Cần làm gì để không còn tình trạng nông sản ùn tắc ở cửa khẩu?

Nhàđầutư
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì, cùng bàn thảo với các cơ quan, hiệp hội, ngành hàng liên quan "để bắt đầu con đường chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch" cho nông sản Việt.
MẠNH QUÂN
05, Tháng 03, 2022 | 07:31

Nhàđầutư
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì, cùng bàn thảo với các cơ quan, hiệp hội, ngành hàng liên quan "để bắt đầu con đường chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch" cho nông sản Việt.

Tại tọa đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/3, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, đây là dịp cả Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và hiệp hội ngành hàng cùng ngồi lại để giải mã, đưa ra giải pháp và tiến độ theo yêu cầu Thủ tướng là chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Trước tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc, các đại biểu đều nhận định, Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero COVID" khiến việc kiểm tra chặt chẽ dịch bệnh theo chính sách này khiến việc thông quan chậm. Từ Trung ương đến địa phương đã liên tục có điện đàm với phía bạn để tháo gỡ. Kết quả, từ ngày 25/1 đến nay đã có 15.000 xe hàng được thông quan.

Để thúc đẩy việc thông quan hàng hóa, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết ngành đã tập trung nguồn nhân lực, tăng ca, tăng kíp và tăng giờ. Ngành cũng đã chỉ đạo phối hợp, hỗ trợ cùng với các ban, ngành tại địa phương, thường xuyên có trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc.

Việc thiết lập "vùng xanh" là giải pháp quan trọng làm hài hòa nhu cầu phòng, chống dịch cũng như các yêu cầu trong thông quan hàng hóa, đã hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người dân trong hoạt động xuất khẩu.

1botruongleminhhoan-16463871532122102427211

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thông tin tại tọa đàm, bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết đến sáng 4/3, tại Lạng Sơn, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe; trong đó có 800 xe chở nông sản. Lạng Sơn đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu của tỉnh đến thời điểm 15/3 tới. Tuy nhiên hàng ngày xe chở hàng vẫn lên Lạng Sơn bằng nhiều hình thức khác nhau.

Dự kiến từ 15/3-20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn.

"Lượng xe vẫn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ", bà Đoàn Thu Hà nhận định.

Để đảm bảo quy trình hoạt động thông quan, đặc biệt là hàng nông sản, các cơ quan chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn đã thực hiện các phương thức giao nhận hàng hóa chưa có tiền lệ, đó là phương thức hạn chế tiếp xúc. Tuy nhiên, năng lực thông quan chưa được cải thiện trong khi hàng hóa vẫn tiếp tục lên cửa khẩu, tình trạng ùn tắc sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Nhận định tại tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng ùn tắc nông sản là do cách làm kinh tế nông nghiệp của chúng ta vẫn "mù mờ". "Mù mờ" cả phía cung và cầu, chưa đi vào quỹ đạo của kinh tế thị trường. Tư duy sản xuất nông nghiệp mới chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế, tìm kiếm thị trường, vênh nhau giữa sản xuất và thị trường. Do đó, cần có giải pháp căn cơ, từ gốc, làm chủ được câu chuyện thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro…

"Chúng ta cũng phải tính đến một ngày nào đó tại thị trường trong nước, người tiêu dùng trong nước cũng không còn dễ tính nữa. Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải thay đổi rất nhiều", Bộ trưởng nói.

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang "dễ dãi với chính mình"

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất thờ ơ. Bản thân doanh nghiệp phải năng động, tìm kiếm những thông tin thị trường; trong đó có quy định về từng loại thị trường.

Theo Bộ trưởng, Trung Quốc đã chuyển từ thị trường dễ tính sang khó tính từ lâu. Họ đã thông báo cho mình, chứ không phải đột ngột. Doanh nghiệp là người dẫn dắt nông dân sản xuất, bởi doanh nghiệp mua như thế nào thì người dân sản xuất như thế đó.

Bên cạnh đó, nhà nước không thể điều chỉnh nông dân sản xuất gì. Đây là vai trò của hiệp hội, ngành hàng. Các hiệp hội, ngành hàng thông qua các thành viên của mình để dẫn dắt quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cơ cấu lại thị trường.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các hiệp hội, ngành hàng sẽ giúp cho Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại thị trường nông sản. Đây là giải pháp căn cơ và phải chấp nhận làm lại gần như là từ đầu về một hệ sinh thái, một chuỗi ngành hàng nông sản.

"Vai trò của hiệp hội ngành hàng vô cùng quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Hiệp hội, ngành hàng thông qua các thành viên của mình sẽ dẫn dắt nông dân trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cơ cấu lại thị trường", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tìm lời giải cho bài toán xuất khẩu nông sản

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, cho biết, trong tuần sau, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì, cùng bàn thảo với các cơ quan, hiệp hội, ngành hàng liên quan "để bắt đầu con đường chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch" cho nông sản Việt.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng, chúng ta sẽ phải tách bạch rõ các công việc trong công tác xuất khẩu nông sản. Việc nào Bộ, ngành Trung ương làm, việc nào địa phương làm, việc nào Hiệp hội ngành nghề làm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải có cơ chế để hỗ trợ thêm trong quá trình "một bên đang giằng xé, một bên vẫn còn lợi ích xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch hay đường biên lối mở với những khó khăn đối với xuất khẩu chính ngạch".

Theo Bộ trưởng, để chuyển con đường xuất khẩu nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics.

Đồng thời, cần tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh ngành hàng, để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa từng loại thị trường như thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thị trường trong nước.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin, sắp tới Bộ NN&PTNT dự thảo đề án về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan ngoại giao và thương vụ Việt Nam bên Trung Quốc. Bộ NN&PTNT sẽ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các Hiệp hội ngành hàng. Đồng thời, Bộ NN&TPNT cũng xây dựng Đề án riêng cho thị trường EU.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc cần làm là liên minh để xuất khẩu vì EU là thị trường tiềm năng rất lớn với 27 quốc gia. Chúng ta phải đi riêng từng nhóm thị trường. Từng nhóm thị trường đó phải củng cố Liên minh hiệp hội xuất khẩu từng thị trường để chia sẻ thông tin.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ