Cần nhìn nhận đúng vai trò của ngành dầu khí

Nhàđầutư
Dù đang gặp nhiều khó khăn, song không thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của ngành dầu khí trong quá khứ, hiện nay và cả nhiều năm nữa trong tương lai. Vai trò đó không chỉ dừng lại ở an ninh năng lượng, mà còn là an ninh tài chính, là bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
XUÂN TIÊN
02, Tháng 09, 2019 | 07:36

Nhàđầutư
Dù đang gặp nhiều khó khăn, song không thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của ngành dầu khí trong quá khứ, hiện nay và cả nhiều năm nữa trong tương lai. Vai trò đó không chỉ dừng lại ở an ninh năng lượng, mà còn là an ninh tài chính, là bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Theo dự báo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), đến năm 2035, tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng gần gấp 2,5 lần so với năm 2015. Trong đó giai đoạn 2016-2025, tăng 5,1% và với 4,2%/năm trong giai đoạn 2026-2035.

Trước yêu cầu cấp thiết về bảo đảm cung cấp năng lượng, Bộ Chính trị ngày 23/7/2015 đã ban hành Nghị quyết 41 về định hướng phát triển ngành dầu khí đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Được sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước, đến nay ngành dầu khí đã khai thác được gần 400 triệu tấn dầu và 150 tỷ m3 khí, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện của cả nước, 55 triệu tấn sản phẩm xăng dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu cả nước).

Tính đến cuối năm 2018, tổng doanh thu của Tập đoàn Dầu khí đạt trên 374 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 105 tỷ USD. Dù là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, tuy nhiên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN ông Trần Sỹ Thanh cho hay hiện hành lang pháp lý cho ngành dầu khí vẫn còn nhiều bất cập.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 41, gần như chưa có nhiều giải pháp hiệu quả được triển khai. “Việc chưa có cơ chế tài chính khiến anh em chúng tôi luôn bên bờ vực sai phạm, khi các quyết định có thể đúng về thực tiễn song chưa có cơ chế cụ thể để thực hiện theo. Hiện không còn quỹ thăm dò nên PVN những năm qua đầu tư không đáng kể vào công tác tìm kiếm các mỏ mới, mà chủ yếu đang ăn vào “của để dành” từ những thế hệ trước. Thời xưa hút lên 1 tấn thì phải gia tăng trữ lượng 1,5-2tấn, nhưng hiện nay chỉ còn 0,3-0,4 tấn thôi”.

pvn-hoan-thanh-thang-loi-cac-chi-tieu-ke-hoach-nam-2018

Cần nhìn nhận đúng vai trò của ngành dầu khí

Về Luật Dầu khí, ông Thanh đưa ra so sánh: “Quy định trong Luật Dầu khí mới đây khắt khe như ra điều kiện gả con gái mười tám đôi mươi, tuy nhiên cần phải nhận thức được rằng cô gái PVN của chúng ta hiện như đã 38-40 rồi. Ví dụ một lô thăm dò khoảng 5.000 km2 biển dù không phải lúc nào cũng sử dụng và chỉ sử dụng một diện tích rất nhỏ tại một thời điểm, song vẫn chịu thuế tài nguyên nước 100 triệu đồng 1năm trên mỗi km2. Tính ra cả lô từ 10-15 triệu USD là quá sức chịu đựng cho không chỉ PVN mà với cả những nhà đầu tư nước ngoài”.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam dẫn dự báo của Tập đoàn BP, cho hay dầu khí vẫn chiếm 50% cơ cấu năng lượng sơ cấp trên thế giới đến năm 2035, với Việt Nam là 40%. Do vậy vai trò của PVN nói riêng và ngành dầu khí nói chung sẽ vẫn là đặc biệt quan trọng. “Tôi cảm giác các cơ quan truyền thông thông tin theo kiểu dầu khí cạn kiệt đến nơi và không còn dư địa phát triển. Tuy nhiên trên thực tế sau 30 năm tới nay chúng ta chỉ mới khai thác được 52% trữ lượng dầu và 16% trữ lượng khí đã phát hiện. Tức là phần dự trữ còn lại vẫn rất lớn, chưa kể đến trữ lượng phát hiện thêm trong tương lai”.

Về vai trò của PVN và ngành dầu khí, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển khẳng định ngành dầu khí không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn tác động lớn đến 2 cột trụ còn lại của an ninh kinh tế là an ninh lương thực và an ninh tài chính: “Vấn đề mấu chốt là phải sửa Luật Dầu khí, qua đó tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho ngành có nhiều rủi ro truyền thống và phi truyền thống này. Tôi cho rằng cần sửa đổi Luật Dầu khí theo hướng tạo động lực, không chỉ với PVN mà còn với các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi lấy ví dụ với kinh nghiệm làm việc trên môi trường biển, PVN có ưu thế về phát triển điện gió mà quả thực nếu PVN không làm thì không ai làm được. Tuy nhiên với cơ chế hiện nay lại bị cho là đầu tư ngoài ngành”.

Ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam khẳng định dầu khí vẫn là trụ cột của ngành năng lượng quốc gia. Mặc dù vừa qua có những sai phạm nhưng đó không đại diện cho nhiều thế hệ người dầu khí: “Năm 1997-1998 giá dầu tụt thê thảm, còn 8-9USD/ thùng, nhưng lúc đó ngân sách trống rỗng, anh Sáu Khải (cựu Thủ tướng Phan Văn Khải-PV) vẫn chỉ đạo ngành dầu khí tiếp tục khai thác để tạo nguồn thu cho nhà nước. Suốt chiều dài lịch sử hình thành, dầu khí không đơn thuần chỉ là một ngành năng lượng, mà còn là an ninh biển đảo, ngoại giao quốc tế. Đây còn là ngành mang tính dẫn dắt, có sức lan toả và tạo đầu vào cho ngành khác như phân đạm hay cơ khí”.

Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết quan điểm: “Phát triển năng lượng phải đi trước tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu ứng xử dự án năng lượng như các ngành khác thì là hỏng. Bên cạnh đó, đầu tư vào năng lượng không thể dừng lại, nếu không thì 5 năm sau chúng ta chẳng có gì cả”.

Ông Đặng Hoàng An khẳng định Bộ Công Thương trước nay vẫn “đồng hành và thấu hiểu được những khó khăn của ngành dầu khí”. Thứ trưởng cho biết Đảng, Chính phủ và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến ngành dầu khí: “Không phải ngành nào cũng có nhiều Nghị quyết chỉ đạo của Bộ Chính trị như dầu khí. Bất cập về chính sách thì ngành nào cũng có. Với dầu khí thì hành lang pháp lý đã tương đối đầy đủ, đương nhiên là sẽ cần sửa đổi, bổ sung thêm để phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Trong đó quan trọng nhất là phải thay đổi quan điểm, cần tách vai trò quản lý nhà nước ra, PVN phải là một doanh nghiệp đúng nghĩa. Ngoài ra, các luật về dầu khí, thuế, đất đai (liên quan thuế mặt nước - PV) cũng cần phải được xem xét sửa đổi”.

Về phương hướng phát triển của PVN, ông Đặng Hoàng An cho hay dù gặp một số thất bại thời gian qua khi đầu tư ra nước ngoài, song PVN vẫn phải tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thế giới. Thứ trưởng góp ý PVN phải tiếp tục tái cơ cấu quyết liệt, về ngành nghề,sở hữu, quản trị. “Phải xác định rõ chỗ nào giữ 100% vốn, chỗ nào liên doanh hay thuê ngoài. Ví dụ tìm kiếm thăm dò khai thác phải giữ vì còn liên quan đến chủ quyền biển đảo”. Ông bày tỏ tin tưởng với thế hệ mới của PVN: “Những khó khăn của ngành dầu khí, chúng ta đều có thể khắc phục được. Dầu khí đang trong giai đoạn khó khăn nhưng không có nghĩa là phủ nhận những đóng góp và vai trò của ngành dầu khí”.

Dù gặp nhiều khó khăn, song PVN trong 7 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả thuận lợi. Cụ thể, sản xuất đạm đạt 850,4 nghìn tấn, vượt 10% kế hoạch; sản xuất điện đạt 13,24 tỷ kWh, vượt 2,3% kế hoạch; tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 432,7 nghìn tỷ đồng, vượt 11,8% kế hoạch 7 tháng và bằng 70,7% kế hoạch cả năm. Nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn ước đạt 59,6 nghìn tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch 7 tháng và bằng 68,1% kế hoạch năm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ