Chỉ 3,7% hợp tác xã tiếp cận được vốn ngân hàng

Nhàđầutư
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện nay hầu hết Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang rất thiếu vốn sản xuất nhưng chỉ có 3,7% HTX tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Đây cũng là một lý do vì sao "tín dụng đen" vẫn còn đất sống ở khu vực nông thôn.
AN HÒA
01, Tháng 08, 2022 | 07:00

Nhàđầutư
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện nay hầu hết Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang rất thiếu vốn sản xuất nhưng chỉ có 3,7% HTX tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Đây cũng là một lý do vì sao "tín dụng đen" vẫn còn đất sống ở khu vực nông thôn.

lua HG 1

Chỉ có 3,7% HTX nông nghiệp tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng. Ảnh An Hòa

Ngân hàng không thiếu vốn

Theo ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đến tháng 6/2020, cả nước có 18.795 HTX nông nghiệp, chiếm 70% tổng số các loại hình HTX cả nước, thu hút 3,2 triệu thành viên, vốn bình quân cho mỗi HTX khoảng 1,5 tỷ đồng.

Thực tế ngân sách đầu tư cho khu vực kinh tế tập thể trong thời gian qua còn rất hạn chế. Trong khi đó tình hình góp vốn của thành viên vào HTX chỉ ở mức bình quân 600 triệu đồng, nhiều thành viên vốn rất ít, thậm chí không góp vốn dù trong luật HTX có quy định tất cả thành viên phải góp vốn. Do vậy mà chỉ khoảng 1.200 HTX có tín dụng nội bộ và huy động từ quỹ nhân dân chủ yếu để giải quyết các hoạt động phi nông nghiệp.

Tính đến hết năm 2021 tổng dư nợ cho vay đối với các HTX nông nghiệp đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, chỉ có 7.000 HTX được hỗ trợ quỹ tín dụng, 3,7% HTX tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Trong đó chỉ có khoảng 45 HTX nông nghiệp được vay ưu đãi từ quỹ tín dụng phát triển.

"Lý do các HTX nông nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng thương mại là do HTX không có tài sản thế chấp, hồ sơ dự án không khả thi, sổ sách tài chính chưa rõ ràng, hiệu quả hoạt động hạn chế. Khó khăn tiếp cận nguồn vốn chính thống có thể dẫn đến nhiều hệ quả như các HTX không thể đầu tư chế biến mà chỉ sản xuất và bán sản phẩm thô, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, gặp nhiều rủi ro khi "thừa hàng, dội chợ" và đặc biệt là tạo cơ hội cho tín dụng đen phát triển ở khu vực nông thôn", ông Định đưa ra cảnh báo.

Theo ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch HTX Nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì HTX vẫn còn khó khăn trong tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng. Bởi lẽ, việc cho HTX vay lên đến hàng tỷ đồng mà không cần thế chấp thì các ngân hàng rất e dè trong thực hiện. 

Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, quy định hỗ trợ 2%/năm lãi suất cho đơn vị doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ là do cân đối của địa phương, do vậy các địa phương không có nguồn thì chưa thể hỗ trợ được cho các HTX.

Bên cạnh đó, tín dụng nội bộ là hoạt động rất bức thiết đối với HTX. Trước đây HTX thực hiện theo thông tư 15/VBHN-NHNN hướng dẫn về tín dụng nội bộ HTX, tuy nhiên, hiện nay thông tư này đã hết hiệu lực nhưng chưa có quy định thay thế, các HTX đang rất lúng túng không biết phải thực hiện như thế nào cho đúng luật.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á chi nhánh TP. HCM Hà Huy Cường cho rằng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là thế mạnh, trụ đỡ của nền kinh tế nên luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức tín dụng, nguồn vốn dành cho tín dụng nông nghiệp không thiếu. Trong danh mục tín dụng của Nam Á Bank luôn dành cho mảng nông nghiệp tỷ trọng khoảng 8%.

Tuy nhiên, để có cơ sở ngân hàng cho vay thì các HTX phải có phương án kinh doanh tốt, tham gia vào chuỗi sản xuất. Nếu vay tín chấp thì cần có đầu mối từ liên minh HTX, từ Bộ hoặc Đề án 970 để lựa chọn và phân loại các HTX theo một số tiêu chí nhất định.

Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), qua theo dõi thấy rằng, trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính thì chỉ có 25% tiếp cận được nguồn tài chính chính thống, còn lại là các nguồn khác như huy động từ người thân, vay, mượn tại các nguồn không chính thống. Đây là hạn chế rất lớn, mà nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp không có nguồn lực để mở rộng sản xuất hay thay đổi công nghệ để bứt phá được.

"Theo ý kiến của đại diện các ngân hàng thì nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX không thiếu nhưng để tiếp cận được thì khách hàng phải chứng minh được phương án kinh doanh hiệu quả, có tài sản đảm bảo theo quy định vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp phải đảm bảo kinh doanh hiệu quả, tránh nợ xấu, bảo toàn nguồn vốn. Do vậy mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX vì chưa đảm bảo các quy định từ phía ngân hàng mà chưa tiếp cận được nguồn vốn vay", bà Bùi Thu Thủy phân tích thêm.

xk gao 1

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản lớn nhất cả nước. Ảnh TA

Làm sao để "cung – cầu" gặp nhau?

Ngân hàng không thiếu vốn trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX luôn trong tình trạng thiếu vốn. Đây chính là một điểm nghẽn lâu nay chưa được tháo gỡ.

Theo ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT II, qua khảo sát ở một số địa phương cho thấy do thiếu vốn đầu tư tái sản xuất nên có 70-80% nông dân phải mua thiếu có tính lãi vật tư nông nghiệp từ các HTX và cửa hàng vật tư nông nghiệp.

"Qua tham khảo mô hình quản lý các HTX nông nghiệp ở một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia…, nguồn vốn hỗ trợ phát triển HTX là vốn góp từ các thành viên và vốn vay các ngân hàng thương mại được nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất. Mô hình quản lý này đã mang lại hiệu quả cho HTX phát triển đáng được tham khảo. Ngoài ra các ngân hàng thương mại cổ phần cũng có thể liên kết sản xuất theo chuỗi để thực hiện khoản vay gắn với HTX, ví dụ như mô hình của Ngân hàng Nam Á kết hợp với Công ty Nam Miền Trung thực hiện chuỗi nuôi tôm", ông Hải đề xuất.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) khẳng định việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; HTX là một trong những vấn đề được Đảng, Chính phủ rất quan tâm. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo thẩm quyền đã trình ban hành các văn bản giúp tăng khả năng tiếp cận vốn cho các đối tượng này.

Bên cạnh đó, theo thẩm quyền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các quyết định, chỉ thị, hướng dẫn lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng cho các đối tượng này tối đa là 4,5%/năm.

Hiện nay, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 25% dư nợ toàn nền kinh tế, với hơn 14 triệu khách hàng còn dư nợ, trong đó dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm chiếm 22,3%.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, tái cấp vốn cho ngân hàng chính sách xã hội để cho vay với người sử dụng lao động dùng trả lương cho người lao động.

Về tín dụng nội bộ của HTX, theo ông Tuấn Anh, trước năm 2012, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ hướng dẫn tín dụng nội bộ cho các HTX (thông tư 15/VBHN-NHNN). Tuy nhiên, khi luật HTX 2012 ra đời, ngân hàng Nhà nước không được giao nhiệm vụ này nữa. Do đó, theo thẩm quyền Thống đốc ngân hàng nhà nước đã ban hành thông tư về hết hiệu lực của thông tư hướng dẫn tín dụng nội bộ HTX. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những kiến nghị, điều chỉnh liên quan tới vấn đề này.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25175.00 25177.00 25477.00
EUR 26671.00 26778.00 27961.00
GBP 31007.00 31194.00 32152.00
HKD 3181.00 3194.00 3297.00
CHF 27267.00 27377.00 28214.00
JPY 159.70 160.34 167.58
AUD 16215.00 16280.00 16773.00
SGD 18322.00 18396.00 18933.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18215.00 18288.00 18819.00
NZD   14847.00 15342.00
KRW   17.67 19.30
DKK   3582.00 3713.00
SEK   2293.00 2380.00
NOK   2270.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ