11 giải pháp cân đối ngân sách nhà nước năm 2023

Nhàđầutư
Bộ Tài chính dự báo năm 2023, tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Để hoàn thành mục tiêu thu - chi NSNN Quốc hội đề ra, Bộ Tài chính đã đề ra 11 nhóm giải pháp khác nhau.
ĐÌNH VŨ
20, Tháng 12, 2022 | 07:00

Nhàđầutư
Bộ Tài chính dự báo năm 2023, tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Để hoàn thành mục tiêu thu - chi NSNN Quốc hội đề ra, Bộ Tài chính đã đề ra 11 nhóm giải pháp khác nhau.

ho-duc-phoc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Chiều 19/12, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Báo cáo kết quả thu chi NSNN nước 2022, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 15/12/2022, thu NSNN đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội.

Thu ngân sách vượt dự toán, nhưng chi ngân sách đến ngày 15/12/2022 vẫn khá chậm. Cụ thể, chi NSNN ước đạt xấp xỉ 1.450 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1% dự toán.

Dự báo năm 2023 tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023, ngành Tài chính đặt ra mục tiêu: Đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;

Tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Bộ Tài chính đề ra 11 nhóm giải pháp, gồm:

Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

Quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường công tác quản lý thu.

Tổ chức điều hành chi NSNN năm 2023 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng, thiết yếu, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ của chính quyền địa phương, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế kiểm tra giám sát đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm dự toán thu NSNN.

Nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên.

Tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ với mục tiêu tiến tới tài chính số.

Điều hành ngân sách trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và xử lý tiếp các nhiệm vụ còn lại của năm 2022.

Chiều 11/11/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo nghị quyết, tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 1.620.744 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.076.244 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25455.00
EUR 26817.00 26925.00 28131.00
GBP 31233.00 31422.00 32408.00
HKD 3182.00 3195.00 3301.00
CHF 27483.00 27593.00 28463.00
JPY 160.99 161.64 169.14
AUD 16546.00 16612.00 17123.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18239.00 18312.00 18860.00
NZD   15039.00 15548.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3601.00 3736.00
SEK   2307.00 2397.00
NOK   2302.00 2394.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ