Chủ tịch Quảng Nam cam kết gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản than 'sống dở chết dở'

Nhàđầutư
Sau tác động của COVID-19 cùng các đợt thanh tra, kiểm tra, các doanh nghiệp ở Quảng Nam đặc biệt là bất động sản điêu đứng. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, "gỡ" khó để bứt tốc.
NGUYỄN TRI
24, Tháng 02, 2024 | 16:00

Nhàđầutư
Sau tác động của COVID-19 cùng các đợt thanh tra, kiểm tra, các doanh nghiệp ở Quảng Nam đặc biệt là bất động sản điêu đứng. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, "gỡ" khó để bứt tốc.

Ngày 24/2, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực bất động sản, nhà ở, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh này.

Doanh nghiệp "ngồi trên đống lửa"

Khó khăn kéo dài từ dịch COVID-19 chưa khắc phục xong, lại phải tiếp tục đối mặt với áp lực từ thanh tra, kiểm tra khiến các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Nam chịu nhiều ảnh hưởng.

Ông Lê Tự Tâm, Chủ tịch Hội doanh nghiệp thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) nhìn nhận, hiện các doanh nghiệp bất động sản như đang "ngồi trên đống lửa" bởi gặp khó khăn khi gia hạn tiến độ các dự án; vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), áp giá bồi thường…

Theo ông Tâm, việc gia hạn tiến độ các dự án đến nay vẫn chưa được cởi mở hơn với doanh nghiệp. Nếu tỉnh không có chủ trương gia hạn tiến độ, các ngân hàng sẽ không cho vay.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đã vay tiền ngân hàng đóng vào ngân sách tỉnh rất nhiều, đến nay, ngân hàng không cho vay nữa, doanh nghiệp không có tiền trả lãi và bị ngân hàng đưa vào nhóm nợ vốn.

quang-nam (2)

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì buổi gặp mặt các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực bất động sản, nhà ở, khu dân cư, khu đô thị. Ảnh: N.T

Tiếp đó, việc áp giá bồi thường cũng gây ra khó khăn vì yêu cầu của người dân ngày càng thay đổi. Về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ), ông Tâm cũng cho rằng tỉnh Quảng Nam cần cho phép cấp 95% GCN QSDĐ của dự án, bởi hiện giữ lại 20% là quá nhiều, trong khi doanh nghiệp không có vốn để thực hiện.

Ông Tâm còn kiến nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần làm việc với ngành thuế để giảm thuế từ 10% xuống 8% đối với bất động sản. Ngoài ra, vì vướng gia hạn tiến độ nên tiền nộp thuế không kịp, Cục thuế đã khoanh tài khoản, xử phạt chậm nộp thuế liền khoanh tài khoản khiến doanh nghiệp "bất lực".

Chủ tịch Hội doanh nghiệp thị xã Điện Bàn cho hay, lĩnh vực bất động sản cũng liên đới đến ngành xây dựng, nhưng hiện nay giá vật liệu xây dựng quá cao, khan hiếm khiến doanh nghiệp lỗ ngay từ khâu đấu thầu. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ về mức giá để hỗ trợ doanh nghiệp.

"Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam phải cứu doanh nghiệp gấp, nếu không sẽ "bể" hết. Hiện, bất động sản và xây dựng đang "nằm trên đống lửa", phải có giải pháp "cấp cứu" ngay", ông Tâm nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Nhàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinaconex25 cho hay, điểm nghẽn rất lớn là công tác đền bù.

Từ đó, ông Nhàn kiến nghị, việc khó cần bố trí cán bộ giỏi và cũng cần có những chính sách ưu tiên. Đặc biệt, các sở, ban, ngành cần có mốc thời gian ra văn bản để doanh nghiệp bám theo mà làm.

Cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về gia hạn tiến độ, phân kỳ đầu tư một dự án ở TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Bất động sản Tây Bắc cho hay, doanh nghiệp đã thực hiện theo văn bản 2634 của UBND tỉnh về vấn đề phân kỳ đầu tư; đồng thời đang phối hợp với UBND TP. Tam Kỳ mời Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT để thống nhất về các năm phân kỳ.

Doanh nghiệp đã nộp lên Sở KH&ĐT và sở này cũng đã có báo cáo UBND tỉnh; tuy nhiên, vấn đề này lại vướng trong Điều 3, quyết định 360 của UBND tỉnh khi nằm trong danh mục dự án giao đất chưa đúng trong giai đoạn 2015-2020.

Empty

Ông Nguyễn Xuân Nhàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinaconex25 phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: N.T

Đặc biệt, trên địa bàn TP. Tam Kỳ, nguồn đất để san lấp gần như không có, mặc dù doanh nghiệp cũng huy động rất nhiều nguồn lực.

"Tỉnh có tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch mỏ trên địa bàn của tỉnh, như TP. Tam Kỳ thì rất gần huyện Phú Ninh, huyện Tiên Phước… Gọi là đồi núi trung điệp, nhưng thiếu đi nguồn đất san lấp, khiến giá đất san lấp lên rất cao so với đơn giá thẩm định", đại diện Công ty này nói.

Quảng Nam đồng hành cùng khó khăn của doanh nghiệp

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện, các doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn. Những khó khăn trên đã được đưa ra từ năm 2023 và địa phương đã, đang tìm cách để tháo gỡ nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Theo ông Thanh, tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào đầu tư bất động sản ở địa phương từ trước những năm 2000. Vào thời điểm trên, hạ tầng của tỉnh chưa phát triển nhiều; hệ thống giao thông, kết nối còn thiếu thốn nên các doanh nghiệp lớn quan tâm đến Quảng Nam chưa nhiều, xem đây không phải mảnh đất màu mỡ.

"Sức hấp dẫn của thị trường bất động sản vào thời kỳ cách đây 20 năm chỉ tập trung Hà Nội, TP. HCM và một số địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế lớn, có nhu cầu ở nhiều, hạ tầng đồng bộ", ông Thanh nhìn nhận.

Ở giai đoạn trên cơ sở quy hoạch, địa phương đã mời các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến đầu tư, làm từng bước "lắp ghép" nhưng không có nhà đầu tư lớn nên không thể đồng bộ.

Vì "lắp ghép" hàng trăm doanh nghiệp cùng làm, hàng trăm dự án cùng triển khai nên sẽ có độ vênh, hạ tầng chạy theo không kịp nên tạo ra bất cập, tuy nhiên cũng không thể xóa làm lại.

Ông Thanh cũng cho biết, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kéo dài đến 1 năm, còn Thanh tra Chính phủ đến thời điểm vẫn chưa xong, tức gần một năm chưa có kết luận.

"Quá trình thanh tra chỉ ra nhiều vấn đề Quảng Nam vận dụng, áp dụng không đúng quy định và Trung ương đã xử lý. Trong quá trình làm việc với đoàn kiểm tra, lãnh đạo tỉnh cũng "gõ cửa" các bộ, nhất là Bộ TN&MT để cùng tìm các tháo gỡ, nhưng các bộ cũng lắc đầu", ông Thanh chia sẻ.  

quang-nam (1)

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện, các doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn. Ảnh: N.T

Hiện, tỉnh Quảng Nam đang xây dựng kế hoạch để thực hiện khắc phục kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cùng với đó là chờ kết luận từ Thanh tra Chính phủ.

Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ phê duyệt kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện trên tinh thần "cái gì tháo gỡ được thì tháo gỡ".

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam còn thông tin, trước đó, UBND tỉnh cũng có văn bản tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Đối với những dự án đảm bảo đúng, không sai theo kết luận thanh tra thì cho thực hiện; những dự án không vướng, các địa phương, các ngành tiếp tục thực hiện.

Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1/1/2025 đã tháo gỡ các vướng mắc của luật cũ, nhưng chưa có hiệu lực bởi vậy vẫn cần chờ đợi. Hiện, địa phương sẽ tập trung khắc phục, tháo gỡ những dự án có thể tháo gỡ của giai đoạn này.

"Các doanh nghiệp cần bình tĩnh, tự tin, nỗ lực, chính quyền Quảng Nam bằng mọi cách có thể được, để có thể mỗi người một tay, một việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng có cơ hội, hy vọng bức phá trong năm nay", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ