Cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh: Cuộc đấu tranh giữa đổi mới và bảo thủ

Nhàđầutư
Cắt giảm ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh thực sự là cuộc đấu tranh giữa đổi mới và bảo thủ trong tư duy quản lý nhà nước, xây dựng nhà nước kiến tạo, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp, xóa bỏ “cơ chế xin cho”.
NGUYỄN VĂN TOÀN
22, Tháng 10, 2017 | 09:42

Nhàđầutư
Cắt giảm ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh thực sự là cuộc đấu tranh giữa đổi mới và bảo thủ trong tư duy quản lý nhà nước, xây dựng nhà nước kiến tạo, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp, xóa bỏ “cơ chế xin cho”.

Một trong những tiến bộ nổi bật của Luật Đầu tư 2014 (sau đây gọi là LĐT 2014) và “Luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư” (sau đây gọi là LĐT 2016) và Luật Doanh nghiệp 2014 là đã thay đổi tư duy quản lý từ “chọn cho” trở thành “chọn bỏ”.

Luật này đã liệt kê cụ thể 267 (được rút xuống 243 theo LĐT 2016) lĩnh vực kinh doanh có điều kiện (LVKDCĐK) và các bộ quy định các điều kiện kinh doanh theo từng lĩnh vực. Đây là quy định có tính minh bạch cao thể hiện tư duy quản lý tiên tiến, đã được ghi trong Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Thực sự là cuộc đấu tranh giữa đổi mới và bảo thủ trong tư duy quản lý nhà nước, xây dựng nhà nước kiến tạo, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp, xóa bỏ  “cơ chế xin cho”. Luật này đã loại bỏ hàng nghìn giấy phép con góp phần cởi trói tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao sự đổi mới này.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và thực tế triển khai quản lý các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện đã bộc lộ nhiều bất cập. Mặc dù Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ quyết tâm cắt giảm các giấy phép con, các thủ tục hành chính bất hợp lý gây khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp, nhưng dường như một số bộ ngành, địa phương chưa có nhiều động thái tích cực. Thủ tướng đã chỉ đạo trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 3/8/2017:  “Nếu Chính phủ có nói chủ trương hay nói thông điệp chỉ đạo quyết liệt nhưng Bộ trưởng không chuyển biến, không làm đến nơi đến chốn các việc có liên quan hoặc chưa nắm kỹ công việc để xử lý thì khó thành công. Anh nào chưa có lửa trong lòng mình, trong ngành mình thì hãy nhóm lên”. Điều đó thể hiện nếu không có những cải cách quyết liệt, sẽ ít ai muốn từ bỏ quyền lực.

dieu-kien-kinh-doanh

 Mặc dù Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ quyết tâm cắt giảm các giấy phép con, các thủ tục hành chính bất hợp lý gây khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp, nhưng dường như một số bộ ngành, địa phương chưa có nhiều động thái tích cực. Ảnh minh hoạ

Trong khoản 2 điều 7 LĐT 2014, về ngành nghề đầu tư kinh doanh (ĐTKD) có điều kiện đã nêu rõ “ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe  cộng đồng”.

Như vậy, về nguyên tắc, phải rà soát, tìm ra và liệt kê các ngành nghề ĐTKDCĐK có khả năng ảnh hưởng không tốt đến “quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” hay không, trên cơ sở đó xây dựng các điều kiện kinh doanh theo từng ngành, nghề, lĩnh vực ĐTKDCĐK và đưa ra các điều kiện ĐTKD phù hợp để đạt mục tiêu quản lý hoạt động của các ngành nghề đó, không phương hại đến các lợi ích xã hội nêu trong Điều 7 của LĐT.

Trên thực tế khi thực hiện việc rà soát các ngành nghề ĐTKD, tìm ra danh mục các ngành nghề ĐTKDCĐK và đồng thời rà soát hàng ngàn điều kiện ĐTKD trong các ngành nghề ĐTKDCĐK, các Bộ chuyên ngành đã có rất nhiều cố gắng, chọn ra 267 (theo LĐT 2014) và rút gọn còn 243 (theo LĐT 2016)  ngành nghề ĐTKDCĐK. Kèm theo là hơn 5.000 điều kiện ĐTKD các bộ quy định. Tuy vậy, việc chọn bỏ này dường như là quá trình rà soát, chọn lọc, phân loại, liệt kê hàng nghìn giấy phép con đã tồn tại trước thời điểm ra LĐT 2014 chứ chưa thực sự bám sát mục tiêu trong khoản 2 điều 7 của LĐT như đã nêu trên và các khoản 7 điều 2 Nghị định 118/2015 của Chính phủ: “Điều kiện ĐTKD là điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng theo quy định của luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế về đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư”.

Bằng chứng là nghiên cứu của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và World Bank được công bố hồi tháng 6/2017 đã chỉ ra nhiều bất cập trong 243 ngành nghề ĐTKD có điều kiện và 5.719 điều kiện ĐTKD.

Báo cáo này đã chỉ ra 16 ngành nghề không phù hợp đưa vào danh mục và 10 ngành nghề có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp và kiến nghị đề xuất bỏ 56 và sửa đổi 4 điều ĐKKD trong 5 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ Công thương; bỏ 27 và sửa 4 ĐKKD trong 4 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ Giao thông vận tải; loại bỏ 12 và sửa đổi 5 ĐKKD trong 5 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ Khoa học công nghệ.

Chúng tôi nhận thấy mục tiêu, cơ sở pháp lý, phương pháp khảo sát phân tích đánh giá, các bằng chứng trong nghiên cứu của VCCI và World Bank là phù hợp và cơ bản đồng tình và đánh giá cao kết quả khảo sát nghiên cứu này. Tuy vậy, nghiên cứu của VCCI và World Bank mới chỉ rà soát điều kiện ĐTKD của ba bộ, các bộ còn lại chưa rà soát; hơn nữa, những đề xuất loại bỏ các ĐKKD chưa phù hợp còn khá dè dặt.

Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 3/8/2017,  Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng “giấy phép kinh doanh rất nhiều, rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp... Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ. Phải loại bỏ điềukiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý”.

Tại cuộc họp đánh giá về kết quả khảo sát ĐKKD giữa Bộ Công Thương với VCCI và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo yêu cầu khẩn trương rà soát các ĐKKD, thực hiện cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết thuộc quản lý của bộ. Ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký  Quyết định số 3610a/QĐ-BCT. Theo Quyết định này, 675 điều kiện ĐTKD, chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện ĐTKD thuộc quản lý của Bộ Công Thương  được cắt giảm, một con số lịch sử và kỷ lục, được Thủ tướng biểu dương, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi và đánh giá cao.

Như vậy, quyết tâm của Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt  của các bộ nhằm cắt giảm các điều kiện ĐTKD bất hợp lý, tháo dỡ các rào cản, tạo điều kiện ĐTKD thông thoáng cho doanh nghiệp đang thực sự tạo động lực cho sự đổi mới, phù hợp với nhu cầu phát triển,  nguyện vọng và yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Cuộc rà soát cắt giảm các ĐKKD bất hợp lý lần này nếu được thực hiện hiệu quả, chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia và cấp tỉnh theo khảo sát thường niên của VCCI, đặc biệt là các chỉ số gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng...

Về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài:

Bộ Kế hoạch Đầu tư đã căn cứ vào quy định tại khoản 1 điều 13 Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của LĐT, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, căn cứ biểu cam kết của Việt Nam trong WTO, các quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam tham gia, luật, pháp lệnh và nghị định có liên quan đã công bố danh mục ngành nghề ĐTKD có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN), gồm 18 phân ngành với hơn 150 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Danh mục được công bố đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch cho nhà ĐTNN đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để những quy định trên đi vào cuộc sống, cần triệt để thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản, minh bạch các quy trình, thủ tục, giải quyết triệt để “cơ chế xin cho” và gánh nặng chi phí không chính thức đang đè nặng và giảm động lực của doanh nghiệp, trong đó có nhà ĐTNN.

Một trong những nguyên nhân quan trọng mà vốn ĐTNN đến từ Mỹ và EU vào Việt Nam vẫn rất khiêm tốn so với quan hệ chính trị, văn hóa và thương mại chính là sự thiếu minh bạch trong môi trường đầu tư tại Việt Nam. Rất tiếc, nguồn vốn FDI từ Mỹ , EU nhìn chung, lại là nguồn vốn có chất lượng cao từ các quốc gia có công nghệ cao, quản trị và nền tảng pháp luật minh bạch, tiên tiến rất cần cho đổi mới thể chế kinh tế và chất lượng phát triển của Việt Nam.

Thiết nghĩ, vẫn cần tổng rà soát toàn diện các điều kiện ĐTKD trong các lĩnh vực, ngành nghề ĐTKD có điều kiện đối với ĐTNN và cả các quy trình thủ tục thực hiện và kiểm soát các điều kiện đó.

Để triển khai thực hiện quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành nhằm cắt giảm triệt để các điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, xin đề xuất một số giải pháp:

1. Ngoài việc rà soát 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong LĐT 2016 với 5.719 điều kiện đầu tư kinh doanh, chúng tôi đồng tình với đề xuất của luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật BASICO - cần rà soát bốn nhóm quy định với những yêu cầu tương tự điều kiện kinh doanh, gồm: (i) yêu cầu về quy hoạch (theo Luật  Quy hoạch đô thị 2009); (ii) yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật (theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006); (iii) yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng (theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn chất lượng 2006); (iv) yêu cầu về thủ tục hành chính (theo Nghị định 63/2010 của Chính phủ về “kiểm soát thủ tục hành chính”).

2. Cần định ra thời gian tối đa 60 ngày để các bộ, ngành rà soát và công bố công khai việc loại bỏ và cắt giảm các giấy phép con, thủ tục hành chính  không phù hợp với pháp luật và yêu cầu quản lý nhà nước theo hướng “Chính phủ điện tử”.

3. Công bố “Danh mục điều kiện đầu tư, kinh doanh” trong một Nghị định của Chính phủ, có hiệu lực trong đầu năm 2018, trong đó quy định rõ các bộ, UBND tỉnh, thành phố không được ban hành các văn bản pháp quy biến tướng của “giấy phép con” trái với Nghị định. Quy định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu (bộ trưởng các bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước) chịu trách nhiệm những thành công và sai phạm.

Phải nói rằng, những ngày gần đây, với quyết tâm của Chính phủ đổi mới và kiến tạo, sự vào cuộc đầy tâm huyết và quyết liệt của một số bộ, ngành, sự hưởng ứng của các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, cuộc cởi trói, tháo dỡ các rào cản vô lý sẽ cải thiện về chất môi trường ĐTKD tại Việt Nam, tạo động lực mới cho doanh nghiệp tham gia thi trường và hoạt động hiệu quả, đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có một triệu doanh nghiệp hoạt động,  nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, vượt qua bẫy phát triển trung bình, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

NGUYỄN VĂN TOÀN

(Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài - VAFIE)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ