Các khu kinh tế Quảng Nam và Quảng Ngãi chưa liên kết tốt với nhau?

Nhàđầutư
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, việc liên kết giữa Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất nói riêng cũng như sự liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế miền Trung nói chung đến nay vẫn còn nhiều hạn chế.
THÀNH VÂN
30, Tháng 08, 2022 | 06:08

Nhàđầutư
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, việc liên kết giữa Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất nói riêng cũng như sự liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế miền Trung nói chung đến nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Kết nối giao thông, sử dụng nguồn nhân lực

Trên cơ sở thuận lợi, tiềm năng của mỗi địa phương, thời gian qua việc liên kết giữa Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) – Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) được thực hiện trên nhiều mặt.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đối với giao thông đường bộ có thể nói đây là hoạt động liên kết rất quan trọng phục vụ nhu cầu các nhà đầu tư trong hai khu kinh tế nhằm tạo thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu.

Việc liên kết được cụ thể qua việc hoàn thiện các tuyến giao thông đường bộ như cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, tuyến đường ven biển Võ Chí Công. Thời gian qua, hoạt động vận chuyển hàng hóa được thực hiện chủ yếu qua tuyến đường cao tốc Đà Nẵng -  Quảng Ngãi. Có thể nói đây là tuyến giao thông huyết mạch của vùng ven biển, kết nối liên vùng giữa Đà Nẵng, Quảng Nam và khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.

Đối với giao thông đường biển, một điểm chung của KKTM Chu Lai và KKT Dung Quất là đều có cảng biển. Đối với hệ thống các bến cảng, cảng Chu Lai định hướng đón tàu 5 vạn tấn chủ yếu tập trung cho vận chuyển hàng hóa của Thaco như hàng thiết bị, linh kiện ô tô đến và hàng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đi và cảng Kỳ Hà tập trung phục vụ dự án khí điện. Cảng nước sâu Dung Quất cũng là giải pháp trong trường hợp cần thiết. 

IMG_7033

Tuyến đường ven biển Võ Chí Công. Ảnh: Thành Vân.

Đối với giao thông đường hàng không, một thuận lợi của KKTM Chu Lai so với KKT Dung Quất là có sân bay Chu Lai. Với vị trí nằm giáp ranh tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, sân bay Chu Lai được khai thác phục vụ việc đi lại của nhân dân địa phương 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và các nhà đầu tư đến làm việc tại KKT Dung Quất và KKTM Chu Lai.

Trong thời gian đến, sân bay Chu Lai sẽ được đầu tư nâng cấp theo nguồn xã hội hóa để đúng với tiềm năng là 1 trong 2 sân bay có quy mô lớn nhất Việt Nam, trở thành sân bay trung chuyển hàng hóa và vận chuyển hành khách đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc đầu tư nâng cấp này cũng xuất phát từ sự gia tăng nhu cầu phát triển của KKTM Chu Lai và KKT Dung Quất trong thời gian đến.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, ngoài kết nối giao thông, 2 địa phương liên kết về sử dụng nguồn nhân lực. Hiện nay người lao động của KKTM Chu Lai, đặc biệt là tại các khu công nghiệp thuộc huyện Núi Thành có lực lượng lớn là người Quảng Ngãi, kể cả lao động phổ thông và lao động đã qua đào tạo.

Do thuận lợi về điều kiện đi lại, nên nhiều người lao động Quảng Ngãi đã làm việc lâu dài tại KKTM Chu Lai cũng như ngược lại. Việc giao thoa này vừa tạo công việc làm ổn định cho người lao động, vừa là nguồn cung ứng lao động kịp thời cho các doanh nghiệp/dự án ở 2 KKT khi đi vào hoạt động.

Ngoài ra, liên kết trong công tác xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp, KKT đó là hoạt động liên kết thông qua việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư vào Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung. Bên cạnh đó là cơ chế trao đổi thông tin trong việc kêu gọi các nhà đầu tư của 2 địa phương.

Anh-2-Khu-kinh-te-Dung-Quat

Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Thành Vân.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, việc liên kết giữa KKTM Chu Lai, KKT Dung Quất nói riêng cũng như sự liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế miền Trung nói chung đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. So với 2 đầu đất nước thì Vùng kinh tế miền Trung vẫn có tốc độ phát triển chậm hơn. Cơ chế phối hợp trong liên kết vẫn chưa được cụ thể, mang tính chung chung, chưa thực sự hiệu quả.

"Qua thực tiễn hoạt động thì nhận thấy khó khăn lớn nhất hiện nay việc liên kết giữa 2 địa phương chính là sự hạn chế về hạ tầng kỹ thuật – xã hội. Mặc dù có đầy đủ các hạ tầng kỹ thuật trọng yếu để phục vụ các nhà đầu tư. Tuy nhiên hiện nay chất lượng các hạ tầng này của cả 2 địa phương đều còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu của nhiều nhà đầu tư lớn. Các hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu sống, vui chơi giải trí vẫn còn ít, quy mô nhỏ so vo với nhiều địa phương khác", ông Bửu nói.

Ông Bửu cho biết, để nâng cao hiệu quả của việc liên kết vùng, tận dụng các thế mạnh của nhau, trong thời gian tới, Quảng Nam thực hiện đồng thời các giải pháp. Trong đó, liên kết trong xây dựng quy hoạch vùng: công tác quy hoạch các tỉnh giai đoạn 2021-2030 đang được các địa phương triển khai.

"Với những lợi thế về cảng biển, sân bay và nguồn chân hàng của Thaco sẽ thuận lợi cho việc hình thành trung tâm logistic của khu vực tại Chu Lai. Quảng Nam xác định việc xây dựng quy hoạch tỉnh không chỉ chú trọng đến khai thác thế mạnh của địa phương mà còn hướng tới tạo sự liên kết với các địa phương lân cận trong đó có Quảng Ngãi. Trước hết là việc quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên vùng để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa của các nhà đầu tư thuộc các KKT, KCN của 2 địa phương", ông Bửu thông tin. 

quang-ngai-11

Tuyến đường nối KKT Dung Quất - KKT mở Chu Lai bị hư hỏng nặng. Ảnh: Thành Vân.

Ông Bửu thông tin thêm, trong công tác thu hút đầu tư, 2 địa phương sẽ tiếp tục phối hợp cùng chia sẻ thông tin, nghiên cứu xây dựng các chính sách, cơ chế đặc thù trong công tác thu hút đầu tư theo hướng mỗi KKT sẽ có dự án động lực khác nhau nhưng mang tính chất hỗ trợ, liên kết lẫn nhau, tạo chuỗi giá trị sản phẩm…

Trong khi đó, về phía Quảng Ngãi, tỉnh này đã có các quyết định đầu tư, nâng cấp nhiều dự án giao thông kết nối với Quảng Nam. Trong đó, tỉnh này sẽ đầu tư dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi dài hơn 28km, có tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án này từ 2022 - 2027.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, mục tiêu đầu tư dự án trên nhằm góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh theo quy hoạch được duyệt. Đặc biệt, hình thành trục dọc giao thông quan trọng của tỉnh kết nối nhanh, thuận lợi từ sân bay Chu Lai, KKT Dung Quất đến TP. Quảng Ngãi và các địa phương phía nam trong tương lai. 

Được biết, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí nguồn vốn để sớm đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối trong vùng như trục đường ven biển; đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông; nâng cao năng lực khai thác đường sắt Bắc – Nam; phát triển hệ thống cảng container và trung tâm logistic; nâng cấp một số tuyến đường kết nối sân bay Chu Lai.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ