[Gặp gỡ thứ Tư] Bộ trưởng Tài chính: 'Cố gắng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 vượt 1,7% dự toán'

Nhàđầutư
Mặc dù thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong quý III giảm rõ rệt, nhưng cả năm có thể vượt 1,7% dự toán. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí Nhà đầu tư.
HỒNG ANH
03, Tháng 11, 2021 | 06:00

Nhàđầutư
Mặc dù thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong quý III giảm rõ rệt, nhưng cả năm có thể vượt 1,7% dự toán. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí Nhà đầu tư.

DSC_4805_12

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc. Ảnh Zing

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về khả năng thu - chi ngân sách 3 tháng cuối năm và cả năm 2021?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Như chúng ta đã biết, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch COVID-19 tái bùng phát với biến thể Delta nguy hiểm, khó kiểm soát hơn và lan nhanh ở nhiều địa phương, xâm nhập sâu vàocác trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất,... Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, quyết liệt hơn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Tình hình trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọimặt hoạt động của nền kinh tế, đời sống nhân dân và đến hoạt động thu, chi NSNN.

Mặc dù thực hiện thu NSNN 9 tháng đạt 80,2% dự toán (thu NSTW ước đạt 76,5% dự toán; thu NSĐP ước đạt 84,7% dự toán), tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2020 là tích cực, nhưng chủ yếu nhờ vào đà tăng trưởng khả quan của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020 đã phát sinh số thu đột biến từ một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân (như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán,...).

Tuy nhiên, số thu NSNN trong Quý III đã giảm rõ rệt qua từng tháng, thu nội địa từ thuế, phí tháng 7 giảm 10,8%, tháng 8 giảm 21% và tháng 9 giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2020; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 8 giảm khoảng 31,4% so tháng 7, sang tháng 9 giảm 13,6% so tháng 8 và giảm 22,3% so bình quân 9 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả thu 9 tháng đầu năm,với tinh thần phấn đấu quyết liệt tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện, quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế; chúng tôi vẫn cố gắng thu NSNN cả năm 2021 vượt khoảng 1,7% dự toán; chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, tập trung nguồn chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; chi trả kịp thời các khoản nợ gốc, lãi đến hạn theo các cam kết; giữ bội chi NSNN trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn cho phép, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Ở thời điểm hiện tại, Bộ trưởng dự báo như thế nào về khả năng thu, chi NSNN năm 2022? Liệu chi cho đầu tư công có bị giảm sút?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Với những kết quả khả quan trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 từ đầu quý 4/2021, triển khai tiêm chủng vắc-xin trên diện rộng, thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, thích ứng với tình hình mới, Chính phủ đang trình các cấp thẩm quyền kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 6-6,5%. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, việc phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh cần thời gian và chi phí lớn.

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2022, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022 trình Chính phủ, trình các cấp thẩm quyền ở mức tích cực, nhưng khả thi, có tính đến tác động của dịch COVID-19 còn có thể kéo dài và ảnh hưởng của việc điều chỉnh chính sách thu đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Dự toán chi năm 2022 được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo theo các tiêu chuẩn, định mức chi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; triệt để tiết kiệm đối với các nhiệm vụchi thường xuyên của NSNN (cắt giảm ngay từ khâu dự toán 10% chi thường xuyên ngoài quỹ lương và chi cho con người của các cơ quan hành chính nhà nước so với năm 2021; cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa, đi công tác, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm...) để ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.

Trong điều kiện khó khăn, nhưng Bộ Tài chính vẫn báo cáo Chính phủ để tới đây báo cáo Quốc hội xem xét quyết định việc tiếp tục cơ cấu lại NSNN, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên trên 29,5% (mục tiêu 5 năm 2021-2025 là 28%), qua đó, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế trong năm tới. Với định hướng bố trí ngân sách như trên, trong điều kiện thu NSNN khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, song vẫn đảm bảo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về các gói hỗ trợ của Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Để ứng phó với dịch COVID-19, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, cả về thu và chi NSNN, một mặt để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19, mặt khác, sắp xếp, ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Cụ thể:

Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp hỗ trợ như: Thực hiện gia hạn thời gian nộp thuế (GTGT, TNDN, TNCN, TTĐB) và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; Giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; Nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN qua đó giảm nghĩa vụ thuế của cá nhân;

Giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020; Thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh (như khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay sát trùng...); Giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành (nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô...); Giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2020; Giảm mức thu lệ phí trước bạ đốivới ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020; Giảm 30 loại phí, lệ phí.

Nhiều giải pháp hỗ trợ từ năm 2020 được tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2021 và ban hành các chính sách hỗ trợ mới, cụ thể: Gia hạn thời hạn nộp thuế (GTGT, TNDN, TNCN) và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong cả năm 2021; miễn, giảm thuế, tiền chậm nộp trong năm 2021 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ và cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm ngành dịch vụ (du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, chiếu phim, thể thao, giải trí,...); doanh nghiệp được tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp; giảm 30 loại phí, lệ phí trong năm 2021.

Tình hình thực hiện năm 2021 dự kiến khoảng 140 nghìn tỷ đồng; thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2021 là 93,1 nghìn tỷ đồng, trong đó: gia hạn 78,5 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (bao gồm cả các chính sách ban hành từ năm 2020 được tiếp tục thực hiện trong năm 2021) là 14,6 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cho khoảng 120 nghìn doanh nghiệp và gần 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh.

Lũy kế từ khi có dịch đến nay giảm 30% thuế VAT, TNDN và 50% thuế hộ gia đình kinh doanh và miễn tiền chậm nộp. Dự kiến nguồn thu giảm, giãn, hoãn cho doanh nghiệp năm 2021 là 211,6 nghìn tỷ đồng, trong đó: gia hạn 176 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí là 35,6 nghìn tỷ đồng.

Tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịchCOVID-19 với nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, địa phương trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiềuchế độ, chính sách cho các lực lượng y tế, quân đội, công an tham gia tuyến đầu chồng dịch, quy định về chi phí cách ly, khám, chữa bệnh; chi hỗ trợ tiền ăn và bồi dưỡng chống dịch COVID-19; chi mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ người dân theo các Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020,số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 (năm 2020);

Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ (năm 2021), theo đó, hỗ trợ cho khoảng 14,95 triệu người lao động và người sử dụng lao động, với nhu cầu nguồn lực ước tính khoảng 26,25 nghìn tỷ đồng, trong đó: chi từ NSNN khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng; nguồn tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 7,45 nghìn tỷ đồng; 3 Quỹ Bảo hiểm là 16,65 nghìn tỷ đồng.

Để đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành NSNN năm 2020 và 2021 chặt chẽ, ưu tiên cân đối nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, như: yêu cầu các Bộ, cơ quan Trungương, địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị (tỷ lệ này năm 2020 là 70%), công tác trong và ngoài nước còn lại, tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng NSTW và NSĐP, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19....

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tích cực phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định sử dụng một phần kết dư của từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (Tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 38 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và 8 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho người sử dụng lao động thông qua việc giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0%).

Bộ trưởng có thể cho biết con số tổng thể đã chi cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trong tháng 9 đầu năm 2021, NSNN trung ương đã chi 29,1 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch (19,7 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (9,4 nghìn tỷ đồng). Lũy kế từ khi có dịch đến nay NSNN đã chi xấp xỉ 50 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch (28,55 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch (21,4 nghìn tỷ đồng).

Bên cạnh đó, tính đến nay, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng thực hiện xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch. Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp trên 137 nghìn tấn gạo hỗ trợ 31 địa phương.

Để có thêm nguồn kinh phí mua và tiêm vắc-xin,Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để huy động nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Đến nay, Quỹ đã huy động được 8.782,5 tỷ đồng; Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi gần 8 nghìn tỷ đồng từ Quỹ vắc xin phòng COVID-19 để mua vắc-xin tiêm phòng cho người dân.

Ngoài các gói hỗ trợ của nhà nước, Bộ trưởng có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm kiếm các giải pháp khác để vượt qua đại dịch?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Luôn đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành và thực hiện đồng thời, đồng bộ nhiều nhóm chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như: nhóm chính sách về tài khóa (gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN; xuất cấp hàng dự trữ quốc gia;...); nhóm chính sách về tiền tệ, tín dụng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19); nhóm giải pháp về gia hạn, cắt giảm chi phí (giảm tiền điện, tiền nước, tiền cước viễn thông; lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn; giãn, giảm các khoản thu bảo hiểm bắt buộc;...)...

Đặc biệt trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp như vừa qua, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để vừa phòng, chống dịch bệnh đảm bảo sức khỏe của người dân, vừa hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất việc đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất.

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biễn rất phức tạp, bên cạnh giải pháp của Chính phủ, doanh nghiệp cần nỗ lực phấn đấu để phục hồi và phát triển sản xuất, tăng cường quản trị doanh nghiệp theo hướng tiết kiệm, chất lượng, hiệu quả. Giữ vững thị trường sản phẩm, giữ vững nguồn nhân lực, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động kinh doanh. Trong khó khăn cần phải giữ vững và tăng cường đoàn kết, nỗ lực hơn nữa, giữ vững sự tín nhiệm của khách hàng, đối tác đối với doanh nghiệp, khơi thông nguồn vốn, thị trường và phục hồi sản xuất hiệu quả.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ