Đại gia bí ẩn tại SCREC

Nhàđầutư
Dự án khu dân cư Phú Mỹ có diện tích 35,5ha là "viên ngọc" hiếm hoi còn sót lại giữa lòng quận 7, TP.HCM. Một trong những đại gia hàng đầu cả nước đã "đặt chỗ" tại đây, và đích đến của vị này, chắc hẳn phải là phần vốn chi phối 51% đang thuộc sở hữu nhà nước.
TẢ PHÙ - THANH HƯƠNG
15, Tháng 07, 2021 | 18:57

Nhàđầutư
Dự án khu dân cư Phú Mỹ có diện tích 35,5ha là "viên ngọc" hiếm hoi còn sót lại giữa lòng quận 7, TP.HCM. Một trong những đại gia hàng đầu cả nước đã "đặt chỗ" tại đây, và đích đến của vị này, chắc hẳn phải là phần vốn chi phối 51% đang thuộc sở hữu nhà nước.

khu-canh-doi

Một góc Quận 7, TP.HCM. Ảnh: Internet

Tổng công ty địa ốc Sài Gòn (RESCO) vừa công bố cáo cáo tài chính công ty mẹ năm 2020, qua đó mang tới những thông tin đáng chú ý về ông lớn địa ốc hàng đầu TP.HCM.

Trong năm qua, dù ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, RESCO vẫn đạt doanh thu 364 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2019. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh, chỉ còn 64,7 tỷ đồng so với 361 tỷ đồng năm 2019 khiến lãi sau thuế của tổng công ty này giảm mạnh, về còn 131,4 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lên tới 432,1 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty mẹ của RESCO tới cuối năm ngoái là 5.851 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm (6.195 tỷ đồng), cấu thành phần lớn là vốn chủ sở hữu (3.940 tỷ đồng).

Đáng chú ý, dù nằm trong danh sách cổ phần hoá, song RESCO hiện vẫn là công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc TP.HCM.

Công tác cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các công ty thành viên cũng còn nhiều bất cập.

Tới cuối năm 2020, RESCO có 6 công ty con, gồm 1 công ty sở hữu 100% vốn là Công ty TNHH MTV Địa ốc Bình Thạnh, và 4 đơn vị sở hữu hơn 50% là CTCP Phát triển Địa cố Sài Gòn 5, CTCP Địa ốc 10, CTCP Địa ốc Tân Bình và CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Nhà Sài Gòn (SCREC).

Trong đó, trái với tình cảnh thua lỗ của các đơn vị khác, thì cùng với Địa ốc Bình Thạnh, SCREC là thành viên hoạt động khá hiệu quả và đều đặn mang về hàng tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm cho RESCO, dù đây là doanh nghiệp có vốn điều lệ thấp nhất, chỉ 30 tỷ đồng.

SCREC có lịch sử hoạt động từ năm 1983, tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng Trang trí Nội thất số 5. Tới năm 1998, doanh nghiệp này thành công ty con trực thuộc RESCO, trước khi được cổ phần hoá năm 2005.

Trải qua 4 thập kỷ hoạt động, SCREC là nhà thầu có tên tuổi ở khu vực phía Nam, đã tham gia hàng trăm gói thầu lớn nhỏ, đóng góp vào sự phát triển của TP.HCM và các địa phương xung quanh.

Cùng với đó, lợi thế là thành viên của RESCO giúp SCREC được giao làm chủ đầu tư nhiều dự án địa ốc, như Chung cư J1 Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh; Chung cư Bến Phú Lâm, quận 6; Cao ốc SCREC, quận 3; Chung cư cao tầng C46 An Phú - An Khánh, quận 2.

Ngoài ra, công ty còn hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư trong và ngoài nước qua các dự án như: Sai Gon Sky Garden, quận 1; Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, quận 12.

Tuy nhiên, tài sản đáng giá nhất của SCREC phải kể tới dự án Khu dân cư Phú Mỹ có diện tích lên tới 35,5ha nằm ở vị trí rất đắc địa tại Quận 7, TP.HCM. Đây là một trong những dự án sạch hiếm hoi còn sót lại tại Quận 7.

"Viên ngọc" Khu dân cư Phú Mỹ

Dự án Khu dân cư Phú Mỹ được chấp thuận cho SCREC từ đầu thập niên trước. Đến tháng 10/2015, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 5117 về phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án. Tháng 11/2017, Cục quản lý xây dựng-Bộ Xây dựng có thông báo thông qua kết quả thẩm định thiết kế cơ sở công trình hạ tầng kỹ thuật đối với dự án.

Theo đó, 42% diện tích dự án (khoảng 15ha) là đất nhà ở bao gồm liền kề, biệt thự và chung cư cao tối đa 30 tầng; 4,6% đất dành cho mục đích thương mại, dịch vụ và văn phòng. Một nửa diện tích còn lại của dự án được quy hoạch đất công cộng, đường giao thông, cơ sở hạ tầng…

Theo báo cáo của SCREC vào cuối năm 2020, hồ sơ pháp lý dự án đã tương đối hoàn chỉnh, đã đền bù trên 90% diện tích đất được giao, nộp tiền sử dụng đất phần diện tích đất ở. Công ty đang đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để sớm triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, sớm đưa dự án và khai thác kinh doanh nhằm sớm thu hồi vốn đầu tư và tạo doanh thu và lợi nhuận cho các năm kế tiếp.

SCREC tính toán tổng mức đầu tư lên tới hơn 8.600 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu theo quy định là 15%, tương đương gần 1.300 tỷ đồng.

Do vậy, SCREC từ năm 2019 đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ gấp 41 lần, từ 30 tỷ đồng lên 1.230 tỷ đồng, tuy nhiên tới nay chưa thực hiện được, mà khó khăn lớn nhất chắc hẳn là quyền lợi của cổ đông nhà nước, với đại diện là RESCO.

Theo Quyết định số 7432 ngày 31/12/2013 của UBND TP.HCM phê duyệt đề án tái cơ cấu RESCO, SCREC thuộc diện giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống dưới 50%, mở ra cơ hội sở hữu "viên ngọc" SCREC cùng dự án KDC Phú Mỹ cho các nhà đầu tư tư nhân.

Thực tế, giai đoạn 2015-2016, một tập đoàn đa ngành đã bắt đầu xuất hiện tại SCREC.

Cụ thể, ngày 1/2/2016, SCREC và Ngân hàng An Bình (ABBank) đã ký hợp đồng tín dụng số 4839/15/TD-XXXV.4 về việc tài trợ vốn cho Dự án KDC Phú Mỹ (Quận 7).

Trong cùng khoảng thời gian này, dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy xuất hiện 2 cổ đông, nắm giữ tổng cộng 34,45% cổ phần SCREC, là CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Miền Nam (641.730 CP) và CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Nam Sài Gòn (392.250 CP). Các doanh nghiệp này, cùng với ABBank đều nằm trong hệ sinh thái đa ngành của một đại gia hàng đầu cả nước hiện nay.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, 2 đại diện của nhóm này là ông Cao Trọng Hoan và ông Phan Thanh Toàn được bầu bổ sung vào HĐQT SCREC nhiệm kỳ 2015-2020. Các vị này lần lượt là Chủ tịch HĐQT và TGĐ CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Miền Nam. Trong khi đó, bà Vũ Thị Chinh, cũng là nhân sự của nhóm này, được bầu bổ sung vào Ban kiểm soát SCREC. Sang năm 2018, bà Nguyễn Thái Hà thay ông Phan Thanh Toàn trong cơ cấu HĐQT SCREC.

Trong HĐQT nhiệm kỳ mới 2020-2025, nhóm cổ đông tư nhân có 2 đại diện là bà Thái Hà và ông Cao Trọng Hoan, trong khi RESCO có 3 người, với sự đứng đầu của ông Hoàng Hải Đăng với vai trò Chủ tịch HĐQT. Ông Hải Đăng ngày 9/6 vừa qua được UBND TP.HCM phân công làm TGĐ RESCO.

Việc trực tiếp tổng giám đốc RESCO đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT cho thấy sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp nhà nước này đối với SCREC.

Theo phương án đã được phê duyệt, RESCO sẽ thực hiện thoái vốn khỏi SCREC. Trong bối cảnh hệ thống hành pháp đang được vận hành rất chặt chẽ hiện nay, thì đấu giá là phương án gần như chắc chắn được lựa chọn nhằm mang về lợi ích tối đa cho ngân sách.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ