Để kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính

Nhàđầutư
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, khu vực kinh tế tư nhân đã tăng trưởng nhanh về số lượng, chất lượng và quy mô, tiếp tục là động lực chính tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
GS.TSKH NGUYỄN MẠI
18, Tháng 10, 2022 | 07:13

Nhàđầutư
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, khu vực kinh tế tư nhân đã tăng trưởng nhanh về số lượng, chất lượng và quy mô, tiếp tục là động lực chính tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Thành quả

Công ty Tài chính quốc tế và Ngân hàng Thế giới đánh giá: khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của kinh tế Việt Nam, duy trì tốc độ tăng trưởng cao; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động xã hội, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) đóng thuế thu nhập DN chiếm khoảng 34,1% cao hơn  27,7% của DN nhà nước, tạo ra khoảng 40% GDP, 30% thu ngân sách nhà nước.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục là nguồn vốn đầu tư quan trọng trong tổng vốn đầu tư của nền kinh tế. 9 tháng năm 2021, vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tăng 0,4% chủ yếu nhờ lực kéo từ khu vực tư nhân với vốn đầu tư 1.100,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,9% và tăng 3,9% và là khu vực duy nhất có vốn đầu tư tăng trưởng dương so với cùng kỳ; trong khi khu vực nhà nước giảm 4,7% và khu vực FDI giảm 3,4%.

Đến cuối năm 2021, nước ta có trên 800.000 DN đang hoạt động, trong đó DN tư nhân chiếm khoảng 98%, hơn 97% là DN vừa và nhỏ (SME), gần 3% là DN quy mô lớn, đã hình thành hàng trăm tập đoàn kinh tế như Vingroup, Sungoup, T&T Group, Hòa Phát, Thaco, Vietjet, Vinamilk, Trumilk, Tân Hiệp Phát; 29 DN tư nhân có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán trên 1 tỷ USD, có 6 tỷ phú USD.

Day chuyen San xuat Dung moi Pfizer 0

Đến cuối năm 2021, nước ta có trên 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 98%, hơn 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần 3% là doanh nghiệp quy mô lớn. Ảnh minh họa: Trọng Hiếu.

Hiện nay, DN tư nhân đã có thể làm được những việc mà trước đây chỉ DN nhà nước, DN FDI làm như xây dựng sân bay, cảng biển quốc tế, sản xuất ô tô, vận tải hàng không, thành lập trung tâm R&D, Trung tâm đổi mới & Sáng tạo, đầu tư tại một số nước phát triển. Dưới đây là hai ví dụ điển hình cho nhận định đó.

Nhà nước đã chủ trương xây dựng ngành công nghiệp ô tô từ cách đây bốn thập niên, nhưng chỉ từ khi đổi mới và hội nhập mới có một số tập đoàn kinh tế như Toyota, Honda, Ford  xây dựng nhà máy tại Việt Nam, chủ yếu lắp ráp thành phẩm bán tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hiện nay Thaco và VinFast đang biến khát vọng đó thành hiện thực; hai tập đoàn đã sản xuất nhiều loại ô tô hiện đại 'made in Vietnam' kiểu dáng đẹp, giá cả hợp lý, được khách hàng ưa chuộng.

Vinfast còn xác lập 3 kỷ lục thế giới, gồm 21 tháng hoàn tất xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất để đi vào sản xuất hàng loạt; cho ra xe mẫu chỉ sau 11 tháng từ khi khởi công nhà máy; cho ra xe thương mại sau chưa đầy 2 năm.

Sungroup xây dựng và quản lý Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đánh giá là hiện đại nhất tại Việt Nam, công suất 2,5 triệu hành khách/năm và 10 nghìn tấn hàng hóa/năm, Cảng biển tàu khách quốc tế Hạ Long tạo cơ hội phát triển  du lịch, là công trình kiến trúc đẹp thu hút khách du lịch đến tham quan, Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái với nhiều cầu qua eo biển, cảnh quan thiên nhiên đẹp, kết nối với Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội, rút ngắn thời gian di chuyển từ Thủ đô đến Móng Cái chỉ còn khoảng ba giờ.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch & Đầu tư thông báo: 8 tháng năm 2022 có 149.451 DN thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 31,1%, trong đó số DN thành lập mới là 101.325, mức cao nhất trong 8 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số vốn đăng ký 3,638 triệu tỷ đồng, tăng 36,1%, trong đó, vốn đăng ký của DN mới thành lập 1,136 triệu tỷ đồng, tăng 0,3% và vốn đăng ký tăng thêm 2,502 triệu tỷ đồng, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm 2021.

15/17 ngành kinh tế có số lượng DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, đáng chú ý là tín hiệu tích cực từ sự phục hồi nhanh chóng của các ngành, lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19 như dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 51,7%, dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác tăng 43,6%, nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 37,0%.

Vấn đề cần quan tâm

Quá trình phát triển kinh tế tư nhân đã nảy sinh một số vấn đề cần được lưu ý:

(1) Quy mô còn nhỏ, nhất là SMEs,  năng suất lao động còn thấp, chỉ bằng 34% của khu vực DN nhà nước và khoảng 69% của doanh nghiệp FDI. Năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế, đầu tư  đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%); chưa chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, chỉ có khoảng 21% SMEs tham gia một phần chuỗi cung ứng sản phẩm, chỉ khoảng 14% DN thành công trong liên kết với DN FDI.

(2) Trình độ quản trị của DN còn thấp, phần lớn chưa qua các trường đào tạo, bồi dưỡng nhà quản lý, khoảng 80% trưởng thành từ thực tiễn kinh doanh; do đó thiếu chiến lược phát triển dài hạn, không có đủ năng lực nghiên cứu thị trường, tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế, thu thập thông tin về công nghệ, đối tác, năng lực cạnh tranh thấp, lợi nhuận chưa nhiều nên khả năng tích lũy vốn để mở rộng quy mô, hình thành thương hiệu khá hạn chế.

Những năm gần đây tuy đã có tiến bộ đáng khích lệ, nhưng vẩn còn một số DN làm ăn theo lối chụp giật, thậm chí thành lập DN "ma" lợi dụng kẻ hở của luật pháp, làm ăn bất chính như làm hóa đơn giả để được hoàn thuế VAT, thực tế không tham gia sản xuất kinh doanh, rồi biến mất khỏi thị trường..

(3) Trình độ lao động và năng suất lao động phần lớn SMEs còn thấp, không có điều kiện để cử cán bộ, chuyên viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, quản trị DN, do đó khó tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ, không theo kíp trình độ chung của đội ngũ lao động trong từng ngành, lĩnh vực; trong khi những chuyên gia giỏi, công nhân có tay nghệ cao thì không mặn mà với những DN này do không đáp ứng được những tham vọng của họ. Nhiều DN có tỷ lệ lao động học việc khá cao, vi phạm chế độ lao động trong việc trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc.

(4) Đại bộ phận SMEs, nhất là DN nhỏ và siêu nhỏ luôn trong tình trạng thiếu vốn và dòng tiền kinh doanh, thậm chí không có tiền để trả lương đúng hạn, có DN phải vay nặng lãi để trang trải chi phí.

Trong khi các DN vừa và các tập đoàn lớn dễ tiếp cận vói tín dụng ngân hàng để vay hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, khi chưa trả nợ đùng hạn thì được đảo nợ, thì nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ không thể vay ngân hàng cả một số gói tín dụng chỉ dành cho DN vừa và nhỏ vì không đáp ứng các điều kiện do đơn vị cho vay quy định.

Một cuộc khảo sát về tín dụng ưu đãi, nhiều chủ DN cho biết khó tiếp cận gói chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng và giãn thời gian cho vay; 44% DN không tiếp cận được gói hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và gần 40% DN chưa đến được với chính sách gia hạn đóng thuế thu nhập DN và VAT.

Những vấn đề trên đây đã được phát hiện nhưng chưa được giải quyết về cơ bản trước hết do một số rào cản thể chế, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế; môi trường đầu tư kinh doanh tuy đã được cải thiện nhưng thực thi pháp luật còn chưa nghiêm ninh, thủ tục hành chính chậm được công khai, minh bạch, một bộ phận không nhỏ công chức nhà nước còn sách nhiễu gây phiền hà cho DN, việc tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian và không chính thức.

Cũng có nguyên nhân khách quan gắn liền với tác động tiêu cực của dịch COVID-19 kéo dài, khả năng chống chịu của các DN nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng suy giảm, hiện nay đã bắt đầu phục hồi, cần có thời gian để tích lũy vốn, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết theo chuỗi cung ứng.

Định hướng và giải pháp

Về định hướng, đại hội lần thứ XIII của Đảng CSVN quyết định: phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích tạo thuận lợi phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để DN tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên... góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, có sức chống chịu cao.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 nêu rõ: phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình DN; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.

Từ năm đầu của Chiến lược phát triển mới, nước ta chủ động chuyển đổi sang kinh tế số, DN số, xã hội số; thực hiện các cam kết quốc tế như Coop 26 về giảm thiểu khí phát thải nhà kính với mục tiêu nhiệt độ trái đất chỉ tăng 1,5 độ C vào năm 2050, tham gia Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, các FTA thế hệ mới về xanh hóa sản xuất, xanh hóa tiêu dùng bằng cách chuyển sang kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, chống cưỡng bức lao động, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động về giờ làm việc, tiền lương, tiền thưởng, thực hiện trách nhiệm xã hội của DN.

Những định hướng đó đòi hỏi chủ DN, trong đó có DN tư nhân ý thức đầy đủ cơ hội và thách thức để chủ động tìm nguồn lực về tài chính, tín dụng, nhân lực chất lượng cao, đổi mới, sáng tạo trong quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất và logistics theo hướng xanh hóa, nâng cao trình độ quản trị DN đáp ứng đòi hỏi của DN số, chính phủ số, liên kết với các DN, nhất là các tập đoàn kinh tế theo chuỗi cung ứng sản phẩm để sản xuất nhiều hơn với chất lượng tốt hơn và hiệu quả cao hơn.

Đại bộ phận DN vừa và nhỏ đang phải khắc phục hậu quả của dịch COVID-19, phải lựa chọn thứ tự ưu tiên cho mục tiêu trước mắt là khôi phục sản xuất kinh doanh như trước dịch, tìm kiếm đối tác mới để mở rộng thị trường, hoặc đồng thời tìm hiểu phương thức sản xuất, kinh doanh, quản trị DN mới, tiếp cận các chính sách ưu đãi tài chính, tín dụng, sự hỗ trợ của DN lớn để nhanh chóng đáp ứng đòi hỏi của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng. Nếu chỉ thiên về mục tiêu trước mắt, không chú ý đến mục tiêu lâu dài thì lợi bất cập hại, DN khó chống chịu được va đập trên thị trường, khó duy trì lâu dài, thậm chí lâm vào trạng thái ngừng hoạt động, phá sản.

Về giải pháp, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách có liên quan đến DN tư nhân, đã được thể chế hóa bằng luật, nghị định, do đó đã tháo gỡ một số khó khăn cho DN, tạo điều kiện để thực hiện các mục tiêu của nền kinh tế, trong đó có tăng số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của DN.

Bài này kiến nghị một số giải pháp đang thực thi nhưng chưa được hoàn chính, hoặc chứng tỏ không phù hợp với đòi hỏi của DN.

(1) Quốc hội đã dành nhiều thời gian tại hai kỳ họp hàng năm để xây dựng luật pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế, luật hóa các vấn đề mới có liên quan đến cam kết quốc tế. Tuy vậy, tình trạng thiếu tính hệ thống, mâu thuẫn giữa các luật, giữa luật với nghị định đã được phát hiện nhưng chưa được khắc phục về cơ bản.

Để thực hiện những mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021- 2025 và Chiến lược 10 năm 2021- 2030 cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật nhanh hơn và đồng bộ hơn nữa để tạo khung pháp lý cho đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế, thúc đẩy DN chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn, DN số, cần rà soát các quy định về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai để khắc phục các bất cập đang cản trở sản xuất, kinh doanh của DN.

Ba vấn đề đang đòi hỏi phải nhanh chóng luật hóa là giảm khí phát thải, tăng trưởng xanh theo Coop 26, thuế tối thiểu toàn cầu 15% và quy định của các hiệp định thương mại thế hệ mới cần được tích hợp thành những nội dung sửa đổi, bổ sung trong nhiều luật có liên quan.

Đối với kinh tế tư nhân tuy đã có Luật khuyến khích DN vừa và nhỏ và một số chính sách liên quan nhưng trên thực tế nhiều chính sách không được thực hiện như tín dụng ưu đãi đòi hỏi các điều kiện mà DN không đáp ứng được, các Quỹ hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng nhưng do được coi là đầu tư công nên thủ tục khá phiền hà, kiểm tra, giám sát quá chặt chẽ, nên rất ít DN tiếp cận được. Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa tất cả các DN, tạo điều kiện thuận lợi để DN vừa và nhỏ tiếp cận tài chính, tín dụng, dài hạn, đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ nguồn nhân lực.

Đối với tập đoàn kinh tế tư nhân đang cần có quy định của Nhà nước, tốt nhất là luật về các loại mô hình tổ chức, quản lý, quan hệ giữa công ty mẹ - công ty con, chuyển vốn và tài sản nội bộ tập đoàn để khắc phục thực trạng quá đa dạng và khó quản lý, dễ bị thao túng như gần đây đã xảy ra một số vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

(2) Kinh tế tư nhân cần được phát triển ở nhiều cấp độ để hình thành đội ngũ DN từng ngành, lĩnh vực có sự phân công và hợp tác trong khuôn khổ hiệp hội ngành nghề theo chuỗi cung ứng sản phẩm do các tập đoàn làm nòng cốt, hỗ trợ có hiệu quả DN khởi nghiệp và DN vừa và nhỏ để làm chủ thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới. 

Chú trọng thực hiện phân bổ nguồn lực quốc gia có hiệu quả, đảm bảo kinh tế tư nhân được bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển; phát triển đồng bộ thị trường hàng hóa, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học, công nghệ với cơ chế mở theo hướng kinh tế số để DN, nhất là DN khởi nghiệp và SMEs tham gia nhằm đáp ứng nhu cầu vốn, lao động, công nghệ của họ.

(3) Tạo điều kiện thuận lợi để hơn 5 triệu hộ kinh doanh tự nguyện chuyển sang DN, liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác để hỗ trợ lẫn nhau. Vấn đề này đã được bàn thảo khi sửa đổi, bổ sung Luật DN, nhưng chưa có sự đồng thuận, do đó cần trao đổi thêm để có chủ trương dứt điểm.

Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Khuyến khích DN tư nhân góp vốn, mua cổ phần của DN nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn;  đa dạng hóa hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và  DN FDI, nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường.

(4) Hoàn thiện hệ thống thông tin về DN, công khai, minh bạch, cơ chế tiếp cận để mọi DN, người dân, nhà nghiên cứu, cơ quan nhà nước dễ dàng trong khi tiếp cận thông tin.

Ngày 31/12/2010, Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN chính thức được vận hành trên phạm vi toàn quốc, góp phần đưa đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế trở thành mô hình liên thông điện tử đầu tiên trong khối các cơ quan nhà nước. Sau một thời gian hoạt động, đến nay, hệ thống này đã liên tục được nâng cấp để đảm bảo yêu cầu cấp đăng ký DN theo khung pháp lý mới của Luật DN, Luật Đầu tư. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã triển khai nâng cấp phiên bản NBRS 2.1.7 của Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN để đáp ứng yêu cầu của DN.

Các tỉnh, thành phố cần xây dựng Hệ thống thông tin về DN kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia và với doanh nghiêp hình thành mạng lưới thông tin để DN và người dân tiếp cận trong quá trình đầu tư và kinh doanh.

Trong kinh tế số, thông tin là tài nguyên rất quan trọng, không hao hụt, mất đi, mà trái lại còn gia tăng theo cấp số nhân do được sử dụng rộng rãi. Do vậy, DN cần có bộ phận thu thập và xử lý thông tin để các nhà quản trị DN và từng phòng, ban, bộ phận tiếp nhận, xử lý nhằm đưa ra quyết định đúng đắn đối với sản xuất, kinh doanh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ