Chọn nhà đầu tư chiến lược bất thành, Vinalines xoay chiều cổ phần hóa

Việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược không thành khiến hành trình IPO của Tổng công ty Hàng hải VN đảo chiều…
NAM KHÁNH
11, Tháng 08, 2018 | 09:10

Việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược không thành khiến hành trình IPO của Tổng công ty Hàng hải VN đảo chiều…

vinaline

Vinalines sẽ tăng quy mô đội tàu container, tàu vận tải than khối lượng lớn sau CPH - Ảnh: VNLM

Không chọn nhà đầu tư “lướt sóng”

Theo kế hoạch cổ phần hóa (CPH), Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) sẽ tìm kiếm một nhà đầu tư chiến lược phù hợp để cổ phần hóa ngay trong năm 2018. Thực tế, quá trình tìm kiếm khá gian nan và mất không ít thời gian với nhiều phương án. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban truyền thông Vinalines bất ngờ cho biết, Vinalines đã kết thúc quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Thời gian qua, có một doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm của Hàn Quốc là Công ty TNHH SK Sercurities gửi hồ sơ tham gia. Tuy nhiên, đơn vị này không không đáp ứng đủ điều kiện về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong phương án CPH được phê duyệt. Vinalines chỉ chọn nhà đầu tư đủ tiềm lực, không chọn nhà đầu tư lướt sóng.

“Dù không có nhà đầu tư chiến lược cũng không ảnh hưởng đến tiến trình CPH. Vinalines sẽ tiến hành CPH mà không có sự tham gia của bất kỳ nhà đầu tư chiến lược nào”, ông Hải nói thêm.

Trong văn bản trình Bộ GTVT do Chủ tịch HĐQT Vinalines Lê Anh Sơn ký mới đây nêu rõ lý do Công ty SK Securities không thể trở thành đối tác chiến lược vì hồ sơ đăng ký của đơn vị này có một số vấn đề. Trong đó, số lượng cổ phần cân nhắc như khoản đầu tư tiềm năng lên tới 229.104.214 cổ phần, lớn hơn số lượng cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược trong phương án CPH được duyệt (207.896.970 cổ phần). Cùng đó, đơn vị này cũng không có tài liệu chi tiết chứng minh có đủ nguồn vốn góp, chưa có phương án hỗ trợ Vinalines sau CPH trong việc chuyển giao công nghệ mới, nâng cao năng lực tài chính, phát triển thị trường, thiếu những cam kết bằng văn bản về những nội dung như: Tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của tổng công ty; Không chuyển nhượng số cổ phần được mua theo quy định.

Ông Trần Tuấn Hải cho biết, ngoài Công ty TNHH SK Securities, thời gian qua cũng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Vinalines. Nhưng khi đến thời hạn phải đưa ra quyết định tham gia, tất cả đều “im hơi bặt tiếng”.

“Đơn cử như Rent-A-Port N.V, một công ty chuyên về đầu tư và quản lý cảng tại Vương quốc Bỉ đã thể hiện sự quan tâm bằng việc ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Vinalines, trong đó có điều khoản cho phép DN này mua 10% vốn điều lệ của Vinalines khi thực hiện CPH. Ngay sau đó, phía đối tác Bỉ đã thuê công ty tư vấn sang khảo sát, đánh giá tiềm năng của Vinalines. Tuy vậy, đến thời điểm cần đưa ra quyết định cuối cùng, hồ sơ xin tham gia của họ vẫn chưa được gửi đến”, ông Hải chia sẻ.

Sẽ tăng vốn chủ sở hữu sau CPH

Mặc dù không chọn được nhà đầu tư chiến lược, tuy nhiên, ông Trần Tuấn Hải cho biết, đơn vị này vẫn sẽ chốt thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vào ngày 5/9 tới tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). “Trong đợt IPO tới đây, lượng cổ phần Vinalines phát hành thêm lên đến 210 triệu cổ phần, với mức giá 10.000 đồng/cổ phần, đơn vị dự kiến sẽ thu về 2.100 tỷ đồng. Theo quy định, số lượng cổ phần phát hành thêm sẽ nằm tại DN, tăng vốn chủ sở hữu của DN và số tiền thu được từ lượng cổ phần này, Tổng công ty Hàng hải VN sẽ sử dụng để xử lý phần tái cơ cấu tài chính, đặc biệt là tập trung đầu tư phát triển các dự án theo định hướng của DN”, ông Hải nói.

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh của Vinalines sau CPH, Q.Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, tổng công ty sẽ phát triển các cảng biển nằm ở vị trí chiến lược tại ba khu vực Bắc - Trung - Nam. “Các dự án cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế được ưu tiên đầu tư gồm cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng có quy mô 2 bến container và tổng hợp có thể tiếp nhận tàu có sức chở đến 8.000 TEU; dự án xây dựng cảng Liên Chiểu có quy mô 2 bến, có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải đến 100.000 DWT giảm tải, 50.000 DWT đủ tải”, ông Tĩnh nói.

“Lĩnh vực vận tải biển sẽ được cải thiện theo hướng chỉ xem xét tăng quy mô ở một số phân khúc tàu chuyên dụng (tàu container, tàu vận tải than khối lượng lớn), tiếp tục phát triển vận tải container tuyến Nội Á và feeder khu vực các cảng nước sâu, linh hoạt bố trí tàu ghé thêm các cảng: Cần Thơ, Cam Ranh khi khách hàng có nhu cầu vận chuyển đủ lớn. Việc tìm kiếm các hợp đồng dài hạn (COA) cho đội tàu hàng khô cùng chiến lược tìm kiếm thêm hàng của các mainlines, hàng “door to door”, thu hút khách hàng từ khu vực miền Đông Nam Bộ cho đội tàu container cũng sẽ được chú trọng. Dự kiến, sản lượng vận chuyển của Tổng công ty Hàng hải VN - CTCP sẽ đạt 6,4 triệu tấn vào năm 2020”, ông Tĩnh cho biết thêm.

Cũng theo Q.Tổng giám đốc Vinalines, ngoài việc đầu tư cầu cảng, phương tiện, hạ tầng, giai đoạn 2018 - 2020, tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 18 DN thành viên như: CTCP Vận tải biển VN (Vosco), CTCP Vận tải biển Vinaship, CTCP Cảng Hải Phòng, CTCP Cảng Đà Nẵng, CTCP Cảng Cần Thơ,… theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt để gia tăng nguồn vốn, phục vụ mục đích kinh doanh.

(Theo Báo Giao thông)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24600.00 24920.00
EUR 26295.00 26401.00 27567.00
GBP 30644.00 30829.00 31778.00
HKD 3103.00 3115.00 3217.00
CHF 27002.00 27110.00 27956.00
JPY 159.74 160.38 167.82
AUD 15898.00 15962.00 16448.00
SGD 18065.00 18138.00 18676.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17897.00 17969.00 18500.00
NZD   14628.00 15118.00
KRW   17.74 19.37
DKK   3535.00 3666.00
SEK   2297.00 2387.00
NOK   2269.00 2359.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ