Công ty Thiết bị Bưu điện muốn rút khỏi dự án 7.500 m2 cạnh Lăng Bác

Nhàđầutư
Phần vốn chi phối trong dự án 61 Trần Phú sắp sửa được chuyển nhượng, mà chủ mới sẽ không bất ngờ nếu là liên danh Him Lam - Liên Việt Holdings - nhóm nhà đầu tư đã theo đuổi dự án từ đầu.
XUÂN TIÊN
22, Tháng 10, 2019 | 14:23

Nhàđầutư
Phần vốn chi phối trong dự án 61 Trần Phú sắp sửa được chuyển nhượng, mà chủ mới sẽ không bất ngờ nếu là liên danh Him Lam - Liên Việt Holdings - nhóm nhà đầu tư đã theo đuổi dự án từ đầu.

IMG_4791

Dự án nhìn từ góc đường Trần Phú - Hùng Vương. Ảnh: Xuân Tiên

Rút khỏi lô đất "kim cương"

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của CTCP Thiết bị Bưu điện (Postef, mã chứng khoán: POT) đã chấp thuận đề xuất của HĐQT về thoái vốn khỏi dự án tổ hợp thương mại 61 Trần Phú, phường Điện Biên (quận Ba Đình, Hà Nội).

Việc thoái vốn khỏi dự án 61 Trần Phú thể hiện chủ trương nhất quán của Postef là rút khỏi mảng bất động sản, bên cạnh dự án 63 Nguyễn Huy Tưởng đã được ĐHĐCĐ thông qua chuyển nhượng năm 2017.

Bộ đôi dự án đều có nguồn gốc là các nhà máy của Postef. Trong đó khu đất 61 Trần Phú rộng 9.078 m2 được giao cho thành viên Tập đoàn VNPT làm trụ sở và sản xuất từ năm 1996, có vị trí đặc biệt đắc địa với 4 mặt tiền Trần Phú, Hùng Vương, Nguyễn Thái Học và Lê Trực, nằm cách không xa Lăng Bác và Toà nhà Quốc hội. 

Giữa thập niên trước, Postef từng dự định xây dựng khu đất này trở thành trung tâm công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D). Tuy nhiên chỉ ít năm sau, trong cơn sốt chuyển đổi nhà máy, xí nghiệp thành đất thương mại, Postef đã quyết định mang khu đất 61 Trần Phú đi góp vốn triển khai dự án bất động sản.

Đối tác được chọn là liên danh CTCP Him Lam - Liên Việt Holdings. Hai bên ngày 28/12/2011 ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 40/2011/HĐHTĐT/POT-LVH-HL. Theo đó, vốn góp của dự án là 1.039,2 tỷ đồng, tổng mức đầu tư là 3.200 tỷ đồng. POT góp bằng lợi thế quyền sử dụng đất – tương đương 530 tỷ đồng (51%), cặp pháp nhân liên quan tới đại gia Dương Công Minh góp 49% tỷ đồng còn lại.

Đây là lần "se duyên" thứ hai của Tập đoàn VNPT với doanh nhân họ Dương trong năm 2011. Chỉ ít tháng trước đó, VNPost khi đang là thành viên của VNPT đã trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Liên Việt (thành viên Him Lam Group) sau khi góp vốn bằng Công ty Tiết kiệm Bưu điện. Nhà băng này sau đó đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Screen Shot 2019-10-22 at 1.29.11 PM

Dự án có 4 mặt tiền Trần Phú, Hùng Vương, Nguyễn Thái Học và Lê Trực, nằm cách Lăng Bác và Toà nhà Quốc hội chừng 400m. Ngay bên trái là toà nhà 8B Lê Trực đang phải cắt tầng vì xây trái phép. Ảnh: Google Maps

Dù đã có sự chuẩn bị từ khá lâu, song phải gần 6 năm sau, UBND TP. Hà Nội ngày 24/6/2017 mới có Quyết định số 3841/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Cụ thể, tổng diện tích ô đất nghiên cứu là 9.078 m2, trong đó diện tích lập dự án 7.523 m2, diện tích đất trong phạm vi mở đường theo quy hoạch khoảng 1.555 m2, diện tích đất xây dựng công trình khoảng 3.757 m2; mật độ xây dựng 50%; diện tích sân đường nội bộ, cây xanh, bãi xe khoảng 3.766 m2. Tầng cao công trình gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm. Tổng diện tích sàn tầng nổi khoảng 32.306,6 m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023,2 m2; chiều cao công trình tính từ cao độ vỉa hè đến đỉnh tum thang là 42,9m.

Trong năm 2018, Postef đã thực hiện nộp tiền ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án theo Công văn số 401/KH&ĐT-NNS ngày 18/1/2018 của Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hà Nội và tiền thuê đất theo Thông báo 19289/CCT-TB&TK ngày 27/9/2018 của Chi cục thuế quận Ba Đình. Trong nửa đầu năm 2019, công ty đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất này (50 năm) với mục đích sử dụng mới.

Tại thời điểm 30/6/2019, dự án vẫn đang triển khai các bước công việc để tiến đến việc xin cấp phép xây dựng; Liên Việt Holdings đã chuyển cho Postef 836 tỷ đồng để nộp tiền thuê đất và các chi phí khác.

IMG_4794

Khu đất "kim cương" nhìn từ góc đường Nguyễn Thái Học - Lê Trực. Ảnh: Xuân Tiên

Chờ đợi thoái vốn minh bạch

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên của Postef, việc thoái phần vốn chi phối (51%) khỏi dự án 61 Trần Phú sẽ được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai, với kỳ vọng mang về lợi ích lớn nhất cho Ngân sách. Nhà nước hiện chiếm xấp xỉ 50% cổ phần Postef thông qua Tập đoàn VNPT.

Khu đất 61 Trần Phú có 4 mặt tiền, đều là các trục đường đắt đỏ bậc nhất trung tâm Hà Nội với giá đất đang được rao bán từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng cho mỗi m2. Giá trị dự án 7.500 m2 còn được nhân lên với vị trí "có 1-0-2" khi khu vực trung tâm hành chính Ba Đình không có một dự án thương mại cỡ lớn nào. Gần cạnh chỉ có dự án 8B Lê Trực với lùm xùm cắt ngọn chưa xử lý xong.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Postef đã nộp 605 tỷ đồng tiền thuê đất cho diện tích dự án là 7.523 m2, tương đương 80,4 triệu đồng/m2 - một mức giá mà không ít ý kiến nhận định là chưa tương đồng với giá trị thực sự của lô đất.

Tham gia dự án từ đầu và đã bỏ ra không ít chi phí, Liên Việt Holdings - Him Lam tất nhiên là bên muốn mua lại phần vốn của Postef trong dự án. Phải nhấn mạnh rằng dù sẽ thực hiện đấu giá công khai, song lợi thế của nhóm này là không nhỏ. Bên cạnh 49% cổ phần nắm giữ, thì Liên Việt Holdings - Him Lam nhiều năm nay đã và đang chủ động gia tăng ảnh hưởng trong chính Postef.

Đầu năm 2014, bà Nguyễn Thị Bích Hồng - chủ mới của CTCP Chứng khoán Liên Việt (LVS) đã mua 13,94% cổ phần Postef. Cập nhật đến thời điểm hiện tại, nhóm này đang nắm ít nhất 23,85% Postef, thông qua bà Nguyễn Thị Bích Hồng (6,688%), ông Huỳnh Văn Phát (5,838%) và trực tiếp Chứng khoán Liên Việt giữ 11,323%.

Nghị quyết về việc chuyển nhượng dự án đã được thông qua với tỷ lệ tuyệt đối 100%, đồng nghĩa với cái bắt tay của hai nhóm cổ đông lớn nhất: VNPT và Liên Việt - Him Lam, cũng có thể hiểu rằng nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới doanh nhân Dương Công Minh đã nhìn thấy cửa sáng mua lại phần vốn chi phối dự án, dù phải thực hiện đấu giá.

IMG_4784

Cổng chính của Postef trên đường Trần Phú. Ảnh: Xuân Tiên

Trên thực tế, với tỷ lệ 49% cùng danh tiếng và uy tín của mình, không dễ để một tên tuổi nào khác ở Việt Nam đủ khả năng "tranh đấu" cùng nhóm Him Lam ở khu đất vàng cạnh Lăng Bác.

Ở một chi tiết khác, LienVietPostBank - nhà băng do ông Dương Công Minh và Him Lam sáng lập đã tham gia vào dự án từ đầu với vai trò nhà tài trợ vốn chính yếu.

Cần biết rằng dù đã rút lui vào giữa năm 2017 để chuyển hướng sang Sacombank, song ông Dương Công Minh lẫn Him Lam Group vẫn có quan hệ rất mật thiết với LienVietPostBank, khi dòng vốn dồi dào từ nhà băng này tiếp tục là động lực phát triển rất quan trọng đối với tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ