[CAFÉ Cuối tuần] Tư nhân đầu tư giáo dục: Chuyện tiền bạc 'nhạy cảm' sau sự nghiệp ‘trồng người’?

Nhàđầutư
Với sự tham gia của các tập đoàn kinh tế tư nhân có nguồn lực, diện mạo giáo dục trong nước đang được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn. Tuy nhiên, hài hoà giữa chuyện tiền bạc và sự nghiệp trồng người vẫn là một nỗi lo canh cánh.
HỒ MAI
19, Tháng 11, 2017 | 18:08

Nhàđầutư
Với sự tham gia của các tập đoàn kinh tế tư nhân có nguồn lực, diện mạo giáo dục trong nước đang được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn. Tuy nhiên, hài hoà giữa chuyện tiền bạc và sự nghiệp trồng người vẫn là một nỗi lo canh cánh.

Từ Harvard: Giáo dục "phi lợi nhuận" nhưng "siêu lợi nhuận"

Trên thế giới hiện nay ngoài hệ thống các trường công lập do chính phủ lập ra, còn có những trường do tư nhân đầu tư và hoạt động theo hai mô hình chính là lợi nhuận và phi lợi nhuận.

Các trường đại học theo mô hình lợi nhuận hoạt động giống như một công ty, kiếm tiền cho các nhà đầu tư, cổ đông, trong khi những trường theo mô hình phi lợi nhuận mục tiêu hướng đến là chất lượng giáo dục của sinh viên, giúp họ hoàn thành việc học và thành công trong sự nghiệp.

Tuy vậy, không có nghĩa là những trường phi lợi nhuận không kinh doanh, kiếm tiền mà ngược lại khi có lợi nhuận sẽ dành tái đầu tư cho nghiên cứu, giáo dục, cơ sở vật chất thay vì ưu tiên phân phối cho cổ đông như mô hình lợi nhuận.

Đại học Harvard của Mỹ là một ví dụ điển hình về mô hình đại học phi lợi nhuận nhưng vẫn đạt "siêu lợi nhuận". Harvard không chỉ nổi tiếng vì hệ thống giáo dục hàng đầu với một đội ngũ giảng viên uy tín và thế hệ sinh viên ưu tú, là nơi "sản sinh" nhiều tỷ phú nhất thế giới mà đây còn là ngôi trường giàu có với doanh thu còn lớn hơn GDP của nhiều quốc gia.

harvard 13

Harvard là trường đại học giàu có nhất nước Mỹ. 

Theo báo cáo tài chính năm 2015, tổng doanh thu hoạt động của trường trong năm tài chính 2015 tăng 3% lên mức 4,5 tỷ USD. 

Thống kê của Forbes cho thấy, giá trị tài sản ròng của Harvard lên tới 44,6 tỷ USD tính đến ngày 30/6/2016, khiến ngôi trường này trở thành trường đại học giàu có nhất nước Mỹ.

Trong năm tài chính 2016, tổng doanh thu hoạt động của Harvard lên tới 4,78 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm trước.

Bản thân Harvard còn có những khoản đầu tư bên ngoài như tại General Investment Account hoặc thông qua công ty Harvard Management Company.

Những trường đại học danh tiếng như Yale, Stanford cũng hoạt động tương tự. Để không vì doanh thu sụt giảm ảnh hưởng tới sinh viên, giảng viên cũng như chất lượng giáo dục, nghiên cứu, những trường này ngoài mục tiêu giáo dục đều có những chiến lược kinh doanh, đầu tư để đảm bảo ổn định cho tổng nguồn thu.

Nhờ vậy, Harvard và một số trường học hoạt động phi lợi nhuận trở nên vô cùng giàu có, thậm chí đạt mức lợi nhuận đáng mơ ước, trong khi chất lượng giáo dục vẫn ở vị thế hàng đầu thế giới.

Đến thị trường giáo dục Việt Nam

Sự góp mặt của loại hình trường đại học, cao đẳng ngoài công lập vào bức tranh giáo dục đại học đã tạo nên diện mạo mới cho giáo dục Việt Nam. Tuy vậy, con đường của các trường đại học ngoài công lập không hề dễ đi.

Chỉ tiêu 40% sinh viên theo học ở các đại học tư thục vào năm 2020 đang bị thách thức và khó trở thành hiện thực. Nhiều trường đại học ngoài công lập đang trong tình trạng “sống dở, chết dở”, đứng trước nguy cơ phải giải thể vì không có người học. 

Các trường đại học ngoài công lập đã ít nhiều định hình được thương hiệu như Đại học Dân lập Hải Phòng, Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Đại học Hoa Sen, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Đông Đô... cũng rơi vào tình trạng “mỏi mắt” đợi thí sinh.

Đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ yêu cầu các trường phải thực hiện kiểm định, nhiều trường đại học xét thấy không trụ nổi và chính các trường cũng mong muốn tự khai tử một cách tự nhiên không kéo dài thời kỳ lâm sàng.

Trong khi đó, mô hình giáo phi lợi nhuận tại Việt Nam đã manh nha trong vài năm trở lại đây nhưng vẫn chưa mấy thành công, hoặc đối mặt với những thách thức và sự tranh cãi về tính chất “phi lợi nhuận” mà nhà đầu tư cam kết.

Theo quy định pháp luật, các tổ chức/doanh nghiệp phi lợi nhuận chỉ cần sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm tái đầu tư thực hiện các mục tiêu xã hội đã đăng ký, phần còn lại có thể vẫn được chia về cho chủ sở hữu/cổ đông.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, chính việc không cần sử dụng cả 100% lợi nhuận tạo ra để tái đầu tư như trên đã góp phần tạo ra mâu thuẫn trong cách vận hành của mô hình phi lợi nhuận cũng như ảnh hưởng phần nào tới niềm tin của xã hội vào các tổ chức/doanh nghiệp phi lợi nhuận.

Một ví dụ có thể thấy là đối với trường Đại học Hoa Sen, mặc dù tuyên bố là trường phi lợi nhuận nhưng không sử dụng 100% lợi nhuận kiếm được để tái đầu tư mà hàng năm vẫn chia cổ tức cho cổ đông. Và khi cổ đông thấy rằng đây là lĩnh vực có thể kiếm lời thì chính họ có thể bắt đầu đòi hỏi một lợi ích cao hơn khiến chi phối đến chuyên môn, bởi họ nắm quyền quản lý tài chính và đưa lợi nhuận lên trên những giá trị giáo dục.

Thị trường giáo dục đại học Việt Nam hiện tại có trường Fulbright Việt Nam (FUV) là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận của Mỹ, được tài trợ bằng một quỹ đầu tư phi lợi nhuận.

Fulbright Việt Nam được kỳ vọng là sẽ có được sự "tự trị đại học" cũng như tạo ra những đột phá trong giáo dục đại học ở Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của Đại học Fulbright dự kiến khoảng 70 triệu USD.

vinschool

Vinschool cam kết dành 100% lợi nhuận cho việc tái đầu tư

Năm 2016, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tuyên bố phi lợi nhuận hóa hệ thống giáo dục Vinschool, cam kết dành 100% lợi nhuận cho việc tái đầu tư. Cụ thể là đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, trao học bổng, tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế... 

Thực tế đã cho thấy, đầu tư vào giáo dục nếu làm tốt cũng sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn. Báo cáo tài chính quý IV/2016 của Tập đoàn Vingroup cho thấy, chỉ sau ba năm đi vào hoạt động, hệ thống giáo dục Vinschool đã vượt qua cả FPT Education về mặt doanh thu.

Trong năm 2016, doanh thu của Vinschool đạt 717 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế là 111 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận này đã tăng 26% so với năm 2015. Trong khi đó, doanh thu của FPT Education năm 2015 đạt hơn 500 tỷ đồng.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu cung cấp dịch vụ giáo dục và các dịch vụ liên quan của Vingroup đã đạt 404 tỷ đồng, tăng trưởng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016. Biên lợi nhuận gộp của mảng này luôn đạt mức khá cao. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỷ suất biên lợi nhuận mảng giáo dục đạt hơn 21,1%. Năm 2015, tỷ suất biên lợi nhuận mảng này đạt đến 31,6%.

Mới đây, theo thông báo từ Vingroup, từ học kỳ 2 năm học 2017-2018, hệ thống giáo dục Vinschool sẽ chuyển từ "phi lợi nhuận" sang hoạt động "không lợi nhuận". Vinschool cũng khẳng định việc tăng học phí để nâng cấp chất lượng giáo dục và dịch vụ, trong đó phần lớn tập trung cho việc tăng đầu tư cho chất lượng giáo viên. 

Với cam kết dùng 100% lợi nhuận hoạt động mảng giáo dục cho việc tái đầu tư của Vingroup, nếu thành công, tất nhiên thành tựu nhận về đương nhiên không hề nhỏ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vingroup cũng chia sẻ, giáo dục chưa bao giờ được đặt lên bàn kinh doanh của tập đoàn, mà đặt ra sự thay đổi, nâng lên một tầm cao mới sự nghiệp "trồng người". Vinschool mong muốn có chất lượng giáo dục vượt trội hẳn lên so với hiện tại.

Trong khi đó, khi nói về dự án giáo dục TH School, Tập đoàn TH cũng như người đứng đầu là bà Thái Hương cũng không đề cập đến câu chuyện lợi nhuận, thay vào đó lại đề cập tới sự phát triển và tương lai của trẻ em Việt Nam.

Với một doanh nghiệp, đầu tư vào bất cứ lĩnh vực gì thì nhu cầu của thị trường và lợi nhuận cũng là một yếu tố quan trọng. Đã kinh doanh, vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận đều là “mục tiêu cao cả”. Vấn đề là cách làm, cách thực thi và kết quả. Giáo dục Việt Nam chờ đợi bước đột phá mới từ các doanh nhân. Ngày hiến chương nhà giáo 20/11 bây giờ có thể không còn chỉ là ngày dành riêng cho các cô thầy, mà còn có ý nghĩa với cả những nhà đầu tư tâm huyết với giáo dục.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ