Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM sử dụng đất, thực hiện dự án kém hiệu quả

Nhàđầutư
Theo kết luận thanh tra TP.HCM, Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM được Nhà nước giao hơn 3.392,7ha đất phục vụ mục đích chăn nuôi, trồng trọt, đồng thời triển khai thực hiện một số dự án. Tuy nhiên, trong quá thực hiện, công ty đã sử dụng đất kém hiệu quả, thua lỗ, mắc nhiều sai phạm gây lãng phí vốn đầu tư.
NGUYÊN VŨ
13, Tháng 12, 2020 | 14:09

Nhàđầutư
Theo kết luận thanh tra TP.HCM, Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM được Nhà nước giao hơn 3.392,7ha đất phục vụ mục đích chăn nuôi, trồng trọt, đồng thời triển khai thực hiện một số dự án. Tuy nhiên, trong quá thực hiện, công ty đã sử dụng đất kém hiệu quả, thua lỗ, mắc nhiều sai phạm gây lãng phí vốn đầu tư.

cong-ty-bo-sua-tphcm

Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM sử dụng đất, triển khai dự án thiếu hiệu quả gây lãng phí vốn đầu tư. Ảnh: Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM

Thanh tra TP.HCM thông báo kết luận việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý và sử dụng vốn nhà nước, thực hiện dự án tại Công ty TNHH MTV Bò sữa thành phố năm 2018.

Chăn nuôi thua lỗ 21,5 tỷ đồng

Theo đó, ngành nghề sản xuất kinh doanh của Công ty Bò sữa thành phố chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt. Công ty được Nhà nước giao quản lý, sử dụng số lượng diện tích đất hơn 3.392,7ha, chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp (chiếm trên 99%), trải rộng trên nhiều xã nên công tác quản lý sử dụng gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy lợi thế, hiệu quả sử dụng đất.

Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt thấp, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 12,8% kế hoạch (1.964/15.255 triệu đồng). Chi phí quản lý doanh nghiệp so với doanh thu chiếm tỷ trọng lớn 15,37% (8,66 tỷ đồng/56,3 tỷ đồng), nếu loại trừ lợi nhuận từ lãi tiền gửi ngân hàng 15,4 tỷ đồng thì ngành chăn nuôi thua lỗ 21,5 tỷ đồng. Công tác quản lý, đối chiếu, xác nhận, đôn đốc thu hồi nợ chưa đầy đủ theo quy định, có những khoản nợ phải thu để kéo dài nhiều năm.

Những tồn tại này thuộc trách nhiệm của Hội đồng xử lý nợ, Kế toán trưởng, Ban kiếm soát, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bò sữa thành phố thời kỳ có liên quan.

Thực hiện nhiều dự án thiếu hiệu quả

Có thể kể đến dự án “Chăn nuôi bò giống, bò thịt”, tại xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng thực hiện theo chương trình hợp tác phát triển kinh tế giữa TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng.

Dự án sử dụng 236,987 ha đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Tính đến ngày 30/6/2016, dự án đã đầu tư số tiền 28,718 tỷ đồng (chi phí bồi thường 12,328 tỷ đồng, xây dựng cơ bản khác 16,389 tỷ đồng), giá trị còn lại (tại thời điểm tháng 6/2016) là 23,716 tỷ đồng (giá trị quyền sử dụng đất 11,154 tỷ đồng, giá trị tài sản trên đất 12,561 tỷ đồng).

Thế nhưng dự án không mang lại hiệu quả, lỗ lũy kế đến năm 2015 là hơn 11,2 tỷ đồng. Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bò sữa thành phố và Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn thống nhất chuyển nhượng dự án nhằm để thu hồi vốn đã đầu tư theo đúng thẩm quyền.

Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định chấp thuận chủ trương, cho phép Công ty Bò sữa thành phố chuyển nhượng dự án cho VINECO để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Bò sữa thành phố chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính chuyển mục đích sử dụng 2.838m2 đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng. Đồng thời, xin phép thiết kế xây dựng nhưng lại tiến hành xây dựng văn phòng làm việc, chuồng trại, nhà kho trên đất là vi phạm Luật Đất đai. Năm 2016, khi chuyển nhượng dự án và chuyển đàn bò về lại thành phố, công ty này và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn không báo cáo UBND TP.HCM.

Theo quy định của Luật Đất đai 2013, Công ty Bò sữa thành phố sử dụng đất sản xuất nông nghiệp theo hình thức đất thuê trả tiền thuê hàng năm nên không có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà chỉ được bán tài sản hợp pháp trên đất (chuồng trại, văn phòng làm việc) hoặc chuyển nhượng dự án (chi phí thực tế đã đầu tư trên đất còn lại) trong khi giá trị dự án theo thẩm định là 58,631 tỷ đồng đã tính cả giá trị đất và tài sản trên đất. So với giá trị đầu tư còn lại thì giá trị chuyển nhượng cao hơn 35,63 tỷ đồng (59,246 tỷ đồng - 23,716 tỷ đồng). So với giá trị thẩm định thì giá trị chuyển nhượng dự án cao hơn 615,775 triệu đồng (59,246 tỷ đồng - 58,631 tỷ đồng).

Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Ke toán trưởng, phụ trách dự án của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Kiếm soát viên, Giám đốc, Kế toán trưởng, phụ trách dự án và cá nhân liên quan của Công ty TNHH MTV Bò sữa thành phố thời kỳ có liên quan cần phải kiểm điếm nghiêm túc.

Hay như dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa Củ Chi thời gian thực hiện trong 2 năm 2013 và 2014, đến nay mới đầu tư 14,64 tỷ đồng/273,02 tỷ đồng, chỉ đạt 5,1% dự toán (chủ yếu là chi phí nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mặt tiền của dự án và xây dựng hàng rào bao quanh dự án). Dự án chậm tiến độ và tạm ngưng thực hiện theo ý kiến của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn mà không báo cáo thông qua Hội đồng thành viên Tổng Công ty, điều này gây lãng phí, không phát huy hiệu quả vốn đầu tư.

Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giảm đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Giảm đốc Công ty TNHH MTV Bò sữa thành phố thời kỳ có liên quan cần phải kiểm điểm nghiêm túc.

Bên cạnh đó, việc góp vốn thực hiện dự án trồng 10.000ha cây cao su tại Lào cũng có nhiều vấn đề. Năm 2006 lực lượng thanh niên xung phong, Công ty Cao su Phú Riềng, Công ty Cao su Phước Hòa, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Bò sữa thành phố, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Quỹ Đầu tư và Phát triển Đô thị (là các đơn vị 100% vốn nhà nước) tham gia thành lập Công ty CP Cao su thành phố để thực hiện dự án.

Báo cáo của Công ty CP Cao su cho thấy, dự án thực hiện không theo phương án đề ra. Diện tích theo phương án là 10.000ha, sau đó giảm xuống còn 6.000ha, thực tế chỉ trồng được 2.800ha cao su nhưng sau đó đã thanh lý hơn 1.800ha do cao su bị chết, hiện chỉ quản lý, khai thác 1.000ha cây cao su.

Tổng số vốn các cổ đông đã góp đến ngày 31/12/2018 là 312 tỷ đồng/420 tỷ đồng, trong đó Công ty Bò sữa thành phố đã góp 27 tỷ đồng (từ năm 2009 - 2015), tương đương 8,65% vốn đã góp. Các đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM đã góp 225,7 tỷ đồng/312,9 tỷ đồng, chiếm 72,13% chi phí đầu tư cho dự. Dự án trồng cao su tại Lào chưa mang lại hiệu quả. Lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2018 hơn 12 tỷ đồng. Hiện nay, công ty  và các cổ đông đã ngưng góp vốn, dự án gặp nhiều khó khăn.

Ngoài Công ty Bò sữa thành phố góp 27 tỷ đồng và lực lượng thanh niên xung phong góp 153,7 tỷ đồng nêu trên, dự án còn có các đơn vị: Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn góp 4 tỷ đồng, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn góp 15 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư và Phát triển Đô thị góp 26 tỷ đồng nhưng chưa được kiểm tra để đánh giá hiệu quả đầu tư, xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để có biện pháp xử lý sai phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, Thanh tra TP.HCM sẽ tiến hành kiểm tra kết quả việc góp vốn thực hiện dự án của các cổ đông góp vốn trực thuộc UBND thành phố (lực lượng thanh niên xung phong 153,7 tỷ đồng, Công ty Bò sữa thành phố 27 tỷ đồng, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn 4 tỷ đồng, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn 15 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư và Phát triển Đô thị 26 tỷ đồng) để đánh giá toàn diện hiệu quả đầu tư dự án, xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để có biện pháp xử lý sai phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25175.00 25177.00 25477.00
EUR 26671.00 26778.00 27961.00
GBP 31007.00 31194.00 32152.00
HKD 3181.00 3194.00 3297.00
CHF 27267.00 27377.00 28214.00
JPY 159.70 160.34 167.58
AUD 16215.00 16280.00 16773.00
SGD 18322.00 18396.00 18933.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18215.00 18288.00 18819.00
NZD   14847.00 15342.00
KRW   17.67 19.30
DKK   3582.00 3713.00
SEK   2293.00 2380.00
NOK   2270.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ