịch mua bán nhà đất, trả phí dịch vụ môi giới được thanh toán bằng tiền mặt, gây trở ngại cho sự phát triển thương mại điện tử.

Hiện nay nước ta có khoảng 800.000 doanh nghiệp, khoảng 2-3% doanh nghiệp lớn, trong đó có một số tập đoàn kinh tế, một bộ phận doanh nghiệp vừa đã chủ động và tích cực chuyến sang kinh tế số; nhưng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm trên 92% số doanh nghiệp chưa sẵn sàng, hoặc dù muốn nhưng không có đủ điều kiện về vốn, công nghệ, nhân lực để chuyển đổi số.

Hà Nội và TP.HCM là hai đầu tàu của kinh tế Việt Nam, thuộc bảy thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của ASEAN nhưng chưa có đột phá về tỷ trọng kinh tế số, mô hình phát triển và chiến lược tăng trưởng kinh tế số để dẫn dắt các địa phương vùng ngoại vi.

Thể chế, chính sách phát triển kinh tế số của Việt Nam chậm hoàn thiện so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; điểm yếu nhất của là khoảng cách giữa hoạch định với thực thi thể chế và luật pháp.

Định hướng và giải pháp

(1) Chính phủ điện tử

Chính phủ điện tử, Chính phủ số được hiểu là ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước để các cơ quan của Chính phủ từ trung ương đến thành phố, tỉnh, huyện, quận, phường làm việc có hiệu năng hơn thông qua giao tiếp giữa Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp, Chính phủ với công chức, viên chức và giữa các cơ quan hành chính với nhau.

Để đến năm 2025 có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (cho phép người dùng thanh toán lệ phí trực tuyến) được cung cấp trên nhiều phương tiện, bao gồm di động thông minh, 90% hồ sơ công việc cấp bộ, tỉnh và 80% hồ sơ cấp huyện được xử lý trên môi trường mạng thì cần xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia bao gồm dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được kết nối, chia sẻ trên toàn quốc theo hướng Dữ liệu mở để cả doanh nghiệp và người dân cũng có thể tiếp cận và sử dụng nhưng cần ghi nhận nguồn.

Cần coi dữ liệu là tài sản của người chủ sở hữu, từ đó hình thành quan hệ giữa chủ sở hữu với người sử dụng được pháp luật quy định.

Cần có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ internet di động 5G, đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao và tăng băng thông internet quốc tế. Các cơ quan chức năng cần xây dựng xa lộ internet cho các dịch vụ nhiều người dùng như dịch vụ hành chính công, dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ khác.

Xây dựng thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho các ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số... đồng thời hoàn thiện thể chế để thu hút đầu tư cho các công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần.

(2) Doanh nghiệp

Quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp là sự đổi mới từ công nghệ, nguồn nhân lực đến quản trị doanh nghiệp, không những cần có tư duy mới và chiếnlược dài hạn, mà còn cần quyết liệt và bài bản trong từng giai đoạn phát triển.

Theo TS Võ Trí Thành thì từ kinh nghiệm thực tiễn đã chỉ ra năm trụ cột để doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số: 1) Văn hóa và chiến lược kinh doanh số; 2) Gắn kết và tối ưu trải nghiệm khách hàng; 3) Tối ưu quy trình; 4) Công nghệ hóa và 5) Phân tích và quản lý dữ liệu. (xem sách đã dẫn, tr.472).

Tùy thuộc vào năng lực tài chính, công nghệ, nhân lực của doanh nghiệp mà quá trình chuyển đổi số được thực hiện nhanh hay chậm với tiền đề là tư duy của chủ doanh nghiệp về sự cần thiết phải chuyển đổi số, coi đó là điều kiện sống còn và phát triển của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế trên cơ sơ phát huy lợi thế của mình cần hình thành và mở rộng quan hệ hợp tác cùng có lợi với doanh nghiệp cùng ngành, với viện nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng để hổ trợ trong việc trao đổi dữ liệu, R&D, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Những doanh nghiệp đó cũng cần thu hút các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ vào các chuỗi cung ứng số để tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp đó.

Doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cần tận dụng môi trường số quốc gia, sự hợp tác với doanh nghiệp lớn và tập đoàn kinh tế để thực hiện thành công chuyển đổi số theo lộ trình thích hợp và đạt kết quả tốt.

Hiệp hội nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số của doanh nghiệp thành viên, nhất là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ bằng sự phân công và hợp tác theo chuỗi cung ứng sản phẩm trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.

(3) Nguồn nhân lực

Kinh tế số làm thay đổi lao động của con người, một số nghề truyền thống sẽ dần biến mất, một số nghề mới ra đời, phương thức sản xuất, phân phối và tiêu dùng thay đổi, máy móc thay cho lao động của con người.

Nguồn nhân lực được đào tạo thích ứng với chuyển đổi số là nguồn lực quan trọng của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tháng 7 năm 2016, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định: khoảng 70% lao động một số ngành nghề của Việt Nam như dệt may, giày dép có nguy cơ mất việc làm.

Khi chuyển đổi số, người lao động phải được đào tạo lại để có kỷ năng thích ứng với công nghệ mới và cần học hỏi thường xuyên vì công nghệ luôn đổi mới. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là quá trình gắn với cuộc cải cách nền giáo dục từ phổ thông đến đại học và dạy nghề theo hướng cung cấp cho người học tư duy sáng tạo trong lao động để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước đang hiện đại hóa.

Trong xu thế đó, cần coi trọng đào tạo đội ngũ người lao động trong các ngành nghề với xu thế chuyển đổi số; đồng thời một số lượng ít hơn những kỷ sư công nghệ, chuyên viên kinh tế, nhà quản lý có trình độ cao. Có thể khẳng định rằng, quốc gia nào thắng cuộc trong quá trình chuyển đổi số là quốc gia đào tạo được nguồn nhân lức chất lượng cao, làm chủ công nghệ và dữ liệu, sử dụng có hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

(4) An ninh mạng

Kinh tế số đòi hỏi cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp phải coi trọng an toàn thông tin, vì thực tiễn đã chỉ ra rằng, mạng xã hội của nước ta phát triển rất nhanh, có tác động tích cực truyền tải nhanh thông tin đa dạng đến với các đối tượng khác nhau; đồng thời cũng được sử dụng để nói xấu cá nhân, tổ chức, lan truyền thông tin sai trái, đánh cắp thông tin trên mạng, phá hủy hệ thống gây tác hai to lớn đối với lợi ích quốc gia.

Trên thế giới và ở nước ta có nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn thông tin, được đúc kết thành quy trình 5 bước: 1) Nhận thức hiểm họa; 2) Biện pháp phòng chống; 3) Nhận biết khi sự cố xảy ra; 4) Năng lực đối phó với sự cố và 5) Khả năng phục hồi sau sự cố. (xem sách đã dẫn tr. 115).

Sự chuyển động theo hướng đổi mới, sáng tạo của các cơ quan nhà nước, của doanh nghiệp và người lao động là điều kiện quyết định để thực hiện thành công “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ