Cần Thơ: Giải ngân vốn đầu tư công vẫn ì ạch, vì sao?

Nhàđầutư
Mặc dù địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt ngay từ đầu năm nhưng cho đến thời điểm này tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP. Cần Thơ vẫn thấp hơn mức bình quân của cả nước, vì sao?
AN HÒA
10, Tháng 07, 2022 | 14:58

Nhàđầutư
Mặc dù địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt ngay từ đầu năm nhưng cho đến thời điểm này tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP. Cần Thơ vẫn thấp hơn mức bình quân của cả nước, vì sao?

dau tu cong 3

Nhiều dự án đầu tư công  tại Cần Thơ do vướng mặt bằng nên tiến độ thực hiện rất chậm. Ảnh An Hòa

6 tháng chỉ giải ngân mới đạt hơn 22%

Báo cáo sơ kết công tác đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022 của UBND TP. Cần Thơ cho biết, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công 2022 được giao hơn 7.510 tỷ đồng (trong đó, ngân sách trung ương hơn 2.723 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 4.786 tỷ đồng). Đến thời điểm này UBND TP. Cần Thơ đã giao chi tiết hơn 7.500 tỷ đồng, số chưa phân bổ 8,5 tỷ đồng.

Cũng theo UBND TP. Cần Thơ, tính đến hết tháng 6, giá trị giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn chỉ mới đạt 1.632 tỷ đồng, bằng 22,35% kế hoạch vốn được giao. Đáng quan tâm là các nguồn vốn chiếm tỷ lệ lớn nhưng giải ngân đạt thấp là: nguồn Chính phủ vay về cho vay lại chỉ đạt 11,26%, vốn vay ngoài nước - ODA đạt 9,36%, nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu đạt 12,35%; 21 chủ đầu tư cấp thành phố chỉ giải ngân đạt tỷ lệ 16,34% (có 2 chủ đầu tư chưa giải ngân; 9 chủ đầu tư giải ngân dưới 30%), cấp quận, huyện giải ngân đạt tỷ lệ khá hơn 42,25%.

Đánh giá về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường thẳng thắn nhìn nhận, với kết quả giải ngân như trên cho thấy, mặc dù được sự quan tâm của Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố trong công tác kiểm tra, giám sát tiến, tổ chức phiên họp giải trình để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên, công tác này vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do các dự án mới với tỷ trọng vốn lớn đang trong quá trình lập dự án mời thầu, kiểm kê, áp giá, trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tạm ứng hợp đồng thi công còn chiếm tỷ trọng lớn so với khối lượng hoàn thành được nghiệm thu thanh toán; cùng với đó là tình trạng biến động giá vật tư, thiếu vật liệu xây dựng cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

Tại kỳ họp lần thứ 6, HĐND TP. Cần Thơ khóa X vừa diễn ra từ ngày 6-8/7, bà Nguyễn Phương Thủy, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP. Cần Thơ cũng cho biết, qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành công tác xây dựng cơ bản có 2/59 dự án vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán so với số dự án đã được phê duyệt quyết toán; 90 dự án đang trong giai đoạn thẩm tra, đề nghị UBND thành phố quan tâm chỉ đạo đối với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công trong việc tuân thủ và chấp hành các quy định pháp luật về quyết toán dự án hoàn thành.

Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ Phạm Văn Hiểu cũng yêu cầu UBND TP. Cần Thơ cần có giải pháp quyết liệt hơn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật liên quan, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân vốn đầu tư công; chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là đối với các công trình trọng điểm của thành phố, khắc phục điểm nghẽn và giải quyết những vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, trong đó cần có phương án phân bổ hợp lý, bảo đảm tính hiệu quả của vốn đầu tư và kịp thời điều chỉnh, điều chuyển vốn đầu tư công cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân, khắc phục tình trạng chuyển nguồn quá lớn, hoàn trả lại vốn đầu tư công và sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả; đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2022.

dau tu cong 4

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công do các quận, huyện trên địa bàn TP. Cần Thơ  là chủ đầu tư cao gần gấp đôi so với chủ đầu tư là các sở, ngành. An Hòa

Điểm nghẽn lớn nhất là thiếu mặt bằng để thi công

Theo báo cáo của UBND TP. Cần Thơ, năm 2022, có 66 công trình, dự án thực hiện thu hồi đất với diện tích cần thu hồi hơn 135ha (trong đó, diện tích đất trồng lúa là 44,21ha).

Tính đến cuối tháng 5, chỉ mới thực hiện thu hồi đất xong 6/66 dự án với diện tích chưa đến 5ha, chiếm tỷ lệ 2,31% so với tổng diện tích đăng ký thu hồi trong năm 2022; đang thực hiện thu hồi đất: 12 dự án với diện tích 30,58 ha; chưa thực hiện thu hồi 48 dự án với diện tích trên 100ha.

Tổng diện tích đất đã thực hiện thu hồi để phục vụ cho xây dựng các công trình dự án trong 6 tháng đầu năm chỉ khoảng 13ha, đạt chưa đến 10%  so với kế hoạch. Đáng quan tâm là một số dự án đã chuyển tiếp từ các năm trước sang nhưng vẫn chưa thực hiện thu hồi đất được, nhất là các dự án vốn ngoài ngân sách.

Theo phân tích của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ, nguyên nhân nhiều dự án chưa được triển khai là do thiếu quỹ nền để bố trí tái định cư; việc xác định giá đất cụ thể một số dự án còn chậm; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo thời gian; một số dự án không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng, cần phải điều chỉnh vị trí quy hoạch.

Tại kỳ họp lần thứ 6, HĐND TP. Cần Thơ khóa X, UBND TP. Cần Thơ cũng đã trình HĐND thành phố thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất năm 2022, gồm 6 dự án sử dụng vốn ngân sách, với tổng diện tích cần thu hồi đất là hơn 180ha (trong đó, có trên 117ha đất trồng lúa).

Như vậy, để đảm bảo đủ mặt bằng để thực hiện các dự án chuyển tiếp và dự án ghi vốn trong năm 2022 thì TP. Cần Thơ phải thu hồi trên 300ha đất, trong đó có một nửa là đất trồng lúa, đây là một nhiệm vụ khá nặng nề, điểm nghẽn lớn nhất trong thực hiện công tác xây dựng cơ bản trên địa bàn.

Để thực hiện công tác thu hồi đất phục vụ cho các dự án, TP. Cần Thơ đã triển khai xây dựng 11 khu tái định cư với tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng, với số nền dự kiến 3.834 nền.

Đáng chú ý là hiện tại chỉ mới có 2 khu tái định cư hoàn thành là khu tái định cư Ô Môn và Thốt Nốt, các khu còn lại đang trong quá trình thực hiện nhưng cũng đang gặp phải vướng mắc về khiếu nại đơn giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 6, tổng số vốn đầu tư công được giải ngân đạt trên 151.000 tỷ đồng, bằng đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đáng quan tâm là có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, trong đó có 25 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Đáng chú ý là có 4 cơ quan trung ương, gồm: Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Hội Nhà văn Việt Nam đến nay vẫn chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công được đồng nào.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ