Chuyên gia 'mách nước' giải bài toán ế ẩm tại siêu bến xe lớn nhất cả nước

Nhàđầutư
"Bến xe miền Đông cũ có thể chuyển thành trạm trung chuyển để các nhà xe, tuyến bus chỉ đón khách qua bến xe mới và tăng cường thêm các tuyến vận tải công cộng. Việc làm này rất đơn giản nhưng không hiểu sao các đơn vị loay hoay mãi vẫn chưa xong", KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay.
VŨ PHẠM
27, Tháng 06, 2022 | 07:09

Nhàđầutư
"Bến xe miền Đông cũ có thể chuyển thành trạm trung chuyển để các nhà xe, tuyến bus chỉ đón khách qua bến xe mới và tăng cường thêm các tuyến vận tải công cộng. Việc làm này rất đơn giản nhưng không hiểu sao các đơn vị loay hoay mãi vẫn chưa xong", KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay.

Kế hoạch di dời thất bại

Xét đề nghị của Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAMCO), ngày 10/9/2020, Sở GTVT TP.HCM đã ban hành Thông báo số 10847 về việc đưa Bến xe miền Đông mới đi vào hoạt động từ ngày 10/10/2020, di dời giai đoạn 1 các tuyến vận tải hành khách đến và đi từ các tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc có hành trình chạy xe đi qua QL1 từ Bến xe miền Đông hiện hữu (292 đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh) sang bến xe Miền Đông mới (501 đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, TP. Thủ Đức).

Sở GTVT TP.HCM đánh giá việc đầu tư xây dựng Bến xe miền Đông mới, đưa vào khai thác, vận hành là chương trình đột phá nhằm giảm áp lực giao thông trong nội đô, xóa bỏ tình trạng xe dù, bến cóc, tạo bộ mặt đô thị văn minh hiện đại cho thành phố. Song song, bến xe mới cũng được kỳ vọng sẽ phục vụ liên vận quốc tế và đưa khách đến sân bay Long Thành trong tương lai gần.

Sau gần 4 năm thi công cùng nhiều lần trễ hẹn, Bến xe miền Đông mới đã hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào khai thác vận hành. Giai đoạn 1 bao gồm các hạng mục như: Nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu, trạm xử lý nước thải... Đây được xem là bến xe lớn nhất cả nước với quy mô hơn 16 ha, tổng kinh phí đầu tư toàn dự án khoảng 4.000 tỷ đồng.

ben-xe-mien-dong-moi

Bến xe Miền Đông mới vẫn ế ẩm dù đi vào hoạt động từ ngày 10/10/2020. Ảnh: Đình Nguyên

Dẫu vậy, chừng ấy thời gian, việc dịch chuyển từ bến xe cũ sang bến xe mới vẫn chưa có chuyển biến. Siêu bến xe lớn nhất cả nước vẫn ảm đạm, số lượng hành khách, số chuyến xe rời bến là rất thấp.

Mới đây, ngày 24/6 tại cuộc họp về tình hình hoạt động của Bến xe Miền Đông mới, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện nay bến xe mới chưa phát huy hiệu quả, đang ế khách.

"Trung bình một ngày bến chỉ có 47 hành khách, giảm 95% so với trước khi có dịch, trước đó là 706 hành khách. Nhưng, việc giảm hành khách đi lại cũng là tình trạng chung, bao gồm cả bến xe cũ và mới", ông Hải nói.

Còn nói về nguyên nhân vắng khách tại bến xe mới, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Võ Khánh Hưng cho rằng, hạ tầng kết nối vào bến chưa hoàn thiện, trong đó tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chưa thể hoàn thành nên việc kết nối tới bến xe mới chưa mang lại hiệu quả.

Thêm nữa, tình trạng vi phạm "xe dù, bến cóc" ở khu vực bến cũ còn tồn tại nên hành khách không qua bến mới. Ngoài ra, vị Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM còn cho biết, dịch COVID-19 đã hạn chế việc đi lại của hành khách, các hãng hàng không giá rẻ phát triển nên hầu hết các tuyến đường dài đều được chọn di chuyển bằng đường hàng không.

Trong khi đó chia sẻ với Nhadautu.vn, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận việc di chuyển bến xe cũ sang bến xe mới là việc làm không khó, nhưng không hiểu sao các đơn vị loay hoay mãi chưa xong. Có nhóm lợi ích nào đó ở đây khiến việc di chuyển "ì ạch".

"Các cơ quan chức năng chỉ cần quyết liệt là có thể thực hiện việc di chuyển từ bến xe cũ sang bên xe mới. Tại vị trí bến xe cũ có thể chuyển thành trạm chung chuyển để các tuyến bus hoặc các nhà xe đón khách. Lưu ý, chỉ cho đón khách sang bến xe mới. Đồng thời tăng cường thêm các tuyến vận tải công cộng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân", KTS Nam Sơn nói và cho biết, hiện nay xung quanh khu vực bến xe cũ là "điểm nóng" về tình trạng ùn tắc giao thông cần phải xử lý ngay.

Đừng "đánh trống bỏ dùi"

Theo tìm hiểu của PV, trước đây, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc họp và ban hành nhiều văn bản để phối hợp, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho phía SAMCO.

Cụ thể, về hạ tầng, Sở GTVT TP.HCM đã đề nghị Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII), UBND TP. Thủ Đức, Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ rà soát, tổ chức duy tu, sửa chữa hệ thống hạ tầng giao thông trên các tuyến quản lý, đảm bảo giao thông an toàn, thuận lợi tại khu vực bến xe mới.

Về giải quyết xe dù, bến cóc xung quanh bến cũ, UBND quận Bình Thạnh cũng đã chỉ đạo triển khai kiểm tra, xử lý 2 bãi đậu xe số 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26. Thanh tra Sở GTVT TP.HCM phối hợp với phòng CSGT đường bộ, đường sắt lập chốt xử lý xe khách vi phạm về đón trả khách tại 2 bãi đậu xe 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh.

Còn về tổ chức tuyến xe buýt kết nối, Sở GTVT TP.HCM chỉ đạo Trung tâm quản lý giao thông công cộng kết nối 3 tuyến buýt đến bến xe mới và tiếp tục theo dõi tình hình hành khách đi xe buýt để đề xuất điều chỉnh tần suất hoạt động cũng như các mở tuyến buýt mới đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách khu vực bến xe mới.

Ngoài ra, để phát huy tốt hoạt động của bến xe mới, Sở GTVT TP.HCM còn đề nghị SAMCO cần xây dựng kế hoạch, lộ trình điều chuyển các tuyến vận tải hành khách còn lại từ bến xe hiện hữu sang bến xe mới. Nhưng, kế hoạch này đã thất bại, mọi việc gần như "dậm chân tại chỗ".

Cũng tại cuộc họp ngày 24/6, ông Võ Khánh Hưng đưa ra các giải pháp, thời gian tới Sở GTVT TP.HCM sẽ cùng SAMCO tổ chức vận chuyển để bến xe mới hoạt động hiệu quả. Trong đó, tăng cường tuyến bus kết nối với bến xe mới. Hiện nay có 4 tuyến xe bus đã kết nối và yêu cầu các tuyến này phải đón trả tại sảnh và cho phép vận chuyển hàng hóa dưới 10 kg để người dân thuận tiện đi lại. Ngoài ra, Vinbus cũng có kế hoạch đưa thêm 2 tuyến bus điện đến bến xe mới.

Đồng thời, Sở GTVT TP.HCM cũng yêu cầu chất lượng dịch vụ của bến xe mới phải tốt hơn bến xe cũ.

Như kế hoạch, Bến xe miền Đông mới sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách đi các tỉnh miền Đông, Trung, Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến; ngày cao điểm dịp lễ, Tết lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến. Đồng thời, bến xe mới cũng sẽ kết hợp với các tiện ích khác như bãi đậu xe cao tầng, khu vực sửa chữa, trạm tiếp nhiên liệu, khu trung chuyển và giao dịch hàng hóa, khu thương mại dịch vụ.

Bến xe mới rộng gấp 3 lần bến xe cũ, nằm tại vị trí giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Dự án được kỳ vọng sẽ giữ vai trò là đầu mối giao thông trọng yếu trong hệ thống giao thông vận tải, giảm áp lực giao thông của TP.HCM… Song, đến nay, kết quả chưa đạt như kỳ vọng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ