Dấu ấn quan trọng trong điều hành ngân sách Nhà nước 2023

Năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,05% - là điểm sáng so với kinh tế thế giới, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của chính sách tài khoá. Tạp chí Nhà đầu tư đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về thu-chi ngân sách Nhà nước (NSNN) 2023 và định hướng 2024.
ĐÌNH VŨ
09, Tháng 02, 2024 | 15:10

Năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,05% - là điểm sáng so với kinh tế thế giới, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của chính sách tài khoá. Tạp chí Nhà đầu tư đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về thu-chi ngân sách Nhà nước (NSNN) 2023 và định hướng 2024.

a Bo truong 4

 

Ngân sách Trung ương và địa phương đều vượt thu 

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách được đánh giá là một điểm sáng của Việt Nam trong năm 2023. Bộ trưởng chia sẻ gì về điều này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hồi phục và đà tăng trưởng kinh tế trong nước. Tuy nhiên, ngành tài chính đã chủ động nỗ lực, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Về điều hành ngân sách nhà nước (NSNN), thực hiện điều hành chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Ước tính các gói hỗ trợ về chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới 200 nghìn tỷ đồng. Tôi cho rằng đây là một dấu ấn đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ vai trò tích cực, hiệu quả của chính sách tài khóa trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và sẽ áp dụng tại Việt Nam từ năm 2024. Điều này cho thấy sự chủ động của Việt Nam khi tham gia sân chơi lớn của quốc tế, khẳng định quyền thu thuế đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định quốc tế và pháp luật trong nước.

Về thu ngân sách, ước thu NSNN năm 2023 vượt khoảng 5% so với dự toán; kể cả số thuế miễn giảm thì thu ngân sách năm nay vượt khoảng 9-10% so với dự toán Quốc hội giao. Đáng chú ý, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều vượt thu so với dự toán. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đến hạn, kết hợp với việc tiếp tục thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tôi cho rằng kết quả thu NSNN cả năm như trên là kết quả hết sức tích cực, là dấu ấn quan trọng trong điều hành NSNN năm 2023.

Về chi NSNN, kiểm soát bội chi, quản lý nợ công cũng là một điểm sáng. Ước tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2023 dưới 4% so với mức 4,42% Quốc hội cho phép. Nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%. Cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, nợ nước ngoài giảm dần.

Cùng với đó, các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử ký kịp thời khó khăn vướng mắc để ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch.

Đánh giá của Bộ trưởng về kết quả triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất...? Việc triển khai các giải pháp hỗ trợ này đã tác động thế nào đến thu ngân sách trong năm qua?

Có thể nói trong suốt giai đoạn từ 2020 đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Đó là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Trong đó, quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Năm 2023 khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế.

Trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng lớn trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là nhu cầu chi cho an sinh xã hội tạo ra thách thức lớn đối với cân đối NSNN thì việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân của Bộ Tài chính.

Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán thu NSNN năm 2024, trong đó, dự toán thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 3,4% so với ước thực hiện năm 2023. Trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, theo Bộ trưởng, mục tiêu này có tạo áp lực với ngành tài chính và đâu là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Dự báo năm 2024 chúng ta triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, dự báo khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Trong khi đó nhiệm vụ đặt ra đối với ngành tài chính hết sức nặng nề: Dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; Dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; Bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.

Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu lớn của ngành tài chính là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Một số nhóm giải pháp chính đã được đề ra gồm:

Trước hết, thường xuyên theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế thế giới và trong nước, không để bị động, bất ngờ. Tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, các công trình trọng điểm quốc gia,... phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn.

Bốn là, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định; tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

Năm là, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Cùng đó thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sẽ thu thêm khoảng 14.600 tỷ đồng từ Thuế tối thiểu toàn cầu 

Như Bộ trưởng đã đề cấp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Việt Nam sẽ được hưởng lợi ích gì từ việc thực thi Nghị quyết này? Theo Bộ trưởng Việt Nam cần làm gì để vừa đảm bảo quyền lợi quốc gia nhưng lại không làm mất lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nếu Việt Nam áp dụng quy định về Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) để ứng phó với việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu của các nước thì sẽ thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu có dự án đang được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế TNDN tại Việt Nam với số thuế thực tế thấp hơn mức tối thiểu và sẽ góp phần tăng thu NSNN về thuế TNDN từ những đối tượng này.

Theo số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, chúng tôi tính toán sơ bộ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, nếu Việt Nam áp dụng QDMTT từ năm 2024 cho các tập đoàn đầu tư vào Việt Nam thì chúng ta có thể thu thêm thuế bổ sung ước tính khoảng trên 14.600 tỷ đồng.

Khi Việt Nam áp dụng Quy định Tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) đối với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài mà có doanh thu hợp nhất đạt tối thiểu 750 triệu EUR (thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu), có công ty thành viên ở nước khác nếu có số thuế TNDN thực tế thấp hơn mức tối thiểu thì có khả năng thu thêm thuế TNDN bổ sung từ những doanh nghiệp này, từ đó tăng thu NSNN.

Nếu Việt Nam áp dụng quy định IIR cho các tập đoàn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thì số thuế TNDN bổ sung Việt Nam có thể thu được nếu áp dụng quy định IIR năm 2024 dự kiến khoảng gần 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng QDMTT).

Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới như: Tăng nguồn thu NSNN từ phần thu thuế bổ sung; Tăng cường hội nhập quốc tế; Hạn chế hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.

Đối với các các chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiểu sự tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu tới doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư của Việt Nam, hiện nay Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương xây dựng các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ