Toạ đàm trực tuyến: "Định hướng thu hút vốn FDI trong thời gian tới"

Nhàđầutư
Toạ đàm trực tuyến: "Định hướng thu hút vốn FDI trong thời gian tới" do Nhadautu.vn tổ chức nhằm tổng kết đánh giá tình hình đầu tư nước ngoài (ĐTNN) 30 năm qua, nêu rõ những kết quả nổi bật cũng như những hạn chế, yếu kém, qua đó sẽ thảo luận sâu về định hướng thu hút FDI cho giai đoạn phát triển mới.
NHÓM PV
17, Tháng 10, 2017 | 09:08

Nhàđầutư
Toạ đàm trực tuyến: "Định hướng thu hút vốn FDI trong thời gian tới" do Nhadautu.vn tổ chức nhằm tổng kết đánh giá tình hình đầu tư nước ngoài (ĐTNN) 30 năm qua, nêu rõ những kết quả nổi bật cũng như những hạn chế, yếu kém, qua đó sẽ thảo luận sâu về định hướng thu hút FDI cho giai đoạn phát triển mới.

Toan dam FDI-1

Toàn cảnh buổi tọa đàm "Định hướng thu hút FDI trong thời gian tới" ngày 17/10/2017, tại Hà Nội  

TS. Nguyễn Anh Tuấn - TBT Nhà Đầu tư: FDI bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư cho biết, sau 30 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam được ban hành vào tháng 12/1987, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Tính luỹ kế đến ngày 20/9/2017, trên phạm vi cả nước có 24.200 dự án FDI đang hoạt động và tổng vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt trên 167 tỷ USD bằng 54% tổng vốn đăng ký.

Trong số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đang dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 55,8 tỷ USD (chiếm gần 18%), Nhật Bản đứng thứ 2 với 46,1 tỷ USD tiếp theo là Singapore và Đài Loan.

Trong 30 năm qua, ĐTNN đã góp phần quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, chiếm khoảng 20-25% vốn đầu tư xã hội, tạo việc làm cho gần 3,7 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp, đóng góp khoảng 18% tổng thu ngân sách.

ts-nguyen-anh-tuan-0914

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư phát biểu khai mạc tọa đàm 

Đặc biệt, FDI đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu. Đến nay, khu vực FDI đang đóng góp trên 55% giá trị SLCN, trên 70% kim ngạch XK của cả nước. Một số dự án FDI đã góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng như dầu khí, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo... Sự có mặt của doanh nghiệp FDI tại VN cũng đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, thực tế cũng cho thấy FDI đang bộc lộ những mặt hạn chế, thậm chí là tiêu cực như tình trạng gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá, sử dụng công nghệ lạc hậu của một số dự án. Tỷ lệ vốn FDI thực hiện còn thấp so với tổng vốn đăng ký; việc sử dụng tài nguyên còn lãng phí, số dự án công nghệ cao của các tập đoàn xuyên quốc gia và dự án Low-cacbon và dự án đầu tư vào các công trình KCHT trọng điểm còn ít.

Để tổng kết đánh giá các mặt tích cực và hạn chế của FDI trong 30 năm qua và đề xuất định hướng thu hút FDI cho giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN tiến hành tổng kết, trong đó có việc tổ chức các hội thảo, hội nghị nhằm thảo luận sâu các vấn đề cần quan tâm làm rõ.

Theo đó, Tọa đàm hôm nay sẽ tập trung thảo luận sâu về các vấn đề chính yếu sau:

- Thứ nhất, đánh giá khái quát những mặt được và chưa được của FDI, nguyên nhân vì sao.

- Thứ hai, đánh giá về bối cảnh mới của Việt Nam khi thu hút vốn FDI.

- Thứ ba, định hướng thu hút vốn FDI.

- Thứ tư, giải pháp thu hút FDI thời kỳ mới.

Với sự có mặt của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp FD, Toạ đàm sẽ góp phần đánh gia đúng thực trạng và đề xuất được định hướng và giải pháp thu hút FDI trong thời gian tới.

Dai-bieu-du-toa-dam-dinh-huong-FDI

TBT Tạp chí Nhà Đầu tư chụp ảnh lưu niệm cùng các vị khách mời tham dự tọa đàm 

Khách mời là đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế và đại diện các tổ chức, doanh nghiệp FDI, bao gồm:

- GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN (VAFIE)

- Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Văn phòng Chính phủ)

- Ông Nguyễn Văn Phúc - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

- Ông Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ KH&ĐT)

- Ông Đặng Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT)

- Ông Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT)

- Ông Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

- Bà Mai Thu - Giám đốc Trung tâm Dự báo Kinh tế Quốc gia

Ông Lê Trọng Minh - Tổng biên tập Báo Đầu tư 

- Ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG

- Bà Hương Vũ - Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst&Young

- Ông Nguyễn Hoàng Tuyển - Chủ tịch HĐQT Công ty VINATAPOL

- Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Kết nối Đầu tư Việt Nam

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty Thăng Long Tech

- Ông Trương Mạnh Hùng - Phó trưởng ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh

Toa dam dinh huong FDI

 GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE trình bày tham luận tại Tọa đàm 

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE: Từ năm 1991 đến nay, FDI trở thành động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, trong khi DNNN sử dụng nguồn lực quốc gia lớn nhất đang trong quá trình cơ cấu lại chưa có hiệu quả, nên không còn là động lực tăng trưởng chủ yếu nữa.

Kinh tế tư nhân phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tuy đã gia tăng nhanh chóng về số lượng, hình thành một số tập đoàn lớn nhưng vẫn chưa trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ.

Từ năm 1991 đến nay, khu vực kinh tế ĐTNN trở thành động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

GS. Nguyễn Mại cho rằng, trong 26 năm từ 1991 đến 2017, nước ta đã thu hút được 161,959 tỷ USD vốn FDI thực hiện. Tính bình quân mỗi năm giai đoạn 1991-2000 đạt 1,95 tỷ USD, 10 năm tiếp theo đạt 5,85 tỷ USD, 7 năm gần đây là 12 tỷ USD, bằng 6,1 lần của giai đoạn 1991-2000 và 2,09 lần của giai đoạn 2001-2010.

Giai đoạn 1991-2000, phần lớn dự án FDI có quy mô nhỏ, vốn đầu tư trung bình mỗi dự án khoảng 4 triệu USD, tập trung vào may mặc, dày dép, đồ uống, thực phẩm, có một số dự án lớn thăm dò và khai thác dầu khí, sản xuất ô tô, xe máy, khách sạn, dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm của những tập đoàn kinh tế lớn.

Giai đoạn 2001-2010, sau khi khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, từ 2005 đã có thêm nhiều dự án lớn công nghệ cao, dịch vụ hiện đại của Intel, Nokia, Canon, Samsung, LG làm tăng thêm tỷ trọng của khu vực FDI trong giá trị sản lượng công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu.

Giai đoạn 2011- 2016, có thêm nhiều dự án quy mô lớn với vốn đầu tư từ 1 tỷ USD trở lên đã làm cho Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao của thế giới như smartphone, mobilphone, máy tính bảng, công nghệ thông tin.

Năm 2016, khu vực kinh tế ĐTNN chiếm khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, trong đó dầu khí, điện tử, smartphone, mobiphone, linh kiện điện tử, thức ăn gia súc, đồ uống... có tỷ trọng cao hơn nhiều; chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu mà mặt hàng chủ lực là hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao, xuất siêu khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của khu vực này, chẳng những bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp trong nước mà còn tạo ra xuất siêu gần 3 tỷ USD; đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP.

Đối với những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa (ở miền Bắc), Bình Dương, Đồng Nai (miền Nam) thì đóng góp của khu vực này còn lớn hơn nhiều, làm thay đổi cơ bản cơ cầu kinh tế của từng tỉnh, thành phố, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển có hiệu quả kinh tế cao, người dân trong vùng trở nên giàu có hơn các địa phương lân cận.

Điển hình là Bắc Ninh, nhờ thu hút có hiệu quả FDI mà chỉ trong 5 năm gần đây đã biến đổi cơ bản, từ tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp, hiện nông nghiệp chiếm khoảng 8%, công nghiệp và dịch vụ chiếm 82%. Câu chuyện hàng ngày của những địa phương này không phải lo xóa đói giảm nghèo, mà là giải quyết các vấn đề xã hội của công nghiệp hóa, lao động nhập cư với thu nhập ngày càng tăng đòi hỏi nhà ở, trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, đã có đủ điều kiện về vốn đầu tư, ý tưởng mới để xây dựng đô thị thông minh hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao và hoàn thành xây dựng nông thôn mới.    

Theo GS Nguyễn Mại, những con số thống kê trên thể hiện quy mô vốn FDI vào nước ta ngày càng lớn, đồng thời chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế ĐTNN ngày càng cao hơn.

"30 năm là thời gian đủ dài để khẳng định rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước mở cửa để hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có thu hút vốn đầu tư quốc tế đồng thời với chủ trương đổi mới theo kinh tế thị trường là đúng đắn và kịp thời để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội sớm hơn dự kiến, tạo tiền đề để chấn hưng đất nước theo các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội", GS Nguyễn Mại nói.

GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết, về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Giáo sư Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định, công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp. Ông cũng cảnh báo các công nghệ mới sẽ dẫn đến những thay đổi về quyền lực, gây ra những lo ngại về an ninh cũng như về khoảng cách giàu nghèo, nếu không được kiểm soát tốt.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch VAFIE đưa ra nhiều khuyến nghị về định hướng thu hút FDI trong thời gian tới.

Cụ thể, theo ông Mại, trong khi vẫn coi trọng các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở những địa phương còn kém phát triển thì cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏ cộng đồng...

Trong khi vẫn coi trọng thu hút FDI từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế (TNCs) hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

GS Nguyễn Mại cũng cho rằng cần điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư theo hướng gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng kinh tế, từng địa phương. Đối với các thành phố đã phát triển như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng thì cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn; kiên quyết không lựa chọn dự án FDI thâm dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính.

Đối với các địa phương, vùng kinh tế còn kém phát triển thì có thể lựa chọn dự án thâm dụng lao động như dệt nhuộm, may, da dày nhưng phải bảo đảm đầu tư bảo vệ môi trường.

Dang Xuan Quang

Ông Đặng Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) 

Ông Đặng Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT): Cần xem xét lại và xây dựng định hướng thu hút FDI trong thời gian tới

Trong bối cảnh nền kinh tế đang có những chuyển biến lớn, chúng ta cần xem xét lại và xây dựng định hướng thu hút FDI trong thời gian tới.

Những năm đầu thu hút FDI, nền kinh tế chúng ta còn non trẻ, nền kinh tế tư nhân gần như chưa phát triển, không có vốn đầu tư. Mục tiêu lúc đó là thu hút vốn đầu tư phát triển. Nhưng sau 3 thập kỷ, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến những bước phát triển vượt bậc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ khối FDI, nay chiếm tới ¼ tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu.

Mặc dù vậy, quá trình thu hút FDI cũng đã bộc lộ ra nhiều hạn chế, tồn tại như vốn vẫn đổ nhiều vào lĩnh vực thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh mới, Việt Nam cần xây dựng một chính sách thu hút FDI với một số điểm nhấn như sau.

Thứ nhất, yêu cầu phát triển bền vững, đây là những vấn đề mới mà trước đây chúng ta chưa đặt ra. Thu hút đầu tư phải đảm bảo bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. 

Thứ hai là cần tính tới sự phát triển vượt bậc của khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là lĩnh vực tư nhân. Sự lớn mạnh kinh tế tư nhân sẽ tác động lớn tới chính sách thu hút vốn ngoại trong thời gian tới.

Thứ ba, trình độ kinh tế của chúng ta đang tăng trưởng rất mạnh, tạo ra yêu cầu hoàn toàn khác đối với FDI, thay vì số lượng như trước, nay cần chuyển hướng quan tâm về chất lượng và phát triển bền vững.

Thứ tư, cần tính tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thực tế, không phải các quốc gia phát triển chưa cao thì không tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0 được. Chúng ta vẫn có thể tham gia nếu đi đúng “ngách”. Khu vực FDI đã là một trong những đầu tàu phát triển của nền kinh tế trong 3 thập kỷ qua, và sẽ tiếp tục là động lực giúp chúng ta tham gia sâu hơn vào cách mạng công nghiệp thế hệ thứ 4 trong thời gian tới.

Một yếu tố nữa cần đề cập là lĩnh vực FDI đang ghi nhận xu hướng đặc biệt với sự gia tăng rất nhanh của góp vốn và mua cổ phần (M&A), ước đạt 4,16 tỷ USD từ đầu năm và đạt 5 tỷ USD trong năm nay. Xu hướng này sẽ ngày càng mạnh hơn. Đầu tư trực tiếp và gián tiếp đang mất dần ranh giới, sẽ tác động tới chính sách thu hút FDI trong giai đoạn tới.

Hung Quang Ninh

Ông Trương Mạnh Hùng - Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh trình bày tham luận tại tọa đàm

Ông Trương Mạnh Hùng - Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh: Vốn FDI làm thay đổi bộ mặt Quảng Ninh

Quảng Ninh được xác định là “cực tăng trưởng” của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đồng thời cũng nằm trong Khu vực hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc”.

Những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế quốc tế và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Quảng Ninh vẫn được đánh giá là một trong những địa phương năng động, đi đầu trong cả nước, tạo ra nhiều mô hình, cách làm đột phá, đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể như: GDP duy trì tốc độ tăng trưởng cao: bình quân 5 năm (2011-2015) đạt 9,2%, năm 2016 đạt 10,1%, 9 tháng đầu năm 2017 đạt 9,7%, GDP bình quân đầu người năm 2016 đạt 4.050 USD; Thu ngân sách luôn đứng vào tốp 5 địa phương có số thu cao nhất cả nước,...

Đặc biệt kết cấu hạ tầng đã có bước phát triển cơ bản với nhiều dự án động lực, điển hình như: Đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô, hoàn thành nâng cấp cải tạo quốc lộ 18A đoạn Uông Bí - Hạ Long, Trung tâm thương mại Vincom Center Hạ Long, Công viên SunWorld, Trường quốc tế KinderWorld, Bệnh viện Vinmec, KS Vinpearl Hạ Long, Wyndham... chính thức đi vào hoạt động; Dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn dự kiến hoàn thành trong quý I/2018...

Trong 5 năm gần đây, Quảng Ninh đã huy động được trên 190.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội (trong đó có đầu tư FDI). "Chính từ cách làm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, Quảng Ninh bỏ ra 1 đồng ngân sách (vốn “mồi”), thu hút được 8,3 đồng ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, giao thông, du lịch...", ông Hùng nhấn mạnh.

Với cách làm đó, 5 năm gần đây, tỷ trọng đầu tư công của tỉnh đã giảm dần (từ 60% năm 2010 xuống 37% năm 2015); đầu tư nước ngoài tăng mạnh (từ 5% năm 2010 lên 30% năm 2015); đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục tăng, chiếm tới 33% tổng vốn đầu tư.

Cũng nhờ đó, có nhiều dự án lớn mang tính động lực đã và đang được triển khai tại Quảng Ninh. Diện mạo của Quảng Ninh có sự thay đổi đáng kể với sự hiện diện của nhiều tập đoàn kinh tế lớn, cùng với nhiều dự án động lực đã và đang được triển khai, hoàn thiện.

Về vấn đề thu hút đầu tư FDI, trong 30 năm qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 121 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,94 tỷ USD, trong đó riêng giai đoạn (2012-2016) thu hút 31 dự án với số vốn đạt 3,58 tỷ USD (chiếm 60%). Lũy kế vốn đầu tư thực hiện đến thời điểm hiện tại ước đạt 4,53 tỷ USD, chiếm 76,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Riêng vốn đăng ký của một số nhà đầu tư chiến lược đạt 80.887 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 59.549 tỷ đồng (đạt tỷ lệ giải ngân 74%).

Việc thu hút FDI trong thời gian qua cũng có một số hạn chế như: Hiệu quả tổng thể nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa cao; FDI hiện tập trung chủ yếu tại địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạn tầng, nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm gây mất cân đối vùng miền, không đạt được mục tiêu hướng FDI vào địa bàn khó khăn; Mục tiêu thu hút công nghệ cao, chuyển giao công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng; Một số dự án được cấp phép nhưng chưa triển khai hoặc giải ngân còn chậm, chưa đúng theo cam kết trong quy định đặc biệt là các dự án du lịch, dịch vụ tại các vị trí có lợi thế, tiềm năng, sử dụng diện tích lớn.

Bui Tat Thang

Ông Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ KH&ĐT) 

Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng viện Chiến lược, Bộ KH&ĐT: "3 đặc khu kinh tế: Xây tổ cho Phượng hoàng nào ở?"

Qua thực tế và qua nhiều phân tích thì đánh giá FDI còn đa chiều. Tuy nhiên, mỗi ý kiến đều có cái lý của nó và cần được cân nhắc.

Không ai nghi ngờ về đóng góp của FDI trong tạo việc làm, thu ngân sách, đóng góp GDP… Nhưng người ta cũng có quyền nghi ngờ về đóng góp trong từng lĩnh vực. Cùng với đó, những vụ việc về môi trường đã gây ra, hay các cuộc đình công cũng cần nhìn từ 2 phía.

Về đánh giá tiêu cực và tích cực của FDI, có thể thấy thời gian vừa qua đã đáp ứng mục tiêu thu hút vốn, giải quyết lao động thì giai đoạn vừa rồi tốt.

Nhưng nhìn đi cũng phải nhìn lại, còn cần phải nhìn tới 2 mục tiêu ngay từ đầu là thu hút về công nghệ, lan toả. Nên cần đánh giá trên cả những mục tiêu này. Cần xem xét ở những điểm làm tốt, chưa tốt ở đâu mới xác định giải pháp.

Cùng với đó, chúng ta cần nghiên cứu về nguyên nhân, cách làm FDI, có những cái chưa đáp ứng được luật, còn bản thân luật đã có về nâng cao công nghệ, lan toả khu vực trong nước.

Sở dĩ đánh giá tiêu cực là về môi trường, xã hội, tình trạng nền kinh tế biệt lập nhau.

Người ta chỉ nhìn thấy FDI thuê đất, lao động ,trả công lao động, thuế nộp ngân sách còn nền kinh tế FDI và nội địa chưa thực sự gắn kết như mong đợi.

Về định hướng cho giai đoạn sắp tới, cần xem xét bối cảnh trong nước và bối cảnh quốc tế, có 2 tác động khá mạnh: Đó là xu hướng chủ nghĩa bảo hộ tăng lên. Có hàm ý là điều kiện về xuất nhập khẩu, di chuyển vốn, nguồn lực giảm đi, cũng là dấu hiệu không tốt FDI.

Vo Tri Thanh 1

Ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương 

Ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: "FDI thực sự làm to 'cái bánh' của Việt Nam"

Về khoa học, FDI thực sự làm to “cái bánh” của Việt Nam. Nếu ko có FDI, “cái bánh” của Việt Nam không to. FDI có chèn lấn đầu tư tư nhân không? Nhiều đánh giá định lượng cho rằng, FDI không đến mức chèn lấn tư nhân VIệt Nam.

Tiết kiệm của Việt Nam là 29% GDP, tổng đầu tư 33% GDP. Tiền ở nước ngoài vào FDI, ODA khoảng 5-7%. Nếu tiết kiệm của Việt Nam mang đi đầu tư hết phải vượt quá 23%. Câu hỏi đặt ra là vì sao 23% chưa đầu tư vào sản xuất kinh doanh tạo GDP?

Lý do vì sao làm chưa tốt? Ngoài vấn đề vốn, chủ nghĩa thành tích, GDP thì đối tác và con người cũng là vấn đề! Đối tác chúng ta có rất nhiều, hàng chục đối tác chiến lược nhưng đằng sau đối tác là vấn đề tiếp xúc và con người. Hiện, Bộ Ngoại giao là cơ quan đóng góp tốt nhất về mặt tiếp xúc con người cụ thể, đặc biệt là các nhà quản lý, CEO, công chức cần phải thay đổi.

Vấn đề thứ hai là mở cửa, bảo hộ và hỗ trợ như thế nào cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ như thế nào, cam kết, ưu đãi, phát triển ra sao...

Ngoài ra, tư tưởng phát triển cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm. Thu nhập cũng quan trọng nhưng làm sao để phát triển bền vững và sáng tạo. Thu nhập cũng quan trọng nhưng làm sao để phát triển bền vững và sáng tạo. Đại gia đi Roll Royce chưa chắc đã ứng xử hơn người đi xe máy, ứng xử.

Nguyen Van Phuc

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội 

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: "Phải đánh giá cả đồng đều cả 2 mặt tích cực và tiêu cực"

Việc đánh giá 30 năm thu hút vốn FDI là rất quan trọng. Tại sao trong bối cảnh thể chế chúng ta bây giờ ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, Hiến pháp 1980 chưa thay đổi; Đảng, Nhà nước ta lại có bản lĩnh ban hành Luật Đầu tư nước ngoài được coi là hấp dẫn nhất lúc đó. Mang lại kết quả cần ghi nhận, đó là cách đổi mới về tư duy, cải cách.

Khi đánh giá về đầu tư nước ngoài, khi đó, tôi làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chủ trì hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết đánh giá đầu tư nước ngoài đã đạt được những thành tựu to lớn đáng kể.

Tôi đề nghị cần phải đánh giá đầu tư nước ngoài, nghiên cứu tài liệu của các chuyên gia, khi nào chúng ta cần đánh giá đa chiều, tác động tích cực và tiêu cực của đầu tư nước ngoài với lợi ích quốc gia. Nếu không đánh giá thì vô hình chung chúng ta đã “nuông chiều” đầu tư nước ngoài một cách thái quá, không đúng với định hướng của thu hút đầu tư nước ngoài như chúng ta đề ra ban đầu. Vốn có thể đạt mức độ nào đó nhưng công nghệ và mục tiêu khác lại không đạt.

Vì vậy, phải đánh giá cả đồng đều cả 2 mặt tích cực và tiêu cực. Trong thời gian tới, động lực thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta cần tiếp tục bàn thêm bởi sau 30 năm những yếu tố động lực thúc đẩy đầu tư đã khác. Chúng ta là nước thu nhập trung bình, lao động trẻ, do đó đầu tư nước ngoài đến năm 2030 sẽ thế nào? Chúng ta chuẩn bị thành lập 3 đặc khu kinh tế, nhưng cuộc tranh luận về thể chế để phát triển 3 đặc khu kinh tế vẫn chưa có hồi kết. Hiện nay, chúng ta đã mời các chuyên gia xây dựng Luật phát triển các khu đặc khu kinh tế, trong đó Quảng Ninh và các tỉnh khác rất tích cực.

Tôi cho rằng, quan niệm của chúng ta còn rất khác nhau, do vậy cần có đột phá thể chế, bộ máy chính quyền khác nhau để tạo ra thể chế thông thoáng.

Tại sao năm 1987, Bộ Chính trị sáng suốt chỉ đạo Chính phủ gửi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài được đánh giá cao. Sau 30 năm, Quốc hội sẽ thông qua luật về đặc khu kinh tế có được như tinh thần đổi mới, đột phá như năm 1987 hay không?

Phan Huu Thang

TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) 

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT): "Thách thức lớn nhất là nguy cơ xâm lấn của yếu tố Trung Quốc" 

Thách thức sau 30 năm thu hút FDI là nguy cơ xâm lấn của yếu tố Trung Quốc rất nguy hiểm mà trong định hướng sắp tới phải chú ý. Cùng với đó là định hướng thành lập 3 đặc khu kinh tế nếu không cẩn thận chúng ta sẽ mất trắng, bởi nhà đầu tư vào đầu tư dự án lớn có thể kéo theo những bê bối, kéo theo hàng nghìn lao động nước ngoài.

Chúng ta cũng cần đặt vấn đề xu thế 100% vốn nước ngoài hiện nay là chủ yếu nên định hướng an ninh quốc phòng cần được quan tâm lớn ngoài các yếu tố môi trường, lan tỏa.

Về định hướng thu hút FDI trong thời gian tới, cần thu hút đầu tư có điều kiện. Điều kiện ở đây là tập trung vào cách mạng 4.0. Cần đặt vấn đề trách nhiệm nhà đầu tư với Việt Nam, khi FDI đạt lợi nhuận tại đây, cũng cần phải chịu trách nhiệm đóng góp lợi nhuận để đào tạo, làm sao công nghệ "cắm" được vào người Việt, doanh nghiệp Việt.

Vậy thu hút FDI bao nhiêu là vừa, tập trung như thế nào? Trước tiên, cần tập trung giải ngân 150 tỷ USD vốn chưa giải ngân lúc này. Có nghĩa là chúng ta nên hạn chế xúc tiến đầu tư, thu hút mới để tập trung nhiều hơn vào giải ngân số vốn đăng ký của doanh nghiệp FDI chưa giải ngân trong thời gian qua. Còn với việc thu hút đầu tư mới, cần lựa chọn có điều kiện.

Huong Vu

Bà Hương Vũ - Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young 

Bà Hương Vũ - Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young: "Thực thi chính sách quá nhẫn tâm"

Chính sách đối với đầu tư luôn đổi mới, Thủ tướng, các bộ ngành đã vào cuộc và đưa ra các chính sách như Nghị quyết 35, làm sao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải trực tiếp ngồi cùng doanh nghiệp mới thấy họ khó khăn như thế nào. Vấn đề thực thi chính sách của chúng ta quá nhẫn tâm.

Có trường hợp doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam khi nhập khẩu phải trả thuế nhập khẩu, trung tâm phân tích đưa ra mã số khác nhau, dẫn đến mức thuế khác nhau. Sau đó, đoàn kiểm tra vào và bác bỏ toàn bộ kết luận trước đó, đồng thời áp mức thuế suất 10% và nếu không nộp sẽ đình hàng tại cảng không cho kinh doanh.

Doanh nghiệp buộc phải nộp thuế và đi kêu cứu cơ quan chức năng.

Sau hơn 1 năm, thậm chí 2 năm, Tổng cục Hải quan kết luận doanh nghiệp đúng. Lúc đó, lượng thuế tồn đọng 1-2 năm, ai sẽ trả lãi?

Chính sách đưa ra đã tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đâu đó, cố gắng phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cần phải xem xét lại việc thực thi.

Để cơ quan thực thi có thể nâng cấp trách nhiệm hơn về quyết định của mình, chúng ta có cần có các đường dây nóng. Mặc dù đã nhiều lần có đường dây nóng nhưng chỉ nóng được vài tuần, sau đó nguội lạnh không ai nghe máy.

Phải thừa nhận rằng, các nhà đầu tư nước ngoài thấy môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam hấp dẫn. Tiếp xúc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với các bộ, tiếp xúc với các chính sách, họ có nhiều kỳ vọng.

Tuy nhiên, hiện tôi đang đồng hành cùng nhà đầu tư vào khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc và cũng đang vướng mắc. Theo chính sách, đầu tư 200 triệu USD vào khu công nghệ này thì được hưởng ưu đãi. Tôi đồng hành cùng nhà đầu tư tìm ra công thức tính tổng số vốn đầu tư nhưng đến nay chưa có giải đáp. Vấn đề tổng số vốn đầu tư vốn góp cộng vốn vay trong bao nhiêu năm vẫn chưa có câu trả lời. Nghị định đưa ra nhưng chưa có thông tư hướng dẫn. Khi đưa ra những điều kiện thu hút, theo tôi, cần có tiêu chí đánh giá để các nhà đầu tư không bị sốc khi các cơ quan chức năng đến kiểm tra.

Thực tế, khi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cách đây 15 năm, cơ quan cấp phép, sau khi rà soát các chính sách, ghi rõ ưu đãi đầu tư như thế nào. Tuy nhiên, khi thanh kiểm tra, cơ quan thuế lại cho rằng ưu đãi đưa ra như vậy là hơi tốt hơn so với thực tế lúc bấy giờ. Doanh nghiệp ngã ngửa vì họ coi giấy phép đầu tư mang tính pháp lý cao nhất.

Hiện nay Việt Nam đang thực hiện chính sách hồi tố, bắt trả lãi. Lỗi của Chính phủ lại đổ lên đầu doanh nghiệp là không công bằng. Định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần tuyệt đối cam kết những gì chính phủ đã cam kết với nhà đầu tư.

Nguyen Viet Anh

Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối Đầu tư Việt Nam 

Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối Đầu tư Việt Nam: "Việc tiếp cận các dự án đầu tư nước ngoài của nhà đầu tư vô cùng khó"

Tôi từng làm công tác xúc tiến đầu tư hơn 10 năm và gắn bó các loại hình đầu tư vào Việt Nam.

Việc tiếp cận các dự án đầu tư nước ngoài của Nhà đầu tư vô cùng khó. Các khách hàng ‘xếp hàng’ nhiều, quan tâm các mục tiêu, nhưng khả thi rất khó do các đối tượng khác đã tiếp cận trước bởi mối quan hệ, sự quen biết… Nhà đầu tư nước ngoài gặp sự cản trở lơn và nhất là các nhà đầu tư lớn.

Điển hình như T&C, họ làm ăn bài bản, mong muốn đầu tư lâu dài.

Nhưng, theo tôi, việc trong thời gian sắp tới khi công nghệ 4.0 thay đổi, chúng ta cần dần tập trung chuyển từ các dự án đất (khi ta không còn lợi thế) để chuyển sang công nghệ (trước đó, chúng ta cần đánh giá chi tiết, trước hết cần đáp ứng nội bộ và thu hut nước ngoài).

Ví dụ, có các mô hình phát triển mạnh mẽ như Grab, Uber. Tính trên số người tham gia lao động là hàng trăm ngàn người. Chúng ta cần thu hút loại hình công ty đó không chỉ nhu cầu cung cấp nội địa mà còn hỗ trợ, phát triển cho nền công nghệ Việt Nam.

Nếu chỉ tập trung vào khu kinh tế mở chẳng hạn, đó là xu hướng theo tôi không còn phù hợp với thời đại. Ví như các khu kinh tế Trung Quốc dần giảm bớt vai trò, không lý gì ta không giảm bớt điều đó.

Nguyen Hoan Tuyen

Ông Nguyễn Hoàng Tuyển - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty VINATAPOL 

Ông Nguyễn Hoàng Tuyển - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty VINATAPOL: "Nên tận dụng dòng máu yêu tổ quốc chảy trong những người Việt kiều xa xứ"

Thu hút hiện nay là rất tốt rồi, nhưng trong thời kỳ thế giới phẳng còn rất nhiều vấn đề được đặt ra. Ngoài tổng vốn đầu tư của FDI chúng ta cần có sự quan tâm về doanh nghiệp vừa và nhỏ, giá trị vô lượng.

Cụ thể, hiện nay Ba Lan là khu công nghiệp chế biến thực phẩm rất tốt, muốn về Việt Nam để tìm đối tác, để kết hợp thế mạnh với nhau bằng cách trao đổi công nghệ, tuy nhiên, đến hiện nay vẫn chưa làm được.

Để phát triển FDI trong thời gian tới có lẽ nên dựa vào đội ngũ Việt kiều đang sinh sống ở các nước, tận dụng dòng máu yêu tổ quốc chảy trong những người Việt kiều xa xứ.

FDI trong thời gian tới cũng cần chú trọng vào công nghiệp không khói và công nghiệp 4.0, cùng với đó coi trọng chất lượng nguồn vốn, chất xám chứ không nên chỉ coi trọng con số định lượng bao nhiêu triệu USD.

Cần phải thấy vai trò của Việt kiều có thể là lôi kéo người nổi tiếng về, họ muốn nhờ những người Việt kiều đi trước để mua lại những dự án có tính pháp lý tốt. Chúng ta chưa thống nhất về quy chế, có một việc mà người này bảo đúng, người kia bảo sai.

Hãy thay đổi từ chúng ta để thu hút FDI, lợi thế nước nào cũng có, cần thay đổi ở chúng ta, tiền trong túi họ của họ, tiền đầu tư ra là của họ. Vấn đề là làm thế nào để họ đầu tư vào Việt Nam chúng ta. 

Nguyen Cong Ai

Ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG 

Ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG: "Thu hút FDI: Không nên coi nhẹ các doanh nghiệp nhỏ và vừa"

Ngoài các khía cạnh về mặt con số, chúng ta cần đánh giá đầu tư nước ngoài về chất lượng, lan tỏa và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước khi nghĩ đến chuyện định hướng thì phải nghĩ làm sao để thu hút trước đã. Hiện nay, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng chưa có nhiều nhà đầu tư từ Mỹ, châu Âu.

Dân số vàng của Việt Nam chỉ kéo dài 5-7 nữa, do đó cơ hội cho chúng ta chỉ còn từ 7-10 năm nữa, sức hấp dẫn sẽ giảm đi.

Về thu hút đầu tư các dự án dưới 1 triệu USD, hiện Nhật Bản vẫn đầu tư vào các dự án công nghệ hiện đại mặc dù quy mô nhỏ nhưng vẫn chất lượng.

Đầu tư vào dịch vụ và giáo dục cũng vậy dù quy mô nhỏ nhưng vẫn tốt. Không chỉ xem xét về số tiền, quy mô vốn đầu tư mà cần xem xét đóng góp của dự án đầu tư vào nền kinh tế. Đóng góp vào ngành phát triển thời trang chẳng hạn không cần đầu tư lớn nhưng rất cần đối với Việt Nam.

IMG_7857

Ông Võ Trí Thành 

Ông Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: "Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để đón đầu Cách mạng 4.0"

Cách mạng 4.0 có tác động to lớn, tích cực, mang lại cơ hội, nhưng chi phí chuyển đổi của quá trình này cũng rất lớn, từ chi phí đầu tư, xây dựng luật, thích ứng…

Có 4 tác động có thể thấy rất rõ, từ sản phẩm công nghệ mới, cách thức tiêu dùng mới, xanh hơn, cá thể hơn…; đến cách thức kinh doanh; công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ cũng đã mờ đi rất nhiều, như nhà sản xuất ô tô hiện nay được gọi là tập đoàn công nghệ; tiếp theo quản trị cũng thay đổi hoàn toàn, kéo theo kỹ năng cũng thay đổi.

Vì thế, Việt Nam buộc phải học hỏi, cạnh tranh và vai trò của FDI rất quan trọng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Việt Nam có đủ hấp dẫn? Việt Nam rất hấp dẫn, chúng ta cũng đã có những lĩnh vực bắt đầu thay đổi, nhưng còn cần chung một ý chí, một khát vọng.

Với cách mạng 4.0, chúng ta còn cần hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, công nghệ, pháp lý, sở hữu, chúng ta cũng cần thống nhất những vấn đề liên quan tới tranh chấp, bảo vệ quyền riêng tư, và đây là vấn đề mới với rất nhiều nước khác như Anh, Nhật.

Đặt ra vấn đề cách mạng 4.0 lúc này là rất đúng, rất cần thiết và vấn đề quan trọng cần đặt ra tiếp tới là quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh rất quan trọng.

Có rất nhiều vấn đề mới đặt ra từ làm sao để kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa đến kết nối số, dịch chuyển đa năng hay phát triển nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho cuộc cách mạng này.

Vấn đề kết cấu hạ tầng cũng đang đặt ra rất cấp thiết cho cách mạng 4.0. Cụ thể, có trường hợp sắp tới FPT cho ra thử nghiệm xe không người lái, nhưng không thể thử nghiệm ở Việt Nam vì kết nối mạng không ổn định.

Việt Nam muốn thu hút phát triển là về tài chính, vì cuộc chiến này gắn với sáng tạo, quỹ đầu tư, loại hình, nó ra sao để có môi trường thu hút FDI đến đây. Chúng ta quá hấp dẫn, nhưng để thu hút được FDI chúng ta còn cần phải cải thiện rất nhiều.

Mới đây nhất, có 2 vụ kiện liên quan tới FDI về tính pháp lý, một là vụ kiện Bitcoin đòi truy thu hàng chục tỷ đồng thuế, nhưng trong pháp luật Việt Nam lại không công nhận đồng tiền này; 2 là một số công ty phàn nàn về cấp phép. Vì thế, để áp dụng cách mạng 4.0 thì về khung khổ pháp lý với chúng ta còn cả một chặng đường dài.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ